Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

6560 - Biển Đông và biển Hoa Đông : Những nguy cơ chiến tranh nào giữa Trung Quốc và Mỹ ?

Minh Anh
Hàng không mẫu hạm Mỹ, USS Ronald Reagan (CVN 76) và USS Nimitz (CVN 68) tập trận tại Biển Đông, ngày 06/07/2020. AP - Petty Officer 3rd Class Jason Tarleton

Thứ Bảy, 29/05/2021, Philippines lại gởi công hàm ngoại giao phản đối « sự hiện diện và các hoạt động bất hợp pháp » của Trung Quốc tại Biển Đông. Trước đó hai hôm, ngày 27/05/2021, Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc họp cấp cao trực tuyến, kêu gọi « duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan ». Căng thẳng gia tăng tại Biển Đông và biển Hoa Đông và ẩn sau đó là những rủi ro xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.

Làm thế nào đánh giá được những rủi ro đó ? Nhà báo Joris Zylberman trên trang mạng RFI lần lượt phân tích những nguy cơ có thể dẫn đến đối đầu quân sự Mỹ - Trung tại ba điểm nóng ở châu Á – Thái Bình Dương : Eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông.

Đài Loan và chiến lược mập mờ

Từ năm 2019, Trung Quốc không ngừng gia tăng sức ép không - hải quân đối với Đài Loan. Ông Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên bố hạ gục « tỉnh nổi loạn » bằng cuộc chiến tiêu hao hay bằng vũ lực nếu thấy cần thiết. Đối với ông Tập, không thể để gánh nặng hợp nhất này cho thế hệ tiếp theo.

Kế hoạch tái chiếm có thể được hình dung theo hai bước. Đầu tiên là phá hủy các trung tâm chỉ huy, căn cứ không quân và hải quân sau khi tấn công tin học để vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ và chiếm lấy kiểm soát không phận. Rồi tiếp đến mới cho đổ bộ.

Nhà nghiên cứu Mathieu Duchatel, giám đốc chương trình châu Á, Viện Montaigne lưu ý trong cuộc chiến này Trung Quốc chưa chắc gì nắm lấy phần thắng. Đó sẽ là một cuộc chiến hao tốn nhân lực. Và nhất là Bắc Kinh chưa làm chủ được một yếu tố quan trọng : Phản ứng của Mỹ.

Thế nên, theo ông Mathieu Duchatel, « kịch bản khả dĩ nhất, chính là hai hay ba thời điểm khủng hoảng trong 10 năm, đưa Trung Quốc dần dần tiến đến mục tiêu của mình. Mỗi một cuộc khủng hoảng sẽ mang lại một chút lợi thế. Điều quan trọng là Bắc Kinh cần trắc nghiệm quyết tâm kháng cự của Đài Loan và Hoa Kỳ ».

Nước Mỹ của Joe Biden sẽ làm gì ? Với đạo luật 1979, « Taiwan Relations Act », Hoa Kỳ cam kết cung cấp vũ khí để Đài Bắc có thể tự vệ trước những hành động gây hấn của Bắc Kinh, nhưng đồng thời vẫn tôn trọng « nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất ». Vậy khi Đài Loan bị xâm chiếm, liệu Mỹ có sẽ đến ứng cứu hay không ? Về điểm này, nước Mỹ vẫn tỏ thái độ nước đôi, đến mức có cả một chính sách : « Mập mờ về chiến lược »

Hiện tại, tổng thống Joe Biden không đoạn tuyệt với chính sách của Donald Trump. Ông cũng gởi các đặc sứ cấp cao đến gặp tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Tháng 4/2021, Joe Biden cho dỡ bỏ những hạn chế các cuộc tiếp xúc cấp cao với chính quyền Đài Bắc. Ông thậm chí còn vận động được G7 lên án « những hành động quấy rối của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan ». Phải chăng chủ nhân Nhà Trắng hiện nay sắp làm rõ chính sách của mình về Đài Loan ?

Đây cũng chính là những gì mà nhiều tướng lĩnh cấp cao Mỹ đòi hỏi từ ba tháng qua. Đối với cựu đô đốc James Stavridis, sự mập mờ về chiến lược « rất có thể dẫn đến những đánh giá sai lầm từ phía Trung Quốc (hay từ Đài Loan) và khơi dậy một cuộc xung đột diện rộng. »

Thế nhưng, đó không phải là quan điểm của chính quyền Biden, nhất là với bà Avril Haines, giám đốc tình báo quốc gia (cố vấn của tổng thống về tình báo). Theo bà, « việc từ bỏ chiếc lược nước đôi có lẽ gây bất ổn sâu sắc cho Trung Quốc. Điều này sẽ còn củng cố ý tưởng của Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ quyết tâm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, kể cả thông qua sức mạnh quân sự. Điều này chắc chắn sẽ đẩy Bắc Kinh tìm cách gây cản trở các lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới. » Cũng theo bà Avril Haines, việc tỏ rõ lập trường còn thúc đẩy thêm những mầm mống tuyên bố độc lập chính thức của Đài Loan, vốn dĩ là một điều tối kỵ đối với Bắc Kinh.

Eo biển Đài Loan.
Eo biển Đài Loan. © Wikipedia

Theo nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), « với Đài Loan, những bảo đảm an ninh đó là không rõ ràng. » Quan điểm này đã được ông Kurt Campbell, điều phối viên của Nhà Trắng về chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương khẳng định. Ông cho rằng Washington và Bắc Kinh chia sẻ cùng lập trường : Duy trì nguyên trạng xung quanh đảo này ở một mức độ nào đó, là nằm trong lợi ích của cả hai cường quốc.

Biển Đông và yếu tố Philippines bất định

Tại Biển Đông, vùng biển này có diện tích rộng bằng một nửa châu Mỹ, có nhiều nguồn khoáng sản, dầu khí và còn là con đường giao thương huyết mạch, nơi trung chuyển của 1/3 thương mại toàn cầu, Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đến 80% diện tích khu vực. Một đòi hỏi khó thể chấp nhận được đối với nhiều nước sở hữu và cũng có các đòi hỏi chủ quyền với nhiều đảo như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.

Hồi tháng 2/2021, Trung Quốc ban hành một đạo luật mới cho phép « tầu tuần duyên Trung Quốc có trang bị vũ khí » được phép đáp trả « những sự cố bạo lực nghiêm trọng » tại những vùng lãnh hải mà Trung Quốc cho là có chủ quyền.

Bởi vì tầu chiến nước ngoài ngày càng hiện diện đông đảo. Hạm đội Mỹ đặc biệt còn tiến hành các chiến dịch « tự do lưu thông » ở Biển Đông, vì Washington không muốn để Bắc Kinh độc quyền kiểm soát cả một khu vực chiến lược rộng lớn.

Rủi ro xảy ra sự cố hiện hữu khắp vùng. Người ta còn nhớ vụ va chạm trên không giữa một tiêm kích Trung Quốc và chiếc máy bay trinh sát của Mỹ năm 2001 đã làm thiệt mạng một phi công Trung Quốc. Năm 2018, hàng không mẫu hạm USS Decatur và tầu khu trục hạm Lan Châu (Lanzhou) xuýt nữa va nhau khi chỉ cách có 41 mét.

Nhà nghiên cứu François-Xavier Bonnet, Viện Nghiên cứu về Đông Nam Á đương đại (Irasec), nhận định : « Rủi ro ở đây chính là một sai lầm. Nếu một tầu chiến Mỹ bị radar Trung Quốc chiếu sáng và một chiếc tên lửa được trực tiếp bắn đi sau khi bị rọi, Hoa Kỳ có thể có phản ứng. Chiến tranh cục bộ có thể trở nên lan rộng ».

Ngoài ra, Hoa Kỳ còn phải đối mặt với một rủi ro khác : Bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và một trong số các nước đồng minh của Mỹ, những nước đang có tranh chấp chủ quyền, đặc biệt là Philippines. Theo yêu cầu của Manila, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016 ra phán quyết cho rằng những đòi hỏi « chủ quyền lịch sử » của Bắc Kinh ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Vì hy vọng thu hút nhiều đầu tư Trung Quốc, tổng thống Philippines đã gạt phán quyết của La Haye sang một bên, cho đấy chỉ là « một mớ giấy lộn » đáng « ném vào sọt rác ». Thái độ nhún nhường này của ông Rodrigo Duterte cũng không ngăn cản được 200 tầu đánh cá Trung Quốc ngang nhiên neo đậu tại bãi Đá Ba Đầu hồi tháng 3/2021. Trên thực tế, đó là những đội tầu dân quân biển, có nhiệm vụ làm tiền đồn cho hải quân Trung Quốc.

Theo nhà địa lý học François-Xavier Bonnet, bãi Đá Ba Đầu là phần đông bắc của Cụm Sinh Tồn, « cụm đảo quan trọng nhất tại Biển Đông ». Trung Quốc đã chiếm hai bãi đá ngầm và giờ nếu có được cả bãi Đá Ba Đầu, nước này có thể xây dựng một khu căn cứ hải quân lớn cùng với oanh tạc cơ, có khả năng tấn công đến đảo Guam của Mỹ.

Một điểm khác cũng khiến Hoa Kỳ lo lắng : Căn cứ không quân trên bãi đá Chữ Thập, trong quần đảo Trường Sa. Tại đây, Bắc Kinh cho xây dựng một đường băng dài 3.000 mét và đang chuẩn bị mở rộng thêm căn cứ. Từ điểm này, một chiếc oanh tạc cơ Trung Quốc cùng với máy bay tiếp liệu có thể đi tới các bờ biển của Úc.

Ông Francois-Xavier Bonnet tóm lược như sau :« Scarborough, Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Cụm Sinh Tồn (Union Banks) và bãi Đá Vành Khăn (Mischief), khi nối tất cả các nhóm đảo này lại, Bắc Kinh có thể sẽ kiểm soát được Biển Đông, cả trên bình diện không quân, hải quân lẫn tầu ngầm. »

Để hiểu rõ toàn cảnh vấn đề, chuyên gia Antoine Bondaz còn cho rằng người ta nên chú ý đến độ sâu của các vùng biển :« Biển Đông là vùng biển ngoại vi duy nhất của Trung Quốc có độ sâu lớn, ở đó người ta có thể làm cho các chiếc tầu ngầm không bị phát hiện, một điều quan trọng cho khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Hiện tại, tầu ngầm tên lửa hạt nhân của Trung Quốc chưa thể đi tới đến bờ tây của nước Mỹ. Bởi vì, Trung Quốc còn phải đối mặt với một chuỗi các điểm không an toàn : nước này cảm thấy bị bao vây bởi hệ thống liên minh của Mỹ theo hình chữ "J" bắt đầu từ Nhật Bản, sang Đài Loan, Philippines rồi Úc. Do vậy, việc phá vỡ vòng vây này, thu hồi Đài Loan, cũng như biến Biển Đông thành một thành trì kiên cố là điều cần thiết ».

Trước đà trỗi dậy mạnh mẽ về chiến lược của Trung Quốc, Washington mong muốn có thể dựa vào tất cả các đồng minh trong khu vực. Chính ở điểm này Philippines của ông Duterte lộ rõ là một yếu tố bất ổn. Vị tổng thống tính khí thất thường đe dọa hủy thỏa thuận thăm viếng quân sự (VFA) ký kết từ năm 1999.

François-Xavier Bonnetgiải thích : « Thỏa thuận này cho phép các binh sĩ Mỹ tiếp cận dễ dàng hơn các khu căn cứ quân sự Philippines mà không cần hiện diện thường trực vào lúc mà Hoa Kỳ đang dần triệt thoái khỏi Afghanistan. Hoa Kỳ còn có thể đối phó với một đòn tấn công mạnh tại khu vực trong trường hợp xung đột với Đài Loan. »

Bãi Đá Ba Đầu, cụm đảo Sinh Tồn.
Bãi Đá Ba Đầu, cụm đảo Sinh Tồn. © Wikipedia

Trong bối cảnh này, Hoa Kỳ đã đề nghị tái đàm phán thỏa thuận. Nhưng ông Duterte tìm cách cản trở tối đa. Đối với nguyên thủ Philippines, không có chuyện chọc giận Bắc Kinh và có nguy cơ dẫn đến một cuộc xâm chiếm phía bắc Philippines từ Trung Quốc.

Biển Hoa Đông : Vùng xám

Nhìn sang Biển Hoa Đông, cách nay vài năm, căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc tưởng chừng đi đến một cuộc xung đột lớn. Việc chính quyền Tokyo mua lại quần đảo Senkaku – mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư và có đòi hỏi chủ quyền – nhằm ngăn cản Shintaro Ishihara, thị trưởng Tokyo mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc mua lại quần đảo, đã làm cho mối quan hệ với Bắc Kinh trở nên xấu đi.

Từ đó, Trung Quốc không ngừng đưa tầu chiến xâm nhập vùng lãnh hải này và dẫn đến nhiều vụ chạm trán may thay không để lại các hậu quả. Đỉnh điểm căng thẳng là năm 2013. Hiện tại, tuy đã giảm hẳn nhưng các cuộc xâm nhập vẫn còn tiếp diễn.

Giả như xung đột xảy ra, Hoa Kỳ sẽ có phản ứng ra sao ? Theo đánh giá của ông Mathieu Duchâtel, mọi việc ở vùng biển này rõ ràng hơn ở những nơi khác : Hoa Kỳ công nhận quần đảo có tranh chấp là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản. Một hành động gây hấn của Trung Quốc sẽ tức thì kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương Mỹ - Nhật.

« Nguy cơ xảy ra sự cố giữa Mỹ và Trung Quốc ở biển Hoa Đông hiện nay là rất thấp. Khả năng răn đe của Nhật Bản là khả tín, dù rằng các cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào vùng 12 hải lý ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một "thách thức vùng xám » khó kiểm soát vì đó là những lực lượng tuần duyên chứ không phải là hải quân Trung Quốc.

Thế răn đe của Nhật Bản đã được củng cố thêm do lập trường rõ ràng của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh, được áp dụng cho cả quần đảo Senkaku. Chuyện đi lại của hải quân và không quân Trung Quốc tại eo biển Miyako ở giai đoạn này mới chỉ là một chủ đề song phương Trung – Nhật.

Nếu so với Biển Đông, trường hợp biển Hoa Đông cho thấy rõ Trung Quốc ít dám mạo hiểm hơn khi mối tương quan lực lượng rõ ràng là bất lợi cho Trung Quốc. Đây chính là trường hợp liên minh Mỹ - Nhật ».

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20210603-bien-dong-bien-hoa-dong-chien-tranh-trung-quoc-hoa-ky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét