Những vấn đề liên quan sức khỏe của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư trung ương Đảng như: Hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe... thuộc danh mục ‘tối mật’. Quy định vừa nêu được đưa ra trong quyết định 1295 của chính phủ về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế, do ông Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành vào cuối tháng 8 và được truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin hôm 30/8/2020.
Lâu nay tại Việt Nam, tình hình sức khỏe lãnh đạo được cho là ‘bí mật quốc gia’, do đó mỗi khi một nhân vật cao cấp nào đó không xuất hiện trước công chúng trong những sự kiện mà đáng lý ra họ phải có mặt, thì lại xuất nhiều đồn đoán trong dân chúng liên quan vấn đề này.
Gần nhất là lễ kỷ niệm 75 năm quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam không có mặt ông tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng vì sao ngay thời điểm này chính quyền Việt Nam lại tăng mức bảo mật sức khỏe lãnh đạo bằng một quyết định chính thức?
Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long, người biết về quá trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 31/8/2020, nhận định:
“Tôi nghĩ nó khác nhau về mức độ, có bao nhiêu mức thì mình cũng không rành vì chưa được nghe chính thức phân loại, nhưng ‘tối mật’ thì tôi nghĩ là mức cao nhất. Từ xưa đến giờ vẫn thế, có khác là trước kia giấu diếm bây giờ công khai đưa vào danh bạ bí mật, ví dụ ông nào làm lộ ra thì họ sẽ căn cứ vào đấy bỏ tù ông ta, nói nôm na thế. Trước kia thì chưa có cơ sở pháp lý để bỏ tù người ta, còn bây giờ có luật rồi, nói ra có thể bị trừng phạt theo luật... thế thôi, xưa nay người ta vẫn giấu diếm mà.”
Theo Quyết định 1295 được Thủ tướng ban hành ngày 24/8, danh mục bí mật nhà nước ngoài vấn đề sức khỏe lãnh đạo, còn quy định mức độ tối mật lĩnh vực y tế với các loại gồm tên và nguồn gốc độc lực, khả năng lây lan, đường lây của vi sinh vật mới phát hiện chưa xác định được có liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội.
Trao đổi với RFA hôm 31/8 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, cho biết ông không lạ việc họ đưa sức khỏe các ủy viên Bộ chính trị và các lãnh đạo lên thành ‘tối mật’, vì đảng cộng sản Việt Nam không phải là một tổ chức dân chủ mà là một tổ chức độc tài và tổ chức này không muốn có bất kể một sự cạnh tranh nào trong đội ngũ của mình. Tức là tất cả các đảng viên phải răm rắp nghe theo các vị lãnh đạo, không thể tranh luận và không có bầu cử tự do. Ông nói tiếp:
“Vì không có sự cạnh tranh như thế, nên bí mật về sức khỏe tạo cho họ một cơ sở, để họ thực hiện chính sách độc đoán như vậy. Bởi vì khi thông tin về sức khỏe được lộ ra thì lúc đấy sẽ có rất nhiều người trong nội bộ của họ, ví dụ trong Bộ Chính trị, hay trong Ban Chấp hành Trung ương, hay trong tập thể ban lãnh đạo bắt đầu bàn tán, ông này ông kia không đủ sức khỏe thì thôi đi. Đó là điều họ rất muốn tránh, nhất là Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 sắp diễn ra, và trong thời gian chuẩn bị, vấn đề sức khỏe người ta tối kỵ bàn đến. Trước đây có 1 ông bị ung thư, được nhắm làm chức cao như chủ tịch nước gì đó, tôi không tiện nêu tên, nhưng vì sức khỏe lộ ra nên không thành. Ông ấy lúc đó rất tức, đại loại thái độ của các ông lãnh đạo đảng CSVN là như thế. Cho nên người ta phải giữ kín như mèo giấu... rất đáng tiếc nó là như vậy.”
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề bí mật sức khỏe lãnh đạo ở Việt Nam được dư luận chú ý. Nhiều người còn nghi ngờ liệu việc bí mật sức khỏe lãnh đạo có phù hợp Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam?
Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long khi trả lời RFA trước đây cho biết, luật pháp Việt Nam quy định sức khỏe lãnh đạo là bí mật quốc gia nhằm mục đích bảo vệ cho địa vị lãnh đạo, cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam, điều này là trái với Hiến pháp năm 2013, trong đó điều 4 quy định quyền giám sát của nhân dân đối với mọi hoạt động của đảng cộng sản Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 31/8/2020, nhận định:
“Cách tư duy của cộng sản về sự lãnh đạo của mình, họ luôn luôn độc tài, độc đoán... cho nên họ tìm mọi cách giữ bí mật của những người lãnh đạo. Đó là nguyên tắc từ trước đến nay của tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, vì họ tự cho mình là của quý báu nhất của quốc gia nên phải giữ bí mật. Đó là cách tư duy không giống ai, và cũng không khớp với cách suy nghĩ bình thường, văn minh, hiện đại... Thứ hai, hiện nay xuất hiện nhiều phe phái đánh nhau trong đảng lãnh đạo, mà không phải vì đường lối hay cách suy nghĩ khác nhau của việc phục vụ dân và đất nước đâu. Mà là các nhóm lợi ích tranh giành nhau quyền lực, giành ảnh hưởng, cho nên nó tìm cách giấu kín mọi chỗ yếu của nhau. Coi như bịt kín cái gót Achilles của mình, để đối thủ khỏi phát hiện.”
Thời gian vừa qua, nhiều nguồn tin không chính thống về tình hình suy giảm sức khỏe của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được lan truyền rộng rãi. Như tin ông Nguyễn Phú Trọng nhập viện trong lúc đang thăm tỉnh Kiên Giang. Truyền thông Nhà nước Việt Nam khi đưa tin về những cuộc họp, sự kiện, cũng không thấy hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng.
Trong khi đó, một sự kiện đang được thế giới quan tâm là việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 28/8 đã tiến hành họp báo, chính thức thông báo ông sẽ từ nhiệm chức Thủ tướng vì lý do sức khỏe. Theo lời người đứng đầu chính phủ Nhật, ông quyết định từ chức vì không muốn căn bệnh của ông dẫn tới những sai lầm trong các quyết sách quan trọng. Ông Shinzo Abe cho rằng ông không thể làm Thủ tướng nếu không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân nước Nhật.
Tuy hai sự việc khác nhau, xảy ra ở hai quốc gia khác nhau, nhưng cũng không khỏi làm người dân so sánh?
Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long cho biết ý kiến của mình:
“Mọi người đều biết, các nước dân chủ như Mỹ chẳng hạn, ai mà ra ứng cử tổng thống thì hồ sơ sức khỏe phải minh bạch. Vừa rồi thủ tướng Nhật chẳng hạn, không ai biết sức khỏe của ổng ngoài ổng, nhưng ông tự nói ra ông bị viêm đại tràng từ lâu rồi nhưng tái phát nặng hơn, và ông cảm thấy sức khỏe không đảm bảo, tự ổng công khai và xin từ chức. Đó là các nước dân chủ, còn các nước như Việt Nam là độc tài, nói một cách tóm tắt cái gì khác với thế giới thì đó là Việt Nam, không chỉ lĩnh vực này mà còn nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ như nói quan chức phải công khai tài sản với dân, nhưng người ta giất tịt chẳng cho dân biết, thì dân có được kiểm tra giám sát như quy định pháp luật đâu? Trên thực tế nó khác hoàn toàn, ít nhất đối với những điều người ta nói ra.”
Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, điều này chứng tỏ văn hóa Việt Nam chưa đủ sức để định hình nhân cách, đạo đức, lối ứng xử rất bình thường trong xã hội, đặc biệt là nhóm tinh hoa những người lãnh đạo. Ông nói tiếp:
“Chúng ta phải thấy vì văn hóa Việt Nam mà họ làm càng như vậy. Tức là mặt yếu kém của xã hội là xã hội không bảo ban được cái đám mình nuôi ăn ở cho lương bổng... để phục vụ mình thì nó lại nhảy ra nắm lấy quyền, chà đạp mình, nhưng xã hội không có cái văn hóa để điều chỉnh được. Đây là mặt yếu của chúng ta, mà giới trẻ càng phải thấy rõ để nuôi dưỡng mình để lớn lên suy nghĩ như thế nào, hành xử như thế nào trong một thế giới văn hóa cho thấy sự tôn vinh dân tộc của mình.”
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long, việc công khai sức khỏe lãnh đạo là cần thiết, nhưng ngược lại pháp luật bây giờ còn quy định đó là ‘tối mật’, nên càng khó thực hiện. Thực tế đó chỉ ra rằng khi nào chưa có đa nguyên, đa đảng, chưa có tam quyền phân lập thì người dân chưa thể nào thực hiện được quyền giám sát của mình về mọi sinh hoạt chính trị, đâu chỉ riêng sức khỏe của lãnh đạo cao cấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét