Thứ Ba, 15 tháng 6, 2021

6734 - Việt Nam: Khởi tố Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng, các bác sỹ nói gì?

Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,

Trụ sở Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng ở Gò Vấp, Sài Gòn

Việc chính quyền Việt Nam khởi tố Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng ở Gò Vấp, Sài Gòn có thể là việc nên tránh làm vì 'nhạy cảm', 'thiếu khôn ngoan', chống dịch nên đề cao 'tình thương', trong khi về mặt khoa học, chuyên môn, việc xử lý như vậy qua kết luận 'truy vết' có thể chưa hợp lý, thuyết phục.

Đó là ý kiến mà hai thầy thuốc từ Úc và Việt Nam chia sẻ với BBC News Tiếng Việt qua một hội luận thứ Năm gần đây.

Trước hết, từ Hà Nội, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn, nhà phản biện chính sách độc lập thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Việt Nam (Vusta) nói với BBC:

"Tôi nghĩ rằng đứng về mặt lây truyền ở những nhóm người mà có tụ tập, việc này nếu đưa ra pháp luật để xử lý, mà nhất lại liên quan vấn đề tôn giáo, tôi cho rằng đây là một vấn đề rất nhạy cảm.

"Nếu như cá nhân tôi thì tôi sẽ không bao giờ đưa vấn đề ấy ra, bởi vì xét lợi ích của việc dùng hiện tượng đó để có tính chất răn đe các nhóm trong xã hội là không nên tụ tập đông người, với vấn đề liên quan có thể bị mang tiếng rằng có một cách xử sự mang tính chất liên quan tôn giáo, tôi nghĩ rằng cách xử sự này không phải khôn ngoan.

"Và nếu đứng về mặt khoa học mà nói, tôi nghĩ rằng trong quá trình dịch bệnh đang xảy ra như hiện nay, với truyền thông như hiện nay, với các điều kiện hoàn toàn có thể tiếp cận được thực tế của tình trạng dịch bệnh ra sao, tôi cho rằng việc đưa ra xử lý pháp luật đối với trường hợp tụ tập đông người, thì dường như trường hợp này (Hội thánh Phục Hưng) là có nặng nề hơn so với những trường hợp khác.

"Tôi nói ví dụ đã xảy ra trường hợp tụ tập đông người hơn nhiều trong đợt nghỉ 29/4, 30/4 và 1/5, chúng ta thấy lúc ấy, Việt Nam vẫn đang trong tình trạng dịch và những bãi biển cũng rất đông người, tại sao không xử lý những chuyện đó.... Cho nên tôi cho rằng đây không phải là một quyết định khôn ngoan."

Xử lý bằng chính trị là thiếu 'nhân bản', thiếu 'tình người'?

Việt Nam

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Covid-19 gây ảnh hưởng tới nhiều sinh hoạt cộng đồng và xã hội, trong đó có các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

Từ Melbourne, Úc, bác sỹ David Phan Đình Hiệp nêu quan điểm riêng với BBC:

"Trước hết trong vụ dịch này chúng ta chia sẻ tình thương, dùng tình thương, tình con người là trên hết. Thứ hai, chúng ta mới nói đến vấn đề cảm tính hay luật pháp.

"Thứ nhất nói về tình thương, thì rõ ràng những người trong Hội thánh Phục Hưng mà bị bệnh, hoặc từ bệnh đó đi ra chỗ khác, thì người ta vẫn là con người, không có ai muốn lây bệnh này cho cộng đồng hết.

"Cho nên, nếu giả sử do họ đi chăng nữa, thì xử phạt họ như vậy vẫn thiếu tình người. Đó là nói giả sử. Nhưng bây giờ quay lại góc độ khoa học, góc độ này ở chỗ là làm sao có thể khẳng định? Bệnh này không phải từ trên trời rơi xuống.

"Nó phải có người nào đó vào, rồi mới có người bị, vậy phải tìm ra lúc nào xảy ra, mà muốn tìm ra nguyên thủy của nó không phải là chuyện dễ.

"Một đất nước Việt Nam mà nếu làm giải trình tự gene chỉ bằng một góc của nước Úc, ngay Mỹ hiện đại hơn Úc, nhưng tỷ lệ làm giải trình tự gene, Úc hơn hẳn các nước, tức là gần như ca nào, người ta cũng giải trình tự gene, đến mức độ đó mà người ta còn chưa muốn truy vết ra người nào, tại đâu.

"Bởi vì nhiều lúc người ta cũng không biết được từ đâu ra, vậy mà bây giờ Việt Nam chỉ lấy một trường hợp đó (Hội thánh Phục Hưng), dùng cái đó giống như áp lực chính trị để giải quyết một nhóm người theo quan điểm chính trị, cái đó thể hiện thứ nhất là phi khoa học, thứ hai là phi nhân bản.

"Và thứ ba là nó không có tình người, không có lôgíc, giống như người ta nói tại sao 30/4 đi ra đông, bầu cử đi ra đông, hoặc là lớn nhất không phải là với Hội thánh Phục Hưng, hiện nay mọi người thấy Bắc Giang và Bắc Ninh là hai tụ điểm lớn như vậy, vậy từ đâu ra, từ chỗ nào ra đây?

"Vậy mà không xét xử những cái đó mà lại lấy một nhóm này để xử, cái đó là lầm lẫn giữa tình cảm và lý trí, chúng ta thấy ổ dịch bùng ra, nhưng tất cả đều có tính chất con người, nhân bản...

"Lúc đó nếu có quy định không cho tụ tập đông người thì phạt tội người ta tụ tập đông người, chứ không phải vì đông người mà gây ra bệnh kia, rồi anh lấy hết tất cả dồn cho họ, cái đó... tôi chỉ mong rằng làm gì cũng vậy, lấy tình thương giải quyết với nhau, luật phải ra chặt hơn, giải thích cho người ta rõ ràng và hy vọng rằng chúng ta không nên mất tính nhân bản của con người trong lúc này," bác sỹ David Phan Đình Hiệp nói với hội luận của BBC hôm 10/6/2021.

'Đồng ý với các thầy thuốc về căn bản'

Việt Nam

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Nhân viên y tế khử khuẩn ở một trường học tại Việt Nam trong nỗ lực phòng chống Covid-19

Theo dõi các ý kiến của các thầy thuốc về vấn đề này, hôm 14/6, từ Sài Gòn, bà Sương Quỳnh, nhà báo độc lập bình luận:

"Về căn bản, tôi đồng ý với các ý kiến của các vị bác sỹ, tôi cho rằng việc khởi tố Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, nếu thực sự có sai phạm trong việc quy định cách ly của nhà nước tôi không có gì phản đối.

"Nhưng cũng phải khởi tố việc đang dịch mà để người dân đi du lịch ngày 30-4 và mùng 1-5 về làm dịch bùng phát ai phải chịu trách nhiệm. Sau đó bầu cử có đảm bảo dãn cách người dân và kiểm tra sức khoẻ những người đảm trách những nơi này hay không?

"Theo tôi phải có công bằng chứ đừng chỉ mang một tổ chức nào nó gánh hết tội. Vì việc tổ chức Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng trên mạng xã hội đã có những phản ánh cho rằng họ bị oan.

"Tôi thấy rằng từ trước đến giờ, trong việc đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, chính quyền đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc, dù đã có nhiều đơn từ mà các tổ chức tôn giáo gửi tới LHQ. Nhưng với tình hình LHQ và quốc tế đang có nhiều dấu hiệu "bận rộn" và chưa có biện pháp chế tài hiệu quả, thì việc như Hội thánh Phục Hưng bị khởi tố đã cho thấy chính quyền Việt Nam đang không e sợ gì dư luận thế giới cũng như LHQ cả."

Việt Nam

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Người dân ở Hà Nội đi bỏ phiếu bên trong một địa điểm bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp hôm 23/5/2021

Còn từ Hà Nội, cũng hôm thứ Hai, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động xã hội dân sự nói với BBC:

"Tôi cũng đồng ý với ý kiến của các vị bác sỹ, tôi có quan sát vụ việc Hội thánh này ở miền Nam Việt Nam bị cáo buộc đã vi phạm những quy định trong việc phòng, chống dịch Covid-19, tuy không có những chứng cứ trực tiếp để biết được chính xác liệu họ có vi phạm hay không, theo tôi nếu chỉ đưa vấn đề Hội thánh này ra, thì đây là một tiêu chuẩn kép.

"Tiêu chuẩn kép là bởi vì ngay trước đó 1-2 tuần thôi, như bác sỹ David Phan Đình HIệp có đề cập, việc bầu cử quốc gia đã diễn ra rất sôi nổi trên cả nước, Như thế, ai có thể chứng minh rằng việc bầu cử Quốc hội, các hội đồng nhân dân đó không phải là một nguồn tạo ra cơn sóng bùng phát dịch đợt bốn ở Việt Nam?

"Vì thế, nếu chỉ xét riêng Hội thánh Phục Hưng trong việc vi phạm quy định phòng chống dịch, tôi đồng ý với các bác sỹ rằng đây là một sự không công bằng, một bằng chứng của tiêu chuẩn kép mà tôi cho là như thế hết sức bất công.

"Việc này, theo tôi sẽ hoàn toàn tạo ra sự ác cảm, cũng như những nhìn nhận không thể nào tích cực được của quốc tế đối với ứng xử của chính quyền Việt Nam hiện nay trong vấn đề tôn giảo, có thể cộng đồng quốc tế đang bận rộn với dịch bệnh, nhưng họ luôn duy trì sự theo dõi về các hồ sơ với nhiều quốc gia là thành viên LHQ về nhân quyền, về tự do tôn giáo, và họ cũng có những chế tài mà không phải là họ sẽ không áp dụng hay sử dụng trở lại khi có điều kiện và căn cứ trong tương lai," kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nêu quan điểm riêng.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57472175

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét