Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

6584 - Nhân tưởng niệm các sự kiện diệt chủng ở phương Tây, nhìn lại phương Đông

Jackhammer Nguyễn

Thức tỉnh

215 đôi giày trẻ em xếp hàng trên các bậc thang của Phòng trưng bày Nghệ thuật Vancouver hôm 28/5/2021 để tưởng nhớ 215 bộ hài cốt trẻ em phát hiện trong tuần này. Nguồn: Jason Payne /PNG

Không hẹn mà gặp, việc tìm ra thi thể 215 trẻ em người da đỏ bị cưỡng bức cải đạo và từ bỏ tiếng mẹ đẻ tại Canada, xảy ra vài ngày trước kỷ niệm 100 năm, ngày thảm sát người da đen ở Tulsa, Oklahoma, Hoa Kỳ.

215 bộ cốt trẻ em da đỏ được tìm thấy tại trường Kamloops, một trường nội trú cũ nằm cách thành phố Vancouver 160 dặm về hướng Tây Bắc. Trường này nằm trong số 130 trường ở Canada, được lập ra bởi các linh mục Thiên chúa giáo Canada hơn 100 năm qua, bắt trẻ em thổ dân da đỏ ra khỏi bộ lạc của mình, cưỡng bức họ cải sang đạo Thiên chúa. Trẻ em trong các trường này bị cấm nói tiếng mẹ đẻ, bị chửi mắng và đánh đập…

Trong số 215 bộ hài cốt được tìm thấy, có 50 trẻ em được cho là nằm trong số những đứa trẻ đã được xác định danh tính, chết trong giai đoạn từ năm 1900-1971, Stephanie Scott, giám đốc điều hành của Trung tâm Quốc gia về Sự thật và Hòa giải (National Centre for Truth and Reconciliatio) cho biết. 165 em còn lại, không rõ danh tính, cũng không biết các em chết từ khi nào.

Các chính trị gia Canada lên tiếng nói rằng, đây là vết nhơ trong lịch sử nước này. Hiện chính phủ Ottawa đang bị áp lực là phải tiếp tục tìm kiếm những cựu học sinh thổ dân bị mất tích, tìm hiểu thấu đáo, minh bạch những chính sách diệt chủng nhắm vào người da đỏ, người Eskimo, trong quá khứ. Các đài tưởng niệm tạm được dựng lên tại khắp nơi ở Canada để tưởng nhớ những người đã khuất, những chủ nhân đầu tiên trên miền đất Bắc Mỹ. Một số người đã ra lời kêu gọi giáo hội Thiên chúa phải lên tiếng xin lỗi.

Tương tự, ở thành phố Tulsa, bang Oaklahoma của Mỹ diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm ngày bọn côn đồ người da trắng, với sự ủng hộ của chính quyền lúc đó, đã tàn sát khu vực được xem là Black Wall Street, với hàng trăm người da đen bị giết chết. Sau lễ kỷ niệm, người ta đã tìm được thêm một số nấm mồ chôn tập thể sau cuộc thảm sát.

Thảm sát Tulsa năm 1921. Nguồn: HBO

Hai sự kiện này nối tiếp sự thức tỉnh của xã hội Mỹ nói riêng, phương Tây nói chung vào năm 2020, về những cuộc thảm sát người không phải da trắng ở châu Mỹ, châu Phi, 100 năm trước. Tại Bỉ, tượng nhà vua Leopold II bị phá bỏ. Ông vua này được cho là thủ phạm của nạn diệt chủng người da đen ở Congo, làm hàng triệu người thiệt mạng hay tàn phế.

Hơn 10 năm trước, chính phủ nước Úc cũng đã chính thức lên tiếng xin lỗi người thổ dân về chính sách tàn bạo của chính phủ nước nào vào thập niên 1950, cưỡng bức trẻ em thổ dân rời khỏi gia đình, cha mẹ, nhằm đồng hóa cư dân bản địa cho giống người da trắng, một chính sách tương tự như Canada.

Những người thổ dân sống sót sau khi chính sách cưỡng bức bị kết thúc được gọi là ‘những thế hệ bị đánh cắp’ (The stolen generations), chịu nhiều mất mát về tinh thần và văn hóa mà không có sự đền bù vật chất nào có thể bù đắp được.

Ở Canada, chính sách cưỡng bức cải đạo và cấm ngôn ngữ, văn hóa thổ dân, được cho là nguyên nhân gây ra nạn trầm cảm, nghiện rượu trong các bộ lạc da đỏ, sau khi trẻ em sống sót trở về bộ lạc.

Ngủ vùi, mất trí nhớ

Trong lúc xã hội đa văn hóa phương Tây có vẻ đang tỉnh thức để suy xét lại quá khứ tội lỗi của mình, phương Đông độc tài dường như vẫn ngủ yên.

Chính quyền quân sự Miến Điện chưa bao giờ công nhận nạn thanh lọc sắc tộc chống người Hồi giáo Rohingya, miền Tây nước này. Thậm chí có cả những tu sĩ Phật giáo còn gọi những người mà họ tấn công là loại bán khai (half human).

Chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục chính sách diệt chủng, diệt văn hóa Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tại Hong Kong, họ cấm người dân ở đây thực hiện lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Vào ngày này, tại Thiên An Môn, Bắc Kinh, hàng ngàn sinh viên biểu tình bị xe tăng Quân Giải phóng Nhân dân nghiền nát. Hàng triệu người Trung Quốc trẻ tuổi hiện nay không biết Thiên An Môn là gì.

Người Việt Nam không hề vô tội qua những vụ diệt chủng, phân biệt chủng tộc trong quá khứ. Năm 1471 sau khi hạ thành Đồ Bàn (Vijaya, phía Bắc Qui Nhơn ngày nay) quân đội vua Lê Thánh Tôn giết hại hơn 40 ngàn người, gồm nhiều dân thường (có sách ghi là 60 ngàn).

Thời nhà Nguyễn, quân đội nước Đại Nam chiếm đóng xứ Cambodia, gọi họ một cách miệt thị là Cao Miên, có lẽ cũng gây nên nhiều tội ác, đến nỗi có tin đồn rằng, tướng Trương Minh Giảng dùng đầu người bản xứ để làm bếp lò. Tin đồn có thể đã thêu dệt nhiều, nhưng có thể đã phản ánh sự cai trị hà khắc của triều đình Đại Nam lên những người Khmer “ngoại tộc”.

Thời hiện đại, đảng Cộng sản Việt Nam cũng phạm nhiều tội ác diệt chủng, với những hố chôn người tập thể trong trận Mậu Thân 1968, những trại tù cải tạo sau năm 1975, cùng thảm trạng thuyền nhân.

Tất cả những sự kiện mới ngày hôm qua đó đều không được ghi trong biên niên sử của Việt Nam ngày nay, còn cuộc chinh phục Chiêm Thành, diệt chủng con người và hủy hoại nền văn hóa này, lúc nào cũng được ghi trong sử Việt là chiến thắng của chính nghĩa, trên bước đường… Nam tiến.

Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng sự thức tỉnh, xét lại quá khứ với một trái tim nhân bản, là điều cần thiết cho một tương lai tốt đẹp hơn.

https://baotiengdan.com/2021/06/05/nhan-tuong-niem-cac-su-kien-diet-chung-o-phuong-tay-nhin-lai-phuong-dong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét