Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

6554 - Chấp nhận vaccine Trung Quốc, Việt Nam đầu hàng nhưng chưa hết ba hoa

Jackhammer Nguyễn

Việt Nam đang nghiên cứu hồ sơ để cấp giấy phép sử dụng vaccine Sinopharm ngừa Covid-19 của Trung Quốc. Việc này có lẽ chỉ là vấn đề thủ tục, vì dịch đang bùng phát dữ dội ở Việt Nam, hơn nữa loại vaccine này đã được Tổ chức Y tế Thế giới chấp nhận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Việt Nam là một trong vài nước ít ỏi ở Đông Nam Á chưa chấp thuận vaccine Trung Quốc, nhưng bây giờ đã đầu hàng. Việt Nam thấy rất rõ hiệu quả kém của vaccine Trung Quốc, với nhiều ví dụ nhãn tiền. Các nước sử dụng vaccine Trung Quốc nhiều nhất là Chile, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Seychelles… hiện đang chứng kiến bùng phát dịch trở lại.

Mới nhất, một khảo sát ở Hungary, con ngựa thành Troy của Trung Quốc xâm nhập châu Âu, cho thấy một nhóm đã chích ngừa vaccine Trung Quốc không có đủ kháng thể cần thiết để chống Covid-19. Hai nước UAE và Bahrain dự tính sẽ chích mũi thứ ba cho dân của họ, những người đã chích hai mũi vaccine Trung Quốc. Các chuyên gia đề nghị, mũi thứ ba này sẽ là loại vaccine khác, không sử dụng vaccine TQ.

Tin từ giới ngoại giao Việt Nam cho biết, cho tới cuối tháng 5/2021, Việt Nam có nhận những lô hàng vaccine “hữu nghị” từ Bắc Kinh, nhưng đó là những động tác hoàn toàn … “hữu nghị”, chứ Hà Nội không có ý định sử dụng các loại vaccine kém hiệu quả của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đói thì đầu gối cũng phải bò. Những nỗ lực tìm kiếm vaccine phương Tây cho tới giờ này tỏ ra vô vọng, bởi nhiều rào cản khác nhau: Ấn Độ ngừng xuất vaccine của chương trình COVAX mà Việt Nam tham gia, các loại thuốc phương Tây mắc tiền, khan hiếm nên khó mua, lại khó bảo quản…

Báo chí nhà nước liên tục đưa tin hết vị lãnh đạo này tới vị lãnh đạo khác điện đàm với Nga, Mỹ, Úc, Nhật… để điều đình về vaccine.

Chúng ta có thể thông cảm cho sự đầu hàng trong “trận chiến giành vaccine” này. Tuy nhiên, khó có thể thông cảm cho sự thiếu hiểu biết toàn cục, thái độ tự mãn của nhà nước Việt Nam khi họ kiểm soát được dịch vào năm 2020 nhờ vào những biện pháp hành chánh cứng rắn. Báo chí, các quan chức cao cấp như lên đồng, ca tụng chính mình, so sánh với các cường quốc lúc đó vẫn đang vất vả chống dịch.

Sự lên đồng này nhắc chúng ta nhớ đến sự kiêu ngạo của đảng Cộng sản Việt Nam sau ngày 30/4/1975, tự hào rằng, Việt Nam đã thắng “hai đế quốc sừng sỏ nhất là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ” và rằng, “Việt Nam là lương tâm thời đại”! Cái “lương tâm thời đại” này suýt nữa chết chìm cùng sự sụp đổ của đế chế Xô Viết và khối Đông Âu.

Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, một số người Việt nói chung, thường hay mắc vào chứng bệnh “lũy tre làng”, cứ tưởng như cái đình làng của mình là cả vũ trụ này, mà chưa bao giờ nhìn ra được toàn cục vấn đề. Việc rước chủ nghĩa cộng sản về đất nước này cũng nằm trong cái não trạng đó, một não trạng thiếu duy biện, chỉ nhìn thấy một một góc cạnh của vấn đề.

Gần đây, có một số người hay viện dẫn cái gọi là “lời nguyền địa chính trị” để giải thích về những chính sách, hướng đi của quốc gia. Lời nguyền địa chính trị nói rằng, Việt Nam nằm sát bên đế quốc Trung Hoa ngày xưa, đế quốc cộng sản Hoa Lục ngày nay, cho nên không có nhiều lựa chọn.

Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đều nằm sát bên Trung Quốc nhưng không quốc gia hay thể chế nào nhường nhịn Bắc Kinh cả, bởi họ có nhiều lựa chọn, không như Việt Nam.

Lời nguyền địa chính trị có thể đúng từ thế kỷ 15 về trước, khi mà giao thương quốc tế còn sơ khai. Đối diện với xứ Giao Chỉ, Đại Việt… chỉ có thế giới Trung Hoa.

Nhưng ngày nay, thế giới đã thay đổi, nhưng tư duy của một số người, nhất là giới lãnh đạo CSVN thì không, cứ say sưa với quyền làm chủ tập thể, ba dòng thác cách mạng ngày trước và mô hình kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày nay, mà thực chất đó là mô hình Trung Quốc.

Giữa đại dịch, vị lãnh đạo tối cao Nguyễn Phú Trọng hì hục viết một bài văn theo kiểu văn mẫu dài hơn 8000 từ, để ca ngợi chủ nghĩa xã hội, mà tác giả Nguyễn Tô Hiệu gọi là đẫm lệ và … hoang tưởng.

Công bằng mà nói thì Hà Nội cũng có những cố gắng thoát Trung, ví dụ như không hợp tác với Bắc Kinh để khai thác dầu trên thềm lục địa, hay là cưỡng lại sự chính sách ngoại giao vaccine của Bắc Kinh. Nhưng đó không phải là một sự vượt thoát dứt khoát kiểu như “Thoát Á luận” của giới trí thức Nhật Bản thời canh tân Minh Trị.

Và hơn hết, Hà Nội không có can đảm vượt qua chế độ toàn trị, dù không ít đảng viên của đảng cầm quyền cũng biết rằng chế độ ấy không phải là tương lai của dân tộc, hay của nhân loại.

Không thoát được toàn trị thì không bao giờ có được một xã hội sáng tạo, vì sáng tạo thực sự là sản phẩm của một nền dân chủ. Không sáng tạo thì quốc gia mãi nghèo đói, lệ thuộc kẻ khác. Không thoát được toàn trị thì cũng không có đồng minh, bè bạn đàng hoàng tử tế để mà giao du.

Không chỉ vaccine, mà Việt Nam sẽ có nhiều vụ đầu hàng Bắc Kinh nữa trong tương lai!

https://baotiengdan.com/2021/06/03/chap-nhan-vaccine-trung-quoc-viet-nam-dau-hang-nhung-chua-het-ba-hoa/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét