Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

6600 - Thành ủy Hà Nội muốn nhiều cán bộ có bằng hậu đại học; dư luận băn khoăn

VOA Tiếng Việt


Ông Đinh Tiến Dũng hiện là Bí thư Thành ủy Hà Nội, sau khi từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính.


Một nghị quyết mới được thông qua của Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, 40% cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, các báo Tiền Phong, Tổ Quốc và Vietnam Finance đưa tin trong các ngày 2 và 3/6. Theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ băn khoăn, không ủng hộ mục tiêu đó.

Các bản tin của Tiền Phong, Tổ Quốc và Vietnam Finance cho biết nghị quyết do Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ký tập trung vào việc “xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”.

Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội được trang Vietnam Finance trích dẫn cho hay Thành ủy đánh giá rằng nhận thức của một số cấp ủy, địa phương, đơn vị, nhất là của người đứng đầu về công tác cán bộ chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

“Cán bộ vẫn là khâu yếu, còn biểu hiện hình thức, nể nang, trong khi đó, các trường hợp yếu kém về năng lực, trì trệ chậm được thay thế. Công tác quy hoạch cán bộ, nhất là việc giới thiệu cán bộ của thành phố bổ sung vào nguồn cán bộ quy hoạch cấp chiến lược cho Trung ương chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của Đảng bộ Thủ đô”, theo nghị quyết, được Vietnam Finance đăng lại.

Thành ủy Hà Nội cho rằng nguyên nhân là do một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác cán bộ trong tình hình mới.

Để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp trong thời gian từ nay đến năm 2025 và cả cho những năm sau đó, với nghị quyết vừa được ký duyệt, Thành ủy Hà Nội nhắm đến mục tiêu có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy khoa học, đổi mới, có phương pháp, kỹ năng, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, theo tường thuật của Vietnam Finance.

Một mục tiêu nữa được nêu trong nghị quyết là Thành ủy Hà Nội muốn rằng đến năm 2025 có ít nhất 15% cán bộ thuộc diện ban thường vụ các cấp ủy quản lý là những người trẻ; 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; 100% cán bộ cấp sở, ngành, đảng bộ trực thuộc quản lý có trình độ chuyên môn đại học, các bản tin của Vietnam Finance, Tiền Phong và Tổ Quốc cho hay.

Phản ứng về nghị quyết, không ít người nêu lên sự phân vân, thậm chí không ủng hộ. Tiến sĩ toán Nguyễn Ngọc Chu viết trên trang Facebook cá nhân có hơn 66.000 người theo dõi rằng việc nâng cao chất lượng cán bộ là cần thiết, nhưng chất lượng cán bộ được kiểm nghiệm qua tuyển chọn trực tiếp và quá trình làm việc, chứ không dựa vào tiêu chí bằng cấp.

“Rất cần người tài cho quản trị. Nhưng mức độ tài giỏi trong quản trị không đo bằng học vị tiến sĩ và thạc sĩ. Không có quốc gia nào đặt chỉ tiêu tiến sĩ, thạc sĩ trong cơ quan hành chính của nhà nước”, tiến sĩ Chu viết, và ông đề nghị rằng “Thành uỷ Hà Nội nên xem xét lại mục tiêu này”.

Vẫn tiến sĩ Chu đặt câu hỏi rằng Thành uỷ Hà Nội không phải là viện nghiên cứu khoa học, cũng không phải là trường đại học, vậy “mục tiêu cán bộ là tiến sĩ và thạc sĩ có cần thiết không? Để làm gì?”

Ông Chu cũng bày tỏ lo ngại rằng các cán bộ sẽ chịu sức ép về bằng cấp, cố gắng đi học thêm, điều này có thể ảnh hưởng đến công việc. Bên cạnh đó, tiến sĩ Chu cũng nêu nghi vấn rằng trong bối cảnh “học giả, thi giả và nhân tài giả” là một thực tế được ghi nhận ở Việt Nam, chỉ tiêu 40% cán bộ là tiến sĩ và thạc sĩ của Thành uỷ Hà Nội có thể vô tình thúc đẩy các lò đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ không đạt chất lượng.

Bài viết của tiến sĩ Chu nhận được hơn 1.700 phản ứng “yêu, thích” và gần 700 lời bình luận bày tỏ quan điểm đồng tình.

Nhiều ý kiến có chung góc nhìn với vị tiến sĩ cũng được bày tỏ trên các trang cá nhân khác hoặc trong diễn đàn Góc nhìn Báo chí - Công dân.

Cựu giảng viên Đại học Luật Hà Nội Phạm Đức Bảo viết trên Facebook cá nhân rằng các cán bộ do Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý không phải là những người giảng dạy, nghiên cứu trong các trường đại học hay viện nghiên cứu khoa học nên không cần phải đạt tỉ lệ 40% là tiến sĩ, thạc sĩ vào năm 2025.

“Một chỉ tiêu không cần thiết, mang tính hình thức, thúc đẩy đua tranh hư danh, làm cho nhiều người háo danh, ngáo danh, gây tốn kém cho tiền thuế của nhân dân, nguồn lực của cá nhân và xã hội!”, ông Bảo viết.

Thảo luận về chủ đề này trong diễn đàn Góc nhìn Báo chí - Công dân, các thành viên cũng nêu quan ngại về việc Thành ủy Hà Nội đặt nặng vấn đề bằng cấp trong khi các cán bộ là những người làm công tác chuyên môn, không giảng dạy hay nghiên cứu.

Có thành viên nêu ra thực tế rằng có những nhân viên nhà nước chỉ có bằng trung cấp nhưng làm việc hiệu quả hơn chuyên viên hay những người có bằng đại học, tiến sĩ, như vậy, điều quan trọng là cần những người “vì dân, vì tổ quốc”.

Các thành viên đề nghị rằng khi Hà Nội thực hiện nghị quyết, các cán bộ phải đi học ngoài giờ làm việc để không ảnh hưởng đến công việc và tự túc kinh phí để tránh gây tốn kém cho ngân sách.

https://www.voatiengviet.com/a/thanh-uy-ha-noi-muon-nhieu-can-bo-co-bang-hau-dai-hoc-du-luan-ban-khoan/5916480.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét