- Mỹ Hằng
- BBC News Tiếng Việt
Chính quyền Việt Nam mới đây ra quyết định khởi tố hình sự vụ án liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng với cáo buộc 'làm lây lan dịch bệnh' Covid-19. Giới chức cũng cho hay đang tổ chức điều tra, và tùy theo kết quả mà có thể 'rút giấy phép' hoặc 'xóa tên' điểm nhóm này.
Trước đó, truyền thông trong nước đưa tin đã có hơn 200 người nhiễm Covid liên quan đến hội thánh này cùng hàng ngàn ca F1.
Trong khi dịch diễn biến phức tạp, một số chuyên gia y tế cho rằng mầm bệnh có thể đã âm thầm lây lan từ lâu với nhiều ca không rõ nguồn gốc, việc khởi tố đã gây ra phản ứng trong cộng đồng.
Quyết định khởi tố 'vội vã'
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 3/6, luật sư Đặng Đình Mạnh nói rằng theo ông, việc chính quyền khởi tố vụ án như vậy là 'vội vã' và "cơ sở để khởi tố chưa thuyết phục".
"Mới đây có lời giải thích từ mục sư quản nhiệm hội thánh và con gái mục sư rằng trong hoạt động của hội, họ rất tuân thủ các quy định phòng dịch. Tôi không rõ đường lây lan như thế nào, nhưng tôi cho rằng việc chính quyền khởi tố vụ án như vậy là vội vã."
Về việc danh tính lãnh đạo hội thánh bị đưa lên báo, trở thành mục tiêu chửi bới, trút giận của nhiều người, luật sư Mạnh nói rằng hiện không có luật nào quy định trong quá trình truy tố có được công bố danh tính của người bị truy tố hay không.
Tuy nhiên, xét về mặt nhân quyền, danh tính của người bị truy tố cần được giữ kín, và chỉ được phép công khai khi tòa đã tuyên án họ phạm tội và bản án đã có hiệu lực. Do đó, cần phải xem cơ quan chính quyền đóng vai trò gì trong việc này.
Ông Mạnh cũng lưu ý rằng hiện những thông tin mà công chúng có được về vụ việc đều đến từ báo chí Việt Nam. Trên thực tế, có thể cơ quan chức năng đã có một số nhận định ban đầu trước khi truy tố, nhưng họ chưa công bố. Do vậy cần phải chờ xem kết luận của cơ quan điều tra tới đâu.
Sự phẫn nộ của truyền thông chính thống và dư luận
Mục sư Phương Văn Tân, cùng vợ là mục sư Võ Xuân Loan quản nhiệm Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng đã gửi lời xin lỗi tới cộng đồng hôm 30/5 trên giường bệnh.
Trong thư ngỏ, vợ chồng mục sư Tân nói họ 'đau xót cả thể chất lẫn tinh thần' trước sự việc đang xảy ra, và 'dù vô tình' nhưng họ nhận trách nhiệm về mình và xin cộng đồng lượng thứ.
Hai mục sư cũng cam kết sẽ hết sức nỗ lực hợp tác tối đa với cơ quan chức năng trong việc khai báo và phòng chống sự lây lan của dịch bệnh.
Nhưng những tiếng nói của các thành viên gia đình mục sư Loan có vẻ lẻ loi trước làn sóng truyền thông chính thống và những cá nhân giận giữ.
Trên website của ngành y tế có ngay bài: "Bất ngờ, Hội thánh Truyền giáo Phục hưng không phải tổ chức tôn giáo", trong đó nói rằng Hội thánh này mới đăng ký ở cấp phường xã nên thực ra 'chưa được công nhận là tổ chức tôn giáo'.
Báo Công an Nhân dân có bài: "Ổ dịch tại Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng đã hình thành như thế nào?", nói rằng 'địa điểm hoạt động' vào các Chủ nhật của Hội thánh 'chật chội', 'không đảm bảo khoảng cách'.
Lãnh đạo ngành Y tế TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, nói với truyền thông trong nước mà không đưa ra chứng cứ nào, rằng "ổ dịch tại điểm sinh hoạt tôn giáo này có thể xuất hiện từ lâu" và "đang đặt thành phố trước nhiều nguy cơ bị dịch bệnh lan rộng'.
Các bình luận trên mạng xã hội Facebook ở Việt Nam về vụ việc phản ánh các góc nhìn khác nhau:
Nguyễn Thị Kim Liên: Bỏ tù, phạt thật nặng. làm khổ bao người .
Chan Tran: Truyền nhiễm virút , gieo rắc nỗi đau cho nhân loại. Trừng phạt thích đáng giáo phái phục hưng này.
Thanh Phát: Hết đảng phái, bè phái giờ tới giáo phái tụ tập để truyền bệnh gây tai họa cho nhân dân.
Tạ Ngọc Dung: Bây giờ biết lỗi là đã quá muộn rồi
Mua Lê: Sắp chết cả rồi giờ ông bà nội xin lỗi, ra tòa nói truyện.
Luc Dang: Tù mục xương luôn chứ mục sư nỗi gì
Hồ Lence: Cái lũ này là lũ phản động chống phá đội lớp tôn giáo.
'Rơi vào hố sâu tuyệt vọng'
Trên Facebook cá nhân, cô Phan Tường Vi, con gái ông bà mục sư Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, kể lại sự việc xảy ra đã đẩy gia đình cô vào 'hố sâu tuyệt vọng'.
"Tôi nhớ lại căn nhà mình, nơi 30 năm qua làm nơi nhóm lại. Ở đó, ngoài Kinh Thánh, tài liệu, sách vở ra thì có 1 thứ cũng rất nhiều, đó là giấy khen. Giấy khen gửi tặng Hội thánh khi làm từ thiện cho địa phương, giấy khen gia đình văn hóa, giấy cảm ơn đã hỗ trợ từ thiện ở rất nhiều nơi, cả thư chúc mừng.
"Có lẽ tất cả những điều đó bây giờ sẽ là quá khứ... Bây giờ còn lại chỉ là những lời chửi rủa, mắng nhiếc, dọa dẫm. Sau 1 đêm, gần 40 năm chức vụ của cha mẹ tôi đã chẳng còn gì."
Theo Tường Vi, gia đình cô đã chấp hành những quy định của chính quyền nhưng giờ họ trở thành 'vừa nạn nhân, vừa tội đồ'.
"Tôi đã muốn biến mất đi, tan vào không khí như chưa từng tồn tại," Tường Vi viết từ trong trại cách ly ở Việt Nam.
Tiếng nói của một số mục sư
Mục sư Lê Minh Đạt từ TP Hồ Chí Minh nói với BBC rằng theo phân tích của ông, các thành viên Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng không vi phạm Điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015 về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" như cáo buộc.
Theo điều luật này, người nào vi phạm các điều sau sẽ bị phạt tiền hoặc tù 1-5 năm: Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật... có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật... bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho ngườ; có hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Theo mục sư Đạt, "thời điểm nảy sinh vụ việc, thành phố không có các quy định về giãn cách xã hội. Các thành viên Hội thánh không biết mình bị nhiễm bệnh và khi biết thì họ cũng không rõ mình bị lây từ nguồn nào."
"Như vậy, họ không vi phạm các điều luật nói trên. Và vì vậy không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự," mục sư Đạt nói với BBC.
Trong thư phản biện gửi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, mục sư Nguyễn Quốc Ấn dẫn Công văn hướng dẫn số 45 của Hội đồng Thẩm phán TANDToois cao về việc áp dụng điều 240 Bộ luật Hình sự "Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người."
Trong công văn nêu rõ: Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly, thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị coi là làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người: (1) Trốn khỏi nơi cách ly; (2) Không tuân thủ quy định về cách ly; (3) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; (4) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Theo mục sư Ấn, mục sư Võ Xuân Loan và các thành viên đã tuân thủ đúng các quy định về cách ly và hợp tác khai báo y tế với cơ quan chức năng. Bản thân mục sư Loan cũng không biết mình bị nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nói "dịch bệnh diễn biến khó lường", "nghĩa là không ai có thể xác định rõ, xác định đúng việc lây lan của virus. Vì thế cáo buộc một mucj sư làm lây lan dịch bệnh là sai lầm nghiêm trọng khi áp dụng pháp lý."
"Nếu chỉ dựa vào thông tin báo chí, và những lời thóa mạ, mắng nhiếc của những người hàng xóm cuồng nộ, để kết tội một công dân là thiếu lương tâm, thiếu chính trực, thiếu công bằng. Ngoài ra, luật cũng phải có tính yêu thương, chứ không chỉ hà khắc," mục sư Ấn bày tỏ.
Ảnh hưởng đến cộng đồng tôn giáo
Cũng theo mục sư Lê Minh Đạt việc đe dọa khả năng rút giấy phép, xóa tên điểm nhóm "cho thấy sự lúng túng và bất cập của chính quyền".
"Tôi nghĩ rằng chính quyền cần hết sức khéo léo xử lý vụ việc, tránh gây hiểu lầm rằng chính quyền có định kiến với tôn giáo, sẵn dịp trừng phạt các nhóm tôn giáo."
"Cộng đồng tôn giáo sẽ diễn giải sự việc như một dấu hiệu răn đe và thành kiến. Thời điểm này Việt Nam đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ quốc tế cho câu chuyện vaccine, nếu thế giới thấy rằng Việt Nam xử lý vụ việc không chí công vô tư thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ quốc tế," mục sư Đạt nói với BBC.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57312688
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét