“Những lời đe dọa như vậy không có chỗ ở đây”. Trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị ngày 01/09/2020 vừa qua tại Berlin, ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã không ngần ngại lên tiếng nhắc nhở như trên.
Đến từ một nước nổi tiếng về thái độ mềm mỏng với Trung Quốc, tuyên bố của ngoại trưởng Đức là dấu hiệu mới nhất cho thấy là chuyến công du 8 ngày (25/08 – 01/09) của ông Vương Nghị nhằm chiêu dụ 5 nước châu Âu đã không mấy thành công, nếu không muốn nói là thất bại.
Trong bài phân tích “Đức chọn một chiến lược cứng rắn hơn đối với Trung Quốc”, nhật báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 03/09/2020 đã nêu bật chuyển biến lập trường được bộc lộ công khai của cường quốc số một Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc đang phải gánh chịu hậu quả của đường lối ngoại giao lỗ mãng được thấy trong những tháng gần đây. Theo Les Echos, ngày càng bực tức trước các hành vi độc đoán của Bắc Kinh, Berlin tỏ ý muốn giảm lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và bớt thân thiện với Bắc Kinh.
Đức nhắc nhở Trung Quốc là đừng nên đe dọa Séc
Về lời nhắc nhở thẳng thắn của ngoại trưởng Đức đối với đồng nhiệm Trung Quốc tại Berlin ngày 01/09 vừa qua, Les Echos đã nêu bật nguyên nhân: Một lời đe dọa thô bạo của Trung Quốc đối với Cộng hòa Séc, một thành viên Liên Hiệp Châu Âu.
Theo Les Echos, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị quả là đã có một hành động “khiêu khích quá mức… làm tiêu tan chiến dịch quyến rũ châu Âu của ông” khi đe dọa Cộng hòa Séc là sẽ bị những đòn trả đũa dữ dội từ phía Bắc Kinh “vì đã can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Tại Berlin, trung thành với thái độ ngạo mạn được thấy trong những tháng gần đây, ngoại trưởng Trung Quốc, đã cực lực đả kích việc chủ tịch Thượng Viện Séc đi thăm Đài Loan.
Điều bất ngờ là ngoại trưởng Đức đã trực tiếp đáp trả : “Chúng tôi, người châu Âu, luôn hành động trong sự hợp tác chặt chẽ. Chúng tôi luôn dành cho các đối tác sự tôn trọng và chúng tôi cũng chờ đợi họ làm điều tương tự". Và ông Heiko Maas kết luận: “Những lời đe dọa như vậy không có chỗ ở đây”.
Đối với Les Echos, cho đến nay, trong quan hệ với Trung Quốc, Đức luôn ưu tiên phát triển giao thương hơn là chú ý đến các vấn đề nhân quyền, với hy vọng là qua đó có thể thúc đẩy Trung Quốc mở cửa rộng hơn về thương mại cũng như chính trị.
Thế nhưng chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, việc gia tăng bóp nghẹt Hồng Kông hay những nỗ lực phá hoại sự đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu trong mùa dich Covid-19 vừa qua đã khiến cho Berlin nghĩ rằng chiến lược của mình không hiệu quả, thậm chí còn đẩy chủ quyền kinh tế chính trị của Đức vào vòng nguy hiểm.
Châu Âu sẽ không lệ thuộc vào “cả Đông lẫn Tây”
Thái đô nghi kỵ của Berlin đối với Trung Quốc cũng được ngoại trưởng Đức biểu lộ trên một hồ sơ mà Bắc Kinh rất mong muốn thúc đẩy: Ký kết một thỏa thuận bảo vệ đầu tư giữa Liên Âu và Trung Quốc.
Trong suốt vòng công du châu Âu vừa kết thúc, ông Vương Nghị luôn ca ngợi chủ nghĩa đa phương - mà theo ông – đang bị tổng thống Mỹ Donald Trump chà đạp, nhưng lại được Trung Quốc và Liên Âu bảo vệ. Do đó, tại Đức, cường quốc hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu, hiện là chủ tịch luân phiên của khối này, ngoại trưởng Trung Quốc đã nhắc lại quan điểm chống Mỹ và bày tỏ mong muốn về một “quan hệ tốt hơn, ổn định và chính chắn hơn với Liên Hiệp Châu Âu” cũng như việc tăng cường hợp tác song phương Đức-Trung Quốc.
Trên vấn đề này, ông Heiko Maas không ngần ngại trả lời rằng Liên Hiệp Châu Âu sẽ không cho phép mình “trở thành món đồ chơi trong cuộc tranh đua đại cường quốc giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”. Gợi lại vấn đề tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi tham gia vào hệ thống 5G ở Đức, vốn vẫn chưa quyết định dứt khoát, ngoại trưởng Đức cũng nhấn mạnh rằng châu Âu không nên “lệ thuộc vào cả phía Tây cũng như phía Đông”.
Trước thái độ lạc quan được ông Vương Nghị phô trương về triển vọng Liên Âu và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận về bảo vệ đầu tư vào cuối năm, ngoại trưởng Đức đã tỏ ra lạnh nhạt hơn. Ông nhấn mạnh: “Hai bên còn cần phải xích lại gần nhau hơn nữa”.
Vòng công du châu Âu của Vương Nghị: Kết quả nửa vời
Chặng Berlin trong chuyến thăm châu Âu của ngoại trưởng Trung Quốc như vậy đã kết thúc không như Bắc Kinh mong muốn. Theo các nhà quan sát phương Tây, nhìn chung thì cả vòng công du cũng có kết quả như vậy. Chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 02/09 đã nhận định: “Vòng công du châu Âu của ngoại trưởng Trung Quốc rốt cuộc chỉ có kết quả nửa vời”.
Theo tác giả bài phân tích, vòng công du 5 nước Ý, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức của ông Vương Nghị đã diễn ra trong bối cảnh phương Tây ngày càng bất bình trước cung cách hành xử của Bắc Kinh từ lúc đại dịch Covid-19 bùng lên từ Vũ Hán rồi lan rộng ra khắp thế giới. Chuyến đi có thể được xem là nhằm hạn chế thiệt hại trước những lời chỉ trích về cách Bắc Kinh xử lý dịch Covid-19, và nhất là “tìm cách ngăn chặn, tránh việc lập trường cứng rắn của Mỹ vượt Đại Tây Dương lan qua Tây Âu.
The Diplomat đã ghi nhận việc ngoại trưởng Trung Quốc đã cố gắng phô trương thế mạnh kinh tế của Bắc Kinh tại mỗi nước ông đi qua, nêu bật triển vọng hai bên đều có lợi nếu đẩy mạnh hợp tác, nhấn mạnh đến ưu thế của hợp tác đa phương, chống lại xu hướng đơn phương mà nước Mỹ của Donald Trump là ví dụ điển hình.
Hồ sơ Hồng Kông và Tân Cương luôn bám theo Trung Quốc
Thế nhưng, theo chuyên san Nhật Bản, tại tất cả những nước ông đi qua, thông điệp của ngoại trưởng Trung Quốc đều bị nhiễu do cách hành xử của Trung Quốc tại Tân Cương, Hồng Kông, bị đánh giá là coi thường các quyền căn bản của con người cũng như luật lệ quốc tế.
Tại Ý, nước G7 duy nhất đã đồng ý tham gia Sáng Kiến Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc, ngoại trưởng Luigi di Maio, một người được biết đến là rất có thiện cảm với Bắc Kinh, đã mô tả cuộc gặp như “rất có kết quả” và nêu ý định khởi động lại công cuộc đối tác chiến lược và kinh tế với Trung Quốc. Thế nhưng, ông cũng nói thêm là các vấn đề tự trị, tự do và các quyền của người Hồng Kông phải được tôn trọng.
Các quan ngại về nhân quyền bám theo ông Vương Nghị đến Hà Lan, nơi ngoại trưởng Stef Blok cũng nêu lên vấn đề Hồng Kông và chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương. Tại Pháp cũng thế, ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu lên vấn đề Hồng Kông và Tân Cương với ông Vương Nghị.
Riêng tại Đức, ngoài lời lên án Trung Quốc đe dọa chính khách Cộng Hòa Séc dẫn đầu phái đoàn đến Đài Loan, ngoại trưởng Heiko Maas cũng thúc giục Trung Quốc thay đổi cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cho rằng sẽ rất “hoan nghênh nếu Trung Quốc cho quan sát viên Liên Hiệp Quốc đến các trại” ở vùng tự trị này, các trại mà Bắc Kinh gọi là huấn nghệ, nhưng bị cộng đồng quốc tế coi là trại giam.
The Diplomat kết luận: Mặc dù công cuộc đối tác kinh tế với Trung Quốc rất có giá trị đối với các quốc gia châu Âu, các vấn đề nhân quyền ở Hoa lục và vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc không còn bị châu Âu gạt ra bên lề nữa. Theo phân tích của chuyên gia Theresa Fallon, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Nga – Châu Âu và Châu Á CREAS tại Bruxelles, thì “quan hệ Liên Âu -Trung Quốc sẽ tiếp tục khó khăn”. Dịch Covid- 19, nhân quyền và dư luận ngày càng ít thiện cảm với Trung Quốc ở châu Âu có thể buộc giới lãnh đạo châu Âu xét lại xem quan hệ thế nào là tốt nhất với Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét