Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

6760 - Kỳ vọng ở cuộc gặp Biden-Putin

Hiếu Chân/Người Việt


Sau hàng loạt hội nghị với các đồng minh Châu Âu, Tổng Thống Joe Biden sẽ có cuộc gặp tay đôi với Tổng Thống Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sĩ, vào Thứ Tư, 16 Tháng Sáu, trước khi kết thúc chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ.

Ngay trước cuộc gặp Biden-Putin, hội nghị thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà Hoa Kỳ là thành viên chủ chốt, tại Brussels, Bỉ, hôm 14 Tháng Sáu ra tuyên bố chung nhấn mạnh Nga là “mối đe dọa” an ninh Châu Âu-Đại Tây Dương. (Hình minh họa: AP Photo/Patrick Semansky)

Trước khi hội nghị diễn ra, ý kiến chung của giới phân tích chính trị cho rằng đây là một cuộc đối mặt rất khó khăn cho cả đôi bên nhưng nếu hai nhà lãnh đạo đạt được một bước đột phá nào đó trong quan hệ băng giá giữa hai nước thì điều đó sẽ tác động rất lớn đến cục diện chính trị toàn cầu trong những năm sắp đến.

Đây không phải là cuộc hội kiến đầu tiên của hai ông Biden và Putin mà nằm trong chuỗi những cuộc chạm trán căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất hành tinh.

Mười năm trước, trong cuộc họp ở Điện Kremlin, ông Biden – khi ấy còn là phó tổng thống – đã nói với nhà lãnh đạo Nga: “Tôi không nghĩ ngài là người có linh hồn.”

Mới đây nhất, hồi Tháng Ba, khi trả lời câu hỏi của truyền hình “Ông có nghĩ ông Putin là kẻ sát nhân không?,” ông Biden bảo là “Có.”

Ngay trước cuộc gặp Biden-Putin, hội nghị thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà Hoa Kỳ là thành viên chủ chốt, tại Brussels, Bỉ, hôm 14 Tháng Sáu ra tuyên bố chung nhấn mạnh Nga là “mối đe dọa” an ninh Châu Âu-Đại Tây Dương, trong khi Trung Quốc chỉ được coi là “một thách thức.”

Mối quan hệ Nga-Mỹ từng có thời nồng ấm trong những năm 1990 sau khi chủ nghĩa Cộng Sản cáo chung và Liên Xô tan rã; nhưng đã nhanh chóng lạnh nhạt sau khi ông Putin lên cầm quyền, và bắt đầu thoái hóa từ khi Nga xâm chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.

Căng thẳng giữa hai nước đã lên cao trong vài tháng gần đây, khi Hoa Kỳ áp đặt cấm vận lên nhiều quan chức Nga, trục xuất các nhà ngoại giao Nga, và Moscow đã trả đũa bằng những hành động tương tự.

Một mối quan hệ lạnh nhạt như vậy rõ ràng không mang lại lợi ích nào cho cả hai nước và tiềm ẩn nguy cơ xung đột, gây bất ổn cho cả Châu Âu và thế giới. Vì thế, sau khi bị ông Biden gọi là “kẻ sát nhân,” ông Putin đã đánh tiếng sẵn sàng gặp gỡ và đối chất với nhà lãnh đạo Mỹ; rồi trước khi sang Châu Âu phó hội, ông Biden gửi lời mời ông Putin hội kiến ở một nước thứ ba.

Theo thông tin của Tòa Bạch Ốc, ông Biden dự trù sẽ đề cập với người đồng cấp Nga “toàn bộ các vấn đề cấp bách,” gồm kiểm soát vũ khí, biến đổi khí hậu, sự can dự của quân đội Nga ở Ukraine, các hoạt động tấn công mạng của Nga và việc bắt giam nhà bất đồng chính kiến người Nga Alexei Navalny.

“Chúng tôi không muốn xung đột với Nga. Chúng tôi muốn có mối quan hệ ổn định và có thể đoán trước được… nhưng tôi đã nói rõ: Hoa Kỳ sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ nếu chính phủ Nga có các hành động gây hại,” Tổng Thống Biden nói với báo chí khi vừa tới Châu Âu.

Giới quan sát ghi nhận chính sách đối với Nga của chính quyền Biden đang chuyển sang hướng thực dụng: hợp tác ở những lĩnh vực nào có thể và sẵn sàng kiềm chế, ngăn chặn và trừng phạt khi cần thiết. Để tạo không khí thuận lợi cho hội nghị Geneva, chính quyền Biden đã quyết định không ngăn chặn dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream II từ Nga sang Đức cho dù các chính trị gia Cộng Hòa ở Mỹ phản đối mạnh mẽ.

Trong khi đó, phía Nga bình luận lời mời của ông Biden và cuộc họp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Geneva là sự kiện mang tính biểu tượng, “đặt Nga vào cùng đẳng cấp với Mỹ,” “đặt Putin ngang hàng với Biden, là một thành viên câu lạc bộ các nhà lãnh đạo thế giới.” Ngay một số nhà ngoại giao EU cũng lo ngại, khi mời ông Putin đối thoại, Tổng Thống Biden đã giúp nâng cao uy thế của tổng thống Nga, dù rằng chế độ Kremlin đang có các hành động hung hăng và thù địch.

Nhưng ông Biden cho rằng mối lo ngại đó là không đúng; để giải quyết nhiều vấn đề sinh tử của thế giới, Nga và Mỹ cần có quan hệ, và để nối lại quan hệ thì hai bên phải đối thoại với nhau; sự kiện gặp gỡ là một phương tiện tự nó không có ý nghĩa mà vấn đề là nội dung và hiệu quả của cuộc đối thoại.

Hồi cuối tuần này, ông Putin cũng nói với đài truyền hình nhà nước rằng có “các vấn đề mà chúng ta có thể cùng nhau hợp tác” với Mỹ và “nếu chúng ta có thể tạo ra các cơ chế giải quyết những vấn đề, thì tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng hội nghị thượng đỉnh không vô ích.”

Rõ ràng hai bên đã bày tỏ thiện chí và thực tế có nhiều lĩnh vực Nga và Mỹ – hai siêu cường nguyên tử của thế giới – cần hợp tác. Hồi Tháng Hai, ngay sau khi nhậm chức, Tổng Thống Biden đã đề nghị và được phía Nga tán thành gia hạn hiệp ước hạn chế vũ khí nguyên tử New START – nền tảng của việc kiểm soát vũ khí toàn cầu – thêm năm năm, trong thời gian đó hai bên sẽ đàm phán một hiệp ước thay thế, có quy mô rộng lớn hơn.

Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, Tổng Thống Putin đã tham dự hội nghị thượng đỉnh “Ngày Trái Đất” do Tổng Thống Biden chủ trì hồi Tháng Tư và chỉ thị cho guồng máy chính quyền Nga phải có biện pháp cắt giảm việc phát ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính dù bản thân ông Putin nhiều lần bày tỏ hoài nghi hiện tượng biến đổi khí hậu là do con người gây ra.

Việc nối lại các kênh giao tiếp giữa Washington và Moscow chắc sẽ được ưu tiên thảo luận ở Geneva. Hồi đầu Tháng Tư, sau khi ông Biden gọi ông Putin là “kẻ sát nhân,” Moscow đã triệu hồi đại sứ về nước và khuyến cáo đại sứ Mỹ nên rời khỏi Nga. Từ đó đến nay, liên lạc ngoại giao giữa hai nước bị gián đoạn. Để giảm thiểu nguy cơ hiểu lầm hoặc thông tin không chính xác dẫn tới xung đột, hai ông Biden và Putin chắc chắn sẽ cho tái lập các kênh giao tiếp cấp cao giữa hai chính phủ, giữa Tòa Bạch ốc và Điện Kremlin, giữa các Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng và có thể xem xét nới lỏng việc xuất nhập cảnh của công dân hai nước.

Trên bình diện quốc tế, có thể hai nhà lãnh đạo sẽ tìm được tiếng nói chung ở những vấn đề mà hai nước cùng quan tâm như ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của Iran, nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo cho nạn nhân chiến cuộc ở Syria.

Nhưng dù hợp tác như vậy, Hoa Kỳ cũng chưa thể bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Nga là nước đang chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Georgia và Ukraine, liên tục tổ chức những cuộc tấn công điện toán vào các cơ quan chính phủ, công ty lớn và cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Hoa Kỳ, nâng đỡ các chính thể độc tài ở Venezuela, Belarus, Syria và đàn áp tàn bạo các tổ chức nhân quyền trong nước.

Hai thập niên cầm quyền của ông Putin cho thấy nhà lãnh đạo Nga quyết tâm khôi phục “sự vĩ đại” của đế quốc Nga xưa, coi Hoa Kỳ và các chính thể dân chủ phương Tây là chướng ngại lớn nhất, cần phải phá hủy, trên con đường thực hiện giấc mộng đó. Ở góc độ này, ông Putin tìm được sự đồng cảm và tiếng nói chung ở nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và đó là lý do đưa tới mối quan hệ đồng minh ngày càng bền chặt giữa Nga và Trung Quốc.

Với ông Tập và ông Putin, Hoa Kỳ không gì khác hơn là một “kẻ thù,” một quốc gia “không thân thiện” trong một phương Tây đang suy tàn. Trục độc tài Moscow-Bắc Kinh đang nỗ lực bành trướng ảnh hưởng và làm cho phương Tây phải vất vả đối phó.

Không nên kỳ vọng tại hội nghị Geneva Tổng Thống Biden sẽ thuyết phục được ông Putin thay đổi đường lối, trở nên thân thiện và có trách nhiệm hơn. “Không bảo đảm rằng bạn có thể thay đổi hành vi của một con người hoặc hành vi của một quốc gia. Các nhà độc tài có quyền lực to lớn và họ không phải trả lời cho dân chúng,” ông Biden thừa nhận.

Cựu Tổng Thống Donald Trump từng dành bốn năm cầm quyền để kết thân với Tổng Thống Vladimir Putin, thậm chí “tin” lời ông Putin hơn các cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, nhưng vẫn không chấm dứt được những hành động thù địch của Nga đối với Hoa Kỳ. Quan điểm của chính phủ Biden rằng mâu thuẫn căn bản của thời đại ngày nay là cuộc đấu tranh giữa thể chế dân chủ tự do phương Tây với chế độ độc tài toàn trị do Nga và Trung Quốc dẫn dắt vì vậy vẫn là tư tưởng xuyên suốt, đặt nền tảng cho các chính sách đối nội và đối ngoại của Hoa Kỳ và Châu Âu.

Trên nền tảng đó, chính sách đối với Nga chủ yếu vẫn phải là ngăn chặn, kiềm chế và trừng phạt. Chính sách này đòi hỏi Hoa Kỳ phải có một chiến lược nhất quán, liên kết với các đồng minh NATO để ngăn chặn các hành vi bành trướng của Nga và buộc Moscow phải trả giá đắt cho các hành vi gây hại đó.

Lấy chiến lược tấn công điện toán của Nga làm ví dụ. Tần suất ngày càng nhiều và độ tinh vi ngày càng cao của các cuộc tấn công điện toán xuất phát từ Nga vào các cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng của Hoa Kỳ – từ mạng đường ống vận chuyển nhiên liệu Colonial ở bờ Đông nước Mỹ, tới các nhà máy chế biến thịt bò JBS, từ tấn công đòi tiền chuộc vào các bệnh viện tới các công ty Internet của Hoa Kỳ – đã đưa vấn đề vũ khí tấn công mạng lên đầu nghị trình đàm phán Nga-Mỹ, kể cả tại hội nghị Geneva sắp diễn ra.

Trước hội nghị, Tổng Thống Biden nói rõ ông có ý định đưa ra cho ông Putin một lựa chọn: hoặc chấm dứt các vụ tấn công điện toán, xử lý những tên tội phạm mạng hoạt động từ lãnh thổ Nga, hoặc phải đối mặt với một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế và “sự đáp trả thích hợp” của Hoa Kỳ.

Thế nhưng hôm Chủ Nhật, 13 Tháng Sáu, bên lề hội nghị G7, ông thừa nhận rằng ông Putin có thể sẽ chẳng nghe lời ông, bằng cớ là ông Putin luôn chối bỏ vai trò của Nga trong các vụ tấn công mạng mà cho rằng đó chỉ là thủ đoạn vu khống không có cơ sở của Hoa Kỳ nhằm bôi nhọ nước Nga.

Dẫu vậy, Tổng Thống Biden hy vọng sẽ thuyết phục được ông Putin thảo luận về một danh sách “vùng cấm xâm phạm” trong thời bình mà tội phạm mạng, dù ở bất cứ nước nào, cũng không được đụng chạm đến, chẳng hạn như các hệ thống truyền dẫn điện, nước và nhiên liệu, các nhà máy điện nguyên tử, các trung tâm chỉ huy và kiểm soát vũ khí hạt nhân…

Hoa Kỳ có thể sẽ không đủ lực để buộc Moscow phải nhượng bộ nhưng tổng hợp sức mạnh của khối đồng minh phương Tây có thể làm nên chuyện. Một chính sách phối hợp để minh bạch hóa các hoạt động chuyển ngân của Nga trong hệ thống tài chính phương Tây, ngăn chặn các hành vi rửa tiền, kể cả tiền mã hóa Bitcoin dùng làm phương tiện thanh toán trong các vụ tấn công mã độc đòi tiền chuộc (ransomware) cũng đủ để Moscow phải nghĩ kỹ trước khi hành động. Đi xa hơn, một cuộc phong tỏa, đóng băng các tài sản của giới quan chức tham nhũng Nga tại Mỹ và các nước Tây Âu sẽ có tác động lớn. Chuyến công du Châu Âu của Tổng Thống Biden những ngày qua đã đặt nền móng cho sự đồng thuận của phương Tây đối phó với các hành vi tội phạm của Nga, kể cả trong không gian mạng.

Vào thời cao điểm của cuộc Chiến Tranh Lạnh, năm 1985, Tổng Thống Ronald Reagan đã có cuộc hội đàm lịch sử với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, cũng tại Geneva, nơi mà Tổng Thống Joe Biden sẽ đàm đạo với Tổng Thống Vladimir Putin. Sau cuộc gặp, Tổng Thống Reagan có một nhận xét kinh điển, với Liên Xô: “Chúng ta tin cậy nhưng phải kiểm chứng” (we need to trust, but verify).

Nước Nga bây giờ đã thay đổi, đã không giống với Liên Xô thời mạt vận, cho nên có thể nói, sau hội nghị Geneva, có thể ông Biden sẽ nói, với nước Nga, chúng ta không thể tin mà phải luôn cảnh giác. 

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ky-vong-o-cuoc-gap-biden-putin/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét