Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

6689 - Việt Nam: Bầu Quốc hội đã xong, tới lúc vào cuộc thực sự?

BBC

Nhà nước Việt Nam vừa chính thức công bố các kết quả của kỳ bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa XV với 499 ứng cử viên đã được tuyên bố trúng cử tại các địa phương, tỉnh thành trong cả nước. Nhân dịp này, hôm thứ Sáu, 11/6/2021, một số nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam từ trong nước và hải ngoại chia sẻ với BBC News Tiếng Việt cảm nhận riêng và góc nhìn cá nhân của mình.

Bà Nguyễn Nguyên Bình: (nhà văn, cựu Trung tá QĐND Việt Nam từ Hà Nội): "Về cuộc bầu cử Quốc hội khoá 15, cảm tưởng đầu tiên của tôi là việc tổ chức bầu cử lần này về thực chất không có gì mới so vo các lần bầu cử trước đây. Rõ nhất là việc các ứng viên do phía nhà cầm quyền (thông qua "hiệp thương" của Mặt trận Tổ quốc) vẫn né tránh không chịu ra mắt giao lưu rộng rãi với cử tri. Trong khi các loại phương tiện thông tin của nhà nước suốt ngày ra rả nhắc nhở người dân phải "sáng suốt lựa chọn" để bầu (bao lần nhắc nhắn cả vào điện thoại nữa).

Ngóng mãi mà chẳng thấy ai gặp nên bức xúc quá. Khi chỉ còn chưa đầy tuần lễ là phải đi bỏ phiếu, tôi đã phải gửi mấy câu than trên FB rằng:"Sáng suốt thì vưỡn sẵn sàng/Băn khoăn chả biết đâu vàng đâu thau/Một lần cũng chẳng gặp nhau/Thì nào đã biết vàng thau mà bàn!" Khi đó trong dư luận cũng nhiều người đã nói thẳng rằng sẽ không đi bầu vì chả biết ai thế nào mà bầu mất công. Trước nay chả bầu thì "họ" vẫn trúng!

Ông Lê Văn Sinh (nhà nghiên cứu lịch sử, cựu Giảng viên ĐHQG Hà Nội): Khi đọc các thông tin do báo chí nhà nước loan tải kết quả bầu Quốc Hội khóa XV tôi không có cảm xúc vui mà chỉ thấy buồn. Đảng cử họ để dân chúng bầu. Cho nên những người vừa đắc cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ngay tại địa bàn tôi sinh sống mà tôi chưa một lần được gặp, được tiếp chuyện, được nghe họ nói về chương trình hành động của họ ra sao nếu họ trúng cử.

Trước ngày 23 tháng Năm, tôi nhận nhiều tin nhắn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia nhắc nhở rằng phải sáng suốt chọn người tài đức bầu cho họ. Nhưng làm sao tôi biết ai trong danh sách (5 chọn 3) kia ai là người tài đức hơn ai chỉ qua vài dòng vắn tắt quê quán, nghề nghiệp, học vấn... và bức ảnh chân dung? Mấy chục năm qua, các cuộc bầu cử trên đất nước ta lặp lại nội dung Đảng cử dân bầu. Không có gì thay đổi.

Ông Võ Văn Tạo (nhà báo, cựu viên chức Bộ Công thương, từ Nha Trang): Cho đến hôm nay, mới nghe tin một trường hợp liên quan một ca dương tính được huy động làm nhân viên phục vụ ở điểm bầu cử Bắc Từ Liêm (Hà Nội), nhưng rất may, việc bao vây khống chế tương đối tốt, cho nên hậu quả không lớn lắm. Còn nói về "thành công" thì cái gì nhà nước chủ trương mà truyền thông của nhà nước không loan tin là thành công?!

Có chi tiết tôi cho là không được thành công là công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử viên. Nói rằng "kỹ lưỡng" qua mấy vòng hiệp thương, nhưng thực tế ít nhất vẫn để xảy ra trường hợp Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, tuy trúng cử nhưng rồi bị loại vì "có vấn đề" - theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng. Nhưng điều quan trọng nhất là khi nào Việt Nam có bầu cử dân chủ thật sự thì lúc ấy cuộc bầu cử mới là ngày hội toàn dân. Kỳ bầu cử vừa rồi, cũng như bao nhiêu cuộc bầu cử trước đây, toàn theo cách "đảng cử, dân bầu", rất hình thức, lãng phí kinh phí ngân sách và thời giờ của cử tri.

Cử tri "mù tịt" về ứng cử viên, nên đi bầu cho xong chuyện và khỏi rắc rối với nhà nước mà thôi. Không hào hứng gì, vì có ai là người do dân giới thiệu đâu? Đại biểu đâu có đại diện thực chất cho dân? Thực tế là đại biểu không cần biết dân yêu hay ghét mình và không sợ quyền lực của dân qua lá phiếu.

Ông Nguyễn Hữu Liêm (học giả, luật gia từ San Jose, California, Mỹ): Nhìn kết quả thì tôi không ngạc nhiên. Khi Đảng CSVN đã chủ tâm độc quyền lãnh đạo, và Quốc hội chỉ là một thứ cấp của trật tự quyền lực của Đảng, thì ít ai để ý đến tỷ lệ thắng cử. Vấn đề là cấu trúc công quyền, và trật tự quyền hạn chính trị. Nếu Quốc hội chỉ làm luật như là một khuôn dấu cho ý chỉ Bộ Chính Trị thì chúng ta phải nhìn đó là một mô hình quyền lực riêng cho các quốc gia Cộng sản toàn trị.

BBC: Kết quả này với ông, bà có ấn tượng không, có vấn đề gì đặt ra không và có gì là tín hiệu mới hay không?

Bà Nguyễn Nguyên Bình: Lần này chỉ thấy hơn các lần trước là chi tiền tốn kém rất nhiều vào cái gọi là "tuyên truyền vận động". Ví dụ ngoài cờ đèn kèn trống nhiều gấp bội, còn phát đến từng hộ gia đình các bản in rất đẹp giới thiệu họ tên, chức vụ, quá trình công tác, địa chỉ đăng kí hộ khẩu thường trú của ứng viên; thế nhưng lại không chịu đưa mục tài sản và số điện thoại, và quan trọng nhất là chương trình hành động để dân chúng có thể tìm hiểu, liên hệ, kiểm tra…

Còn về kết quả công bố sau bầu cử: con số 98,43% cử tri đi bầu, tôi thấy khó tin. Trong khi tuyên truyền chính thống và phát ngôn của các vị trong tứ trụ luôn luôn nhấn mạnh rằng trong nước ngày càng nhiều người tự chuyển hoá tự diễn biến sang "thế lực thù địch", vây chắc số đó họ chả chịu đi bỏ phiếu; hơn nữa người chả biết có phải thế lực thù địch hay không nhưng họ đã công khai nói, "không biết không bầu ", có người đã không cả ghi tên vào danh sách cứ tri.

Riêng trường hợp của tôi thì chính quyền địa phương còn định không cho tôi đi bầu mà chẳng nói lý do tại sao. Tôi phải tranh đấu với họ rằng tôi chưa bao giờ làm gì vi phạm pháp luật, chưa hề bị tước quyền công dân, tại sao lại không phát thẻ cử tri cho tôi? Sau đó họ đuối lý phải phát thẻ cử tri và tôi có đi bỏ phiếu; tuy vậy tôi cũng không thể "sáng suốt lựa chọn" đại biểu đủ đức tài như lời kêu gọi, tôi chỉ lựa chọn tù mù theo cảm tính mà thôi.

Ông Lê Văn Sinh: Mỗi hệ thống xã hội có kết quả bầu cử không giống nhau. Hệ thống xã hội này, ứng viên giành 99% phiếu bầu hợp lệ là bình thường, thì tại hệ thống xã hội khác là bất thường, không bao giờ xuất hiện. Tôi nhớ lời nhận xét của một sử gia đại ý, cách thức tuyển chọn các nhà quản trị xã hội phản ảnh sự tiến bộ lịch sử của các xã hội loài người. Như đã nói ở trên, kết quả bầu cử lần này vẫn như các lần trước, không có gì mới.

Ông Võ Văn Tạo: Vì không phải là bầu cử dân chủ thực chất thì kết quả như thế nào cũng chẳng gây được ấn tượng gì với cử tri. Ứng cử viên nào chẳng là sự sắp đặt của đảng? Người dân họ nói nôm na: "Con gà nào chẳng là người của mấy ổng?".

Ông Nguyễn Hữu Liêm: Kết quả nầy không cho một tín hiệu gì mới. Nói như dân gian "Vũ Như Cẩn" - và mọi người nhìn đó như là một bữa tiệc chính trị và quyền lực mà cử tri đi bầu chỉ là những biến số biện minh cho dạ tiệc đó. Tức là ý chỉ của Đảng quyết định tất cả. Khẩu hiệu vẫn là, "Hãy tin tưởng tuyệt đối vào Đảng"!

Có nên có giám sát độc lập?

BBC: Việt Nam có nên có giám sát độc lập cho các cuộc bầu cử không? Nếu người dân hay giới quan sát muốn tìm hiểu tính sát thực của các thống kê bầu cử và giám sát quá trình bầu cử, thì dựa vào đâu? Làm thế nào?

Ông Lê Văn Sinh: Tôi cho rằng một cuộc bầu cử tự do và dân chủ đích thực nhất định phải có sự giám sát độc lập. Đó là cách tốt nhất ngăn ngừa gian lận bầu cử. Tại các quốc gia dân chủ, hệ thống xã hội của những quốc gia này đã tạo ra một cách tự nhiên cơ chế kiểm soát quyền lực, cũng là kiểm soát bầu cử.

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện thời thì dân chúng và giới quan sát có muốn giám sát quá trình bầu cử và tìm hiểu kết quả bầu cử có trung thực không là vấn đề khó thực hiện.

Chỉ khi nào đảng cầm quyền thực sự muốn người dân tuyển chọn ra người lãnh đạo họ, khi đó câu chuyện giám sát và kiểm tra tính xác thực bầu bán sẽ không còn là nan đề nữa.

Ông Võ Văn Tạo: Nếu tổ chức được việc giám sát độc lập của nhân dân thì tốt hơn 1 bước, tuy chẳng mấy quan trọng. Quan trọng vẫn là phải dân chủ thật sự khi giới thiệu ứng cử viên, phải chấp nhận vận động tranh cử, truyền thông phải được tự do phản ánh, báo chí phải được cởi trói. Nhưng tôi tin chắc một điều, Đảng cộng sản Việt Nam không bao giờ chấp nhận điều đó.

Ông Nguyễn Hữu Liêm: Đảng sẽ không bao giờ chấp nhận giám sát độc lập - vì đó là một bước sang nhượng thẩm quyền. Thực ra, tôi tin rằng đa số kết quả là chính xác. Vì cử tri đã bị đưa vào cái thế phải bỏ phiếu như vậy mà thôi.

BBC: Ông, bà có nhận xét gì về tỷ lệ phiếu bầu với các quan chức cấp cao (Bộ Chính trị v.v...) mà có những tỷ lệ tới trên 98 hay 99%, trong đó, bên cạnh việc phân bổ các quan chức này ở các địa phương để họ có những kết quả bầu như đã được công bố?

Bà Nguyễn Nguyên Bình: Về kết quả trúng số phiếu cao của nhiều vị vốn đã có chức sắc thì tôi không dám bàn; nhưng cũng ngại một nỗi xưa nay "chính thống " vẫn vừa đá bóng vừa thổi còi thì khách quan làm sao được?

Ông Lê Văn Sinh: Như đã nói ở trên, kết quả trúng cử của một số nhà lãnh đạo Việt Nam là rất cao: Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ (99,89%), Thủ tướng Phạm Minh Chính (98,74%), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (98,36%) và nhiều người khác nữa. Đây không phải chuyện bất thường. Các cuộc bầu cử Quốc Hội trong quá khứ đều như vậy. Hệ thống chính trị của Việt Nam hiện thời mà không có kết quả đắc cử như thế mới lạ.

Việc đưa các quan chức đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc Hội ứng cử tại các địa phương là cách làm truyền thống lâu nay. Ứng cử ở đâu thì họ cũng sẽ đắc cử, chỉ là phần trăm phiếu bầu họ cao hay thấp mà thôi.

Ông Võ Văn Tạo: Hiện tượng quan chức cấp cao đạt tỷ lệ phiếu bầu trên dưới 99% là kết quả của chính sách tuyên truyền của nhà nước cộng sản. Phần lớn người dân không có điều kiện để tiếp nhận thông tin đa chiều. Báo chí trong cái "vòng kim cô" của đảng, nên mới có hiện tượng như báo chí biết thực chất Đinh La Thăng từ lâu nhưng không dám phanh phui. Chỉ khi anh ta bị đảng trừng phạt, báo chí mới loan tin phụ họa theo kiểu "bắt gà chết".

Ông Nguyễn Hữu Liêm: Cái nghịch lý là có đại biểu Quốc hội không liên quan gì đến địa phương mà họ đại diện mà vẫn trúng cử. Uy tín chính trị của chóp bu lãnh đạo - trong bối cảnh hiện nay - cần một biện minh về tý số phiếu bầu. Càng cao thì uy tín càng lớn. Vấn đề cơ bản - lần nữa - là cấu trúc bầu phiếu. Sơ đẳng nhất là câu hỏi: "Ai đếm phiếu?"

Quan tâm ưu tiên gì cho nhiệm kỳ mới?

BBC: Cuối cùng, các kết quả bầu cử nay đã được công bố, nếu cuộc chuyển giao quyền lực ở nhiệm kỳ mới qua kỳ bầu cử được cho là đã cơ bản xong, liệu có điều gì mà theo quý vị ban lãnh đạo mới của Việt nam (Quốc hội, các Hội đồng nhân dân, Chính phủ...) cần ưu tiên quan tâm trong nhiệm kỳ mới của họ?

Bà Nguyễn Nguyên Bình: Cải cách chính trị, cải tổ thể chế, cải cách quản lý kinh tế lần hai, nới lỏng dân chủ, tự do, chấm dứt đàn áp giới phản biện, xã hội dân sự, bất đồng chính kiến, thực thi nghiêm túc các cam kết và luận định, hiến định về các quyền cơ bản nhân quyền, quyền công dân v.v... theo tôi là những việc cần phải làm trong nhiều việc và nếu mà làm được những điều đó thì đã quá tốt cho sự phát triển của đất nước!

Đấy là đối nội, còn đối ngoại, bang giao, trước các toàn tính bành trướng quân sự, an ninh, gây ảnh hưởng qua kinh tài, 'nhử mồi, đặt bẫy' của nhà cầm quyền Trung Quốc, ban lãnh đạo Việt Nam cần hết sức cảnh giác. Nhưng xét cho cùng, đối ngoại là sự nối dài của chính sách đối nội mà ra, chỉ cần làm tổ được những điều mơ ước nói trên thì lo gì nguy cơ của Trung Quốc cộng sản.

Ông Lê Văn Sinh: Mọi người biết rõ cuộc bầu cử Quốc Hội này chỉ là làm cho xong thủ tục pháp lý. Trước đó, các vị trí lãnh đạo quốc gia, các tỉnh thành đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam xắp xếp ngay từ Đại Hội XIII rồi.

Sẽ không có sự thay đổi nào đáng kể ngoại trừ ông Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam (80,88% phiếu bầu hợp lệ) không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc Hội XV.

Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo đất nước nhận ra rằng, cuộc đổi mới lần thứ hai - đổi mới chính trị (đổi mới lần thứ nhất - đổi mới kinh tế năm 1986) là không thể và không nên trì hoãn thêm nữa. Tương lai của đất nước và của Đảng tùy thuộc vào việc các nhà lãnh đạo Đảng có quyết tâm dân chủ hóa nền chính trị đất nước hay không,

Ông Nguyễn Hữu Liêm: Có một ván cờ chính trị đang diễn ra giữa QH và BCT: Sân bóng vẫn là của Đảng, nhưng càng ngày Quốc hội càng muốn lấn sân. Quốc hội mới, dù chỉ là hình thức, dầu sao vẫn là một định chế dân sự đứng song song và ngang hàng với Đảng - nếu các lãnh đạo và đại biểu Quốc hội biết sử dụng thế cờ chiến lược trong thời gian tới. Để xem ông Vương Đình Huệ có là một chính trị gia có khả năng thích hợp hay không. Nhân dân đang chờ!

Ông Võ Văn Tạo: Người dân thì luôn mong mỏi quan chức toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, đưa đất nước thoát khỏi tụt hậu, hòa nhập thật sự với nhân loại dân chủ văn minh. Nhưng với quan chức của đảng Cộng sản Việt Nam thì giữ ngôi vị độc tôn quyền lực, đem lại đặc quyền đặc lợi cho họ, là mục tiêu tối thượng, không buông bỏ. Vì vậy, trong bộ máy Chính phủ vẫn rất hiếm nhân vật xuất thân kỹ trị, trong Quốc hội, rất ít người có kiến thức luật, mang tư tưởng cấp tiến, dân chủ. Lòng dân và ý đảng theo tôi như hai đường thẳng vẫn song song, chưa gặp nhau.

Truyền thông nhà nước Việt Nam hôm thứ Sáu cho hay 499 ứng viên đã trúng cử Quốc hội Việt Nam khóa mới, trong đó theo công bố của Hội đồng bầu cử Quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3 Thành phố Hải Phòng, đạt tỷ lệ phiếu bầu hợp lệ cao nhất với 99,89%.

15 thành viên tân Chính phủ trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu cao, trong đó, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử tại Cần Thơ, đạt tỷ lệ 98,74% phiếu bầu hợp lệ.

Vẫn theo báo chí chính thống của nhà nước Việt Nam hôm 11 tháng Sáu, 29 tướng lĩnh ở trung ương và địa phương, gồm các vị là đại biểu chuyên trách khóa XIV, đã trúng cử Quốc hội khóa mới, trong đó có 20 sĩ quan quân đội.

38 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và 3 Chủ tịch tỉnh trúng cử Quốc hội khóa XV, bốn người tự ứng cử thành công, nhiều hơn khóa XIV hai người và đều là đảng viên, với ba vị là đại biểu khóa trước.

Trong số trúng cử, có 14 người không phải là đảng viên Cộng sản, có 15 doanh nhân mà một nửa trong số đó đến từ khu vực kinh tế tư nhân, về học vấn, trình độ đại biểu khóa mới tăng với 392 người có trình độ trên đại học, đạt tỷ lệ 78,55% vẫn theo truyền thông Việt Nam.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57441175

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét