Phạm Nhật Bình
Làn sóng lây lan thứ tư của Covid-19 lần này khác với những lần trước, đang đánh úp vào các khu công nghiệp phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh sau nhiều ngày hoành hành, chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trước viễn cảnh chấm dứt đại dịch còn là những hình ảnh mù mờ, CSVN lo sợ nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng hàng hóa ở đây bị sụp đổ nếu tình trạng lây nhiễm còn kéo dài.
Vì thế trong tuần lễ vừa qua, từ chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Thủ tướng Phạm Minh Chính và cả hệ thống chính quyền bắt đầu chạy vái tứ phương để xin mua vaccine.
Đây là hệ quả tất nhiên từ sự tự hào quá sớm với thành quả ban đầu, Việt Nam phô trương thành tích, vội vàng tuyên bố dập tắt dịch Covid-19 thành công, trong khi cả thế giới còn lao đao. Không nghĩ tới chuyện mua vaccine, Việt Nam yên tâm chờ sản xuất vaccine nội địa, đặt lòng tin của nhân dân vào những lời tuyên bố khoa trương thiếu kiểm chứng khoa học.
Nhưng vào giờ chót, khi dịch bệnh bùng nổ từ Hà Nội đến Thành Hồ, cho dù muốn mua vaccine cũng không còn mà phải đợi đến cuối năm 2021 hoặc sang năm 2022. Vì thế theo đề nghị của thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Y Tế vội vã phê duyệt khẩn cấp để mua vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất, dù biết nó không hiệu quả. Dư luận xôn xao bàn tán theo chiều hướng không tin tưởng vaccine do Trung Quốc sản xuất. Để trấn an dân chúng, ông Chính tuyên bố là việc tiếp cận vaccine Trung Quốc dựa trên hai trụ cột chính:
Thứ nhất, huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng tiếp cận. Nhà nước đã nhanh chóng huy động kinh phí ngay trong túi tiền của nhân dân và các doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân. “Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19” được thành lập như một cách vơ vét hợp pháp đầy lòng yêu nước, tuy chính phủ thừa tiền chi cho các dự án tượng đài, nhà hát giao hưởng.
Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine. Xem ra hai trụ cột này cũng khó thực hiện chứ không đơn giản, Vì dù Việt Nam có vái tứ phương và moi được một số tiền trong dân thì Việt Nam đã đặt hàng quá trễ, vì đã bỏ qua chuyện mua vaccine để ngồi chờ vaccine nội địa. Trong khi đó các nước đã lo mua vaccine từ năm 2020 nên bây giờ họ mới ưu tiên nhận hàng. Còn việc chuyển giao công nghệ cũng chỉ nằm mơ mà thôi, vì việc sản xuất vacine nào phải như làm ra viên thuốc chống cảm cúm. Mới đây Tập đoàn Vingroup chớp thời cơ tuyên bố thành lập Công ty Vinbiocare nói là để sản xuất dược liệu và vaccine nhưng sản xuất với công nghệ do ai chuyển giao thì chưa biết, lại thêm một vua nổ.
Nhưng có điều đáng nói, ông Chính không phát biểu ví von như người tiền nhiệm mà lại có những ngôn ngữ khúc mắc, ngồ ngộ…Ngày 7 Tháng 6,Thủ tướng Phạm Minh Chính trong khi làm việc với các nhà khoa học và các đơn vị để giải quyết khó khăn về vaccine, đã nêu lên quan điểm của chính phủ trong 8 điều “3 không và 5 thật” để khuyên dạy cán bộ. 3 không là “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, và 5 thật là “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật”.
Có ai tin vài 8 điều này không?
Kể từ năm1975, những người cộng sản cầm quyền đã 46 năm; trong nửa thế kỷ ấy có bao giờ họ nói thật, làm thật điều gì mang lại lợi ích cho người dân?. Đây không chỉ là phát biểu cho sướng miệng của ông Chính mà còn là sự khẳng định trước dư luận, chính phủ của ông sẽ không bao giờ nói không và luôn luôn tận tụy làm việc vì dân vì nước. Nhưng rõ ràng các chủ đích của ông Chính cũng chỉ đi vào con đường mòn của Nguyễn Xuân Phúc là nổ sảng, dùng sự quanh co của ngôn từ để nguỵ biện cho sự thất bại của chế độ trong việc chích ngừa vaccine.
Thử hỏi các cán bộ đảng từ trung ương đến địa phương, có ai dám nói thật những suy nghĩ thật của mình đối với đảng, với chính phủ hay chỉ ngậm miệng ăn tiền?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét