Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

6602 - Pháp nạn – Ma chướng trong chế độ Cộng sản (Phần 1)

Chu Sơn

Chính phủ Dương Văn Minh bị bắt buộc phải đầu hàng, cũng có nghĩa là Phong trào Phật giáo Dấn thân phải đầu hàng, bởi vì họ đã cùng với các nhóm thuộc Thành phần thứ Ba khác như nhóm các chức sắc Công giáo cấp tiến (tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, thượng nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền, các linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần…), nhóm các nghị sĩ, dân biểu đối lập Vũ Văn Mẫu, Bùi Tường Huân, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung, Trần Văn Tuyên… đại diện cho đa số nhân dân Miền Nam hậu thuẫn chính phủ ấy.

Bi kịch nằm ở chỗ, những người đã từng dấn thân, chống hai chế độ "độc tài gia đình trị" (Ngô Đình Diệm) và "quân phiệt trị" (Nguyễn Văn Thiệu), chống cuộc chiến tranh của Mỹ, kêu gọi hòa bình và hòa giải, hòa hợp dân tộc, lại thay cho “Mỹ – Ngụy” cúi đầu, dong tay đầu hàng trước xe tăng và họng súng của “quân giải phóng” trưa 30.4.1975. Bởi vì nếu không làm như thế Sài Gòn sẽ đổ nát và hàng chục ngàn người của cả hai phía chết chóc, thương tật trong cuộc xung đột cuối cùng với quyết tâm được đúc kết bằng khẩu hiệu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” của đảng Cộng sản.

Bi kịch còn lớn hơn, một khi nắm được chính quyền, đảng Cộng sản tiến hành các cuộc cải tạo đối với tất cả các thành phần quần chúng (không Cộng sản) trong gần 14 triệu nhân dân miền Nam. Họ quên rằng, trong cương lĩnh của Mặt Trận Giải Phóng năm 1960, trong tuyên ngôn của Liên Minh các Dân tộc – Dân chủ  và Hòa Bình năm 1968, trong tuyên bố của chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam, kể cả trong tuyên truyền của đài phát thanh Hà Nội trước đó và sau này, họ không ngừng rêu rao khẩu hiệu Hòa Bình – Dân Chủ, Hòa Giải, Hòa Hợp Dân Tộc.

Nhân dân miền Nam, ngoài trừ một thiểu số Cộng sản, đa phần nếu không “Ngụy quân” thì “Ngụy quyền”, nếu không Tư sản thì Trí thức, nếu không Nông dân thì Thợ thủ công, Tiểu Thương, Tiểu chủ, nếu không Phật giáo thì Công giáo, Cao Đài, Hào Hảo, Tin Lành… Tất cả đều phải bị cải tạo để đất nước “Tiến nhanh, tiến mạnh lên Xã hội chủ nghĩa”.

Như thế là hàng trăm ngàn người bị bắt đi tù, hàng triệu người bị cưỡng bách lao động cải tạo – học tập tẩy não, hàng triệu người đi kinh tế mới, hàng triệu người mất nhà, mất đất, mất xưởng, mất tiệm buôn, mất công ăn việc làm, vợ chồng, con cái lê la đầu đường xó chợ, hàng mấy triệu người vượt biên… Lại chết chóc, tra tấn, tù đày, đói khổ, bệnh tật. Hết bạo động chiến tranh thì bạo động cách mạng. Thực tế là một cuộc chiến tranh khác. Đảng Cộng sản tuyên chiến với tất cả mọi tầng lớp nhân dân bằng bạo quyền toàn trị.

Cũng như chức sắc các tôn giáo khác (Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành…), các thiền sư lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN khối Ấn Quang) cùng cộng đồng tu sĩ, phật tử hiện diện trong biển khổ của nhân dân, nhận ra trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh vô vọng trước guồng máy bạo quyền.

Đối với đảng Cộng sản, Phật giáo cũng như các tôn giáo khác, đều mang mầm mống phản động. Sau 1975, một tờ rơi phát tán từ ủy ban Mặt trận các cấp ghi lại lời của giáo chủ K Mác: “…Tôn giáo là lương tâm của một thế giới không có lương tâm (thế giới Tư bản chủ nghĩa – C.S), là tiếng kêu bi thương trong một xã hội đầy rẫy bất công và áp bức, là thuốc phiện của nhân dân”.

Các đảng viên Cộng sản chú trọng đến mệnh đề cuối cùng của câu trích dẫn trên: “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Đã là “thuốc phiện của nhân dân” thì bài trừ là tất nhiên. Năm 1930, trong Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đảng Cộng sản đã nêu khẩu hiệu ba không: Không gia đình, không tổ quốc, không tôn giáo. Trong các thời kỳ vận động cách mạng và tiến hành chiến tranh về sau, một mặt Cộng sản kêu gọi lòng “yêu nước”, “đoàn kết lương giáo”, một mặt họ ngấm ngầm bài trừ tôn giáo dưới chiêu bài Tự do Tôn giáo với sách lược Tôn giáo vận.

Về mặt tổ chức: Trước năm 1975, Tôn giáo vận thuộc trách nhiệm Ban Dân vận trung ương (của đảng Cộng sản). Sau năm 1975 do tình hình phức tạp của miền Nam, Tôn giáo vận vừa trực thuộc Ban Dân vận, vừa trực thuộc Ban Bí thư trung ương đảng, đều do ủy viên bộ chính trị phụ trách.

Trước khi công cụ hóa Giáo hội Phật giáo (1981), đảng Cộng sản cử Trần Quốc Hoàn, một ủy viên bộ chính trị đã làm bộ trưởng Công an 35 năm, làm trưởng Ban Dân vận. Về mặt chính quyền, đảng Cộng sản còn tổ chức một ban (tương đương một bộ) gọi là Ban Tôn giáo chính phủ. Chức năng của nó là thay mặt đảng và chính phủ làm công tác “vận động tôn giáo”. Họ lợi dụng lòng yêu nước và sử dụng chiêu bài “yêu nước” để ràng buộc, khống chế các đối tượng tôn giáo với khẩu hiệu: “Yêu nước là yêu chủ nghĩa Xã hội”. Khẩu hiệu này ngấm ngầm nội dung răn đe đầy tính chất bạo động: “Không yêu chủ nghĩa Xã hội là không yêu nước”. Mà không yêu nước là phản động, là Việt gian bán nước, là tàn dư Phong Kiến, Mỹ – Ngụy, là phản động mới, là chuyển hóa, chuyển biến hòa bình, đáng bị tiêu diệt.

Ở đây xin mở một ngoặc đơn để làm rõ nội dung nhóm từ “phản động mới”. Phản động mới tất nhiên không phải là phản động cũ. Phản động cũ là “Phong Kiến, thực dân – đế quốc Mỹ – Ngụy và tàn dư của chúng”. Phản động mới phát sinh từ trong lòng chế độ mới, Xã hội chủ nghĩa.

Phản động mới bao gồm những người viễn mơ lý tưởng Cộng sản đã và đang thức tỉnh, hoặc những người kháng chiến không Cộng sản, hoặc những người đấu tranh vì mục tiêu Dân chủ, Hòa bình, Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc trong xã hội Miền Nam trước 1975. Phản động mới đặt vấn đề với chế độ, chất vấn chế độ trước đường lối đối nội, đối ngoại của đảng, trước những tệ nạn xã hội: Tham ô nhũng lạm, những vi phạm nhân quyền, tự do, dân chủ…

Ở miền Bắc sau 1954, nhóm Nhân văn Giai phẩm,… là phản động mới. Ở miền Nam sau 1975, nhóm Câu lạc bộ kháng chiến của Nguyễn Hộ, Trần Văn Giàu, Trần Văn Trà…, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nhóm Phật giáo đấu tranh Thích Thiện Minh, Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu…, nhóm Công giáo cấp tiến Chân Tín – Nguyễn Ngọc Lan…, nhóm nghị sĩ dân biểu đối lập Bùi Tường Huân, Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Trần Văn Tuyên, Kiều Mộng Thu,… là phản động mới.

Đối với Phật giáo, đảng Cộng sản có cái nhìn đặc biệt. Ngoài nhóm Thích Tâm Châu chống Cộng công khai, ủng hộ cuộc chiến tranh của Mỹ, ủng hộ chế độ Nguyễn Văn Thiệu đã chạy ra nước ngoài; ngoài nhóm “Phật giáo yêu nước” do đảng khai sinh để làm công cụ, đa phần các nhóm Phật giáo còn lại, đặc biệt Giáo hội Phật giáo Ấn Quang (còn gọị là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – GHPGVNTN) là một thế lực đáng gờm.

Họ nổi tiếng thế giới qua các cuộc đấu tranh trong các đô thị miền Nam từ năm 1963 đến năm 1975, họ có uy tín trong đa số phật tử và quần chúng, họ có khả năng vận động quần chúng đấu tranh vì các mục tiêu Dân chủ, Nhân quyền và lành mạnh hóa xã hội, họ “cực kỳ nguy hiểm” trong chế độ mới, đặc biệt các nhân vật âm thầm, dị ứng với ý thức hệ Cộng sản như Thích Thiện Minh, Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát, Thích Nữ Trí Hải… Đặc biệt hơn nữa là Thích Trí Quang, theo nhận định của một số lãnh tụ đảng như Trần Bạch Đằng, là “CIA chiến lược”.

Do vậy, từ sau khi bắt buộc chính phủ Dương Văn Minh đầu hàng, kết thúc chiến tranh, thiết lập chế độ quân quản, tiến hành các cuộc cải tạo, áp đặt chế độ toàn trị trên cả hai miền đất nước, đảng Cộng sản đã sử dụng bộ máy công an, bộ máy hành chánh, bộ máy dân vận mặt trận, nhằm trấn áp tiêu diệt các “mầm mống phản động mới”, vô hiệu hóa giáo hội Ấn Quang và giáo hội các tôn giáo khác, giải tán các tổ chức quần chúng phật tử, quốc hữu hóa các cơ sở giáo dục xã hội của các giáo hội ấy, hình thành một giáo hội Phật giáo mới làm công cụ cho đảng hoạt động trong khuôn khổ Mặt trận Tổ Quốc, dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng Cộng sản.

Công an, cán bộ Dân vận Mặt trận và Ban tôn giáo chính phủ không khó để lên danh sách, phân loại mức độ “phản động” trong hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo Ấn Quang để tìm ra biện pháp thích đáng cho từng đối tượng. Bởi từ trong các thời kỳ đấu tranh trước (trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa) cũng như hiện tại (trong chế độ Cộng sản) họ công khai lập trường Tự do, Dân chủ, Hòa bình, Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc.

Trong thời chiến, Cộng sản cổ vũ các cuộc đấu tranh của Phật giáo vì các mục tiêu ấy cốt để làm rối loạn xã hội và hàng ngũ đối phương, làm tuyên truyền thế giới và kích thích tinh thần chiến đấu “Giải phóng Miền Nam” của bộ đội cụ Hồ. Nhưng nay chiến tranh đã chấm dứt, đảng Cộng sản không muốn có bất cứ một trở ngại nào trong công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tự do, Dân chủ, Nhân quyền – theo nhận thức của Cộng sản là những sản phẩm của chế độ Tư bản phản động, là tàn dư của Mỹ – Ngụy cần loại trừ.

Những lãnh tụ của Phật giáo Ấn Quang không bị bắt đi cải tạo trong các trại tập trung như “Ngụy quân – Ngụy quyền”, nhưng họ cần bị kiểm soát chặt chẽ, cần bị tướt đọat hết mọi phương tiện, cần cách ly các cộng sự và quần chúng. Trong trường hợp này, cá nhân nào ngoan cố sẽ bị trừng trị thích đáng bởi đòn phép công an: Chỉ định cư trú, nhà tù và cả cái chết.

Đòn phép đầu tiên chế độ Cộng sản dành cho các chức sắc tôn giáo nói chung, các lãnh tụ Ấn Quang và các chùa Phật giáo khắp miền Nam nói riêng (ngoại trừ các chùa thuộc Phật giáo quốc doanh), là chế độ quản lý hộ khẩu, tổ dân phố, đồn công an và bọn chỉ điểm được cài đặt khắp nơi.

Công an toàn quyền quyết định ai có tên trong hộ khẩu, ai không, theo hai tiêu chí: An ninh và thời gian cư trú. Vì hai tiêu chí này mà hàng chục ngàn tu sĩ bị đuổi khỏi các chùa họ đang tu hành, hàng trăm chùa thuộc Phật giáo Ấn Quang bị quốc doanh hóa, hay đóng cửa.

(Còn tiếp)

https://baotiengdan.com/2021/06/06/phap-nan-ma-chuong-trong-che-do-cong-san-phan-1/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét