Chu Sơn
Cuộc đấu tranh của thiền sư Thích Thiện Minh
Từ sau khi bị công an đuổi khỏi trụ sở Tổng vụ Thanh niên (trung tâm Thích Quảng Đức), trong gần ba năm (từ tháng 5.1975 đến tháng 3.1978), trong điều kiện không có chùa, bị cách ly tăng thân và phật tử, không có hộ khẩu, không có sổ gạo, bị theo dõi, kềm kẹp, dọa nạt, răn đe, sỉ nhục, kể cả dụ dỗ, mua chuộc, Thích Thiện Minh vẫn kiên trì chịu đựng, đấu tranh với chính mình, đấu tranh với cái ác để giữ tư cách và sứ mệnh của người tu hành vì Đạo pháp và Dân tộc.
Những người ngoài cuộc không biết những gì ông trao đổi với tăng thân và phật tử trong các cuộc giao tiếp “bất hợp pháp” mà ông tranh thủ được khi vắng bóng công an. Nhưng độc giả đời sau có thể nắm bắt được nội dung các cuộc giao tiếp ấy qua cuộc đối thoại sau đây giữa người sau này là bộ trưởng công an Mai Chí Thọ (MCT) và nhà sư Thích Thiện Minh (TTM) trước khi ông bị bắt:
Mai Chí Thọ: “Có thể các thầy nói hàng ngàn người nghe, chúng tôi nói không ai nghe, nhưng chúng tôi có súng, có nhà lao, có quân đội. Tất cả chúng tôi có trong tay. Liệu các thầy có chống đối được không và chống đến bao giờ?”
Thích Thiện Minh: “Tôi nghĩ rằng ông đã nói sai. Hơn ai hết ông biết rằng trong suốt thời gian đương đầu với Pháp và Mỹ, kẻ khác chứ không phải ông đã nói những câu tương tự như vậy. Lịch sử đã chứng minh rằng, súng đạn và nhà tù không phải là tất cả, lại càng không phải là yếu tố tất thắng. Một Ngô Đình Diệm với chín năm cai trị bằng mật vụ, một Tần Thủy Hoàng với chính sách bạo ngược đốt sách chôn học trò. Kết quả như thế nào? Đúng, chúng tôi không có tất sắt trong tay, và các ông có tất cả. Nhưng chúng tôi biết bài học lịch sử”. (Trần Phương, tài liệu đã dẫn).
Lời của tướng công an Mai Chí Thọ là lời đe dọa trắng trợn thể hiện lập trường sắt máu cuả đảng Cộng sản: Chỉ có súng đạn, nhà tù và tra tấn, chết chóc để thành tựu cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa và khẳng định quyền lực tuyệt đối của đảng Cộng sản.
Nhưng lời đáp trả của thiền sư Thích Thiện Minh trước sự đe dọa trắng trợn của ông Mai Chí Thọ lại là lời tuyên bố của kẻ sĩ đầy khí phách, thách đố trước bạo quyền.
Sau cuộc đối thoại chát chúa với tướng công an Mai Chí Thọ, Thích Thiện Minh bị bắt. Ông bị nhốt, thẩm vấn ở trụ sở nha cảnh sát chế độ cũ, ở trại Phan Đăng Lưu. Công an tiếp tục tra khảo ông cho đến chết ở trại giam Hàm Tân.
Một ngày cuối tháng 8.1978, hòa thượng Thích Trí Thủ được tin ông chết, đến Hàm Tân xin nhận xác. Công an không cho. Hòa thượng yêu cầu được tham dự lễ chôn cất ông. Công an bảo là không được. Hòa thượng xin được tụng cho ông một hồi kinh. Cũng không được. “Luật của trại giam như thế”. Thiền sư Thích Trí Thủ chỉ được phép từ biệt khuôn mặt tím đen, méo mó của người đồng đạo, đồng hương (Triệu Phong, Quảng Trị) trong cái thùng gỗ dùng làm quan tài.
Tin thiền sư Thích Thiện Minh bị giết tại trại tù Hàm Tân lan truyền đến Huế, làm rúng động tâm thức phật tử và cả người ngoại đạo như tôi. Cuối năm 1978, tôi có viêc đi Sài Gòn, ghé thăm hòa thượng Thích Trí Thủ tại chùa Già Lam, tiện thể để biết thêm tình hình Phật giáo Ấn Quang mà tôi rất quan tâm và cũng để biết rõ hơn về con người và cái chết của thiền sư Thích Thiện Minh mà tôi cho rằng còn nhiều điều mình chưa biết.
Trên khuôn mặt phương phi nhân hậu của nhà sư già tôi đã diện kiến mấy lần trong năm 1974 (mời độc giả xem thêm hồi ký Không Lên Núi) vơi đi rất nhiều những nụ cười an lạc. Rất nhiều ưu tư, trăn trở ông không hề giấu giếm trong suốt buổi chuyện trò. Ông nói: “Phật giáo nói riêng từ sau biến cố 1975 đã chuyển qua thời kỳ pháp nạn mới. Thời Việt Nam Cộng Hòa, các chế độ độc tài gia đình, quân phiệt trị còn có những kẽ hở trong cai trị và những lực cản như Mỹ, báo chí và dư luận thế giới một bên, một bên là miền Bắc và Mặt Trận, nên Phật giáo tuy bị đánh phá từ ngoài và chia rẽ từ bên trong, nhưng giáo hội Ấn Quang vẫn tồn tại và phát triển như là một lực lượng văn hóa – chính trị bày tỏ nguyện vọng hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc và nhân loại”.
“Ngày nay, đảng Cộng sản một mình một chợ, ngấm ngầm bảo rằng hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc chỉ là vấn đề của quá khứ, là thủ đoạn chính trị trong thời chiến, nay ‘Mỹ đã cút – Ngụy đã nhào, đất nước đã hòa bình, thống nhất, đồng bào các tôn giáo phải chung sức chung lòng cùng với đảng Cộng sản tiến hành cuộc cách mạng vô sản để đưa đất nước tiến nhanh tiến mạnh lên Xã hội chủ nghĩa’.
“Công tác tôn giáo vận của đảng Cộng sản từ sau biến cố 1975, thực chất là cải tạo tôn giáo. Một mặt, đảng Cộng sản thanh lọc hàng ngũ giáo phẩm theo hướng có lợi cho đường lối, sách lược của đảng. Một mặt, đảng Cộng sản giải tán các đoàn thể quần chúng tôn giáo. Mặt khác nữa, đảng Cộng sản quốc hữu hóa tất cả các cơ sở kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội của các giáo hội. Như thế, giáo hội Phật giáo Ấn Quang chỉ còn lại mấy ông già bị trói chân, trói tay. Thậm chí đảng Cộng sản còn muốn biến các ông già trong giáo hội thành cộng cụ để qua đó quy phục phật tử tuân hành các mệnh lệnh kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự của đảng”.
“Thầy Thích Thiện Minh bị giết, lý do gần, vì đã nhất quyết chống đối sách lược tôn giáo vận ấy. Lý do sâu xa: Trước 1975, thầy đã công khai truyền bá tư tưởng về một mô hình ‘Xã hội chủ nghĩa không Cộng sản’. Trong số các đệ tử của thầy Thiện Minh có không ít người là cán bộ Cộng sản nằm vùng, họ báo cáo lên trên. Như thế là Thích Thiện Minh đứng đầu sổ đen ‘những tên phản động chiến lược, mưu đồ đấu tranh tư tưởng với đảng thời hậu chiến’.”
Tôi hỏi: Thưa Hòa thựơng, thế nào là Xã hội chủ nghĩa không cộng sản?
Hòa thượng Thích Trí Thủ chậm rãi:
– “Xã hội chủ nghĩa không cộng sản là chế độ chính trị tam quyền phân lập, các chính trị gia ở các cơ quan công quyền được nhân dân tự do bầu chọn qua phổ thông đầu phiếu. Xã hội chủ nghĩa không cộng sản chủ trương quyền lợi và nghĩa vụ của những người cùng khổ hài hòa với các giai tầng xã hội khác. Người cùng khổ được chính quyền và các tổ chức xã hội hỗ trợ nâng cao văn hóa và các điều kiện sinh hoạt, thực tập các khả năng quản lý, làm chủ kinh tế, trách nhiệm xã hội. Con cháu họ có đầy đủ các điều kiện giáo dục để có khả năng cạnh tranh bình đẳng với con cháu các giai tầng khác. Xã hội chủ nghĩa không cộng sản không có đảng độc quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, chủ trương gây căm thù qua các cuộc đấu tranh giai cấp nhằm triệt tiêu quyền tư hữu, lật đổ giai cấp Tư sản, đưa giai cấp Công nhân lên hàng thống soái. Các cơ quan công quyền trong chế độ Xã hội chủ nghĩa hành xử quyền hạn và trách nhiệm theo Hiến pháp và Luật pháp, đồng thời là trung tâm hòa giải mọi xung đột xã hội và kiến tạo môi trường sống nhân bản, hài hòa. Xã hội chủ nghĩa không cộng sản phối hợp và điều tiết hài hòa giữa Công quyền, Tư quyền (Nhân quyền, Dân quyền) và Hội đoàn quyền; giữa Công hữu, Tư hữu và Hội – đoàn hữu; giũa Công lợi, Tư lợi và Hội Đoàn lợi”.
“Mô hình chế độ Xã hội chủ nghĩa không cộng sản (còn có thể gọi là Xã hội chủ nghĩa Phật giáo) đã được giáo hội (Phật giáo Việt Nam Thống nhất) bảo trợ, bước đầu áp dụng trong cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành, thị xã thời chính phủ Phan Huy Quát (16.2 – 12.6. 1964). Đáng tiếc là chính phủ Phan Huy Quát sụp đổ vị bị các thế lực chủ chiến tố cáo: thân Phật giáo, không kịp tổ chức bầu cử Quốc hội để kiến tạo chế độ Dân chủ – Xã hội, kiến tạo hòa bình theo dự kiến…”.
Càng nghe hòa thượng Trí Thủ nói, tôi càng tò mò muốn biết nhiều hơn về vị thiền sư vừa mới tuẫn tiết. Tôi xin hòa thượng nói thêm về người bạn vong niên đồng hương, đồng đạo mà qua ngữ âm và cử chỉ, ông bày tỏ sự thương tiếc sâu nặng. Hòa thượng Thích Trí Thủ tiếp tục:
– “Thiện Minh cùng quê Triệu Phong với mình, nhỏ hơn mình mười hai tuổi, vào chùa sau mình 17 năm. Thời ấy (đầu thế kỷ 20. C.S) nhiều trẻ em Triệu Phong đói, có em tìm đường vào chùa để kiếm cơm. Chùa không chỉ cho cơm mà chùa còn cho học Đạo (Phật pháp), học đời (các kiến thức văn hóa, lịch sử dân tộc, học thuật, tư tưởng phương Tây) và hun đúc thêm lòng yêu nước. Cả mình và Thiện Minh đều có duyên với Phật pháp, đều kiên trì, quyết đi hết con đường Đạo pháp và Dân tộc, không hề quay đầu lại.
– “Thiện Minh Thông minh, khỏe mạnh, tinh tấn, siêng năng, cần mẫn, 11 tuổi (1932.CS) vào chùa Thuyền Tôn, trong vòng ba năm đã gây được niềm tin của tôn sư Giác Nhiên và tăng thân. Lúc bấy giờ trên cả ba miền đất nước, phong trào Chấn hưng Phật giáo phát khởi. Thiện Minh được khuyến khích thi tuyển vào lớp đào tạo tăng tài của trường An Nam Phật học. Trường An Nam Phật học được điều hành và giảng dạy bởi những giảng sư uyên thâm Phật pháp, đầy nhiệt huyết với tinh thần chấn hưng và lòng yêu nước: các thiền sư Giác Tiên, Phước Huệ, Trí Độ, Mật Thể, Mật Khế,… đặc biệt với bác sĩ Lê Đình Thám – một người say mê nghiên cứu, thực hành giáo lý đạo Phật và trong chừng mực nào đó, am hiểu tinh hoa nền văn minh phương Tây. Chính bác sĩ Lê Đình Thám đã mớm cho các học trò của mình những biểu biết ban đầu về chế độ dân chủ với mô hình tam quyền phân lập và các khái niệm Tự do, Dân chủ, Công bằng, Bác ái… An Nam Phật học đường đã đào tạo được những tăng sĩ ưu tú. Bốn người xuất sắc nhất là Trí Thuyên (đã bị Tây giết năm 1946), Trí Quang, Thiện Minh, Thiện Siêu.
– “Cách mạng tháng 8 (1945) và kháng chiến chống Pháp nổ ra, hầu hết thầy-trò của phong trào Phật giáo Chấn hưng đều tham gia Cứu quốc. Huyền Quang ở Quảng Ngãi, Lê Đình Thám ở Liên khu 5, Trí Độ ở Liên khu 4, Trí Quang ở Quảng Bình, Mật Thể ở Thừa Thiên-Huế, Thiện Minh ở Quảng Trị… Tiếp xúc, chung đụng với kháng chiến Cộng sản một vài năm, Huyền Quang, Trí Quang, Thiện Minh và nhiều người khác lục tục quay trở lại vùng Pháp và Quốc gia để tiếp tục công cuộc Chấn hưng. Còn những người khác: Trí Độ, Lê Đình Thám, Mật Thể… đi với Cộng sản hết cuộc kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954, ở lại miền Bắc.
– “Thiện Minh và các tăng sĩ trẻ, sau khi từ bỏ kháng chiến, trở về Huế cùng với những người ở lại quyết định tiếp tục phục hoạt công cuộc Chấn hưng với đường hướng riêng: Đạo pháp và Dân tộc, đứng ngoài cuộc chiến tranh giữa Việt Minh – Cộng sản và xâm lược Pháp – Quốc gia (vua Bảo Đại làm quốc trưởng).
– “Vào giữa năm 1947, hai thiền sư Mật Hiển, Mật Nguyện đã đề xuất ý kiến – thành lập Sơn môn Tăng già. Không lâu sau đó, Sơn môn Tăng già Thừa Thiên Huế ra đời. Giữa năm 1948, các tăng sĩ từ chiến khu về, đề nghị thành lập thêm tổ chức vòng ngoài: Hội Việt Nam Phật Học. Mọi người phấn khởi bắt tay vào việc. Như thế là khắp các tỉnh từ Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đến Bình Định, đều hình thành được hai tổ chức “vòng trong vòng ngoài” là Sơn môn Tăng già và Hội Việt Nam Phật học. Trụ sở đầu não cấp “miền” (Trung) của hai tổ chức này đặt tại Huế. Thiện Minh được “Giáo hội Miền Trung” cử vào Nha Trang xây dựng giáo hội tại địa phương này.
“Là người năng động, tràn đầy nhiệt huyết, có tài tổ chức, bất chấp khó khăn trở ngại, trong vòng sáu năm (1948 -1954), với sự tiếp sức hạn chế từ “trung ương miền Trung – Huế”, Thiện Minh đã lặn lội khắp các tỉnh phía nam miền Trung: Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết và khắp các tỉnh Tây Nguyên từ Kon Tum, Gia Lai…, xuống đến Đồng Nai Thượng. Đâu đâu Thiện Minh cũng đã đặt xong nền móng giáo hội cấp tỉnh và một số Gia đình phật tử, một số trường Bồ Đề, xây dựng được mấy chùa mới, mấy Khuôn hội, Niệm Phật đường.
– “Ngoài khả năng tổ chức, Thiện Minh còn có tài thuyết phục các đồng sự, đối tác, người đối thoại và cả những ai bất đồng chính kiến.
– “Giữa năm 1963, khi cuộc đấu tranh đòi tự do và bình đẳng tôn giáo trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa thời Ngô Đình Diệm đến hồi gay cấn, sau sự kiện thiền sư Thích Quảng Đức tự thiêu gây sững sốt và bất bình trong nước và thế giới, chính quyền Ngô Đình Diệm muốn làm giảm nhẹ dư luận, đề nghị Phật giáo thương thuyết. Phật giáo nắm lấy cơ hội. Tổng thống Diệm cử phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đứng đầu Ủy ban liên bộ. Tham gia cùng Nguyễn Ngọc Thơ là hai ông Nguyễn Đình Thuần (bộ trưởng phủ tổng thống) và Bùi Văn Lương (bộ trưởng nội vụ). Phía Phật giáo, thiền sư Thích Tịnh Khiết, hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, cử thiền sư Thích Thiện Minh dẫn đầu Ủy ban liên phái, hai đoàn viên là thiền sư Thích Tâm Châu và thiền sư Thích Thiện Hoa. Cuộc hội đàm rất căng thẳng, diễn ra trong ba ngày, kết thúc bằng một Thông Cáo Chung với chữ ký của sáu nhà đàm phán và chữ ký xác nhận của hai nhà lãnh đạo cao nhất của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và tổng hội Phật giáo Việt Nam là tổng thống Ngô Đỉnh Diệm và hội chủ Thích Tịnh Khiết.
– “Thông Cáo Chung là một thắng lợi đối với Phật giáo: 5 Nguyện vọng Phật giáo đưa ra từ đầu – một ngày sau cuộc đàn áp đẫm máu tại đài phát thanh Huế – được thỏa mãn gần hết. Do vậy, theo sự quyết đoán của cố vấn Ngô Đình Nhu, chính quyền lật lọng, xóa bỏ Thông Cáo Chung, tiếp tục các cuộc đàn áp ngày một khốc liệt hơn. Đêm 20.8, cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm của chế độ Ngô Đình Diệm thực hiện kế hoạch Nước Lũ, tấn công vào tất cả các chùa và một số tư gia trên khắp các tỉnh thành miền Nam, đập phá, đánh đập, bắt đi 1400 tăng ni, nhân sĩ, trí thức, lãnh tụ sinh viên phật tử. Như thế là đầu tàu Lực lượng đấu tranh của Phật giáo bị nhốt hết trong các trại giam (ngoại trừ trường hợp thiền sư Thích Trí Quang trốn thoát khỏi trại giam, tị nạn tại tòa đại sứ Hoa Kỳ), phong trào đấu tranh vì Tự do và Bình đẳng tôn giáo bị gián đoạn. Trước tình thế đó, Sinh viên, Trí thức, Đảng phái và Quân đội vào cuộc, quyết lật đổ chế độ. Ngày 1.11.1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị Quân đội (với sự đồng thuận của Mỹ) lật đổ. Phật giáo và đại bộ phận nhân dân Miền Nam (ngoài Cần lao – Thiên chúa giáo) được giải thoát”.
– “Ngày 31.12.1963, các tông phái, các tập đoàn, hệ phái Phật giáo tổ chức đại hội tại chùa Xá Lợi để hình thành một giáo hội duy nhất lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Đại hội đề ra đường hướng, cơ cấu giáo hội và soạn thảo Hiến chương. Cơ cấu giáo hội là một hệ thống bốn cấp: trung ương, miền, tỉnh (thành) và cơ sở (khuôn hội, niệm phật đường với các đoàn thể quần chúng phật tử). Giáo hội còn có một phòng Thông tin ở hải ngoại (Paris, do Võ Văn Ái phụ trách. CS). Ở trung ương gồm hai viện Tăng thống và Hóa đạo. Đại lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết được cung thỉnh làm viện trưởng Viện Tăng Thống. Hòa thượng Thích Tâm Châu được bầu làm viện trưởng Viện Hóa Đạo. Thiền sư Thích Trí Quang được đề cử làm thư ký Viện Tăng Thống. Thiền sư Thích Thiện Minh được đề cử phó viện trưởng Viện Hóa đạo, kiêm phụ trách Tổng vụ Thanh niên phật tử…
– “Trên cương vị người đứng đầu tổ chức Thanh niên, Sinh viên phật tử toàn Miền Nam, Thiện Minh đóng góp rất tích cực trong các phong trào Phật giáo Dấn thân từ 1964-1966: chống quân phiệt Nguyễn Khánh, chống độc tài Trần Văn Hương, ủng hộ chính phủ Phan Huy Quát xây dựng Dân chủ, chống Mỹ – Thiệu – Kỳ tiến hành chiến tranh.
– “Nhiều người tiếp xúc với Thiện Minh ngày càng nghe ông nói nhiều hơn về chủ nghĩa Xã hội không Cộng sản. Phía Công giáo “chiến đấu” và Thiệu – Kỳ cho rằng ông hành động và nói năng chỉ có lợi cho Cộng sản. Phía Cộng sản cho rằng Thiện Minh muốn đấu tranh ý thức hệ với chủ nghĩa Mác-Lê Nin, thách thức sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng. Thiện Minh là một tên phản động nguy hiểm trước mắt và lâu dài. Giữa năm 1966, Thích Thiện Minh bị mưu sát, nhưng chỉ bị thương nhẹ. Nhiều lời đồn đoán về kẻ chủ mưu, nhưng không có bằng chứng xác đáng để chỉ đích danh bất cứ ai.
“Sau vụ bị ám sát hụt, đặc biệt sau biến cố đẫm máu Tết Mậu thân ở Huế, Thiện Minh nhận định rằng, ‘sẽ không có chuyện hòa giải hòa hợp trong chế độ Cộng sản; nếu không thận trọng, chúng ta (Phật giáo) có thể vô tình tiếp tay cho một thứ bạo lực mà Việt Nam Cộng Hòa không sánh được’.
– “Sau hiệp định Paris, Thiện Minh khẳng định rằng, Cộng sản sẽ thắng và sẽ không có gì hết ngoài bạo lực. Từ đó Thiện Minh ít lui tới chùa Ấn Quang. Năm 1974, giáo hội Ấn Quang tổ chức Lực lượng Hòa giải Dân tộc, tham gia hình thành chính phủ Dương Văn Minh; Thiện Minh không chống đối, cũng không tham gia.
– “Sau biến cố tháng 5.1975, Thiện Minh bị chính quyền cách mạng đuổi khỏi trụ sở Tổng vụ Thanh niên, lang thang khắp nơi, đến Già Lam nhưng không đến Ấn Quang. Vụ công an bố ráp chùa Ấn Quang ngày 6 tháng 4.1977, Thiện Minh không có mặt nên không bị bắt cùng các thiền sư Quảng Độ, Huyền Quang, Tuệ Sĩ, …
– “Thiện Minh chỉ bị bắt sau khi đối đáp thẳng thừng với bộ trưởng công an Mai Chí Thọ đầu tháng 3.1978…”
– “Được tin Thiện Minh bị bắt, mình chạy đôn chạy đáo, gõ khắp các cửa quyền lực, năn nỉ lạy lục đến sói đầu mà chẳng được gì. Cuối cùng Thiện minh bị giết chết trong tù (bốn tháng sau khi bị bắt), mình được công an thông báo đến thăm ở trại Hàm Tân và chỉ được phép nhìn qua khuôn mặt Thiện Minh tím bầm méo mó trong hòm.
– “Là người tu hành, mình biết sống chết là lẽ thường tình, nhưng cái chết của 12 tăng ni chùa Dược Sư, cái chết của Thiện Minh cũng như những cái chết và tù đày khác dưới bạo lực cách mạng đã làm mình đau xót, giằng xé đến bất thường, có cả ăn năn sám hối. Phải chăng, giáo hội trong đó có mình đã ảo tưởng khi chủ trương hòa giải Dân tộc với ngươi Cộng sản…?”
Đặt vấn đề như thế, nhưng rồi hòa thượng Thích Trí Thủ vẫn tiếp tục ảo tưởng và hợp tác với Cộng sản để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) theo chủ trương và sách lược chính trị của đảng này. Phải chăng cuộc Dấn thân đầy ảo tưởng của Phật giáo Ấn Quang đến thời điểm cuối năm 1978, sau khi 12 Tăng Ni chùa Dược Sư tự thiêu và thiền sư Thiện Minh bị giết…, vẫn chưa dừng lại được theo cái đà lăn của nó?
Đặt vấn đề như thế vì đến thời điểm cuối năm 1981, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được đảng Cộng sản khai sinh, không chỉ đa số phật tử mà cả một số đảng viên còn giữ chút lương tri như Nguyễn Quang Huy (trưởng ban Tôn giáo chính phủ), Đỗ Trung Hiếu (cán bộ tôn giáo vận thành ủy thành phố HCM)…, cũng thừa nhận sự chân thành đúng đắn trong suy nghĩ về mục tiêu thống nhất Phật giáo trong tự do, nhân quyền của các vị thiền sư thuộc khối Ấn Quang, đặc biệt các vị đã có quá trình cộng tác với Việt Minh – Cộng sản trong hai cuộc kháng chiến, như Thích Đôn Hậu, Thích Minh Châu, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Thủ…, có điều cái chút lương tri èo uột đó cuối cùng chỉ đủ sức lừa phỉnh các vị tu hành ngây ngô để đưa họ vào tròng làm công cụ rẻ tiền cho guồng máy gian manh toàn trị mà người đại diện trực tiếp, chính danh là các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trưởng Ban Dân vận Mặt trận, bộ Công an thay nhau: Xuân Thủy, Nguyễn Văn Linh, Trần Quốc Hoàn.
(Xem Đỗ Trung Hiếu: THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO – UYÊN NGUYÊN – ngày 11.10.2018).
(Còn tiếp)
https://baotiengdan.com/2021/06/08/phap-nan-ma-chuong-trong-che-do-cong-san-phan-3/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét