Chu Sơn
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3
Thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) – Khát vọng Ngược chiều – Mạnh được Yếu thua
Kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh với Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, đảng Cộng sản Việt Nam bày tỏ khát vọng độc tài toàn diện và tuyệt đối qua những cuộc cải tạo các bộ phận nhân dân Miền Nam, trong đó có cộng đồng các tôn giáo. Đại hội lần thứ tư (IV) khẳng định, con đường đấu tranh cách mạng đưa đất nước đến thắng lợi Chủ Nghĩa Xã Hội và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa. Riêng đối với Phật giáo, công cuộc thành lập GHPGVN được Đảng nâng lên tầm chiến lược. (Xem hồi ký Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn).
Đối với Phật giáo Ấn Quang, mặc dù rất bức xúc trước các cuộc cải tạo có tính chất khủng bố và bội tín của đảng Cộng sản, nhưng họ vẫn kiên trì mục tiêu thống nhất giáo hội trên bình diện cả nước nhằm truyền bá Phật pháp đến dân tộc và nhân loại. Khát vọng này không có vấn đề gì trong các chế độ dân chủ Cộng hòa như Tích Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Úc, Tây Âu, Canada…, hay Quân chủ Lập hiến như Nhật Bản, Thái lan, Nepal…; tuy nhiên, đối với chế độ Cộng sản là một thách thức nghiêm trọng.
Năm 1976, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, tổng thư ký Giáo hội Phât giáo Việt Nam Thống nhất khối Ấn Quang, đại biểu quốc hội, gởi kiến nghị đến tổng bí thư Lê Duẩn, chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, chủ tịch quốc hội Trường Chinh và thủ tướng Phạm Văn Đồng về việc thống nhất Phật giáo. Hòa thượng nói rõ: “Khi đất nước bị xâm lược, tôi làm nghĩa vụ công dân (ông tham gia kháng chiến chống Pháp suýt bị giặc giết, may nhờ bà Từ Cung cứu. Trong chiến tranh chống Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, ông lên chiến khu tham gia Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình với tư cách phó chủ tịch), nay đất nước độc lập, tôi trở lại chu toàn việc đạo, và trước hết là vận động cho công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam”.
Theo hòa thượng Đôn Hậu, thống nhất là hợp nhất hai tổ chức: Giáo hội PGVN Thống nhất ở Miền Nam và Hội Phật giáo Thống nhất VN ở Miền Bắc thành một tổ chức duy nhất có tên gọi là Giáo hội Phật giáo Viêt Nam. Giáo hội đó cam kết tuân thủ luật pháp quốc gia và đường lối chính trị mà đảng đề ra (khi thành lập Liên Minh). Nhựng mọi việc thuộc về tôn giáo thì hàng giáo phẩm, tăng ni và đồng bào phật tử quyết định. (Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn).
Kiến nghị của thiền sư Thích Đôn Hậu phản ảnh lập trường của giáo hội Phật giáo Ấn Quang bị đảng Cộng sản từ trên xuống dưới quy kết là xấu, nguy hiểm, phản động.
Trước tình thế đó, đảng Cộng sản, một mặt dùng bàn tay sắt giết chóc, tra tấn, tù đày và cải tạo, một mặt dùng bàn tay sắt bọc nhung – cán bộ Dân vận Mặt trận, trực tiếp là cán bộ Tôn giáo vận từ trung ương xuống địa phương nhằm đưa một số chức sắc già cả và nhẹ dạ của Phật giáo Ấn Quang vào tròng.
Thành lập Giáo hội Phật giáo Viêt Nam là một công tác chiến lược, nên đảng Cộng sản đã bỏ ra nhiều công sức, thời gian, của cải, tiền bạc.
Từ sau khi nước nhà thống nhất trên phương diện hành chánh (1976), đảng Cộng sản cử ông Xuân Thủy, bí thư Trung ương đảng, một nhà ngoại giao nổi tiếng lịch lãm tại hội nghị Paris, làm trưởng ban Dân vận – Mặt trận. Ông Xuân Thủy cũng phụ trách luôn Ban Tôn giáo chính phủ. Ông đã chọn người “lịch lãm” ở Miền Bắc để sung vào Ban Tôn giáo, như Nguyễn Quang Huy chẳng hạn. Ông đã đi Miền Nam nhiều lần để nghiên cứu tình hình các Tôn giáo và tìm kiếm “nhân tài thạo nghề vận động Tôn giáo ở các đô thị Miền Nam”, như Đỗ Trung Hiếu, Nguyễn Chính (nhà thơ Phan Duy Nhân) chẳng hạn.
Là nhà chính trị, ngoại giao lão luyện, nên ông Xuân Thủy khá “được lòng” các đối tượng công tác của ông. Ông cũng tạo được niềm tin và sự kính trọng tuyệt đối nơi hai người cán bộ xuất sắc mà ông đã chọn. Ông đưa Nguyễn Chính từ ban Dân vận Mặt trận Quảng Nam Đà Nẵng ra Hà Nội làm phó ban Tôn giáo (trực thuộc chính phủ), rồi quyền trưởng ban. Đỗ Trung Hiếu vừa là cán bộ tôn giáo vận của thành ủy HCM, vừa làm tham mưu cho ông Xuân Thủy và ban Tôn giáo chính phủ tại Hà Nội.
Qua sự tìm hiểu trực tiếp của chính mình, qua nghiền ngẫm kiến nghị của hòa thượng Thích Đôn Hậu, và cũng qua sự đóng góp ý kiến của hai người cán bộ đáng tin cậy Nguyễn Chính và Đỗ Trung Hiếu, ông Xuân Thủy có nhận định khá chính xác về các tổ chức Phật giáo nói chung, Phật giáo Ấn Quang nói riêng, về kiến nghị của hòa thượng Thích Đôn Hậu, và về công cuộc thống nhất Phật giáo như sau:
“Việc thống nhất Phật giáo Việt Nam theo tôi biết: Đảng ta chủ trương thống nhất Phật giáo của ta (đảng Cộng sản VN) với GHPGVNTN khối Ấn Quang. Phật giáo của ta là các đoàn thể HPGTNVN (Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam) ở miền Bắc và BLLPGYN (Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước) ở miền Nam. Ở miền Bắc, phật tử đã vào các đoàn thể quần chúng hết rồi, chỉ còn những cụ già đi lễ bái ở chùa ngày rằm, mùng một theo tục lệ cổ truyền. Sự tiêu biểu thật hiếm. Cụ Trí Độ đã luống tuổi, quanh đi quẩn lại vẫn cụ Phạm-Thế-Long, nhưng khả năng đức độ của cụ, ảnh hưởng trong nước và quốc tế hạn chế. BLLPGYN có khá hơn một tí. Cụ Minh – Nguyệt có thành tích ở tù 15 năm ở Côn Đảo, cụ Thiện-Hào có thành tích đi kháng chiến, nhưng điều phật tử cần ở nhà sư, cả hai cụ đều hạn chế. GHPGVNTN khối Ấn Quang là một tổ chức tôn giáo và tổ chức quần chúng có uy tín trên thế giới, nhiều nhà sư tài giỏi. Nếu thống nhất theo kiến nghị của cụ Đôn-Hậu, có nghĩa là giải thể BLLPGYN, sáp nhập HPGTNVN vào GHPGVNTH và chịu sự lãnh đạo của họ. Như thế GHPGVNTN phát triển ra toàn lãnh thổ Viêt Nam, chứ không chỉ ở miền Nam như trước năm 1975. Quan trọng là đảng không bao giờ lãnh đạo được GHPGVNTN, mà ngược lại, GHPGVNTN trở thành một tổ chức tôn giáo rộng lớn có đông đảo quần chúng, là một tổ chức áp lực chính trị thường trực đối với đảng và chính phủ Việt Nam. Thống nhất theo dự án của ban Tôn giáo chính phủ chưa ổn lắm, vì chung qui cũng đưa các cụ ở HPGTNVN và BLLPGYN xách cặp cho GHPGVNTN mà thôi. Bởi vì các cụ ta đứng gần thượng tọa Thích Trí Quang sẽ bị hút vào tay áo tràng của thượng tọa hết… (Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn).
Nhận định như thế, nên ông Xuân Thủy chỉ đạo cho thuộc cấp thực hiện hai công tác cụ thể sau:
– Cố gắng tranh thủ cho được các hòa thượng Đôn Hậu, Trí Thủ và thượng tọa Trí Quang (đi theo đường lối của ta).
– Giải quyết cho được số cực đoan quá khích, đứng đầu là hai thượng tọa Huyền Quang, Quảng Độ, bằng biện pháp thuyết phục là thượng sách (Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn, trang 7).
Có lẽ chỉ đạo này xảy ra sau khi Thiền sư Thiện Minh bị giết chết, tháng 8.1978. Nếu không, ông đã đứng đầu danh sách cần thuyết phục. Còn hai thiền sư Huyền Quang, Quảng Độ (bị bắt tháng từ 1977, sau hai năm ở tù, được thả ra, bị chỉ định cư trú ở Quảng Ngãi và Thái bình vì không để bị thuyết phục.
Tháng 4.1979, ông Xuân Thủy chỉ đạo tiếp về việc thống nhất Phật giáo Việt Nam gồm mấy điểm mấu chốt:
1/ Hệ thống tổ chức Phật giáo sắp tới theo hình tháp ngược và ở trong Mặt trận Tổ Quốc VN.
2/ Đạo Phật gắn với dân tộc. Nhưng thời đại ngày nay là thời đại xã hội chủ nghĩa nên phải gắn với xã hội chủ nghĩa.
3/ Nhân sự tiêu biểu là người của GHPGVNTN khối Ấn Quang, nhân sư hành động là người của ta (đảng Cộng sản. CS) (Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn, trang 13).
Đáng tiếc là kế hoạch ấy chưa thực hiện thì ông bị thôi chức trưởng ban Dân vận trung ương và bí thư Trung ương đảng vì đấu đá nội bộ (Theo Đỗ Trung Hiếu: nhân vụ Hoàng Văn Hoan trốn sang Trung Quốc…).
Nguyễn Văn Linh, ủy viên Bộ Chính trị, được đảng cử làm trưởng ban Dân vận tiếp tục thúc đẩy công cuộc thống nhất Phật giáo.
Ngày 13.2.1980, Nguyễn Văn Linh triệu tập một cuộc họp gồm 20 vị đại diện các tổ chức Phật giáo trong cả nước để bàn về việc thống nhất. Phát biểu khai mạc, Nguyễn Văn Linh nói những lời đãi bôi đầy tính chất giả dối: “Nếu quý hòa thượng cho phép, tôi xin được gọi đạo Phật của chúng ta, và nếu quý hòa thượng không ngần ngại cũng có thể gọi Đảng của chúng ta”. (Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn).
Những lời đãi bôi giả dối này cán bộ Dân vận Mặt trận quen dùng trong suốt hai cuộc chiến tranh khi đối diện với hiểm nguy gian khó, chưa nắm quyền lực, cần có sự đóng góp xương máu và chia sẻ cơm áo của nhân dân. Nhưng khi đã có quyền lực rồi thì đảng biến nhân dân thành đối tượng cải tạo: Cướp bóc, tù đày, giết chóc và tống xuất ra nước ngoài.
Hơn bất cứ ai tham gia cuộc họp, các vị thuộc Giáo hội Phật giáo Ấn Quang đã đối diện từng ngày trước quá nhiều hành động gian ác của Cộng sản từ sau 30.4.1975 (như tôi đã mô tả chưa đầy đủ ở trên). Từ sau tháng 4.1975, đảng xin phép ai mà tiến hành cải tạo? Đảng xin phép ai mà ngăn sông cấm chợ? Đảng xin phép ai mà bán bãi vượt biên? Đảng xin phép ai mà cấu kết với Liên Xô, tiến quân qua Cambuchia để rồi biến dân tộc, đất nước thành kẻ thù của thế giới?… Có quá nhiều câu hỏi như thế dành cho đảng Cộng sản từ nhân dân và Phật giáo Ấn Quang. Đã như thế thì nhân dân và Phật giáo Ấn Quang không thể gọi đảng Cộng sản là “đảng của chúng ta” được.
Nói xong những lời đãi bôi gian dối thì ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Linh ra về, giao cho cấp phó của ông là Trần Bạch Đằng điều khiển cuộc họp. Trần Bạch Đằng từ trong chiến tranh đến nhiều năm sau 1975, công khai cáo buộc “Thích Trí Quang là CIA chiến lược”. Trần Bạch Đằng cũng phản đối quyết liệt kiến nghị của hòa thượng Thích Đôn Hậu (Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn).
Thiền sư Thích Trí Quang, Thiền sư Thích Đôn Hậu là linh hồn, là nhà chiến lược, là trụ cột của Phật giáo Ấn Quang đến thời điểm này (1980). Mà Phật giáo Ấn Quang là giáo hội có tầm cỡ to lớn, tập trung nhiều nhân vật “phản động” nhất trong số các tổ chức Phật giáo lúc bấy giờ.
Đảng Cộng sản cử Nguyễn Văn Linh, Trần Bạch Đằng đứng ra chủ trì công tác chiến lược Thống nhất Phật giáo là dấu chỉ báo hiệu chẳng có gì hay ho ở phía trước. Sau hai ngày chủ trì cuộc họp, Trần Bạch Đằng nặn ra được một tổ chức mị dân là Ban vận động thống nhất Phật giáo (BVĐTNPG), năn nỉ hòa thượng Thích Trí Thủ làm trưởng ban. Hòa thượng Thích Đôn Hậu từ chối tham gia, nhưng cuối cùng có tên trong danh sách với chức danh cố vấn cùng hòa thượng Thích Đức Nhuận là “nhân sự hành động của ta”.
Hòa thượng Thích Đôn Hậu bày tỏ thái độ không bằng lòng. Các thiền sư kiên định lập trường Phật Pháp – Dân tộc, Tự do – Dân chủ, Nhân quyền và Nhân loại trong viện Hóa đạo như Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sĩ, Trí Siêu, sư cô Trí Hải…, và các thiền sư miền Trung phản đối quyết liệt.
Lại có thay đổi từ trung ương. Nguyễn Văn Linh thôi ủy viên Bộ Chính trị và trưởng ban Dân vận, về làm bí thư thành ủy HCM. Trần Bạch Đằng thôi chức phó ban Dân Vận, về hưu. Trần Quốc Hoàn thôi bộ trưởng công an, vẫn là ủy viên bộ Chính trị, bí thư trung ương đảng, về làm trưởng ban Dân vận trung ương, kiêm ban Tôn giáo chính phủ.
Trần Quốc Hoàn 30 năm làm bộ trưởng Công an, ngoài các thủ đoạn bạo động hiểm độc với những ai ông cho là kẻ thù nguy hiểm, ông còn lão luyện trong các mánh lới chính trị với các đối tượng cần tranh thủ. Ông lắng nghe ông Nguyễn Quang Huy ở ban Tôn giáo Chính phủ sau khi ông này đi điều nghiên ở Sài Gòn về. Ông tỏ ra chăm chú lắng nghe Đỗ Trung Hiếu, chuyên gia tôn giáo vận của thành ủy HCM về tình hình Phật giáo tại Miền Nam. Ông dễ dàng chấp nhận đề án Thống nhất Phật giáo của “người cán bộ đảng viên sùng Phật” mà ông đã từng nghe tiếng khi còn ở Hà Nội.
Có điều, cũng như ông Xuân Thủy, người đồng nghiệp tiền nhiệm, ông Trần Quốc Hoàn thấy cần bảo vệ quyền lãnh đạo toàn diện tuyệt đối và lợi ích của đảng hơn “nguyện vọng tha thiết và chính đáng của GHPGVNTN và đồng bào phật tử là một bộ phận của nhân dân trong vùng địch chiếm được giải phóng còn rất nhiều phức tạp”. Do vậy, theo chỉ đạo của ông:
Một mặt, ban Dân vận trung ương, ban Tôn giáo chính phủ và bộ phận Tôn giáo thành ủy HCM tạo điều kiện cho BVĐTNPGVN “hoạt động tự do và tích cực với sự bảo vệ âm thầm của công an” nhằm giải tỏa các dồn nén của họ. BVĐTNPGVN long trọng soạn thảo HIẾN CHƯƠNG với rất nhiều hy vọng, đề xuất nhân sự với sự “giúp đở” của ban Tôn giáo Chính phủ và bộ phận Tôn giáo vận thành ủy HCM, đặc biệt là hai ông Đỗ Trung Hiếu và Nguyễn Quang Huy.
Mặt khác, các thiền sư Huyền Quang, Quảng Độ bị lực lượng chuyên chính vô sản quản thúc tại Bình Định và Thái Bình (Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn).
Cuối cùng ông Trần Quốc Hoàn chỉ đạo cho thuộc cấp, đặc biệt hai cán bộ chủ chốt là Nguyễn Quang Huy và Đỗ Trung Hiếu thực hiện nghiêm chỉnh cương lĩnh ba điểm ông Xuân Thủy để lại:
1/ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức theo hình tháp ngược và ở trong Mặt trận Tổ Quốc.
2/ Đạo pháp gắn với Dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội.
3/ Nhân sự tiêu biểu là người của GHPGVNTN khối Ấn Quang, nhân sự hành động là người của ta.
Chúng ta diễn giải thêm về ba điểm chỉ đạo trên của ông Xuân Thủy:
(1) Chỉ tổ chức các ban bệ và các chức danh ở trên, không có các tổ chức, đoàn thể phật tử ở dưới. Như thế là Phật Ấn Quang không có quần chúng để tổ chức hội thảo, ra tuyên ngôn, gởi kiến nghị, tuyệt thực, tổ chức xuống đường đấu tranh như thời Việt Nam Cộng Hòa được nữa. Giáo hội Phật giáo Việt Nam do đảng thành lập chỉ còn là một đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh… đặt dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Tổ Quốc.
(2) Gắn với xã hội chủ nghĩa là phải hội nhập Phật pháp với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải ủng hộ các cuộc cải tạo, cướp đoạt, tù đày, giết chóc… do đảng Cộng sản đề xướng, phát động và lãnh đạo. Tuyệt đối không được tự ý hành động từ bi hỉ xả (muốn thực hiện từ bi, hỉ xả phải xin phép đảng), càng không đấu tranh dân chủ, tự do, nhân quyền.
(3) Các hòa thượng, thượng tọa khối Ấn Quang chỉ được đảng lựa chọn để sắp xếp vào các chức danh tiêu biểu, ngồi chơi xơi nước. Nhân sự hành động là các “nhà sư của Ta”, là đảng viên cựu chiền binh hay công an đội lốt tăng ni vào chùa nhất nhất chấp hành mệnh lệnh của đảng.
(Còn tiếp)
https://baotiengdan.com/2021/06/09/phap-nan-ma-chuong-trong-che-do-cong-san-phan-4/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét