Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

6835 - Cơn ác mộng coronavirus của Donald Trump

Minh Đăng  

Ảnh: Unsplash

Cách thức đối phó và xử lý dịch bệnh không chỉ lúng túng mà thậm chí còn làm rối tung rối mù, Donald Trump đã đẩy nước Mỹ đến thảm kịch khủng hoảng tồi tệ và chính điều đó cũng “giết chết” ông. Thật khó tưởng tượng, Donald Trump, với tư cách tổng thống, từng đề nghị đưa du khách Mỹ bị nhiễm Covid-19 đi cách ly ở Guantánamo!

Quyển sách mới – Nightmare Scenario: Inside the Trump Administration’s Response to the Pandemic That Changed History của hai nhà báo Yasmeen Abutaleb và Damian Paletta (Washington Post) – đã cho thấy nhiều chi tiết động trời, vào những ngày dịch bệnh mới bùng phát tại Mỹ. Phát hành ngày 29-6-2021, quyển sách dựa vào cuộc phỏng vấn hơn 180 người, trong đó có nhiều viên chức cấp cao từng làm việc trong Tòa Bạch Ốc lẫn giới chức cao cấp phụ trách y tế quốc gia.

“Chẳng phải chúng ta có một hòn đảo thuộc sở hữu của mình đó sao?” – Tổng thống Trump hỏi trong một phiên họp tại Phòng Tình huống vào tháng 2-2020, trước khi dịch bệnh bùng nổ và làm chết hàng trăm ngàn người Mỹ. “Thế sao không sử dụng đảo Guantánamo? Chúng ta nhập hàng hóa chứ không nhập cảng virus” – Trump nói, hàm ý nên đưa những du khách Mỹ nhiễm bệnh đến đảo trên. Theo hai tác giả Nightmare Scenario, các tùy viên Tòa Bạch Ốc đều há hốc sốc khi nghe Trump nói như vậy và khi Trump nói lần thứ hai thì họ bắt đầu xem xét “ý tưởng độc đáo” này cũng như lo ngại phản ứng dư luận dữ dội như thế nào nếu chính phủ Mỹ quyết định cách ly du khách Mỹ bị nhiễm bệnh tại hòn đảo lâu nay chỉ giam giữ nghi phạm khủng bố.

Trump cũng tin rằng một số giải pháp chống dịch – chẳng hạn xét nghiệm – chỉ làm cho tình hình thêm “rối”. “Xét nghiệm sẽ giết chết tôi. Tôi sẽ thất cử vì vụ xét nghiệm này!” – Trump gào lên trong cuộc điện thoại với Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh lúc đó là Alex Azar vào ngày 18-3-2021. Ông tổng thống hét to đến mức các phụ tá của Alex Azar đều nghe rõ mồn một. “Thằng ngu nào yêu cầu viên chức chính quyền liên bang phải đi xét nghiệm vậy?” – Trump hỏi Alex Azar. “Ông muốn nói thằng Jared hả?” – Alex Azar hỏi lại, ám chỉ cố vấn cấp cao và là cậu con rể Jared Kushner của Trump. Trước đó năm ngày, Kushner đã hùng hồn tuyên bố đứng ra phụ trách chiến dịch xét nghiệm toàn quốc với sự trợ giúp của các bộ phận y tế tư nhân. Cho rằng chính phủ Mỹ không bao giờ nên tham gia vào chương trình xét nghiệm rộng khắp, Trump tranh cãi với Alex Azar về việc tại sao Cơ quan phòng chống dịch bệnh quốc gia (CDC) lại cứ muốn làm cái chuyện “tào lao” là truy tìm dấu vết lây nhiễm.

Những cơn cuồng nộ liên tục mỗi lúc mỗi kinh khủng của Trump trước tình hình dịch bệnh diễn biến cực nhanh và đầy bất ngờ càng khiến giới chức cấp cao hoang mang, dẫn đến việc mất tập trung và làm chậm tiến trình đưa ra các quyết định ứng phó. Thay vì hướng vào mục tiêu cụ thể nào đó, Trump làm loạn tung lên, và tìm kiếm ý kiến từ những cố vấn trung thành, chẳng hạn chuyên gia X-quang Scott Atlas, người không hề có kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm lẫn y tế công. Trump cũng tỏ ra lúng túng trong việc xử lý những người có trách nhiệm. Tháng 2-2020, Trump nói với các tùy viên thân tín về việc sa thải một viên chức cấp cao Bộ Ngoại giao có trách nhiệm trong việc để 14 người Mỹ nhiễm coronavirus trên tàu du lịch Diamond Princess trở về nhà. Tuy nhiên, sau đó, Trump và Đổng lý văn phòng Tòa Bạch Ốc lúc đó là Mick Mulvaney từ bỏ ý định trên.

Bộ máy chính quyền Trump giai đoạn bùng nổ Covid-19 đã chứng kiến những màn rối ren và chửi nhau như mổ bò. Robert Kadlec – viên chức chịu trách nhiệm xử lý tình huống khẩn cấp của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS), lúc đó giám sát việc mua 600 triệu khẩu trang vào cuối tháng 3-2021 – đã bị cậu con rể Kushner mắng: “Ông là thằng khốn” (“you f—ing moron”), sau khi Kushner nghe Robert Kadlec báo lại rằng số khẩu trang đặt mua phải đến tháng 6 mới có. Lúc ấy Kushner “điên” đến mức ném cả bút vào tường và hét lên: “Tất cả chúng ta sẽ chết trước tháng 6!”. Mark Meadows, người được Trump bất ngờ đưa vào ghế Đổng lý văn phòng mà không hề báo một lời với Mick Mulvaney, cũng “lôi đầu” Robert Kadlec ra dọa: “Tôi sẽ tống cổ ông nếu ông không xử xong vụ này!” – về chuyện HHS gặp khó khăn trong việc phân phối remdesivir mà Cơ quan dược-thực phẩm (FDA) đã chuẩn y trong việc điều trị coronavirus.

Nightmare Scenario cũng tiết lộ sự căng thẳng trong bộ máy chính quyền Trump khi Phó Tổng thống Mike Pence được chỉ định làm “tổng chỉ huy” lực lượng phản ứng nhanh trong chiến dịch đối phó dịch bệnh vào cuối tháng 2-2020 – thay thế Bộ trưởng Azar. Cùng chánh văn phòng Marc Short của mình, Pence tập trung vào tác động cũng như ảnh hưởng chính trị và kinh tế sẽ như thế nào từ cách xử lý dịch bệnh của chính phủ. Short không đồng ý với cách Trump phản ứng thái quá khi nghe ý kiến các chuyên gia y tế, cũng như việc chọn kéo dài thời gian tạm ngừng các hoạt động kinh tế cho đến qua lễ Phục sinh 2020. Short cũng phản đối kế hoạch tặng khẩu trang cho mọi gia đình Mỹ mà HHS đề xuất vào những ngày đầu dịch bệnh, vì nghĩ rằng chuyện đó chỉ khiến mọi thứ trở nên ồn ào lên một cách không cần thiết. Một số viên chức cấp cao thậm chí so sánh việc mang khẩu trang chẳng khác gì quấn “đồ lót lên mặt” hoặc có người còn mỉa mai rằng “trông chẳng khác gì đeo cái nịt ngực”.

Một cách toàn cảnh, có thể nói trận đại dịch Covid-19 đã làm lộ ra sự yếu kém trong điều hành quốc gia của Trump cũng như những người trong bộ máy chính quyền Trump. Đó là một trong những nguyên nhân, nếu không nói là nguyên nhân lớn nhất, khiến cho Trump thất bại trong chiến dịch tái tranh cử. Cuối cùng, sau tất cả những gì đã xảy ra, có thể đặt một câu hỏi rằng: Ai là người chịu trách nhiệm nhiều nhất trong việc đối phó dịch bệnh, dẫn đến hậu quả kinh khủng là hàng trăm ngàn người chết? Hai tác giả Abutaleb và Paletta viết:

“Một trong những sai sót lớn nhất trong phản ứng của chính quyền Trump là không có ai chịu trách nhiệm. Có phải là Deborah Birx, điều phối viên lực lượng phản ứng nhanh trong trận chiến chống dịch bệnh? Có phải là Pence, người đứng đầu lực lượng phản ứng nhanh? Có phải là Trump, ông trùm? (the boss)? Có phải là Kushner, người điều hành lực lượng phản ứng nhanh trong bóng tối cho đến khi anh ta thò đầu ra? Có phải là Marc Short hay Mark Meadows, những người thường xuyên mâu thuẫn và hiếm khi phối hợp hiệu quả?”.

Cuối cùng, có thể nói rằng “vấn đề trách nhiệm chẳng biết nên qui vào ai và phản ứng đối phó rõ ràng là vô phương hướng” – như hai tác giả viết. Và cuối cùng của những… cuối cùng, cái “nightmare scenario” đã không chỉ “changed history” nước Mỹ mà còn làm thay đổi cả tham vọng điên cuồng là tiếp tục ngồi ghế tổng thống của ngài Trump.


https://saigonnhonews.com/article-can-promote/con-ac-mong-coronavirus-cua-donald-trump/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét