Úc. New Zealand. Singapore. Việt Nam. Nhật Bản. Hong Kong. Hàn Quốc. Đài Loan. Những nước ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương này đều từng được ca ngợi về khả năng ứng phó với đại dịch. Một số nước thậm chí được xếp hạng nhất trên thế giới.
Tất cả các nước này đã có thể vượt qua đại dịch Covid-19 vào năm 2020 qua các hành động tích cực như phong tỏa chặt và theo dõi lịch sử tiếp túc, cách làm này sau đó được các nước khác trên thế giới nhân rộng.
Tuy nhiên, trong năm thứ hai của đại dịch, họ đang bị thách thức bởi những vấn đề mới. Các biến thể mạnh hơn đã phá vỡ hệ thống phòng thủ vững chắc, tạo ra đợt bùng phát tồi tệ nhất ở một số quốc gia.
Trong khi đó, nhiều nơi khác trên thế giới dường như đang đi trước trong việc tiêm chủng và đang dần dần mở cửa trở lại. Điều đó có nghĩa là nhiều trong số các nước nói trên hiện đang phải đối mặt với chỉ trích rằng họ không có kế hoạch vững chắc để thoát khỏi phương pháp 'không ca nhiễm' - và họ không thể mãi trốn tránh thế giới.
Những thành công ban đầu
Đầu tiên, hãy xem cách các nước này chiến đấu thành công với Covid từ rất sớm. Bản đồ dưới đây cho thấy tỷ lệ ca nhiễm và tử vong thấp hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác.
Đóng cửa biên giới là một trong những biện pháp đầu tiên và hiệu quả nhất được thực hiện bởi tám quốc gia nói trên khi virus lần đầu tiên đến bờ biển nước họ. Thực tế đa số các nước này là đảo quốc khiến việc kiểm soát biên giới tương đối dễ dàng.
Các chính sách biên giới nghiêm ngặt có nghĩa là chặn hầu hết việc nhập cảnh hoặc yêu cầu cách ly trong khách sạn lâu để đảm bảo virus không hiện hữu trong cộng đồng dân cư nói chung.
Úc là nước nghiêm ngặt nhất - trong đợt Covid thứ hai tại Ấn Độ, Úc thậm chí cấm công dân của mình quay về nước vì lo ngại họ có thể mang theo virus.
Khi các ca nhiễm lan ra cộng đồng, các nước này nhanh chóng dõi tiếp xúc một cách chặt chẽ để ngăn virus lây lan.
Singapore, quốc gia vốn đã có hệ thống cảnh sát giám sát có năng lực cao, là một ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của việc nhanh chóng chặn đứng các chuỗi lây truyền.
Úc buộc thủ phủ các tiểu bang phải phong tỏa nhanh chóng khi phát hiện ra dù chỉ một ca nhiễm duy nhất. Điều này đã xảy ra tám lần tại sáu thành phố khác nhau ở Úc.
Những chính sách như vậy có thể bị coi là cực đoan - nhưng rất hiệu quả và tạo ra một bong bóng bảo vệ. Sau lần phong tỏa đầu trong đợt Covid đầu tiên, những nước này đã có thể trở lại trạng thái gần như bình thường.
New Zealand là nước đầu tiên về cơ bản không có Covid sau khi trở thành một trong những nước đầu tiên thực hiện phong tỏa. Vào tháng 6/2020, nước này dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp giãn cách xã hội.
Trong khi đó, những nước khác trong số các nước trên chứng kiến các ca nhiễm giảm mạnh, cho phép họ giảm bớt nhiều biện pháp phòng ngừa nội bộ.
Các đợt bùng phát mới năm 2021
Tuy nhiên, các biến thể mạnh hơn của virus kết hợp với sự dần dà tự mãn và việc nới lỏng các quy định kể từ tháng Năm khiến covid xuất hiện trở lại tại nhiều nước.
Những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất được thấy ở Đài Loan và Việt Nam - những nơi bây giờ mới đang thực sự trải qua gánh nặng của làn sóng Covid.
Tại Đài Loan, việc nới lỏng một chút các quy định về kiểm dịch với phi công đã dẫn đến việc một ổ dịch xuất hiện nhanh chóng, trong khi ở Việt Nam, một biến thể mới xuất hiện gây ra các cụm lây nhiễm, trở nên trầm trọng hơn do các cuộc tụ tập cộng đồng.
Hàn Quốc và Nhật Bản đã đạt đến đỉnh dịch trong làn sóng Covid mới vài tháng trước - gây ra cảnh báo, đặc biệt là ở Nhật Bản, nơi nhiều người lo ngại về Thế vận hội Olympic sắp tới.
Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm kể từ những đỉnh dịch đó đã giảm một nửa. Với những nơi như Hàn Quốc - nơi chưa bao giờ rơi vào tình trạng phong tỏa ngặt nghèo - các chuyên gia cho rằng việc truy vết kỹ lưỡng và nỗ lực đoàn kết cộng đồng đã một lần nữa giúp hạ thấp làn sóng Covid.
Các đợt bùng phát nhỏ hơn cũng được ghi nhận ở Singapore, Hong Kong và Australia, khiến giới chức phải phản ứng ngay lập tức, chẳng hạn như đóng cửa Melbourne trong hai tuần hoặc phong tỏa một phần đất nước trong bốn tuần ở Singapore.
Chậm trễ với Vaccine
Tuy nhiên, trong khi những đợt bùng phát gần đây đang được giải quyết thành công bằng các phương pháp đáng tin cậy, chúng cũng đã cho thấy sự thật cay đắng hơn.
Trong khi những nước nói trên có vẻ từng thành công trong việc ngăn chặn virus, họ lại không có được thành công tương tự trong việc bảo đảm có đủ vaccine tiêm cho dân.
Việc mua vaccine ban đầu rất khó khăn trên toàn cầu nhưng các quốc gia thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch đã nhanh chóng tìm cách triển khai chương trình tiêm chủng, nếu họ có đủ tiền để mua. Những nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp tỏ ra đủng đỉnh và tự mãn trong việc đảm bảo đủ vaccine cho công dân của họ.
Ví dụ, Hoa Kỳ và Châu Âu đã tiêm chủng cho khoảng một nửa dân số trở lên và nhiều nước Nam Mỹ đã tiêm hàng triệu mũi vaccine Covid. Các quốc gia này hiện đang dần tiến tới mức tiêm chủng cho phép họ mở cửa đất nước trở lại - ngay cả khi virus vẫn còn xung quanh.
Điều này không xảy ra với những nơi thành công trong ngăn chặn Covid ở Châu Á Thái Bình Dương.
Tỷ lệ người được tiêm chủng vẫn dưới một phần tư dân số - và đó là ở các quốc gia giàu có như Úc, Nhật Bản, New Zealand và Đài Loan, nơi bạn kỳ vọng quá trình mua vaccine dễ dàng hay khó khăn như với châu Âu và Mỹ.
Cũng có sự lưỡng lự ở một số người dân, chẳng hạn như ở Hong Kong hoặc Đài Loan, những nước không tin tưởng vào các cơ quan y tế và an toàn tiêm chủng. Việc này làm tiến độ tiêm chủng bị chậm hơn nữa.
Ngoại lệ duy nhất cho tỷ lệ thấp này là Singapore, nơi có khoảng 42% dân số đã được tiêm mũi đầu tiên.
Tuy nhiên, Singapore là một thành phố với chỉ hơn 5 triệu dân, vì vậy số lượng liều tiêm thực tế vẫn ít. Ví dụ, so với 250 triệu liều tiêm của Ấn Độ.
Lối thoát chiến lược là gì?
Với việc Covid-19 có khả năng trở thành một căn bệnh theo mùa, lối thoát duy nhất cho các quốc gia là tiêm chủng.
Nhưng cho đến khi đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn, có vẻ như các ngôi sao chống Covid châu Á không muốn nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt vốn đã rất hiệu quả đối với họ - đóng cửa biên giới, phong tỏa và giãn cách xã hội.
Khi Úc nói biên giới của họ sẽ vẫn đóng cửa cho đến giữa năm 2022, một cuộc tranh luận công khai đã nổ ra về việc nước này có thể trở thành "vương quốc ẩn sĩ" trong bao lâu.
Trong khi không có kế hoạch mở cửa, đã có những cuộc thảo luận về việc thận trọng tiến hành chiến lược 'thoát thân' theo từng giai đoạn. Các cuộc thảo luận về 'bong bóng du lịch' giữa các quốc gia 'an toàn' cũng đang được tiến hành.
Hong Kong và Singapore đã nói về một kế hoạch như vậy trước khi bị ảnh hưởng bởi các vụ bùng phát trở lại.
Và một kênh như vậy thực sự hoạt động giữa Úc và New Zealand - cả hai nước đều báo cáo hầu như không có ca nhiễm địa phương nào trong hầu hết các ngày. Tuy nhiên, cả hai quốc gia đã lập tức đóng 'bong bóng' này khi xuất hiện một loạt ca nhiễm mới.
Các chuyên gia cảnh báo rằng với Covid tràn lan trên khắp thế giới, để các quốc gia thực sự mở cửa, họ phải loại bỏ tâm lý "zero Covid" không thực tế, và "sống chung" với virus.
Một chiến lược 'thoát hiểm' rõ ràng hơn đã được kêu gọi - một chiến lược với các mục tiêu theo giai đoạn đồng bộ với các chương trình tiêm chủng nhanh chóng - nhưng điều đó hiện đang vắng bóng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-57522949
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét