Nguyễn Đình Cống
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3
IV- Vấn đề xây dựng Đảng
So với văn kiện ĐH 13 thì vấn đề xây dựng Đảng của bài viết khá ngắn gọn, tuy vậy đầy chất giáo điều, không còn phù hợp với thực tế. Tổ chức được gọi là đảng bắt đầu xuất hiện ở nước Anh vào thế kỷ 16 để vận động bầu cử, rồi phát triển ra khắp thế giới. Đó là các đảng chính trị, kể cả các đảng cộng sản thời Mác. Đảng chính trị nhằm mục đích cao nhất là cầm quyền nhà nước, thông qua bầu cử.
Đầu thế kỷ 20 Lênin đưa ra lý thuyết và thành lập đảng cách mạng, gọi là đảng kiểu mới và gắn cho nó vai trò đội tiên phong của giai cấp công nhân với nhiệm vụ lãnh đạo giai cấp làm cách mạng vô sản để giành chính quyền bằng bạo lực.
Cách mạng thể chế chính trị thỉnh thoảng xảy ra ở nước này nước nọ trong khoảng thời gian ngắn, khoảng vài ba tháng đến vài ba năm. Nó có khởi đầu và kết thúc chứ không kéo dài triền miên. Kết thúc thắng lợi của cách mạng thể chế là khi mà đảng cách mạng nắm trọn được chính quyền. Lúc này đảng hoàn thành nhiệm vụ cách mạng và trở thành đảng cầm quyền.
Có hai phương thức cầm quyền là dân chủ và độc tài. ĐCSVN tuyên truyền rằng họ chủ trương xây dựng thể chế dân chủ của dân, vì dân. Nhưng bên ngoài nhìn vào và từ nội bộ nhân dân đánh giá thì chính quyền là của Đảng, quyền cơ bản của dân đã bị Đảng chiếm lấy để thi hành sự toàn trị.
Nếu ĐCSVN thật sự muốn xây dựng chế độ dân chủ, thì điều kiện tiên quyết là phải tự chuyển đổi thành một đảng chính trị cầm quyền. Thế nhưng GS Trọng, người làm luận án tiến sĩ ngành xây dựng đảng, cố tình không nhận ra điều đó. Trong cương vị cầm quyền mà vẫn duy trì đường lối, quan điểm và tổ chức của đảng cách mạng thì thật sự không thích hợp.
Cho đến nay mà vẫn khẳng định rằng ĐCSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân (còn nếu hiểu hơi khác đi sợ bị phạm vào điều tối kỵ về quan điểm giai cấp), vẫn tin rằng công nhân là giai cấp lãnh đạo thì đó không những là giáo điều quá cỡ mà còn là sự bảo thủ nặng.
Hiện tại, dân VN, kể cả đảng viên và cán bộ các cấp có gì đó hiểu không đúng về đảng. Họ nghĩ rằng đảng là một tổ chức thiêng liêng, có sứ mệnh cao cả, là người dân chỉ được phép tôn thờ, kính trọng, tuân theo, không được làm khác, không được nói khác với nghị quyết của tổ chức đảng (kể từ chi bộ trở lên). Như vậy, phải chăng đã thần thánh hóa tổ chức đảng CS,
Ở các nước dân chủ người ta không nghĩ như thế. Họ biết rằng đảng chính trị, dù là đảng cầm quyền, chỉ là tổ chức của một số người cùng chí hướng, là công cụ của một số chính trị gia. Tác dụng của đảng thể hiện chủ yếu trong các cuộc vận động bầu cử. Ngày thường thì đó là hoạt động của các nhà chính trị, các cán bộ cao cấp của đảng ở trong cơ quan lập pháp và hành pháp.
Một vấn đề của lịch sử cận đại VN là, làm rõ quan hệ qua lại giữa ĐCS và dân tộc. Đã có người đưa ra hình tượng Đảng như cây tầm gửi bám trên thân cây chủ là dân tộc. Tầm gửi muốn và kích thích cây chủ phát triển bộ rễ, làm ra nhiều nhựa. Nói rằng làm ra nhựa để nuôi cây chủ tươi tốt, vì quyền lợi của cây chủ chứ không có gì hơn. Nhưng thực tế chỉ dùng một phần nhỏ nhựa để nuôi cây chủ còn phần lớn để nuôi tầm gửi. Đồng thời tầm gửi lại tiết ra một vài loại chất tỏa ra môi trường nhằm kìm hãm sự phát triển hoa lá của cây chủ, để bên ngoài nhìn vào thấy rõ tầm gửi bao trùm.
Người ta nói ĐCS sinh ra từ trong lòng dân tộc, là ngọn cờ về lòng yêu nước và chống ngoại xâm, vì độc lập đất nước. Nhưng hình như không phải thế. ĐCSVN từ ngoại lai nhập vào và vì hoàn cảnh trớ trêu mà sinh ra trên đất Trung Hoa, lúc non trẻ được CS Tàu và Đệ tam Quốc tế dưỡng dục, cưu mang, lớn lên chịu sự chỉ huy của họ.
CSVN dựa vào lòng yêu nước, tinh thần quật cường chống đô hộ của những người Việt tinh hoa để bám rễ và phát triển. Dân tộc Việt không hoài thai để sinh ra CS, nhưng đã che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng vì tin vào những lời thiện chí của họ. Những chiến sĩ cách mạng gia nhập ĐCS trong thời kỳ bí mật chủ yếu không phải để cho Đảng thực hành toàn trị mà chính là theo Đảng để giành độc lập cho đất nước.
Nhưng rồi Đảng dựa vào sức dân, giành độc lập để cho Đảng áp đặt quyền thống trị chứ chủ yếu không phải để cho dân được tự do. Một số đảng viên bị địch bắt, rất dũng cảm chịu đựng tra tấn và hy sinh. Làm được việc đó chủ yếu không phải vì họ giác ngộ chủ nghĩa Mác mà chính nhờ phần nhân bản trong họ, nhờ lòng yêu nước của họ. Câu nói đanh thép của Hoàng Văn Thụ là một minh chứng hùng hồn.
GS Trọng chỉ ra rằng: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, … thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ”.
Đó là diễn đạt bằng lý thuyết. Thật ra sự lãnh đạo thể hiện chủ yếu trong thời gian Đảng vận động làm cách mạng. Còn khi cầm quyền Đảng chỉ lãnh đạo một phần nhỏ nào đó mà thôi, chủ yếu là thực hành sự toàn trị bằng các Ban của Đảng, bằng đảng ủy các cấp, đặt trên và áp sát các tổ chức nhà nước, bằng công an và tuyên giáo (như đã viết ở câu 3 mục III).
Lãnh đạo Đảng khá lo lắng, rất băn khoăn về đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Bộ Chính trị đã ra rất nhiều, đủ loại nghị quyết, cái này chồng lên cái kia, thế mà hình như không cải thiện được tình hình. Vì sao vậy?
Có thể vì hai nguyên nhân sau: Một là Đảng không chịu chuyển đổi từ một đảng cách mạng thành đảng chính trị cầm quyền. Hai là đường lối cán bộ của Đảng có một số điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học. Với đường lối như vậy chủ yếu tuyển được nhiều người cơ hội có lắm mưu mô mà kém trung thực, thiếu thông minh, khó và ít chọn được người tinh hoa, có năng lực cao và phẩm chất quý.
V- Nhận xét chủ nghĩa tư bản
Phải chăng GS Trọng muốn đem chủ nghĩa tư bản (CNTB) đối nghịch với CNXH dựa trên học thuyết Mác – Lênin.
Trong đoạn nhận xét CNTB có một số nhầm lẫn về suy luận thể hiện bới sự thiên lệch, hiểu sai quy luật, tự mâu thuẫn và khập khiểng,
GS Trọng viết: “Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước”.
Sự tiến bộ về phúc lợi xã hội do nhiều điều kiện, trong đó kinh tế cao được đặt ở trước tiên là đúng, nhưng đưa việc đấu tranh của giai cấp công nhân lên hàng đầu mà bỏ qua tính nhân bản cao của các thể chế dân chủ thể hiện qua hoạt động nghị trường, của những con người giàu lòng bác ái, là thiên lệch.
Đúng là trong lịch sử nhiều lúc cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân lao động buộc giới chủ và chính quyền nhượng bộ, nhưng không phải mọi sự cải thiện đời sống của nhân dân đều là kết quả của đấu tranh như vậy. Tại nhiều nước, trong thời gian khá dài nhân dân thật sự được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội mà chẳng thấy cuộc đấu tranh nào mạnh mẽ của giai cấp công nhân. Đấu tranh chủ yếu tiến hành trong nghị trường.
Trong quy luật về giá trị thặng dư, Mác đã phạm sai lầm khi bỏ qua sự đóng góp của nhà tư bản thì ở đây GS Trọng đã bỏ qua một nhân tố khá quan trọng trong tồn tại xã hội, đó là tính nhân bản trong các thể chế dân chủ.
Bài báo viết rằng, trong các xã hội tư bản, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn là bất công xã hội. Đây là nhầm lẫn. Thật ra sự tăng khoảng cách giàu nghèo không hẳn là bất công xã hội và cũng không hẳn gắn với xã hội tư bản. Trong đoạn 9 của Bài báo nêu lên tình trạng tăng khoảng cách giàu nghèo ở VN trong nhiều năm gần đây.
Sự tăng khoảng cách giàu nghèo là hợp quy luật khi phát triển kinh tế và khoa học công nghệ vì tốc độ phát triển của những người ở hàng đầu, lớn hơn nhiều so với người ở hàng cuối. Đó không phải là bất công mà là sự chênh lệch tất yếu. Để giảm bớt chênh lệch này, nhiều nước đã áp dụng chính sách thuế và phúc lợi xã hội hợp tình hợp lý.
GS Trọng viết về CNTB như sau: “Cùng với khủng hoảng kinh tế – tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái”. Có thật vậy không? Xin GS chỉ ra trên thế giới này nước tư bản phát triển nào mà nạn phá rừng, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn ở VN? Khủng hoảng năng lượng, lương thực chủ yếu là ở các nước nghèo, ở Trung Hoa và Ấn Độ chứ không phải ở các nước tư bản phát triển.
Bài báo viết: “Các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa”. Phản kháng xã hội phải chăng là các cuộc biểu tình của dân chúng đòi giải quyết mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa các nhóm người có quyền lợi khác nhau, giữa giới thợ và giới chủ, giữa người dân và chính quyền. Như vậy sự thật về bản chất có hai điều. Một là ở những nước phát triển vẫn phát sinh mâu thuẫn, hai là dân có quyền tự do biểu tình mà không bị ngăn cấm, không bị đàn áp.
Bản chất một là bình thường nhưng ở xã hội có tự do dân chủ thì nó được phơi bày còn ở các chế độ độc tài thì nó bị che giấu, bị bưng bít hoặc được ngụy trang khéo léo. Bản chất hai mới là quan trọng, nhưng hình như người viết không để ý đến. Có lẽ do tâm thiên vị nên ý bị lệch lạc chăng?
Tiếp đến: “Tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là ‘tự do’, ‘dân chủ’ dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản…. Sự rêu rao bình đẳng về quyền nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất”.
Đây là một sự hớ hênh, vạch áo cho người xem lưng. Độc giả sẽ hiểu được rằng bằng bầu cử họ có thể thay đổi chính phủ, còn dưới sự thống trị của ĐCSVN thì sao, thì bầu cử hầu như chẳng có tác dụng gì. Và “dân chủ vẫn chỉ là hình thức…” thì đó là thực trạng của nhà nước CHXHCNVN.
Cũng là một kiểu tự vạch áo (nhưng không biết) khi cho rằng, CNTB gặp phải những mâu thuẫn, khủng hoảng mà “không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa”. Không giải quyết được triệt để nhưng người ta cũng vượt qua được để tiếp tục phát triển. Còn Liên Xô, thành trì của XHCN đã giải quyết triệt để bằng sự sụp đổ hoàn toàn.
Thật ra CNTB thể hiện trong lĩnh vực kinh tế là chủ yếu. Trong sách “Tại sao các quốc gia thất bại”, Daron Acemoglu đưa ra khái niệm thể chế kinh tế và thể chế chính trị. Mỗi thể chế có hai trạng thái ngược nhau là Dung hợp và Chiếm đoạt. Thường thì hai thể chế có trạng thái phù hợp với nhau, nhưng cũng có thể là không. Người ta thường thấy ở các nước tư bản nền kinh tế phát triển đi kèm với thể chế dân chủ, dung hợp. Đó là sự kết hợp chứ không đồng nhất.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét