BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
VnExpress có bài phỏng vấn Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: ‘Nếu mất Biển Đông là có tội’. Thứ trưởng “Ba Không” Nguyễn Chí Vịnh thừa nhận: “Nhìn một cách hình thức, có thể thấy Trung Quốc rất mạnh và đã làm nhiều việc trên Biển Đông. Quyết tâm, tham vọng của họ ngày càng lớn. Chưa kể, họ vô cùng kiên trì để dần dần đạt được tham vọng chủ quyền của mình. Họ không e ngại dư luận nên khó có thể nói không lo lắng. Cả thế giới lo chứ không riêng chúng ta”.
Ông Vịnh nói nước đôi về các tàu dân binh TQ: “Vừa qua chúng ta bàn luận nhiều đến sự hiện diện của tàu dân quân biển Trung Quốc trên Biển Đông. Sự quan tâm đó là hợp lý, vì hàng trăm con ‘tàu lạ’ cứ đứng lì ra đó mà không làm gì thì cũng thật khó coi. Nhưng đánh giá việc đó như thế nào, bực tức ra sao là một chuyện, còn xử lý như thế nào lại là việc khác”.
Báo Thanh Niên đưa tin: Trung Quốc tập trận ở vịnh Bắc bộ, sắp đưa giàn khoan mới xuống Biển Đông. Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông thông báo, TQ sẽ tổ chức tập trận ngày 2/6, ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu, tức phía đông vịnh Bắc bộ của VN. Đây là diễn biến mới nhất trong chuỗi hoạt động quân sự liên tiếp của TQ ở khu vực vịnh Bắc bộ.
Trước đó, vào ngày 25/5, Cục Hải sự TQ (MSA) thông báo, TQ sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vịnh Bắc bộ từ ngày 27 đến 30/5. Vừa kết thúc cuộc tập trận ở đây cuối tháng 5/2021, TQ đã có kế hoạch tập trận ở khu vực này đầu tháng 6/2021. Từ đầu năm đến nay, quân đội TQ đã thực hiện ít nhất 21 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 8 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ.
VTC có clip: Trung Quốc kéo giàn khoan lớn nhất thế giới ra biển Đông.
VnExpress đưa tin: Nhóm vận tải cơ Trung Quốc áp sát không phận Malaysia. Không quân Malaysia thông báo, 16 vận tải cơ Il-76 và Y-20 của TQ xuất hiện gần bờ biển Malaysia, buộc nước này điều máy bay chiến đấu lên giám sát. Đội hình máy bay vận tải quân sự TQ bị phát hiện tiến hành hoạt động “đáng ngờ” trên Biển Đông ngày 31/5, đã áp sát và gần như xâm phạm không phận Malaysia.
Malaysia buộc phải triển khai máy bay Hawk 208 xuất kích từ căn cứ Labuan để giám sát và xác nhận sự hiện diện của nhóm vận tải cơ TQ, khi chúng cách bờ biển bang Sarawak, đảo Borneo, khoảng 60 hải lý vào lúc 11h53’. Vận tải cơ TQ không liên lạc với kiểm soát không lưu khu vực, dù phía Malaysia nhiều lần chỉ thị.
VOV có bài: Đông Nam Á trong chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden. Tổng thống Joe Biden coi trọng quan hệ đối tác Chiến lược với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy tăng cường hợp tác Mỹ – ASEAN và quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN với các nước thuộc nhóm “Bộ Tứ” để giải quyết các thách thức đang đặt ra. Mỹ cam kết sẽ phối hợp để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Mỹ cũng tiếp tục tham gia đóng góp trong các cơ chế hợp tác khu vực của ASEAN, như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Mỹ thể hiện sự ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Diễn biến mới trong quan hệ Mỹ-Philippines: Biden muốn gặp Duterte bàn về thỏa thuận thăm viếng quân sự, RFI đưa tin. Nguồn tin từ đài ABS&CBN News của Philippines cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn gặp riêng người đồng nhiệm Philippines Rodrigo Duterte. Mỹ sẽ kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao với Philippines vào tháng 7/2021, đồng thời “hy vọng” ông Duterte sẽ gia hạn thỏa thuận thăm viếng quân sự (VFA) giữa 2 nước.
Tin nhân quyền
Báo Tiền Phong đưa tin: Công an Hà Nội ra lệnh truy nã đặc biệt Lê Dũng Vova. Ngày 28/5, Cơ quan ANĐT công an TP Hà Nội ra quyết định truy nã đặc biệt đối với ông Lê Văn Dũng, biệt danh Lê Dũng Vova, với tội danh bị khởi tố “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Nhưng ngày 25/5, ông Lê Dũng Vova đã bỏ trốn, nên công an nâng quyết định truy nã lên thành “truy nã đặc biệt”. Công an thông báo: “Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã báo ngay cho Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội”.
VOA có bài: Blogger Lê Văn Dũng bị truy nã ‘đặc biệt’. LS Lê Duy Bình ở Sài Gòn bày tỏ sự “quan ngại” về vụ ông Lê Văn Dũng bị truy nã. LS Bình nhận định, những phát ngôn như của ông Dũng “có những vi phạm nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự”, chỉ vì cơ chế, vì pháp luật của chế độ có những quy định “thòng lọng” để siết một ai đó có tư tưởng “nổi loạn”. LS Bình nói thêm: “Đây là một thực trạng rất đáng ‘quan ngại’ vì nếu cứ đà này nền dân chủ mới được manh nha sẽ bị hạn chế đến mức khó hiểu”.
RFA có bài: Khởi tố Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là sai luật và thể hiện sự đối xử hà khắc với tôn giáo. Ổ dịch liên quan đến hội “Truyền giáo Phục Hưng” diễn biến ngày càng phức tạp, lan ra ít nhất 6 tỉnh, thành ở miền Nam, phá tan hết mọi công sức tuyên truyền “thắng dịch” ở thành Hồ. Thế là quan chức thành Hồ biến các tín hữu của hội này thành “dê tế thần”, biến họ thành “tội phạm” trong mắt những người vẫn tin vào giấc mộng VN “thắng dịch”.
Một tín hữu của hội “Truyền giáo Phục Hưng” chia sẻ về ý thức phòng dịch của nhóm này: “Hai tuần qua (trước khi bị đưa đi cách ly) chúng tôi đều sinh hoạt và thờ phượng Chúa online từ xa. HTTGPH từ những ngày đầu dịch đã cung cấp khẩu trang, nước rửa tay cho tín hữu và làm từ thiện cho các khu dân cư xung quanh. Khuyến khích mọi người mang khẩu trang y tế. HTTGPH đã từng mời cơ quan y tế phường về khử trùng tại nơi nhóm họp không lâu trước đây”.
Các vụ “ăn” đất
VTC có bài về vụ đồi 36ha ở Lâm Đồng bị xẻ thành 1.000 nền đất để bán: Chính quyền không hay biết. Một ngọn đồi 36ha vốn để trồng chè và cà phê ở cao nguyên Lâm Đồng bị xẻ thành 1.000 miếng đất nền để bán, nhưng ông Nguyễn Trần Long, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Bảo Lộc lại nói không biết, cơ quan hữu trách TP đang vào cuộc xác minh sau khi tiếp nhận thông tin từ VTC News. Ông Long khẳng định, từ trước đến nay, TP Bảo Lộc chưa từng có dự án nào quy mô “khủng” đến vậy.
Khi được hỏi, “tại sao một quả đồi đang bạt ngàn chè và cà phê bỗng bị cạo trọc, san ủi, trải nhựa và xẻ nhỏ thành 1.000 nền đất” nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết, ông Nguyễn Trần Long thanh minh: “Có thể là họ tranh thủ thời gian bầu cử để triển khai nên ít người để ý”. Nhưng từ đầu năm 2021, dự án bất động sản này đã được thi công rầm rộ, thông tin quảng cáo được “phủ sóng” trên nhiều báo đài.
Trước đó, ngày 19/5, VTC đưa tin: Không cần lập dự án, quả đồi 36ha ở Lâm Đồng bị xẻ thành 1.000 nền đất để bán. Một quả đồi vốn toàn đất nông nghiệp bỗng bị “cạo trọc”, các công trình xuất hiện như một dự án được nhà nước đầu tư. Sau khi VTC phản ánh sự việc, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND TP Bảo Lộc vào cuộc, kiểm tra vụ tự tiện chia lô, bán nền cả một quả đồi.
Đến ngày 28/5, VTC cập nhật: Sau chỉ đạo ‘nóng’, quả đồi 36ha bị xẻ thành 1.000 đất nền vẫn giao dịch ầm ầm. Bất chấp các “chỉ đạo” từ chính quyền địa phương, một nhân viên bán hàng của dự án bất động sản khẳng định quá trình mua bán diễn ra bình thường: “Bên em có 1.000 nền, giai đoạn 1 bán 137 nền rồi. Bán vỏn vẹn trong 2 tháng, giá khoảng 1,2 tỷ đồng/nền, thủ tục nhanh lắm chị. Dù đây là dự án lớn nhưng vẫn là đất do cá nhân đứng tên, do đó không giống mấy dự án do nhà nước cấp. Không cần quy hoạch chi tiết hay giấy phép gì hết, chỉ cần khách mua là được sang tên ra sổ luôn”.
Báo Lao Động có bài về vụ trục lợi đất công ở TPHCM: Đại gia lo bị “trục xuất” khỏi biệt thự tiền tỉ. Đó là diễn biến mới vụ trục lợi đất công tại Công viên phần mềm Quang Trung, do nhóm lợi ích lợi dụng chính sách cho thuê đất ưu đãi tại khu vực này để đứng ra xin thuê đất trên danh nghĩa xây nhà cho chuyên gia thuê ở, nhưng tổ chức mua bán trái phép để thu lợi hàng trăm tỉ đồng.
Vụ việc bị phanh phui, những người lỡ mua biệt thự tại đây đang lo lắng, không biết tài sản họ mua sắp tới sẽ bị cơ quan chức năng xử lý thế nào. Họ đã bỏ ra nhiều tỉ đồng mua biệt thự, nhưng giờ sống chung với nguy cơ bị cơ quan chức năng “mời” ra khỏi nhà bất cứ lúc nào. Một số người tìm cách giải quyết theo hướng ép chủ đầu tư hoàn lại tiền.
Tin môi trường
Thông Tấn Xã VN cập nhật tình hình di dời các nhà máy ra khỏi nội thành Hà Nội: Sau 6 năm vẫn… chậm. Trong tình trạng quá tải về hạ tầng, ùn tắc giao thông, cử tri TP Hà Nội tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng di dời các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, trường đại học, bệnh viện từ khu vực nội thành ra ngoại thành để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô do các cơ sở này gây ra.
Đại diện Bộ Xây dựng thừa nhận, ngày 23/1/2015, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và tái sử dụng đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và một số cơ quan khác trong nội thành Hà Nội. Gần 6 năm rưỡi qua, hàng loạt nhà máy sản xuất ở các quận như Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, dù nằm trong lộ trình di dời, nhưng vẫn gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm, vẫn bám trụ, không di dời.
Ninh Bình TV có clip: Ô nhiễm không khí ở Ninh Vân.
VietNamNet có bài của tác giả Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ hội kiến trúc sư Hà Nội: Bao nhiêu năm tiền tỷ trôi theo dòng nước thải. Năm 2008, Chính phủ đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy liên quan đến 5 tỉnh, thành. Hơn 12 năm qua, Ủy ban bảo vệ môi trường sông Nhuệ – Đáy đã nhóm họp 12 lần, lần nào cũng thừa nhận ô nhiễm ngày càng phức tạp, nhưng không có chuyển biến gì.
Tác giả cho biết, trong 12 năm tìm cách giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở 2 con sông “huyết mạch”, Hà Nội đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng 9 nhà máy xử lý nước thải, nhưng không cải thiện được tình hình. VN là quốc gia nghèo về nước nhưng lại sử dụng tài nguyên nước lãng phí, tạo nên các yếu tố kém bền vững.
Báo Giao Thông đặt câu hỏi về tình hình rạch Văn Thánh ở TP.HCM ô nhiễm nặng: Năm 2024 mới cải tạo? UBND quận Bình Thạnh thừa nhận, dự án cải tạo rạch Văn Thánh nằm trong kế hoạch giai đoạn 2020 – 2025 nên hiện chưa triển khai, chưa chọn được nhà đầu tư và chưa được thông qua chủ trương đầu tư công. Tổng mức đầu tư dự kiến là 3.699 tỉ đồng từ ngân sách thành phố, riêng chi phí bồi thường, tái định cư là 3.011 tỉ đồng.
Trong khi dự án cải tạo rạch Văn Thánh hầu như vẫn nằm trên giấy, thì rạch này ô nhiễm trầm trọng. Nhiều năm qua, do bị bồi lấp và lấn chiếm nhiều, rạch Văn Thánh không còn khả năng tự thoát nước. Đây là tuyến rạch thuộc hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước cho khu vực quận Bình Thạnh.
Truyền hình Hưng Yên có clip: Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi trong khu dân cư.
https://baotiengdan.com/2021/06/01/ban-tin-ngay-1-6-2021/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét