Chu Sơn
Hòa thượng Thích Đôn Hậu (1905-1992)
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6
2/ Các hòa thượng Thích Đôn Hậu, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ cùng hàng vạn tăng ni phật tử tham gia cuộc đấu tranh kêu đòi phục hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, kêu đòi Tự do, Dân chủ, Nhân quyền.
Để hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh này, tôi xin tóm lược tiểu truyện của ba vị hòa thượng theo các tài liệu: Thích Đôn Hậu (Bách khoa toàn thư mở Wikpedia), Tiểu sử và Công hạnh của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN (gdptvietnam.org), Sơ lược Tiểu sử Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN (1928- 22), Chặng Đường Dài Đấu Tranh Của GHPGVNTN (từ năm 1975 đến nay).
Các tiểu truyện này, tôi tập trung vào những hành động đấu tranh và những khổ nạn mà ba vị đã nếm trải trong chế độ Cộng sản. Những thành tựu tôn giáo và văn hóa to lớn rất đáng trân trọng, không là nội dung trong bài viết nhỏ này.
Hòa thượng Thích Đôn Hậu: Sinh năm 1905 tại làng Xuân An, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, tên khai sinh là Diệp Trương Thuần, con ông Diệp Văn Kỷ và bà Nguyễn Thị Cựu.
Ông Diệp Văn Kỷ là một thầy thuốc nổi tiếng, sử dụng thành thạo Hán Nôm và hâm mộ đạo Phật. Bà Nguyễn Thị Cựu mất sớm khi con trai Diệp Trương Thuần mới 9 tuổi. Vợ chết, ông Diệp Văn Kỷ xây chùa, học Phật, tu tập, về sau xuất gia làm trụ trì chùa Long An, rồi chùa Tịnh Quang ở Quảng Trị.
Ông mời thầy dạy chữ Nho cho con trai trong vòng 10 năm với hy vọng cậu sẽ thành đạt trên con đường Phật pháp. Diệp Trương Thuần khỏe mạnh, to cao, có ngoại hình tuấn tú, chẳng những không trở ngại gì, mà còn hoan hỉ trước đường hướng xuất gia do cha gợi mở.
Năm 1924, khi 19 tuổi, Diệp Trương Thuần vào chùa Tây Thiên, Huế, xin xuất gia với tổ sư Tâm Tịnh. Là một tăng sĩ có học vấn cao, Phật pháp và lao tác chuyên cần, phẩm hạnh tốt, giới luật nghiêm túc, Thích Đôn Hậu nhanh chóng gây được niềm tin và sự yêu quý của sư tổ và tăng thân. Chỉ một năm sau ngày xuất gia, 1925, ông đã được thụ đại giới Cụ Túc tại giới đàn Từ Hiếu do Bổn sư làm đàn chủ.
Theo sách Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX – Tập I, do Thích Đồng Bổn chủ biên, sau khi Bổn sư viên tịch, ông tới học Phật với sư huynh Giác Tiên ở chùa Hồng Khê. Theo Nguyễn Lang (trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận), thiền sư Đôn Hậu còn học Phật với các đại sư Huệ Pháp, Viên Thành, Hồng Khê và Phước Huệ. Ông bắt đầu và hoàn tất chương trình tiểu học và đại học tại chùa Thập Tháp (1 năm ở Bình Định) và tại chùa Tây Thiên (Huế, những năm còn lại (1927- 1936).
Từ 1932, ông đã được mời làm giảng sư hội An Nam Phật Học. Năm 1836, ông được mời làm giáo sư cho Phật học đường và luật sư cho Sơn Môn Thừa Thiên. Năm 1945, ông được ủy nhiệm trụ trì chùa Linh Mụ và làm hội trưởng Hội An Nam Phật Học. Năm 1946, ông làm chủ tịch Phật Giáo Liên Hiệp Trung Bộ (Phật giáo cứu quốc – Chu Sơn).
Đến năm 1947, ông bị quân đội Pháp bắt giữ và tra tấn trong nhiều tuần lễ, nếu không nhờ bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại can thiệp, thì ông đã bị quân Pháp đưa ra xử bắn.
Năm 1951, Sơn Môn Tăng Già Trung Phần mời ông giữ chức giám luật. Năm 1952, khi Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc được thành lập tại Hà Nội, ông cũng được mời giữ trách vụ giám luật.
Ông làm chủ nhiệm tạp chí Liên Hoa từ 1959 đến 1966. Năm 1963, ông bị chính phủ Ngô Đình Diệm giam giữ vì tham gia tích cực vào phong trào chống chính sách kỳ thị tôn giáo của chính phủ này.
Năm 1964, ông nhận chức Chánh Đại Diện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại miền Van Hạnh. Năm 1975, ông được thỉnh vào Hội Đông Trưởng Lão của Giáo Hội và làm Chánh Thư Ký cho viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. (Nguyễn Lang, VNPGSL trang 972-973).
***
Đoạn tiểu truyện trên đây, Nguyễn Lang (thiền sư Thích Nhất Hạnh – Chu Sơn) viết với hình thức biên niên, nên độc giả dễ dàng nhận ra rằng, tác giả cố tình không nhắc đến một giai đoạn rất quan trọng trong đời của hòa thượng Thích Đôn Hậu – giai đoạn ông công khai đứng về phía Cộng sản Miền Bắc chống Mỹ và VNCH.
Trong khi đó, Sách Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX – Tập I, Thích Đồng Bổn chủ biên, viết rõ về Thích Đôn Hậu giai đoạn này như sau:
“Từ năm 1968, Ngài được mời tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Ngài vào chiến khu, ra Hà Nội. Từ đây, Ngài càng đẩy mạnh sự nghiệp lợi Đạo ích Đời.
– Tháng I/1968: Phó Chủ tịch Liên minh các lực lượng Dân chủ và Hòa Bình Việt Nam. Tháng 6/1968: Ủy viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.
– Năm 1970, đi tham quan văn hóa, tôn giáo ở Liên Xô và Trung Quốc. Năm 1971, đi dự Đại hội thành lập tổ chức Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình ở Mông Cổ và được cử làm Ủy viên thường trực Ban Chấp hành Hội Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình” (nguyên văn).
Những thông tin trích dẫn trên đây là sự thật lịch sử. Có điều cái sự thật lịch sử đó lại được bình luận theo sách lược tuyên truyền của tất cả các loa Cộng sản, rằng là hòa thượng Thích Đôn Hậu đã hành động “lợi Đạo ích Đời” trong giai đoạn ông đi về phía đảng Cộng sản.
Xin mở ngoặc đơn để nêu một câu hỏi đặt ra cho nhóm chủ biên Thích Đồng Bổn là “Đạo” nào và “Đời” nào ở đây? Phải chăng “Đạo” là Đạọ Cộng sản, là ý thức hệ Mác – Lênin và “Đời” là đất nước và xã hội tại những lãnh thổ do các đảng Cộng sản Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc… cai trị toàn diện và tuyệt đối?
Theo tôi (Chu Sơn), “Đạo” và “Đời” ấy nhất thiết không phải là đạo và đời của nhân dân Việt Nam, bao gồm các cộng đồng Phật tử, giáo dân Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo và cả những người vô thần không Cộng sản… Bởi vì đảng Cộng sản từ khi mới thành lập (1930), cho đến thời điểm “định hướng XHCN” này (2021), vẫn chủ trương duy vật, vô thần, vô đạo (vô tôn giáo).
Đề nghị độc giả đọc lại từ đầu bài viết này để cùng tôi thấu rõ nhóm từ cực kỳ lưu manh gian trá của đảng Cộng sản: “Lợi Đạo ích Đời”.
***
Trở lại câu chuyện tác giả Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh) “cố tình không nhắc đến” một đoạn đời rất quan trọng của hòa thượng Thích Đôn Hậu, tôi nêu ra ở trên.
Trong sách VNPGSL, Nguyễn Lang dành nguyên một chương (chương XXXVI) để viết về THẾ ĐỨNG VÀ CON ĐƯỜNG của Phật giáo Việt Nam từ sau 1954 ở Miền Nam. Thế Đứng và Con Đường đó là ĐỘC LẬP, TRUNG LẬP trong cuộc chiến tranh giữa hai thế giới Tư bản – Cộng sản và hai quốc gia “Miền Nam”, “Miền Bắc” trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Nguyễn Lang, sự chọn lựa Thế Đứng và Con Đường ấy thể hiện đúng đắn bản chất Trung Đạo của Phật pháp. Bất cứ ai đi lệch Thế Đứng và Con Đường ấy không còn là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (khối Ấn Quang) nữa.
Điều này Nguyễn Lang không nói ra, cũng như trong tiểu mục “Thiền sư Đôn Hậu”, ông cố tình không nhắc tới chuyện hòa thượng Thích Đôn Hậu từ năm 1968, công khai đứng về phía VNDCCH và thế giới Cộng sản, nhằm đẩy mạnh cuộc chiến tranh chống Mỹ và VNCH dưới chiêu bài Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ và Hòa Bình.
Đây là vấn đề tế nhị. Đương nhiên, Thiền sư Đôn Hậu không biết gì và cũng không có trách nhiệm trực tiếp về cuộc tắm máu Tết Mậu Thân tại Huế – nơi ông vừa tạm xa để đón quân Giải phóng về. Và năm 1972, ông cũng không biết gì về đạn pháo của “quân ta” đã làm nên “Đại Lộ Kinh Hoàng” trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” với hàng ngàn thân xác dân Quảng Trị và bắc Thừa Thiên, đa phần là những người già, phụ nữ, trẻ em tung tóe máu xương da thịt trên đường chạy về phía nam lánh nạn.
Tuy nhiên, không chỉ những người chống Phật giáo, mà những phật tử trung thực, kể cả thiền sư Đôn Hậu, sau năm 1975, về lại Huế, đã ăn năn, sám hối vì đã “bất trí” (từ của hòa thượng Thích Trí Thủ) tin những lời đường mật của Cộng sản: Dân Tộc, Dân Chủ, Hòa Bình.
Tôi có căn cớ để chứng minh khẳng định của mình: Hòa thượng Thích Đôn Hậu đã dành trọn những năm cuối cuộc đời tu hành, cho đến hơi thở cuối cùng, để làm người bất phục, làm “tên phản động mới”, kêu đòi Tư Do, Dân Chủ, Nhân Quyền trong chế độ Cộng sản toàn trị. Đây là hành động sám hối cụ thể rất đáng trân trọng và ca ngợi.
Theo tài liệu Chặng Đường Dài Đấu Tranh Của GHPGVNTN của Pan V.Anh, tôi ghi chép các sự kiện:
– Năm 1978, thời điểm phát triển đến đỉnh điểm tình trạng khủng bố đàn áp của chính quyền Cộng sản đối với giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hòa thượng Thích Đôn Hậu, với tư cách cá nhân, tuyên bố từ nhiệm chức danh đại biểu Quốc hội và thành viên chủ tịch đoàn UB Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (ông được bầu trước đó, năm 1976). Cùng thời điểm này, với tư cách chánh thư ký Viện Tăng Thống GHPGVNTN, ông gởi kháng thư đến nhà cầm quyền Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, phản đối việc bắt bớ giam cầm trái phép các chức sắc cao cấp của Giáo Hội, tố cáo việc sát hại Thiền sư Thích Thiện Minh, đòi trả tự do cho các Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thích Tuệ Sỹ…
– Năm 1980, trong buổi họp do Nguyễn Văn Linh, bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tại cơ quan Mặt trận Tổ quốc thành phố, hòa thượng Thích Đôn Hậu với tư cách chánh thư ký thường trực Viện Tăng Thống GHPGVNTN, phản đối ý đồ công cụ hóa giáo hội trong việc thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo của đảng Cộng sản.
– Năm 1981, nhà nước Cộng sản tổ chức đại hội thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN), hòa thượng Thích Đôn Hậu không tham dự. Nhưng sau đó tên ông được công bố là thành viên cao cấp của GHPGVN với chức danh đệ nhất phó pháp chủ kiêm giám luật. Bằng một văn thư ông phản đối việc làm không chính đáng của đảng Cộng sản và từ chối bất cứ chức danh nào trong giáo hội do nhà nước sắp đặt. Ông khẳng định GHPGVNTN vẫn tồn tại hợp pháp, và ông với tư cách chánh thư ký thường trực Viện Tăng Thống có trách nhiệm đấu tranh bảo vệ nó.
– Năm 1982, hòa thượng Thích Đôn Hậu, chánh thư ký thường trực Viện Tăng Thống GHPGVNTN, gởi văn thư đến GHPGVN phản đối việc Thành Hội GHPGVN chiếm trụ sở trung ương Hội đồng Lưỡng viện GHPGVNTN tại chùa Ấn Quang.
– Năm 1984, hòa thượng Thích Đôn Hậu, chánh thư ký thường trực Viện Tăng Thống GHPGVNTN, gởi văn thư phản đối đảng Cộng sản đã bắt bớ, giam cầm các tăng ni Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu, Thích nữ Trí Hải, Thích Nguyên Giác…
– Năm 1985, hòa thượng Thích Đôn Hậu, chánh thư ký thường trực Viện Tăng Thống GHPGVNTN, gửi văn thư đến bộ trưởng công an Mai Chí Thọ, yêu cầu trả tự do cho các tăng sỹ Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sỹ, Thích Nguyên Giác…
– Năm 1991, hòa thượng Thích Đôn Hậu, chánh thư ký thường trực Viện Tăng Thống GHPGVNTN, gởi thông điệp đến các tổ chức Phật giáo cùng phật tử ở nước ngoài, đề nghị thành lập một giáo hội hợp nhất lấy tên là GHPGVNTN Hải ngoại, phối hợp hành động cùng GHPGVNTN trong nước, đấu tranh bảo vệ sự tồn tại và phát triển Giáo Hội, đấu tranh cho Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền. Phật tử và các tổ chức Phật giáo hải ngoại nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của hòa thượng.
– Ngày 15.11.1991, hòa thượng Thích Đôn Hậu, chánh thư ký thường trực Viện Tăng Thống, gởi Di thư đến phật tử và các cấp GHPGVNTN trong và ngoài nước lời kêu gọi cuối cùng: Trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải bảo vệ chánh pháp, bảo vệ và phát triển Giáo Hội. Hòa thượng Thích Đôn Hậu khẳng định GHPGVNTN là Giáo hội duy nhất truyền thừa của Phật Giáo Dân tộc có lịch sử 2000 năm. Ngài trao quyền điều hành Giáo hội cho các hòa thượng Thích Huyền Quang (được ngài chỉ định giữ chức viện trưởng Viện Hóa Đạo), Thích Pháp Tri và Thích Quảng Độ với nhiệm vụ trước mắt là tổ chức Đại hội VIII và đặc biệt lưu tâm đến Giáo hội ở hải ngoại.
– Ngày 23.4.1992 hòa thượng Thích Đôn Hậu qua đời tại chùa Linh Mụ. Ông vừa tắt thở thì cán bộ Cộng sản bao gồm Mặt trận, công an, ban Tôn giáo chính phủ tràn vào tuyên bố sẽ làm chủ tang lễ và tang lễ sẽ cử hành theo nghi thức và chế độ chính sách dành cho cán bộ cao cấp có công với cách mạng. Điều này trái với lời căn dặn của hòa thượng nhiều ngày trước lúc lâm chung: Giáo hội sẽ tổ chức tang lễ cho ông thật đơn giản, trang nghiêm, đạo vị, miễn tất cả các nghi thức tang lễ thịnh hành như điếu văn kêu khóc bi ai, tuyên dương công trạng tài đức tốt, trái với tinh thần vô ngã, vô tướng của Phật pháp.
Một cuộc đấu tranh căng thẳng diễn ra giữa đệ tử của cố hòa thượng Thích Đôn Hậu là các tăng sĩ Thích Nhật Liên, Thích Trí Tựu, Thích Hải Tạng… với cán bộ Cộng sản để giành quyền tổ chức tang lễ. Cuộc đấu tranh căng thẳng đến độ khi tập thể tăng sĩ chùa Linh Mụ tuyên bố, nếu nhà nước Cộng sản lấn tới, họ sẽ đồng loạt tuyệt thực trước linh cữu của Tôn sư. Trước thái độ quyết liêt của các tăng sĩ chùa linh Mụ, chính quyền Cộng sản nhượng bộ.
Đồng thời, một cuộc cuộc đấu tranh khác đã diễn ra khi hòa thượng Thích Huyền Quang xin phép chính quyền Quảng Ngãi đi Huế dự đám tang cố hòa thượng Thích Đôn Hậu, chính quyền từ chối. Hòa thượng Huyền Quang tuyên bố tuyệt thực cho đến chết, chính quyền đành cho đi. Hòa thượng Huyền Quang đi Huế, làm chủ tang lễ vị thiền sư bất khuất, tiếp nhận vai trò lãnh đạo giáo hội theo sự ủy thác của Ngài. Cuộc đấu tranh bảo tồn và phục hoạt GHPGVNTN chuyển thế hệ.
(Còn tiếp)
https://baotiengdan.com/2021/06/12/phap-nan-ma-chuong-trong-che-do-cong-san-phan-7/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét