Thứ Ba, 15 tháng 6, 2021

6737 - Vladimir Putin trông đợi gì ở thượng đỉnh Nga – Mỹ tại Geneve ?

Minh Anh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) và nguyên thủ Nga Vladimir Putin. Ảnh ghép ngày 07/06/2021 của AFP Jim WATSON, Grigory DUKOR AFP/Archivos

Sau sáu tháng lời qua tiếng lại gay gắt, ngày 16/06/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc gặp đầu tiên với đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin tại Geneve, Thụy Sĩ. Trong bối cảnh quan hệ Nga – Mỹ xuống cấp đến mức thấp nhất, đối với nguyên thủ Nga, thượng đỉnh lần này là một cơ hội lớn, cho phép Nga tái khẳng định vị thế cường quốc trên trường quốc tế.

Nước Mỹ nằm trong danh sách « các quốc gia thù nghịch » của Nga. Còn Vladimir Putin là « một sát thủ », theo như khẳng định của ông Joe Biden khi trả lời phỏng vấn. Quan hệ Nga – Mỹ chưa có lúc nào tồi tệ như lúc này.

Hai bên đã rút đại diện ngoại giao cao cấp nhất về nước. Một số quan chức Nga nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ vì nhiều lý do, từ vụ sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina cho đến sự can dự vào cuộc bầu cử Mỹ. Trong khi đó, hai cựu thủy quân lục chiến Mỹ bị giam trong trại tù của Nga – một trong hai người này lãnh án đến 16 năm tù vì bị kết tội làm gián điệp.

Trong bối cảnh này, khi nhận lời dự thượng đỉnh theo đề xuất của đồng nhiệm Mỹ, tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ được gì ? Trước hết, giới quan sát cho rằng tầm quan trọng của cuộc gặp này mang tính biểu tượng cao. Tự bản thân lời mời của Joe Biden đã đủ nói lên điều đó. Đây là tín hiệu của một sự tôn trọng.

Việc ông Putin – vị nguyên thủ đầu tiên có thể đối thoại trực diện với tổng thống Mỹ, khẳng định sự nhìn nhận của phương Tây vị thế cường quốc của Nga, một đòi hỏi thiết yếu của ông Putin từ hai thập niên qua, « một trong những các điều cốt lõi cho chính sách đối ngoại của Nga » như nhận xét của ông Mark Galeotti, giáo sư về Nga, trường Đại học Luân Đôn, với AFP.

Thượng đỉnh cho thấy là Nga đang trên « sân chơi của các ông lớn » và đặc biệt, Nga là một đối tác không thể thiếu trong nhiều hồ sơ quốc tế lớn như hạt nhân Iran, Afghanistan, Syria hay Libya…

Dù vậy, bầu không khí cuộc gặp được dự báo sẽ không mấy gì hữu nghị. Cả hai nguyên thủ Nga và Mỹ đều không ưa nhau, và có khá nhiều điểm bất đồng về nhãn quan thế giới và trong nhiều hồ sơ lớn. Nhưng giới phân tích cho rằng đây cũng là dịp để đôi bên cùng trắc nghiệm đâu là những « lằn ranh đỏ » của mỗi bên, và cả hai  nguyên thủ cũng hiểu rằng, « đối thoại là con đường duy nhất để tránh cho mối quan hệ rơi xuống vực thẳm ».

Đôi bên cùng có lợi khi hạ nhiệt căng thẳng. Nước Nga của ông Putin cần thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây cũng như từ dịch bệnh Covid-19. Hoa Kỳ cần sự trung lập của Nga để có thể đối phó với đà đi lên của Trung Quốc cả về kinh tế, quân sự lẫn công nghệ, hiện đe dọa thế bá quyền của Mỹ.

Và thách thức này không chỉ của riêng của Washington, mà còn là một mối họa của Matxcơva. Tổng thống Nga ngày càng tỏ ra lo lắng trước thế mạnh ngày càng lớn về kinh tế, quân sự của Trung Quốc cũng như đà bành trướng ảnh hưởng của ông khổng lồ châu Á này tại các nước Trung Á, vốn dĩ từng là « sâu sau » của Nga thời hậu Xô Viết. Có khác chăng, nước Mỹ của Joe Biden công khai bày tỏ, xem Trung Quốc là « đối thủ chiến lược », còn nước Nga của ông Putin tuy làm bạn với Bắc Kinh, nhưng ngấm ngầm dè chừng.

Trong hoàn cảnh này, nước Mỹ mong muốn có một mối quan hệ « ổn định và có thể dự báo được ». Nước Nga, qua lời ngoại trưởng Serguei Lavrov, tuy nói rằng không có chút ảo tưởng, nhưng cũng hy vọng có được những tiến bộ về vấn đề « bình ổn chiến lược ». Đây cũng chính là lĩnh vực tối thiểu đôi bên có thể hợp tác, theo đó, « việc tránh một sự va chạm quân sự, tai nạn hay không, giữa hai siêu cường hạt nhân thế giới, vẫn là điều cốt lõi trong mối quan hệ Nga – Mỹ », theo như nhận định của ông Dmitri Trenin với đài Radio-Canada.

Do vậy, mục tiêu ấn định của điện Kremlin là chỉ « tập trung thảo luận những hồ sơ có lợi ích chung như hạt nhân Iran, Bắc Cực, và mỉa mai thay là an ninh mạng, hơn là xoáy vào những chủ đề gây chia rẽ », theo như quan sát của ông Tamara Alteresco, thông tín viên đài Radio-Canada ở Matxcơva.

Trước những ưu tiên vừa nêu, giới quan sát dự báo hồ sơ nhân quyền, số phận của nhà đối lập Navalny, và trong một chừng mực nào đó là Ukraina, sẽ khó, nếu không muốn nói là không có những đột phá trong cuộc gặp thượng đỉnh Putin – Biden đầu tiên này!

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210615-putin-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-nga-m%E1%BB%B9-t%E1%BA%A1i-geneve

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét