Giới siêu giàu ở Việt Nam có thể được phân chia thành ba nhóm nếu tính theo con đường, lĩnh vực làm giàu của họ, mặc dù sự đa dạng đó, giới này thể hiện đã chia sẻ một 'mẫu số chung,' một nhà quan sát kinh tế, xã hội Việt Nam từ Hà Nội nói với BBC.
Vẫn theo ý kiến này, cái nhìn của cộng đồng tại Việt Nam với giới này còn khá mâu thuẫn, một mặt có sự 'khâm phục', 'mê mẩn' sự giàu có của họ, nhưng mặt khác lại có sự 'căm hận', 'đố kỵ tiềm ẩn', chỉ chờ cơ hội để bộc lộ một cách đáng sợ, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh nói với BBC hôm thứ Hai.
Tuy nhiên, vẫn theo nhà quan sát này, người từng có nhiều năm nghiên cứu giảng dạy ở các Đại học tại Việt Nam về thương mại, ngoại thương, những người làm giàu hợp pháp nếu làm lợi cho xã hội là điều đáng hoan nghênh.
Độ tuổi khá cao, ngành nghề còn 'bảo thủ'
Trước hết, nhận diện giới siêu giàu tại Việt Nam hiện nay, từ Hà Nội hôm 31/5/2021, bà Nguyễn Hoàng Ánh nói với BBC News Tiếng Việt:
"Theo Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) năm 2021 vừa được hãng tư vấn Knight Frank công bố, thì số lượng cá nhân siêu giàu - sở hữu tài sản có thể đầu tư trên 30 triệu USD - tại Việt Nam năm 2020 là 390 người, giảm từ 405 người của năm trước; 6 người giàu nhất Việt Nam sở hữu gần 17 tỷ USD.
"Dẫn đầu danh sách này là chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng xếp vị trí 344 với 7,3 tỷ USD. Đây là năm thứ chín liên tiếp ông Vượng có tên trong top người giàu của Forbes. Năm ngoái, doanh nhân kinh doanh đa ngành này xếp hạng 286 với tài sản 5,6 tỷ USD.
"Đứng thứ hai và thứ ba lần lượt là CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo (2,8 tỷ USD) và Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long (2,2 tỷ USD). Ba tỷ phú còn lại của Việt Nam là Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh (1,6 tỷ USD), Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (1,6 tỷ USD) và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang (1,2 tỷ USD).
Khi được hỏi đâu là đặc điểm nổi bật của giới này nếu thử phác họa chân dung họ, bà Nguyễn Hoàng Ánh nói:
"Trong số 6 tỷ phú của Việt Nam, có 4 người lập nghiệp tại Đông Âu gồm ông Vượng, bà Thảo, ông Quang và ông Hùng Anh. Tổng tài sản của sáu người này đạt gần 17 tỷ USD, với độ tuổi trung bình là 55.
"Ông Trần Bá Dương là người Huế, lập nghiệp từ ngành ô tô, còn ông Trần Đình Long là người Hà Nội, lập nghiệp từ ngành sắt thép. Tất cả đều có bằng cử nhân đại học, ông Nguyễn Đăng Quang thậm chí là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) của Đại học Kinh tế Nga Plekhanov và Tiến sĩ Khoa học Công nghệ tại Học viện Khoa học Quốc gia Belarus.
"Nếu so sánh họ với giới này nước ngoài và khu vực, thì tuổi của họ khá cao (55) và ngành nghề kinh doanh khá bảo thủ. Nhìn qua Trung Quốc, Hàn Quốc v.v..., nhiều tỷ phú làm giàu nhờ các ngành công nghệ cao, Internet… trong khi với Việt Nam lại là bất động sản, sắt thép, xe hơi trong khi học vấn của tỷ phú Việt Nam có vẻ cao hơn."
Phân loại con đường và mẫu số chung?
Theo nhà quan sát này, giới siêu giàu tại Việt Nam có thể được phân loại thành ba nhóm, nếu nhìn vào con đường, quy mô, cách thức và tầm vóc làm giàu của họ, nhưng tựu lại họ có một mẫu số chung:
"Có một nhóm người làm giàu từ Đông Âu, lợi dụng lúc chuyển đổi kinh tế ở những quốc gia đó để thu gom lượng tư bản đầu tiên.
"Nhóm thứ hai làm giàu từ đất đai như với ông Đào Hồng Tuyển, như ông Lê Viết Lam Sun Group hay ông Trịnh Văn Quyết FLC.
"Và nhóm thứ ba làm giàu từ những dịch vụ, mặt hàng thiết yếu như du lịch, hàng không, ngân hàng v.v...
"Nhưng theo tôi, mẫu số chung là đều thu gom tư bản trong thời kỳ kinh tế chuyển đổi, dựa trên quan hệ với quan chức để có được lợi thế làm giàu."
Trước câu hỏi có thể nói gì về môi trường mà giới những người giàu và siêu giàu ở Việt Nam đang làm ăn và trở nên thành đạt, liêu đó có ph là một xã hội Tư bản Chủ nghĩa hay xã hội XHCN hay không, hay là một kết hợp, lai ghép hoặc thế nào, bà Nguyễn Hoàng Ánh đáp:
"Việt Nam chỉ còn Xã hội Chủ nghĩa về mặt lý thuyết, hiện tại là xã hội tư bản nhưng là tư bản hoang dã vì không có pháp trị, mà người ta tận dụng khe hở để làm giàu.
"Nếu bạn đặt ra câu hỏi những người giàu này và cách thức họ làm giàu thể hiện, phản ánh gì về xã hội mà họ đang sống ở Việt Nam, thì tôi cho rằng cách thức họ làm giàu thể hiện ra từ lối sống của họ.
"Cũng như ở Nga có người Nga mới, Trung Quốc có trọc phú đi khắp thế giới để tiêu tiền, nhà giàu mới nổi ở Pháp được văn hào Molière mô tả từ thế kỷ 17, lối sống phô trương của họ thể hiện khắp mọi nơi.
"Có điều khác với mô tả của Molière, tư sản Pháp thời đó kiếm tiền chính đáng nên dù không biết cách tiêu nhưng không quá phung phí; còn người giàu mới ở Nga, Trung Quốc và Việt Nam kiếm tiền quá dễ nên rất hoang phí.
"Ông Lê Kiên Thành, con của cố Tổng Bí thư ĐCSVN Lê Duẩn từng nói: "Bạn tôi bảo trước kia cứ tưởng 1triệu USD là ghê lắm…" tức là với rất nhiều người 1 triệu đôla chẳng là gì! Báo chí từng đăng tin một phu nhân quan chức trả đến 1,5 triệu USD cho trường luyện thi cho con mình vào Đại học ở Mỹ, làm đến người Mỹ cũng choáng váng.
"Cách sống đó thể hiện một xã hội không minh bạch, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, thiếu hụt giá trị sống lành mạnh, tiềm ẩn nhiều bất ổn đáng ngại."
Đóng góp gì và được xã hội, chính quyền nhìn nhận ra sao?
Khi được hỏi giới siêu giàu ở Việt Nam đóng góp thế nào cho xã hội, họ được xã hội, cộng đồng nhìn nhận ra sao, giới cầm quyền đối xử thế nào và quan hệ của họ với chính quyền, chế độ ra sao, bà Nguyễn Hoàng Ánh đáp:
"Chưa có thông tin nào là người giàu ở Việt Nam trốn thuế, nhưng luật pháp có quá nhiều kẽ hở nên không loại trừ việc có trốn thuế. Họ có đóng góp từ thiện nhưng vẫn là từ thiện cứu trợ (charity) khi được kêu gọi, chưa có từ thiện phát triển (philantrophy).
"Cái nhìn của cộng đồng khá mâu thuẫn, một mặt đám đông mê mẩn sự giàu có của họ, khâm phục họ nhưng mặt khác lại có sự căm hận, đố kỵ tiềm ẩn, chỉ chờ cơ hội để bộc lộ nên rất đáng sợ.
"Chính quyền cũng để họ làm giàu nếu có quan hệ tốt và không can thiệp vào quyền lực của lãnh đạo nhưng sẽ luôn có sự kiểm soát khi có ảnh hưởng đến thế lực nào đó, như trường hợp Bầu Kiên và nhiều người khác."
Về tương lai của tầng lớp giàu và siêu giàu ở Việt Nam trong tương lai chung của đất nước và khi được hỏi có thể có điều gì như một thông điệp với tầng lớp này, bà Nguyễn Hoàng Ánh nói:
"Cá nhân tôi hoan nghênh những người làm giàu hợp pháp nếu họ làm lợi cho xã hội. Nhìn Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nga thì ta có thể hy vọng những thế hệ người giàu sau sẽ làm giàu nhờ chất xám nhiều hơn, nhờ được học hành, có tích luỹ của gia đình.
"Việt Nam có câu: học chữ chỉ cần một đời, học ăn cần hai đời còn học chơi thì cần ba đời. Làm giàu thì một đời là đủ, nhưng muốn sang, muốn có văn hoá thì cần tới 2-3 đời.
"Do truyền thống hiếu học, người giàu Việt Nam thường đầu tư cho con học hành, ta bắt đầu có thể thấy một số F2 (thế hệ hai) nhà giàu hay con quan chức Việt Nam (người Trung Quốc gọi là phú nhị đại hay quan nhị đại) có học vấn và có khả năng làm giàu văn minh, đóng góp cho XH nhiều hơn.
"Nhưng cũng không ít nhà giàu quá tham lam và chiều chuộng con, vơ vét khắp nơi để rồi của thiên trả địa, con họ lại phá hết. Hy vọng người giàu hãy hiểu đóng góp cho xã hội chính là di sản tốt nhất họ để lại cho con cái mình," bà Nguyễn Hoàng Ánh nói với BBC.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57318404
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét