Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

4045 - Kỳ án ấn và kiếm tại lễ thoái vị của vua Bảo Đại (Kỳ 1)

Cù Huy Hà Vũ



“Ấn kiếm của vua Bảo Đại bàn giao lại cho chính quyền Cách mạng trong buổi lễ thoái vị 30/8/1945” – Chú thích của Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, 8/2020. Nhưng được cho là ảnh giả.


Trong những ngày này tại Hà Nội, Viện bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam mở triển lãm “Cách mạng tháng Tám - Mốc son lịch sử” với hơn 300 tư liệu, hình ảnh, hiện vật về sự kiện diễn ra cách đây tròn 75 năm dẫn tới thiết lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nền Cộng hòa đầu tiên ở Việt Nam.

Trong số các ảnh trưng bày có bức “Ấn kiếm của vua Bảo Đại bàn giao lại cho chính quyền Cách mạng trong buổi lễ thoái vị 30/8/1945”. Bức ảnh cho thấy một nhóm quân nhân với mũ ca lô, quân hàm, quân hiệu, giây biểu chương, thắt lưng da trắng, súng tiểu liên, một người bưng một khay đựng một ấn bằng vàng, thường gọi là "kim bửu tỷ" hay "kim tỷ", một người khác hai tay nâng một thanh kiếm. Đây hai vật tượng trưng cho vương quyền của Nhà Nguyễn (1).

Thế nhưng tôi khẳng định rằng đây không phải là ảnh chụp tại lễ thoái vị của vua Bảo Đại được tổ chức theo yêu cầu của đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Phó Chủ tịch Chính phủ Trần Huy Liệu và Bộ trưởng không bộ Cù Huy Cận, cha tôi, sự kiện diễn ra tại lầu Ngũ Phụng phía trên Ngọ Môn, cổng chính của Hoàng thành Huế.

Trước hết, mũ ca lô, quân hàm, quân hiệu, giây biểu chương, thắt lưng da trắng, súng tiểu liên mà các quân nhân mang trên người không phải là trang phục và vũ khí của quân đội Nhà Nguyễn nói chung, quân đội dưới triều Bảo Đại nói riêng.

Tiếp theo, có một bức ảnh khác trên internet thể hiện các quân nhân nói trên, với kiến trúc phía sau không phải của Hoàng thành Huế, mà là khán đài của Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

Ấn kiếm của vua Bảo Đại tại lễ thoái vị 30/8/1945.
Ấn kiếm của vua Bảo Đại tại lễ thoái vị 30/8/1945.

Vậy các bức ảnh trên được chụp trong khung cảnh nào?

Nhằm đối phó với ảnh hưởng chính trị không ngừng tăng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Việt Minh do người cộng sản Hồ Chí Minh lãnh đạo cũng như tranh thủ viện trợ quân sự của Mỹ trong bối cảnh quân viễn chinh Pháp ngày càng đuối sức trong cuộc tái chiếm Việt Nam, Pháp buộc phải tính lập một chính quyền Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp do Bảo Đại đứng đầu, được gọi là “giải pháp Bảo Đại”. Ngày 8/3/1949, tại Paris, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại ký Hiệp định Élysée thành lập Quốc gia Việt Nam. Ngày 24/4/1949, Bảo Đại từ Pháp về nước. Gần hai tháng sau, vào ngày 14/6, Bảo Đại ra tuyên bố chấp chính. Trong hồi ký chính trị “Con Rồng Việt Nam” (2), Cựu hoàng nhớ lại: “Tôi ra một sắc lệnh tự đảm nhiệm làm Quốc trưởng…Để có tư thế trước bình diện quốc tế , một thông điệp nhấn mạnh rằng chức vụ của tôi được gọi là “Hoàng đế, Quốc trưởng”. Vị trí này cũng có giá trị cho đến lúc mà đất nước có được một quốc hội lập hiến”.

Ngày 28.2.1952, theo loan báo của tướng Pháp François Jean Antonin Gonzalez de Linares, trong khi đào đất để xây đồn bốt ở Nghĩa Đô thuộc ngoại thành Hà Nội, lính Pháp thấy một thùng dầu hỏa 20 lít bằng sắt tây bên trong có một ấn vàng và một thanh kiếm bị gẫy đôi. Mười ngày sau, ngày 8/3/1952, tròn ba năm sau Hiệp định Élysée, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Tướng François Jean Antonin Gonzalez de Linarès long trọng tổ chức lễ trao lại cặp ấn, kiếm cho Bảo Đại trong cương vị Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam. Vậy là rõ, bức ảnh các quân nhân người Việt nâng ấn và kiếm mà Viện bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam đang trưng bày là được chụp tại lễ này cũng như các quân nhân này thuộc Ngự lâm quân của Bảo Đại.

Mộng Điệp, thứ phi của Bảo Đại, thuật lại chuyện này với Nguyễn Đắc Xuân vào năm 1996 khi nhà nghiên cứu này “qua Pháp tìm Huế xưa”. Bà kể: “Họ trả lại ấn, kiếm cho nhà Nguyễn nhưng ông Bảo Đại lúc ấy đang nghỉ mát ở bên Tây, không ai đủ tư cách để nhận lại cả. Ông Lê Thanh Cảnh làm việc cho Pháp thấy thế gọi dây nói lên Buôn Mê Thuột gặp tôi. Nhưng tôi chưa thấy những báu vật ấy bao giờ, không biết có đúng hai cái ấn kiếm mà ông Bảo Đại đã trao cho ông Trần Huy Liệu năm 1945 hay không (!). Tôi phân vân nên đã mời Đức Từ Cung ở Huế đi tàu bay lên. Hôm đón ấn kiếm, Đức Từ Cung bắt phải đặt lên một cái bàn ở sân bay Buôn Mê Thuột, phủ khăn đỏ, lạy ấn và kiếm năm lạy rồi mới được phép đưa về Dinh”.”Chính tay tôi đã lau chùi cặp ấn kiếm khi ông Lê Thanh Cảnh đi tàu bay từ Hà Nội đem lên Ban Mê Thuột giao cho tôi – bà nhấn mạnh. Cái kiếm bị gãy làm đôi. Tôi nhờ hai người hầu cận là anh Tứ Lang và anh Thừa Tể đi hàn lại. Hai anh đem cái kiếm đi hàn rồi nhờ người ta mài để không còn thấy dấu vết gãy. Còn cái ấn bằng vàng, chính tay tôi cân nặng 12,9 kg. Cái núm ấn hình con rồng. Con rồng uốn cong và ngóc đầu lên. Con rồng không được sắc sảo lắm, có đính hai hạt ngọc đỏ, trông giống như con rắn”.

Mộng Điệp kể tiếp: “Sau đó ông Bảo Đại về, tôi nói: “Ấn kiếm Ngài đã trao cho phái đoàn ông Trần Huy Liệu, không hiểu sao lại rơi vào tay người Pháp. Vừa rồi họ gọi trả lại cho Ngài”. Ông Bảo Đại đến giật cái khăn đỏ ra và bảo: “Ờ! Đúng rồi.. Ngày xưa những thứ nầy ra đi nó cứu mạng anh. Bây giờ tự nhiên nó lại về có lẽ mình sắp chết rồi!”. Tôi nói:” Sao lại chết? Đáng lẽ Ngài mừng mới phải?”. Ông nói đùa với tôi: “Mừng vì nó gần 13 ký lô vàng chứ gì? Bởi thế em mới cho người canh gác cẩn thận!”.

Vẫn theo bà thứ phi này, năm 1953 chiến tranh trở nên ác liệt, Bảo Đại không dám đem ấn và kiếm về Huế. “Cuối cùng ông viết giấy giao cho tôi mang sang Pháp cùng với một số tư trang. Sau đó tôi giao hai báu vật ấy lại cho Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng tử Bảo Long. Khi tôi đem sang giao có mặt các ông Nguyễn Đệ, Nguyễn Duy Quang, Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Bích (con ông Phạm Quỳnh). Bốn người bưng hai cái ấn kiếm lên và giúp bà Nam Phương đưa vào tủ sắt”(3).

Trở lại lời kể của Mộng Điệp, có một chi tiết mà theo tôi là không chính xác. Đó là “Họ (Pháp) trả lại ấn kiếm cho nhà Nguyễn nhưng ông Bảo Đại lúc ấy đang nghỉ mát ở bên Tây” trong khi trên thực tế vào thời điểm tháng 3/1952 Bảo Đại vẫn ở Việt Nam. Thực vậy, “Con Rồng Việt Nam” cho biết Bảo Đại sang Pháp ngày 20/6/1950 để theo dõi Hội nghị Pau bàn về chuyển giao các chức năng quản lý xuất nhập cảnh, quan hệ ngoại giao, ngoại thương, hải quan và tài chính từ Phăp cho Quốc gia Việt Nam theo Hiệp định Élysée và trở về Việt Nam vào ngày 20/10 cùng năm. Cụ thể, Bảo Đại trở về Đà Lạt nơi ông chọn làm tổng hành dinh sau khi về nước năm 1949 bởi Pháp từ chối trao lại Dinh Norodom, nơi làm việc và ở của Thống đốc Nam Kỳ và cũng là biểu trưng cai trị thực dân sau khi Pháp tái chiếm Việt Nam. Gần một tháng sau, Bảo Đại đi thăm Buôn Mê Thuột. Ông viết: “Tôi đến Buôn Mê Thuột ở mấy ngày, và có ý định lập ở đây một biệt điện thứ hai”. “Ngày 3 tháng 3 (1952) – ông viết tiếp - tôi bổ nhiệm Nguyễn Văn Hinh làm Thiếu tướng, Tham mưu trưởng quân đội Việt Nam. Cũng trong thời gian ấy, tôi đặt ra bốn quân khu. Về sư đoàn thứ tư quân thổ, phụ trách giữ an ninh cho vùng cao nguyên, đã được thành lập xong và đặt bản doanh ở Buôn Mê Thuột…Trong dịp này tôi tiếp tướng Salan tại Buôn Mê Thuột”. Bất luận thế nào, hồi ký của Cựu hoàng cho thấy ông chỉ trở lại Pháp vào ngày 7/8/1952 để chữa bệnh.

Đến đây một câu hỏi được đặt ra là tại sao người đi nhận ấn và kiếm tại sân bay Buôn Mê Thuột là thứ phi của Bảo Đại chứ không phải chính Cựu hoàng đang có mặt tại cao nguyên Trung phần.

Không nghi ngờ gì nữa, việc Bảo Đại thiết lập biệt điện thứ hai tại Buôn Mê Thuột là để ông có “khoảng trời riêng” với Mộng Điệp vì biệt điện tại Đà Lạt đã là nơi ở của Nam Phương Hoàng Hậu (tên con gái là Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan) và các con. Điều này lý giải vì sao Mộng Điệp có mặt tại Buôn Mê Thuột. Đi nhận lại ấn và kiếm tại sân bay, chắc chắn thể diện nguyên thủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại đã không cho phép ông làm như vậy. Đó là chưa nói rất có thể Bảo Đại không muốn bị chơi khăm nếu đó không phải ấn và kiếm đích thực của Nhà Nguyễn. Với các lý do trên Bảo Đại hẳn đã ủy quyền cho thứ phi của mình tiếp nhận hai quốc bảo này. Đến lượt mình, do không chắc đó thật là ấn và kiếm của Nhà Nguyễn vì chưa một lần tận mắt thấy, Mộng Điệp đã mời Đức Từ Cung, mẹ Bảo Đại, lên Buôn Mê Thuột để làm cái công việc mà ngày nay gọi là “giám định”.

Năm 1980, khi xuất bản Le Dragon d’ Annam (Con Rồng Việt Nam – tiếng Pháp), Bảo Đại yêu cầu Bảo Long (Nam Phương Hoàng hậu đã mất 17 năm trước, vào năm 1963) cho mượn cái ấn để làm vi-nhét đặt vào cuối các chương của cuốn hồi ký nhưng Bảo Long không chịu. Sau khi tái kết hôn với Monique Baudot vào năm 1982, Bảo Đại kiện Bảo Long ra tòa để đòi lại ấn và kiếm. Toà xử Bảo Đại được giữ ấn và Bảo Long được giữ kiếm (5).

Ấn mà Bảo Đại giữ mặt dưới khắc 皇帝之寶 - Hoàng Đế Chi Bảo kiểu chữ triện, mặt trên hai bên núm hình con rồng khắc “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (Ấn được thực hiện vào giờ tốt ngày mùng 4 tháng 2 Minh Mạng thứ IV (15/3/1823) và “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân” (Ấn đúc bằng vàng 10 tuổi nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân (tượng đương 10,5345kg) kiểu chữ khải.

Ấn Hoàng Đế Chi Bảo. (Hình: Trên VnExpress, do Tiến sĩ Sử học Phan Thanh Hải cung cấp)
Ấn Hoàng Đế Chi Bảo. (Hình: Trên VnExpress, do Tiến sĩ Sử học Phan Thanh Hải cung cấp)

Thanh kiếm mà Bảo Long giữ có vỏ bọc vàng, chuôi bằng ngọc thạch, có khắc hai dòng chữ “Khải Định niên chế” (Chế vào thời Khải Định) và “Trọng kim tứ lạng thập thất phân” (hàm lượng vàng gồm 4 lạng 7 chỉ 17 phân - tương đương 178,125g vàng).

Theo danh mục các ấn Nhà Nguyễn bảo quản tại điện Càn Thành do Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương Paul Boudet lập ra sau khi được Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh, với sự đồng ý của vua Bảo Đại, cho xem thì có 46 chiếc. Còn trong danh mục Kim bảo tỷ triều Nguyễn hiện do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam bảo quản chỉ có 44 chiếc. Nếu kể cả ấn "Hoàng hậu Chi Bửu" của Nam Phương Hoàng hậu bị kẻ gian lấy trộm từ Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam và sau đó cắt nhỏ để tiêu thụ vào năm 1961 (4) thì số lượng ấn Nhà Nguyễn do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tiếp đó Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sở hữu và quản lý là 45, tức chỉ kém có một ấn so với danh sách của Paul Boudet.

Việc không có bất cứ ấn và kiếm nào được Nhà nước Việt Nam trưng bày như là vật chứng có một không hai của lễ thoái vị của vua Bảo Đại rõ ràng là một sự thừa nhận chính quyền này đã để thất lạc ấn và kiếm mà ông vua cuối cùng của Nhà Nguyễn trao cho đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Do đó về nguyên tắc, “Hoàng Đế Chi Bảo” và thanh kiếm được tìm thấy cùng với nó phải là cặp ấn, kiếm hiện diện tại sự kiện lịch sử đó. Vậy hồi ức của bên thoái vị và bên tiếp nhận thoái vị hay những “người trong cuộc” và các nhân chứng khác có thuận cho việc xóa bỏ khoảng cách giữa nguyên tắc và cái có thật?

(Còn tiếp)

Chú thích:

  1. Cách mạng tháng Tám - Mốc son lịch sử, Dân trí 19/08/2020
  2. Con Rồng Việt Nam, Bảo Đại, Nguyễn Phước tộc xuất bản 1990, (dịch từ Le dragon d'Annam, Bao Dai, Plon, 1980).
  3. Cặp ấn kiếm của vua Bảo Đại giờ ở đâu? Tiền phong 03/09/2015
  4. Khám phá vụ trộm ấn vàng tại bảo tàng lịch sử năm 1962, An ninh thế giới, 05/09/2007.
  5. Sau khi Bảo Đại qua đời vào năm 1997, “Hoàng Đế Chi Bảo” nằm trong tay Monique Baudot. Còn thanh kiếm, có thông tin Bảo Long đã bán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét