Không ít người Việt, ngay cả người Mỹ, thường bị dị ứng với 4 chữ “Xã Hội Chủ Nghĩa”. Đôi khi lại đánh đồng với 2 chữ “Cộng Sản”. Nên phải phân biệt giữa “Dân chủ Xã Hội Chủ Nghĩa" của các quốc gia Bắc Âu (Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Băng Đảo, Phần Lan) cùng nhiều nước Âu Châu như Pháp, Đức, Thụy Sĩ... và ngay cả Canada / với "Xã Hội Chủ Nghĩa" của Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, Venezuela, Việt Nam.
Ví dụ Phần Lan, nơi chúng tôi đang định cư, chính là một chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa.
Nói cho đúng, Phần Lan là một chế độ “Dân Chủ Xã Hội”.
Nơi đây người dân có đầy đủ các quyền tự do. Nhân quyền được tôn trọng. Sinh hoạt chính trị là sinh hoạt đa đảng. Các cuộc bầu cử hoàn toàn minh bạch, không có thế lực nào chỉ định. Người dân toàn quyền sử dụng lá phiếu để chọn Tổng Thống và các dân biểu quốc hội mà thể hiện ý chí của người dân. Trong quốc hội, đảng nào nắm nhiều ghế sẽ chọn thủ tướng, lập nội các để điều hành chính phủ. Quyền lực trong nước được phân lập giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, nên có thể kiềm chế lẫn nhau. Báo chí, truyền thông được tự do phát biểu. Mọi sinh hoạt và giới hạn được quy định theo luật, cai trị bằng luật, cao nhất là hiến pháp, không ai có thể đứng trên luật pháp. Đây là thể chế Dân Chủ Pháp Trị. Những điều ấy không có trong "Xã Hội Chủ Nghĩa" kiểu Cộng Sản.
Kinh tế Phần Lan là kinh tế thị trường, hoạt động tự do theo luật cung cầu. Nhưng so với các chế độ tư bản cực hữu thì nhà cầm quyền can thiệp nhiều hơn, nhất là bằng thuế lợi tức. Nhờ thế tài sản trong nước được phân phối tương đối đồng đều. Tạo nên được sự bình đẳng tương đối: Không có tình trạng một thiểu số cực nhỏ nắm giữ hầu hết lợi tức trong nước, và cuối cùng thì tầng lớp trung lưu là tầng lớp phải làm việc vất vả nhất mà lại đóng thuế nhiều nhất như ở vài nước tư bản cực hữu, trong đó có nước Mỹ.
Với chính sách của Phần Lan, những người già yếu, người tàn phế, người thất nghiệp được săn sóc chu đáo. Giáo dục miễn phí từ nhà trẻ cho đến đại học và hậu đại học. Tiêu chuẩn giáo dục tại các trường và các khu vực hoàn toàn đồng đều chứ không có tình trạng ở khu nhà giầu thì trường tốt, khu nhà nghèo thì trường xấu, tạo mối khổ tâm cho nhiều phụ huynh như ở Mỹ.
Hệ thống y tế Phần Lan miễn phí. Không xẩy ra tình trạng ở một đất nước giầu có mà rất nhiều người không thể có được bảo hiểm sức khỏe như trường hợp nước Mỹ. Ở Phần Lan hễ bị bệnh tật, thương tích, mổ xẻ thì vào nhà thương: Miễn phí. Nhà thương Phần Lan sạch sẽ khang trang hiện đại, kỹ thuật y khoa không thua kém bất cứ một quốc gia tân tiến nào. Thuốc men cũng miễn phí hoặc chỉ phải trả một giá rẻ vì có xã hội trợ cấp. Nhưng cũng vẫn có các bác sĩ, nha sĩ tư, các chuyên gia y tế tư nhân danh tiếng hơn, nhanh chóng hơn...v.v… nếu ai có thể chi trả thì cứ đến các bác sĩ nha sĩ tư tùy ý.
Hệ thống an sinh xã hội Phần Lan bảo đảm cho dân chúng có đầy đủ thực phẩm, không ai có thể bị đói. Ngoài ra cũng bảo đảm cho mọi người có chỗ ở, nên hầu như không có tình trạng vô gia cư. Người lợi tức thấp, người thất nghiệp, được sắp đặt vào các chung cư, số phòng tùy số người trong gia đình, cứ hai người một phòng ngủ. Tiền nhà miễn phí hay chỉ chi trả một phần tùy lợi tức. Tất nhiên ai muốn mua nhà riêng, mua nhà lớn, nhà có vườn… v.v.. thì tùy khả năng và tùy thích. Đây là một ví dụ cho thấy vẫn có nhiều động cơ kích thích hoạt động kinh tế để con người thoả mãn các nhu cầu sở hữu cá nhân riêng biệt. Và cũng có nhiều luật lệ để giảm thiểu tình trạng ỷ lại hệ thống an sinh xã hội mà không làm việc.
Suốt nhiều năm qua Phần Lan được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một quốc gia với chính phủ minh bạch nhất thế giới. Tuy không phải là một chốn xa hoa lộng lẫy nhưng ba năm nay liên tiếp Phần Lan được LHQ đánh giá là một đất nước mà người dân hạnh phúc nhất thế giới.
Phần Lan là một quốc gia đã phối hợp uyển chuyển hài hòa giữa "Tự Do" và "Bình Đẳng" - hai ý niệm lý tưởng nhưng đôi khi mâu thuẫn trong suốt lịch sử nhân loại.
Với một hệ thống chính trị như thế, dân trí và cuộc sống Phần Lan phát triển, họ đạt được nhiều thành quả trong các lãnh vực văn hóa, thể thao, kiến trúc, âm nhạc, giáo dục.. trở thành một đất nước có nhiều sáng kiến cách tân nhất. Về kỹ thuật là một trong ba nền kinh tế khỏe nhất. Về sức cạnh tranh là quốc gia xếp hàng thứ hai ở Âu Châu. Tính theo dân số, họ có tỉ lệ kỹ sư cao nhất thế giới. Hệ thống giáo dục của Phần Lan đang khai triển những ứng dụng tân tiến nhất của kỹ thuật digital. Thế giới cũng đang thừa hưởng nhiều phát minh và kỹ thuật mà người Phần Lan đem lại.
Thực hiện được một đất nước như Phần Lan không dễ. Và cũng phải chấp nhận nhiều thử thách, tùy thuộc nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố “dễ” mà người ta thường đề cập đến là dân số Phần Lan ít, chỉ có khoảng 5 triệu 3. Nhưng nhiều quốc gia Dân Chủ Pháp Trị mà đông dân hơn vẫn nỗ lực và đã thực hiện được khuynh hướng dân chủ xã hội này với các mức độ và dạng thức khác nhau. Vần đề là tùy sự lựa chọn để tạo dựng nên một xã hội rất tự do nhưng cuộc sống của dân chúng quá chênh lệch, hay một xã hội mà nhà cầm quyền can thiệp nhiều hơn để có sự bình đẳng tương đối, nâng đỡ cho những người yếu kém hơn.
Nhưng điều quan trọng phải nhớ: "Xã Hội Chủ Nghĩa" của Phần Lan, của các nước Bắc Âu, Âu Châu, Canada... nói chung không phải là "Xã Hội Chủ Nghĩa" kiểu Tầu TQ, Bắc Hàn, Cuba, Venezuela hay Việt Nam.
Chủ Nghĩa Dân Chủ Xã Hội này không phải là Xã Hội Chủ Nghĩa của Cộng Sản.
Nó là giấc mơ mà người Cộng Sản không thực hiện được qua những biện pháp "cào bằng" với bạo lực mà cuối cùng phí phạm xương máu, tạo nên những trại tập trung, những nhà tù, hệ thống độc đảng đương nhiên trở thành độc tài, công an trị, và sau khi "đổi mới" kinh tế thì trở thành chế độ tư bản phôi thai, không có hệ thống an sinh xã hội, khoảng cách giầu nghèo sâu đậm, quyền và lợi chỉ chia nhau hay tranh nhau trong các quan chức đảng, bầu cử theo chỉ định, quốc hội làm bù nhìn, người cầm quyền ngồi trên hiến pháp, đứng trên những luật lệ do chính họ soạn ra.
Nên có nhiều người cứ nghe đến "Xã Hội Chủ Nghĩa" là dị ứng.
Nên phải thẳng thắn phân biệt. Đừng đánh đồng, cũng đừng nhầm lẫn giữa hai hệ thống này.
Trong cuộc tranh cử đang diễn ra ở Mỹ, dường như nhiều người đã mắc phải sự nhầm lẫn ấy. Nhưng nếu không nhầm lẫn mà chỉ sử dụng việc đánh đồng như một biện pháp tranh cử thì không thẳng thắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét