Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

6595 - Bầu cử tổng thống Syria : Chưa bầu đã biết kết quả

Thu Hằng 
Băng-rôn vận động tranh cử tổng thống Syria của ba ứng cử viên tại Homs, Syria. Ảnh chụp ngày 23/05/2021.
 © REUTERS - OMAR SANADIKI

Syria tổ chức bầu cử tổng thống lần thứ hai kể từ năm 2011 khi xảy ra cuộc nội chiến kéo theo hàng loạt cường quốc can dự. Các phòng phiếu mở cửa đến tận nửa đêm 26/05/2021, thay vì 19 giờ như dự kiến để đón hơn 18 triệu cử tri vì theo truyền hình địa, có quá nhiều cử tri đi bỏ phiếu.

Theo danh sách chính thức, có ba ứng viên: tổng thống mãn nhiệm Bachar Al Assad, một nghị sĩ cựu bộ trưởng Abdallah Salloum Abdallah, và một nhân vật đối lập được chính quyền cho phép Mahmoud Marei. Tuy nhiên, hai ứng viên sau cùng này chỉ ra làm “nền” cho ông Bachar Al Assad có “danh chính ngôn thuận” tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư, kéo dài 7 năm. Một sinh viên tại Damas khẳng định với AFP : “Tôi không biết những ứng viên khác, tôi tôn trọng việc họ ra tranh cử, nhưng tôi bỏ phiếu cho tổng thống. Đó là người duy nhất kháng cự được trong suốt 10 năm chiến tranh”.

Nhờ trợ giúp của các đồng minh Nga, Iran và lực lượng Hezbollah Liban, tổng thống Bachar Al Assad đã lật ngược được thế cờ kể từ năm 2015, giành nhiều chiến thắng quan trọng và chiếm lại được 2/3 lãnh thổ nhưng đất nước Syria đã phải trả một cái giá rất đắt : hơn 388.000 người chết, vài triệu người phải chốn chạy ra nước ngoài. Một báo cáo gần đây của tổ chức phi chính phủ World Vision thẩm định, cuộc chiến tranh Syria tiêu tốn hơn 1.200 tỉ đô la.

Cuộc bầu cử “không tự do và không công bằng”

Cuộc bầu cử mang hướng dân chủ kiểu Syria chỉ diễn ra trên hai phần ba lãnh thổ trước đây, hiện do chính quyền Damas kiểm soát. Các vùng tự chủ của người Kurdistan ở phía tây bắc Syria không màng đến cuộc bầu cử, tương tự với Idleb (tây bắc) - thành trì cuối cùng của Hồi Giáo cực đoan và phe nổi dậy. Ở tỉnh Deraa (miền nam), cái nôi của cuộc nổi dậy năm 2011, “tổng đình công” đã diễn ra ở nhiều địa phương để lên án cuộc bầu cử. Trên giấy tờ, có hơn 18 triệu cử tri nhưng con số này thấp hơn trên thực tế vì “có rất nhiều người Syria đã phải đi lánh nạn và sẽ không bỏ phiếu, có rất nhiều người tị nạn Syria cũng sẽ không bỏ phiếu”, theo nhận định trên đài France 2 của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian.

Ngoại trưởng các nước Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ý ký một tuyên bố chung “yêu cầu cộng đồng quốc tế dứt khoát bác bỏ mưu đồ của chế độ Assad để tìm lại tính chính đáng mà vẫn không ngừng vi phạm nghiêm trọng nhân quyền”. Đối với phương Tây, đó là một cuộc bầu cử “không tự do, không công bằng”. Phe đối lập vắng bóng vì sống tị nạn ở nước ngoài và bị suy yếu. Ngoài ra, luật bầu cử còn đặt điều kiện, ứng viên ra tranh cử tổng thống phải sống 10 năm liên tiếp tại Syria.

Kêu gọi tái kiến thiết, thu hút đầu tư

Ông Assad vận động tranh cử với khẩu hiệu : “Niềm hy vọng thông qua lao động”. Đoạn video tuyên truyền bắt đầu bằng hình ảnh những vụ nổ, người dân nhớn nhác bỏ chạy khỏi các khu phố, sau đó là đến hình ảnh tái thiết : một nhà giáo đang bịt lỗ hổng vì đạn pháo trong lớp học, một người nông dân trên cánh đồng và một xưởng xẻ gỗ hoạt động trở lại.

Toàn cảnh Syria không hề khả quan, chênh lệch giữa thủ đô và các khu vực khác quá lớn. Nền kinh tế sụt giảm do đồng tiền mất giá nghiêm trọng, lạm phát phi mã và hơn 80% người dân sống trong nghèo đói, theo Liên Hiệp Quốc. 

Trong một đất nước mà cơ sở hạ tầng bị phá hoang tàn, ông Bachar Al Assad tự nhận là “người có những ý tưởng lớn để tái thiết đất nước, là người duy nhất có khả năng lập lại trật tự sau hỗn loạn”, theo giải thích với AFP của Nicholas Heras, chuyên gia của Viện Newlines ở Washington.

Thế nhưng tái thiết như thế nào khi ông bị cộng đồng quốc tế lên án và bị trừng phạt ? Vẫn theo chuyên gia Heras, mục tiêu của tổng thống Bachar Al Assad là thu hút “những nhà cung cấp vốn tiềm năng”. Nhiều nước giầu vùng Vịnh đã xích lại gần với Damas sau một thời gian dài cắt đứt quan hệ ngoại giao. Giờ chờ xem liệu các nước phương Tây có thay đổi lập trường trước một chế độ không lay chuyển được và vẫn bị cáo buộc phá hoại ngầm các cuộc đàm phán chính trị với đối lập.

Ai đang thực sự quản lý Syria ?

Với nhiệm kỳ thứ 4, Bachar Al Assad duy trì quyền lực liên tục của “gia tộc” Assad. Cách đây 21 năm, ông lúc đó mới 34 tuổi, đã lên thay thế cha Hafez nhờ sắc lệnh, bởi vì ông còn thiếu 6 tuổi để được phép ra tranh cử tổng thống. Sau đó Hiến Pháp được sửa đổi để Bachar có thể ra ứng cử. Từ đó, ông nối gót cha liên tục gặt hái thành công bầu cử. Năm 2014, theo kết quả chính thức, ông Assad nhận được 88% số phiếu. Trong cuộc bầu cử năm 2021, ông chắc chắn vẫn giữ ghế tổng thống, nhưng với tỉ lệ phiếu bao nhiêu. Câu trả lời sẽ được công bố 48 tiếng sau khi các phòng phiếu đóng cửa.  

Thế nhưng, ông Assad làm tổng thống một nước “trở thành thuộc địa của Iran và Nga”, theo nhận định của nhà nghiên cứu Khoa học Chính trị Salam Kawakibi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Paris, được RFI trích ngày 26/05. Thực vậy, Iran, Nga và lực lượng bán quân sự (như Hezbollah được Iran hậu thuẫn và nhiều lực lượng vũ trang do Nga tài trợ) đang kiểm soát Syria về mặt quân sự. Bachar Al Assad thực ra không kiểm soát gì nhiều ngay trong đất nước của ông.

Ziad Majef, giáo sư tại đại học Hoa Kỳ ở Paris, giải thích trên đài France 24 : “Chế độ không có tiếng nói trong một quốc gia đã bị chia cắt và bị các lực lượng nước ngoài chiếm đóng, vì chế độ chẳng còn kiểm soát được gì ngoài hệ thống nhà tù và chính sách đối nội ở những vùng nằm trong quyền kiểm soát của họ. Đó là những gì còn lại trong chủ quyền của Nhà nước Syria vì chế độ không còn làm chủ về quốc phòng, cũng như ngành ngoại giao vì phải dựa theo ngoại giao của các nước bảo trợ là Nga và Iran”.

Còn theo nhà nghiên cứu Salam Kawakibi, Assad kiểm soát tất cả những gì mang lại nguồn tiền, ông kiểm soát người thân cận, gia đình, “ông phân phát trợ cấp cho hạ cấp”. Phần còn lại thuộc về Teheran và Mátxcơva. Nhờ đó, gia tộc Assad vẫn không bị lung lay, thậm chí, theo nhận định của nhà phân tích Fabrice Balanche, Đại học Lumière Lyon 2 (Pháp), “người dân Syria đi bỏ phiếu để tuyên thệ trung thành với Bachar Al Assad và với hệ thống. Bachar Al Assad chứng minh rằng các thể chế vẫn hoạt động qua việc thường xuyên tổ chức bầu cử”. Chuyên gia về Syria Fabrice Balanche cũng có chung nhận định trên báo La Croix : Hệ thống Syria là một hệ thống quan hệ cá nhân và “những cuộc bầu cử này cho phép ông biết được có thể dựa vào ai bên trong đất nước”.

Trong hồ sơ Syria, phương Tây thất bại hoàn toàn, còn Nga và Iran qua việc giúp đỡ chế độ Bachar Al Assad đã trở lại trường quốc tế. Hơn nữa, khi tổ chức bầu cử tổng thống, chính quyền Damas cũng phớt lờ Ủy ban Lập Hiến gồm những đại diện của chế độ với đại diện của đối lập và của xã hội dân sự. Cơ quan này lẽ ra chuẩn bị một luật cơ bản mới để mở đường cho các cuộc bầu cử toàn diện nhưng tiến trình đã bị chệch hướng.

Tạm thời Nga và Iran để chế độ Damas tổ chức bầu cử tổng thống. Nhưng “đến thời điểm thuận lợi, họ sẽ thay thế Assad”, theo Salam Kawakibi. Còn theo một số nhà phân tích, được trang L’Orient Le Jour trích dẫn, “có lẽ từ giờ, Nga tính lật đổ Bachar Al Assad và đội ngũ thân cận nhằm tăng cường ảnh hưởng tại đất nước này và mở đường cho trợ giúp tài chính của phương Tây để tái xây dựng, nhờ đó củng cố mối quan hệ, kể cả về kinh tế, của Syria với Matxcơva”. Vì trợ giúp quốc tế được gắn với điều kiện là Syria phải bắt đầu tiến trình quá độ chính trị mà chế độ Damas vẫn luôn từ chối.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210527-syria-bau-cu-tong-thong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét