Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

6613 - Bản tin ngày 7-6-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

VTC đưa tin: ASEAN – Trung Quốc nhất trí thúc đẩy tiến trình đàm phán COC. Hội nghị lần thứ 19 giữa các quan chức cao cấp ASEAN – TQ về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM DOC) đã được tổ chức hôm nay. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đoàn VN tham dự hội nghị.

Các bên tham gia bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp và căng thẳng ở Biển Đông thời gian qua, gồm các hoạt động đơn phương [của TQ] đi ngược lại luật pháp quốc tế, không có lợi cho tiến trình thực hiện DOC và đàm phán COC. Các nước tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật quốc tế.

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: 3 Thượng nghị sĩ Mỹ thăm Đài Loan khi căng thẳng với Trung Quốc leo thang. Ba Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth, Chris Coons và Dan Sullivan (hai người của đảng Dân chủ, một Cộng hòa) đến thăm Đài Loan. Đại diện cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Đài Bắc cho biết, Phái đoàn QH Mỹ đến gặp các lãnh đạo cấp cao của Đài Loan để thảo luận về quan hệ Mỹ-Đài, tình hình an ninh khu vực và các vấn đề quan trọng khác mà hai bên cùng quan tâm.

Báo Giao Thông dẫn lời Thượng nghị sĩ Mỹ tuyên bố: Hoa Kỳ sẽ không để Đài Loan đơn độc. Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth khẳng định, Washington sẽ không bỏ rơi Đài Bắc. Bà Duckworth nói về sự kiện Mỹ tặng 750.000 liều vaccine cho chính quyền Trung Hoa Dân Quốc: “Điều quan trọng đối với Hoa Kỳ là Đài Loan được đưa vào nhóm đầu tiên nhận vaccine vì chúng tôi nhận ra nhu cầu cấp thiết của bạn và chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác này”.

Còn Thượng nghị sĩ Sullivan phát biểu, rằng sự ủng hộ của Washington đối với sự thịnh vượng, dân chủ và an ninh của Đài Bắc vẫn vững chắc. Ông Sullivan nói: “Sự ủng hộ đối với Đài Loan là chủ trương lưỡng đảng và phái đoàn Mỹ đến Đài Bắc gồm các thượng nghị sĩ từ các đảng Dân chủ và Cộng hòa là một biểu hiện của điều đó”.

Infonet có bài: Tham vọng lớn thể hiện qua cuộc tập trận dài 1 tháng của hải quân Trung Quốc. Ngày 5/6, Chiến khu Nam Bộ của Quân đội TQ tuyên bố, một hạm đội thuộc Chiến khu này di chuyển hơn 12.400 km trong tháng 5/2021, đi qua biển Celebes, nơi chia tách Indonesia và Philippines, để tới Tây Thái Bình Dương. Hạm đội này đã hoàn thành đợt tập trận kéo dài suốt tháng 5/2021 trên Thái Bình Dương, được cho “nhằm tăng cường năng lực hoạt động ngoài phạm vi vùng biển của các nước láng giềng”.

Chiến khu Nam Bộ không công bố thông tin chi tiết về số lượng tàu chiến tham gia tập trận, nhưng tiết lộ, hạm đội đã thực hiện hơn 20 cuộc diễn tập, bao gồm chống tên lửa và phòng không. Trang South China Morning Post dẫn lại thông báo của Chiến khu Nam Bộ: “Việc sử dụng vũ khí trên các vùng biển xa không chỉ giúp đánh giá năng lực hoạt động của thiết bị, mà còn thử nghiệm khả năng chỉ huy và phối hợp giữa các sĩ quan và binh sĩ”.

Báo Tiền Phong có bài: Trung Quốc cố hiện thực hóa tham vọng viễn dương. Cựu sĩ quan quân đội TQ Song Zhongping phát biểu, biển Celebes chính là một trong các cửa ngõ nối liền Biển Đông với Tây Thái Bình Dương, là vùng biển nằm ở phía nam Philippines và phía bắc Indonesia và là con đường hàng hải tiến thẳng vào chuỗi đảo Micronesia, nơi từng là chiến trường ác liệt giữa Hải quân Mỹ và Đế quốc Nhật khi Nhật tìm cách vươn đến vùng biển phía bắc châu Úc trong Đệ Nhị Thế Chiến. 

Đó là vùng biển mà bất cứ cường quốc nào muốn mở rộng ảnh hưởng ở Tây Thái Bình Dương đều nhắm tới, gồm cả vùng lãnh thổ Guam của Mỹ. Ông Zhongping nói rằng: “Để phát triển năng lực tác chiến xa bờ, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở nhiều vùng biển hơn chứ không chỉ giới hạn ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc”.

Một tàu hải quân TQ tham gia cuộc diễn tập xa bờ ở Tây Thái Bình Dương. Ảnh: TP

Báo Thanh Niên có bài: Sự khôi hài khi Trung Quốc tuyên bố là cường quốc có trách nhiệm. Đó là tuyên bố “đổi trắng thay đen” của Ngoại trưởng TQ Vương Nghị trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov vào ngày 5/6: “Với tư cách là các cường quốc có trách nhiệm và là thành viên thường trực của HĐBA LHQ, Trung Quốc và Nga cần hợp tác để vạch trần và chống lại những hành vi sai trái của Mỹ, duy trì vững chắc hệ thống quốc tế với cốt lõi là LHQ và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, duy trì sự công bằng và công lý quốc tế, đồng thời bảo vệ hòa bình và ổn định thế giới”.

Cả Nga và TQ đều là siêu cường mang tư duy bá quyền, hiếu chiến, thách thức luật quốc tế. Nga dùng thủ thuật thu tóm Crimea, kích động bạo lực ở miền Đông Ukraine, đứng về phía Belarus trong vụ bắt máy bay vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, còn TQ thì liên tục gây rối ở Biển Đông, 2 thế lực hiếu chiến như vậy lại muốn bắt tay nhau để vì “bảo vệ hòa bình và ổn định thế giới”.

BBC có bài phỏng vấn GS Carl Thayer: GS Thayer bàn về kế hoạch xây căn cứ hậu cần của Philippines tại đảo Thị Tứ. GS Thayer bình luận: “Thông báo Philippines sẽ xây dựng một trung tâm hậu cần trên đảo Thị Tứ (Pagasa) là hành động khẳng định chủ quyền và quyết tâm đẩy lùi việc Trung Quốc sử dụng lực lượng Cảnh sát biển, Lực lượng Dân quân Hàng hải và hạm đội đánh cá để đe dọa Philippines trong việc vận hành tàu bè tại vùng biển mà Philippines gọi là Biển Tây Philippines”.

Các vụ “ăn” đất

Báo Thanh Niên đưa tin: Lấy đất quy hoạch đường xe lửa để phân lô bán nền. Đó là 3 khu đất trống ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, thành Hồ, được quy hoạch làm đường xe lửa, nhưng hiện đã được chia thành 67 nền đất để rao bán. UBND quận Bình Tân thông báo, vụ chia lô đất này không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không tiếp giáp đường giao thông, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và quyền lợi của người nhận chuyển nhượng đất.

Báo Giao Thông đặt câu hỏi về vụ “nhảy dù” chiếm đất Hải Phòng: Hé lộ những người liên quan? Đó là vụ ông Lê Ngọc Thiện, ở Hải Phòng, bị một nhóm người “nhảy dù” đến chiếm đất và tài sản trên mảnh đất hợp pháp của ông, trong đó có cả những người hiện đang làm trong cơ quan nhà nước. Đó là mảnh đất do ông Thiện mua từ đầu tháng 12/2020, đến ngày 30/5/2021 thì bị nhóm người lạ đến phá khóa, chiếm đất. Ông Thiện cung cấp một số bằng chứng cho thấy nhóm người này được cán bộ quận Dương Kinh tiếp tay.

Ông Lê Ngọc Thiện chỉ về hướng căn nhà trên mảnh đất do ông mua, hiện bị một số người lạ “nhảy dù” chiếm đóng. Ảnh: GT

Báo Đầu Tư đưa tin: Sau sai phạm đất đai, Khánh Hòa định lại giá đất đối với hàng trăm dự án. Ông Mai Xuân Hưng, Phó GĐ Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, ký văn bản gửi các đơn vị tư vấn có chức năng định giá, mời đăng ký tham gia xác định giá đất để tính giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất của hàng trăm dự án trên địa bàn. Đây là diễn biến mới của vụ UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thẩm định giá đất tại tỉnh này trong năm 2021, bắt đầu từ ngày 26/4.

Dự kiến có khoảng 351 trường hợp cần thuê tư vấn xác định giá đất, tổng kinh phí ước tính để thuê tư vấn vào khoảng hơn 15,7 tỉ đồng, lấy từ ngân sách nhà nước. Trong số các dự án cần định giá đất, có hàng chục dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, đổi đất lấy hạ tầng để xây dựng công trình thương mại và “dính” đến sai phạm về đất đai trong thời gian qua, như dự án số 1 ở đường Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Hàng trăm dự án tại Khánh Hòa phải định lại giá đất để thu tiền cho Nhà nước. Tin cho biết, chỉ riêng ở TP Nha Trang có tới 124 dự án, tổng diện tích hơn 1.081ha, cần được xác định lại giá cụ thể. Trong đó có dự án phân hiệu Trường ĐH Tôn Đức Thắng tại xã Phước Đồng, trái quy hoạch chung TP Nha Trang của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, nhưng vẫn đưa vào kế hoạch sử dụng đất, xác định giá đất để giao đất, cho thuê đất.

Một trong các lý do “mất bò mới lo làm chuồng”, lấy đất làm dự án rồi mới tính đến chuyện định giá đàng hoàng: Trong các năm qua, người dân tỉnh Khánh Hòa bị thu hồi đất để thực hiện các dự án trong danh sách 351 trường hợp nói trên, nhưng bị “áp giá” bồi thường theo khung giá, bảng giá đất do tỉnh ban hành. Đã có rất nhiều người dân khiếu nại, khiếu kiện, kêu oan vì bồi thường đất không phù hợp.

Dự án căn hộ chung cư Napoleon Castle 1 do Công ty TNHH Cat Tiger khareal làm chủ đầu tư, đã bán rất nhiều căn hộ, nhưng đang bị xem xét điều tra và phải xác định lại giá đất để nộp tiền cho Nhà nước. Ảnh: Phan Sông Ngân/TT
https://baotiengdan.com/2021/06/07/ban-tin-ngay-7-6-2021/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét