Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

4059 - Covid-19 làm Trung Quốc mất ngôi thiên tử

Tú Anh 



Nhân viện tại bệnh viện ở Vũ Hán Trung Quốc lúc đón đoàn nhà báo đến tìm hiểu tình hình. Ảnh ngày 03/09/2020.
 REUTERS - ALY SONG

Trong quan hệ với Nga và Trung Quốc, dường như Tây phương và châu Âu đang ở thế thượng phong. Báo chí Pháp, qua các bài phân tích về khủng hoảng Belarus và vụ đầu độc nhà đối lập Nga Alexei Navalny cho đến quan hệ với Bắc Kinh đều cùng một chiều hướng : phương Tây có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc và Nga trong khi hai nhà nước độc tài này lộ dần các nhược điểm tai hại.

Khi Matxcơva giả điếc trong vụ Alexei Navalny, Phương án B của Kremlin ở Belarus, dấu hiệu « gió đổi chiều » trong quan hệ Đức-Nga, Kế hoạch phục hưng kinh tế 100 tỷ đầy tham vọng của Pháp là các chủ đề tràn ngập các trang báo Pháp hôm nay. Nhưng trước hết, trang ý kiến của Le Monde dành cho hai chuyên gia địa chiến lược Walter Lohman (*) và Valérie Niquet (**) phân tích vì sao châu Âu là mô hình tương lai của nhân loại chứ không phải là Trung Quốc.

Thế giới sẽ không chuyển trọng tâm về châu Á với Trung Quốc là hạt nhân

Theo hai tác giả, Tây phương và mô hình tự do đang suy tàn dường như là chuyện mặc định trong các cuộc tranh luận về tương lai địa cầu. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cho dù có chậm lại nhưng vẫn vững chắc và che đậy được những khuyết điểm của chế độ với hố sâu bất bình đẳng giữa một bên là tầng lớp đặc quyền, đa số là đảng viên và bên kia và dân chúng sống chết mặc bay.

Mô hình Trung Quốc và chính sách « Con đường tơ lụa » hấp dẫn qua khả năng đầu tư dường như bất tận cuối cùng sẽ thống trị. Trong khi đó, chiến lược « Nước Mỹ trước đã » của Donald Trump và những lời công kích chống các đồng minh châu Âu, châu Á thân thiết nhất đã củng cố quan điểm của những người so sánh thái độ can thiệp của Mỹ và mối đe dọa Trung Quốc, ở tận châu Á xa xôi lên bàn cân và xem chiến tranh thương mại với Bắc Kinh thế hiện cuộc tranh giành quyền thống trị thế giới.

Tuy nhiên, khủng hoảng Covid-19 cho phép thẩm định lại phân tích này. Bởi vì thế giới sẽ không xoay trục theo Trung Quốc. Đại dịch làm lộ ra những nhược điểm bên trong lẫn bên ngoài của chế độ, không xứng đáng là một đại cường thứ hai thế giới. Siêu vi xuất hiên và lây nhiễm lan tràn tại nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa một phần vì bản chất và những hạn chế của chế độ.

Phản ứng của Bắc kinh còn cho thấy chế độ tập trung vào một mục đích hẹp hòi là duy trì quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản bằng mọi phương tiện như co cụm vào ý thức hệ, kích động tinh thần dân tộc cực đoan. Do vậy mới có những hành động phiêu lưu gây hấn từ biên giới Ấn Độ cho đến Biển Đông, từ Hồng Kông cho đến Tân Cương.

Những con « chó sói » trong bộ Ngoại Giao liên tục tung ra những lời tuyên bố hung hăng mà hệ quả là làm tiêu tan hình ảnh tích cực của Trung Quốc trong mắt những ủng hộ viên trung thành nhất.

Đến châu Phi cũng nổi giận. Qua một bức thư ngỏ, đại sứ các nước châu Phi tại Bắc Kinh yêu cầu Trung Quốc phải cải thiện cách đối xử với ngoại kiều Phi châu.

Theo Walter Lohman và Valérie Niquet,  Trung Quốc hiện nay đang đối đầu với khủng hoảng kinh tế và xã hội nghiêm trọng cũng như lệ thuộc rất nhiều vào công nghệ nước ngoài.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, hay các quân sư của ông, cho dù có khuyết điểm đến đâu, đã biết rằng chỉ có tương quan lực lượng trong thế thượng phong mới khống chế được chế độ Trung Quốc.

Tại châu Á, mô hình dân chủ của Tây phương, với những giá trị phổ quát mà Trung Quốc công kích chê bai, hiện nay đang chiến thắng về mặt ý thức hệ và thắng ngay trong thế giới Trung Hoa. Ai chưa tin thì hỏi Hồng Kông, Đài Loan, những nhân chứng trong cuộc.

Walter Lohman và Valérie Niquet kết luận : Đại dịch Covid-19 để lại dấu tích khắp nơi nhưng nó cũng làm sáng tỏ một vấn đề đó là « thế giới không xoay trục về châu Á với Trung Quốc thống trị.Trong trận chiến thế giới này thì chỉ có châu Âu, với những giá trị nhân văn sẽ là kẻ chiến thắng, hai tác giả tiên đoán.

« Đã đến lúc đón Đài Loan vào hệ thống Liên Hiệp Quốc »

Đừng để Hiến Chương Liên Hiệp Quốc thành một tờ giấy vô giá trị. Đó là lời kêu gọi của ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp, tác giả một bài phân tích trên Le Monde. Ngoại trưởng Đài Loan nhấn mạnh vào chính sách quản lý y tế phi thường của hải đảo và kêu gọi toàn cầu hợp tác với nhau mới có thể diệt được Covid-19. Chính trong tinh thần này, ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp yêu cầu cộng đồng quốc tế hỗ trợ Đài Loan có một chổ đứng trong Liên Hiệp Quốc, một quyền tự nhiên theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc ghi trong phần dẫn nhập : « Chúng tôi, nhân dân của Liên Hiệp Quốc quyết tâm tuyên bố đặt niềm tin vào các quyền cơ bản của con người, trong tinh thần bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, cũng như giữa các nước lớn và nước nhỏ… ». Đài Loan chỉ đòi được quyền bình đẳng.

Vụ Alexei Navalny : Matxcơva giả điếc nhưng phản ứng ngầm

Châu Âu thúc giục Putin trả lời về vụ Alexei Navalny bị đầu độc, tựa của Le Figaro. Bị tố cáo nhưng Matxcơva giả điếc, tựa của Le Monde. Giả điếc, phủ nhận chuyện « Novitchok » nhưng điện Kremlin « bấm nút » cho các tờ báo thân chế độ tung ra những nghi vấn gây hỏa mù : nào là nạn nhân bị đầu độc tại Đức, nào là Alexei Navalny tự uống thuốc độc.

Trong khi đó, tuy lãnh tụ « vắng mặt » không biết đến bao giờ, bị chính quyền truy bức một cách phi lý nhưng Le Monde ghi nhận đối lập Nga kiên định hơn bao giờ hết.

Sắp đến ngày bầu cử địa phương, Chủ Nhật  13/09, trong bối cảnh hàng loạt nhà hoạt động bị cấm ra tranh cử, đối lập Nga sử dụng vũ khí từng được sử dụng hiệu nghiệm trong cuộc bầu cử địa phương và Quốc Hội lần trước : đó là vận động cử tri tẩy chai ứng cử viên của chính quyền và dồn phiếu cho bất cứ một người nào khác  cạnh tranh với đảng Nước Nga Thống Nhất và có vị trí tốt nhất.

La Croix với  tựa « Putin lui về thế thủ » nhận định : Putin cố tình nói dối cho thấy vụ đầu độc này nói lên bản chất nham hiểm của những thế lực cầm quyền tại nước Nga. Từ ngày Putin vào điện Kremlin, biết bao nhà đối lập bị giết, biết bao người bị lao tù, người thì bị áp lực tinh thần, kẻ bị đánh đập. Chế độ Putin không chịu đựng được khi bị tố cáo tham nhũng. Chế độ này sợ nỗi căm giận của người dân, lâu lâu xuống đường phản kháng và tìm cách không cho họ phát biểu lòng căm giận qua lá phiếu.

Trong xã luận « Bài học Navalny », nhật báo Công Giáo cho rằng Putin là kẻ thù chung của các nền dân chủ và tinh thần liên đới châu Âu. Chủ nhân điện Kremlin sử dụng những đòn tấn công đặc biệt là tuyên truyền giả dối chống châu Âu nhưng vì lý do địa chiến lược, Pháp và Đức cho đến nay vẫn không dứt khóat chọn lựa giữa hai thái độ : đối thoại hay cứng rắn. Đã đến lúc châu Âu phải ý thức. Bởi vì việc đầu độc Alexei Navalny là cách hành xử cực độ nham hiểm của Nga và có liên quan đến tất cả chúng ta, La Croix cảnh báo.

« Bắc hải lưu số 2 » : phương tiện gây áp lực

Theo Le Figaro, một mặt trận chung được thành lập để buộc Kremlin làm sáng tỏ vấn đề. Riêng tại Đức, nhiều tiếng nói đề nghị ngưng dự án ống dẫn khí đốt Nga-Đức có tên là « Bắc hải lưu số 2 »

Một trong những ý kiến có trọng lượng nhất tại Đức là Wolfgang Ischinger, chủ tịch Diễn đàn An ninh thế giới Munich, giải thích : chúng ta không cần xây một bức tường ngăn cách châu Âu với Nga nhưng cần phải có một con đường trung dung giữa một hành động tẩy chay toàn diện và một cử chỉ ngoại giao để gây áp lực.

Lời cảnh báo này cũng nhắm đến diễn biến tình hình tại Belarus, mà theo một số chuyên gia, Putin đang chuẩn bị sáp nhập láng giềng vào Liên bang Nga.

Liệu Đức sẽ dùng biện pháp mạnh với Nga ?

Nếu có thì do những lý do nào ? Báo chí Pháp chỉ ra các tử huyệt của Putin.

Theo Libération, độc dược « Novitchok » đầu độc quan hệ Đức-Nga và có thể ảnh hưởng đến dự án ống dẫn khí đốt. Trên thực tế, nhiều công ty quốc tế tham gia đã ngưng hợp tác sau khi có lời đe dọa của Donald Trump coi chừng lãnh hậu quả. Cụ thể là công ty Thụy Sĩ Allseas đã ngưng công tác đặt ống dẫn.

Vụ Alexei Navalny cũng có thể làm Angela Merkel thay đổi lập trường nhất là trong bối cảnh Berlin không tiêu hóa nỗi thái độ tự tung tự tác của tình báo Nga. Cách nay đúng một năm, một nhà đối lập gốc Gruzia bị bắn chết trong công viên gần phủ thủ tướng Đức. Thẩm phán điều tra cáo buộc đích danh chính quyền Nga đứng sau vụ ám sát.

Thêm vào đó, Hoa Kỳ đã quyết định chận đứng dự án « Bắc hải lưu số 2 » của Nga để dành thị phần cung cấp năng lượng cho châu Âu. Cho nên theo nhật báo thiên tả, đỉnh chỉ dự án ống dẫn khi đốt là lời đe dọa thật sự.

Nếu châu Âu gia tăng áp lực với Putin thì đây là lúc thuận lợi. Trong bài « Kinh tế Nga dưỡng bệnh trong tình trạng mong manh », Les Echos cho biết : dù tổng thống Nga có khẳng định giới hạn được tác hại của Covid-19, mọi chỉ số kinh tế đều mang màu đỏ báo động. Đó là chưa kể nhu cầu dầu hỏa trên thế giới giảm sút và trong nước, người dân Nga ngày càng mất tin tưởng ở chế độ.

Tháng 01/2020, Putin đổi chính phủ để phát động chiến dịch cải cách kinh tế qua các đại công trình. Nhưng tất cả đều bị đình trệ vì tham nhũng, vì quan liêu cửa quyền. Tất cả chỉ tiêu đều bị xét lại và hạ thấp. Lời hứa xóa nghèo phải dời đến năm…2030.

Trước sức ép của xu hướng kinh tế tự do trong đảng, hồi đầu mùa hè, Putin loan báo sẽ phát động 500 biện pháp và huy động 70 tỷ đôla cho các đại công trình. Nay đã đến đầu thu mà kế hoạch chưa có gì cụ thể .

Trong khí đó Matxcơva rất năng nổ trong hồ sơ Belarus. Cũng theo Les Echos, Kremlin càng lúc càng dấn thân vào cuộc cờ. Một số nhà quan sát cho là Putin muốn nhân cơ hội Lukashenko bị suy yếu, bị dân chống đối, để nhanh tay buộc tổng thống Belarus chấp nhận « hợp nhất » với Nga.

Cùng lúc, Matxcơva cũng tìm một phương án B : không phải là nữ anh hùng Svetlana Tsikhanovskaia mà là một nhà đối lập khác bị bắt giam khi ra tranh cử tổng thống. Đó là ông Viktor Babaryko, cựu chủ nhân một chi nhánh của tập đoàn khí đốt Nhà nước Nga Gazprom. Viktor Babaryko có tiếng là thân Nga.

(*) Walter Lohman : giám đốc Trung tâm nghiên cứu Á châu thuộc Heritage Foundation, Washington DC

(**) Valérie Niquet : chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược Paris

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét