Biên dịch: Phan Nguyên
Nguồn: Nicholas Eberstadt, “America Hasn’t Lost Its Demographic Advantage”, Foreign Affairs, 24/05/2021.
Ưu thế toàn cầu của Hoa Kỳ dựa rất nhiều vào yếu tố nhân khẩu học. Sau sự sụp đổ và tan rã của Liên Xô, Hoa Kỳ trở thành quốc gia đông dân thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. So với các nước phát triển khác, Hoa Kỳ duy trì mức sinh và nhập cư cao bất thường — một hiện tượng mà tôi gọi là “chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ về nhân khẩu học” trong một bài trên tạp chí này hồi năm 2019.
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tổng dân số Hoa Kỳ và số lượng những người trong độ tuổi lao động (từ 20 đến 64 tuổi) đã tăng nhanh hơn so với các nước phát triển khác — và cũng nhanh hơn so với các đối thủ là Trung Quốc và Nga. Dân số trong độ tuổi lao động gia tăng thúc đẩy năng suất quốc gia ở các nền kinh tế nơi chính phủ có thể phát triển và khai thác thành công nguồn nhân lực. Đối với các quốc gia phúc lợi hiện đại, tốc độ già hóa dân số chậm hơn cũng giúp kéo dãn gánh nặng tài chính vốn được gây ra bởi các dàn xếp hiện tại.
Xét về tác động của các xu hướng nhân khẩu học đối với các vấn đề thế giới, chúng đã diễn biến theo hướng có lợi cho Hoa Kỳ trong một thời gian. Nhưng những thay đổi lớn đang diễn ra. Kết quả ban đầu từ cuộc điều tra dân số năm 2020 của Hoa Kỳ và các báo cáo về tổng số ca sinh năm ngoái đã đưa ra những tin tức đáng lo ngại: với tốc độ tăng dân số chậm lại và mức sinh quốc gia giảm dần, Hoa Kỳ hiện đang đi theo một con đường nhân khẩu học kém lạc quan hơn, dẫn đến một tương lai u ám hơn và ít dân cư hơn.
Hoa Kỳ có thể mất lợi thế và trở nên kém “ngoại lệ” hơn khi người Mỹ chọn sinh ít con hơn. Bởi tỷ lệ sinh thấp hơn báo hiệu niềm tin của người dân về tương lai đang giảm đi, tỷ lệ sinh giảm xuống là một điều đáng chú ý và có lẽ là mối lo ngại. Dân số tăng chậm hơn cũng có thể gây ra những tác động lâu dài rắc rối đối với các quyền lợi dành cho người cao tuổi và các chương trình phúc lợi xã hội khác. Nhưng các dự báo và dữ liệu dân số mới nhất cho thấy rằng không có lý do gì phải ngay lập tức lo lắng về vị thế quốc tế tương lai của đất nước. Hoa Kỳ vẫn sẽ có một vị thế nhân khẩu học thuận lợi so với các đối thủ cạnh tranh trong nhiều thập niên tới.
CHẬM LẠI VÀ SUY GIẢM
Các con số chính từ Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ trong năm 2020 chính thức xác nhận một điều mà các nhà nhân khẩu học đã biết từ lâu: tốc độ tăng dân số của Hoa Kỳ đã giảm dần đều kể từ năm 1990 — và hiện đang ở tốc độ chậm nhất được ghi nhận trong lịch sử đất nước, trừ thời kỳ Đại suy thoái. Từ năm 2010 đến năm 2020, dân số Hoa Kỳ ước tính tăng khoảng 7,4%. Đó là tốc độ tăng chậm hơn rõ rệt so với thập niên trước đó, khi dân số Hoa Kỳ tăng gần 10%.
Điều thú vị, hay với một số người là ngạc nhiên, là tình hình nhập cư dường như không liên quan nhiều đến sự tăng trưởng chậm lại này: các dấu hiệu gián tiếp cho thấy lượng người nhập cư ròng lên tới khoảng một triệu người mỗi năm trong những năm 2010, gần bằng mức của thập niên trước. Nói cách khác, những thay đổi trong xu hướng sinh và tử giải thích cho sự thay đổi này. “Tăng dân số tự nhiên” — tức tổng số ca sinh trừ số ca tử vong — trung bình là 1,7 triệu người mỗi năm trong thập niên từ 2000 đến 2009 nhưng chỉ còn 1,2 triệu người trong giai đoạn từ 2010 đến 2019. Năm 2019, năm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, con số này đã giảm xuống dưới 900.000, mức tăng hàng năm thấp nhất được ghi nhận kể từ ít nhất là năm 1933, khi hệ thống đăng ký khai sinh và khai tử trên toàn quốc của Hoa Kỳ được hoàn thành.
Sự sụt giảm về mức tăng dân số tự nhiên của Hoa Kỳ trong những năm 2010 một phần là do sự gia tăng số người chết hàng năm – một kết quả hoàn toàn có thể dự đoán được do sự già hóa dân số nói chung. Nhưng sự sụt giảm về số ca sinh đóng một vai trò lớn hơn. Tổng số ca sinh năm 2019 đã giảm hơn nửa triệu so với mức cao nhất mọi thời đại là 4,3 triệu vào năm 2007, ngay trước khi cuộc Đại suy thoái diễn ra.
Tổng tỷ suất sinh — thước đo số lần sinh nở của mỗi phụ nữ trong suốt cuộc đời — cho thấy câu chuyện sinh đẻ của người Mỹ ở khía cạnh con người hơn. Trong hai thập niên trước cuộc Đại suy thoái, tổng tỷ suất sinh của Hoa Kỳ trung bình chỉ hơn hai lần sinh cho mỗi phụ nữ. Tuy nhiên, từ 2007 đến 2019, tỷ suất sinh của Hoa Kỳ đã giảm từ hơn 2,1 (ngay trên mức sinh thay thế) xuống còn 1,7, dưới mức sinh thay thế. Đó là tỷ suất sinh thấp nhất từng được ghi nhận ở Hoa Kỳ cho đến nay. Số liệu mức sinh tạm thời cho năm 2020 cho thấy mức giảm 4% nữa, xuống còn khoảng 3,6 triệu người, nghĩa là tổng tỷ suất sinh của cả nước năm 2020 là khoảng 1,64 – thấp hơn 20% so với mức sinh thay thế.
Dữ liệu hiện có cho thấy một sự suy giảm mức sinh đáng kể và phổ biến kể từ cuộc Đại suy thoái. Các nhà nhân khẩu học cảnh giác với việc đưa ra những lý do chính xác để lý giải cho những thay đổi như vậy. Những lo lắng về kinh tế có thể đóng một phần nào đó khi một số người đổ lỗi cho chi phí nuôi dạy trẻ tăng cao khiến họ không muốn sinh đẻ hoặc có thêm con. Các thế hệ trẻ hơn cũng có thể có những ưu tiên và thái độ văn hóa khác với những thế hệ trước; nhóm thế hệ thiên niên kỷ ngày càng tăng và chiếm phần lớn dân số trong độ tuổi sinh đẻ ngày nay cũng ít sùng đạo hơn và cũng ít lạc quan hơn về tương lai.
MỘT LỢI THẾ LÂU DÀI
Nhưng tương lai nhân khẩu học vẫn tương đối tươi sáng đối với Hoa Kỳ. Kết quả điều tra dân số năm 2020 dường như không phải là điềm báo về sự “diệt vong”, đặc biệt là khi đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn. Ví dụ, hãy xem xét một số dự đoán ở mức thấp về sự gia tăng dân số của Hoa Kỳ trong tương lai. Các mô hình “biến số thấp” của Ban Dân số Liên Hợp Quốc có thể mang lại một số gợi mở: các mô hình này xác định tổng tỷ suất sinh của Hoa Kỳ ở mức dưới 1,4 trong nửa cuối thập niên 2020 — nói cách khác, mức sinh trung bình toàn quốc sẽ thấp hơn mức sinh của bất kỳ bang nào trong năm 2019— và tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn nữa trong những năm 2030 và 2040. Ngay cả với tỷ lệ sinh thấp đáng kinh ngạc như vậy, dân số Hoa Kỳ được dự báo sẽ vẫn tiếp tục tăng trong 25 năm tới, đạt đỉnh vào năm 2047 với tổng dân số gần 350 triệu người, và sẽ duy duy trì ở mức đó cho đến năm 2050. Số người trong độ tuổi lao động cũng sẽ tăng nhẹ trong thời gian 25 năm tới trong kịch bản này — và vào năm 2050 con số này sẽ cao hơn khoảng 5% so với con số năm 2020.
Như các tính toán trên cho thấy, kết quả điều tra dân số năm 2020 không nên gây ra sự hoảng sợ. Ngay cả với mức sinh cách xa mức sinh thay thế kéo dài, tổng dân số và dân số trong độ tuổi lao động của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng. Dòng người di cư và “động lực dân số” được định sẵn trong cấu trúc nhân khẩu học hiện tại của Hoa Kỳ (khi các nhóm dân số đang gia tăng chuyển sang các nhóm tuổi hiện đang do các nhóm tương đối nhỏ hơn nắm giữ) sẽ đẩy tổng dân số Hoa Kỳ và dân số trong độ tuổi lao động lên mức cao hơn trong ít nhất là 25 năm tới.
Do đó, Hoa Kỳ có thể sẽ giữ được lợi thế về nhân khẩu học so với các cường quốc khác. Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và các nước thuộc Liên minh Châu Âu đều có mức sinh dưới mức thay thế kéo dài hơn Hoa Kỳ. Mức sinh hiện tại của họ đều thấp hơn Hoa Kỳ. Và dân số của họ đều già hơn dân số Hoa Kỳ ngày nay. (Trung Quốc có dân số trẻ nhất so với các cường quốc khác, nhưng độ tuổi trung bình của họ đã vượt quá Hoa Kỳ.)
Năm gần đây nhất mà Hoa Kỳ đạt được mức sinh thay thế là năm 2008. Ngược lại, Nhật Bản và EU rơi vào tình trạng mức sinh dưới mức thay thế vào những năm 1970, Trung Quốc và Nga vào đầu những năm 1990. Mặc dù tỷ lệ giữa ca sinh và ca tử vong của Hoa Kỳ đã giảm dần trong hơn một thập niên qua, nhưng ở EU số ca tử vong đã nhiều hơn số ca sinh kể từ khoảng năm 2012 và Eurostat dự đoán tổng dân số của 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu giảm vào khoảng năm 2025. Nhật Bản đã có ca tử vong cao hơn số ca sinh kể từ năm 2007 và dân số liên tục giảm kể từ năm 2011. Nước Nga đã chứng kiến số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh gần 14 triệu người kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Đối với Trung Quốc, dân số trong độ tuổi lao động đã giảm; và quá trình giảm dân số sẽ bắt đầu trong thập niên tới — hoặc có lẽ sớm hơn nhiều — và nước này đang trên đà già hóa dân số cực kỳ nhanh, tác động đến kết quả hoạt động kinh tế và nhu cầu xã hội trong nước. Các chi tiết cụ thể về xu hướng nhân khẩu học trong tương lai của Trung Quốc sẽ trở nên rõ ràng hơn sau khi các chi tiết cuộc điều tra dân số năm 2020 của Trung Quốc được tiết lộ — nhưng việc Trung Quốc chậm trễ cả tháng không rõ nguyên do trong việc công bố các số liệu sơ bộ cho thấy sự không hài lòng của các quan chức với những kết quả đó. Trong số những số liệu gây khó chịu cho Đảng Cộng sản Trung Quốc có việc số ca sinh vẫn giảm xuống kể từ khi chính sách một con khắc nghiệt bị hủy bỏ hồi năm 2015. Hệ thống đăng ký khai sinh vẫn chưa hoàn hảo của Trung Quốc đã thống kê được gần 18 triệu ca sinh vào năm 2016, nhưng điều tra dân số năm 2020 chỉ cho thấy có 12 triệu ca sinh vào năm 2020. Mức sinh cực kỳ thấp đó có thể phản ánh cú sốc gây ra bởi đại dịch COVID-19 (một cuộc khủng hoảng mà chế độ khẳng định rằng họ đã luôn kiểm soát tốt) — nhưng khi các nhà nhân khẩu học tìm hiểu thêm, họ có thể thấy rằng sự suy giảm dân số của Trung Quốc đang tiến triển nhanh hơn nhiều so với họ nghĩ.
Trong tất cả các nước được cho là cường quốc, chỉ có Ấn Độ là có tổng dân số và dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh hơn Hoa Kỳ trong 25 năm tới và duy trì một xã hội trẻ hơn so với Hoa Kỳ. Như chúng ta đã biết, chỉ trong vài năm nữa, Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới và sẽ vượt qua Trung Quốc về tổng dân số trong độ tuổi lao động ngay sau đó. Nhưng Ấn Độ hiện cũng đang bước sang giai đoạn dưới mức sinh thay thế: các ước tính của Liên Hiệp Quốc cho thấy dân số dưới 20 tuổi của Ấn Độ đã giảm và dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ có thể đạt đỉnh trước năm 2050.
CHẤT LƯỢNG, KHÔNG CHỈ SỐ LƯỢNG
Việc mức sinh suy giảm ở Hoa Kỳ cho thấy rằng chủ nghĩa biệt lệ rõ ràng về nhân khẩu học của Hoa Kỳ có thể đã chấm dứt, ít nhất là vào lúc này. Hoa Kỳ có thể sẽ nhường vị trí quốc gia đông dân thứ ba thế giới cho Nigeria vào một thời điểm nào đó trước năm 2050. Nhưng đó sẽ vẫn là một xã hội khá trẻ và có sức sống, ít nhất là so với các nước phát triển khác và các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, các chiến lược gia và các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ không nên quá thoải mái về thực tế này. Số liệu thô về dân số sẽ không tự chúng giúp củng cố sức mạnh của Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh với các nước khác. Hoa Kỳ cần phải duy trì lợi thế của mình so với các đối thủ cạnh tranh bằng việc phát triển nguồn nhân lực – một vị thế dẫn đầu đang bị mai một trong nhiều thập niên qua. Phục hồi y tế, giáo dục và các khía cạnh khác của nền tảng nguồn nhân lực đất nước là một nhiệm vụ cấp bách — một điều sẽ mang lại các lợi ích địa chính trị cho Hoa Kỳ.
Nicholas Eberstadt là Chủ nhiệm bộ phận nghiên cứu kinh tế chính trị tại Viện American Enterprise Institute và là Cố vấn cao cấp tại Văn phòng Quốc gia về Nghiên cứu Châu Á.
http://nghiencuuquocte.org/2021/05/31/canh-tranh-chien-luoc-my-trung-nhin-tu-khia-canh-nhan-khau-hoc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét