Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

4035 - Đại hội 13: Có thuyết âm mưu khi “bắt tạm giam” Chủ tịch Hà Nội trước thềm Đại hội Đảng?

TS Phạm Quý Thọ


Hình minh hoạ. Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu trong chuyến thăm Pháp hôm 26/10/2019

Hình minh hoạ. Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu trong chuyến thăm Pháp hôm 26/10/2019. Ảnh AFP



Thuyết âm mưu là cách lý giải vấn đề còn ngờ vực theo hướng gán cho chúng những bí hiểm của các thế lực ngầm, cá nhân hay tổ chức, đứng đằng sau. Thuyết âm mưu có thể lan truyền trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, tôn giáo, có thể  liên quan đến các mục tiêu lớn, như cáo buộc về sự thống trị của một quốc gia hoặc sự thống trị thế giới, hoặc có thể liên quan đến các sự kiện như các vụ ám sát, khủng bố, dịch bệnh…. Đối với chế độ đảng toàn trị, chuyên chế công tác cán bộ là nội bộ, bí mật, bởi vậy thường tạo ra những suy đoán ngờ vực đặc biệt trong những thời kỳ khủng hoảng.

Giả thuyết từ ngờ vực?

Việc bắt ông Chủ tịch Thủ đô Hà Nội là một sự kiện gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, chứa đựng giả thuyết nghi ngờ rằng liệu có liên quan đến chống tham nhũng hay cạnh tranh quyền lực trong bối cảnh đại hội đảng các cấp trên cơ sở sắp hoàn thành, chuẩn bị đại hội đảng trực thuộc trung ương, tiến đến Đại hội 13.

Chiều tối ngày 28/8, Cơ quan Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung Chủ tịch UBND TP Hà Nội về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Trước đó, vào ngày 11/8, các lãnh đạo có thẩm quyền đã có thông báo về quyết định tạm đình chỉ công tác về đảng và chính quyền đối với ông này. Cách thức cấp bách và thời điểm bắt lúc ông này hiện là Uỷ viên ban chấp hành trung ương, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng cộng sản, và Chủ tịch Thành phố đương nhiệm, khiến lan rộng đồn đoán về tính chất vụ án là nghiêm trọng, không chỉ là chống tham nhũng thông thường mà còn có thể liên quan đến chính trị nội bộ.

Ông Chánh văn phòng Bộ Công an thông báo, rằng ông Chủ tịch Hà Nội có liên quan đến 3 vụ án. Một là, vụ án liên quan đến Công ty Nhật Cường, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị với các tội danh “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Hai là, vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Hà Nội. Ba là, vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”…

Trước đó ít lâu, một số người có liên quan tới ba vụ án trên đã bị khởi tố bị can và bắt tạm giam, và đã được nhiều bài báo nhà nước đưa tin, định hướng kiểu dọn đường dư luận. Bởi vậy, khi bắt tạm giam ông Chung là không quá bất ngờ với những ai quan tâm đến những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước. Tuy nhiên, về mặt hình thức, một số nghi ngờ cần được lý giải vì sao Chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc công ty Nhật Cường đã kịp bỏ trốn, cho đến nay chưa bắt được, trước khi khởi tố bị can, vụ án thứ hai liệu có liên quan đến người thân (vợ, con) của ông Chung, “tài liệu bí mật nhà nước” bị chiếm đoạt là gì, tầm quan trọng đối an ninh quốc gia, thành phố. Cả trong ba vụ án nêu trên vai trò của ông Chung như thế nào? Ngoài ra, liệu ông Chung có liên quan thế nào đến vụ án Đồng Tâm, khi ông từng đối thoại với người dân để giải toả cho hơn 30 cảnh sát cơ động bị bắt làm con tin “bất đắc dĩ’, dự kiến xét xử trong tháng 9 này? Hơn thế, tại sao ông Chung lại bị bắt trước thềm đại hội Đảng, động thái này nhằm mục đích gì và liệu sẽ có tác động thế nào đến quy hoạch nhân sự của Đảng?

Ông Nguyễn Đức Chung năm nay 53 tuổi, có quá trình thăng tiến ‘thuận lợi’. Ông đã từng nhiều năm làm công tác điều tra hình sự, lần lượt giữ các chức vụ Phó rồi Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Phó Giám đốc rồi Giám đốc Công an Hà Nội từ 2012-2016, ... Ông được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và  Chủ tịch UBND Thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ông có học vị tiến sĩ luật, từng được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2004, khi 37 tuổi và được phong hàm Thiếu tướng năm 2013, khi 46 tuổi…

Hình minh hoạ. Ông Nguyễn Đức Chung về gặp người dân xã Đồng Tâm hôm 22/4/2017
Hình minh hoạ. Ông Nguyễn Đức Chung về gặp người dân xã Đồng Tâm hôm 22/4/2017 AFP

Ông Chung có thể tiếp tục ‘leo cao’ trên nấc thang quyền lực, bỗng nhiên ‘ngã ngựa’ khiến cho việc suy đoán ông này có thể không nằm trong danh sách quy hoạch cán bộ chiến lược của Đảng. Hơn thế, sự thăng tiến ‘đặc biệt’ của ông ta, theo đồn đoán, là do ông thuộc đường dây bảo trợ chính trị, được nâng đỡ bởi nhân vật quyền lực cao, ở ‘chóp bu’ chế độ, là hệ quả của sự thoả hiệp bởi cơ chế lãnh đạo tập thể của Đảng. Ngoài ra, như đã biết, trong bối cảnh bất ổn của nhiệm kỳ trước Đại hội 12 nhiều tướng công an đã chuyển sang làm chính khách, giữ chức vụ đảng hoặc chính quyền, trong đó có ông Chung.

Cội nguồn thuyết âm mưu “công tác cán bộ”

Thuyết âm mưu trong công tác cán bộ của Đảng có cội nguồn từ bản chất của chế độ đảng chuyên chế, trong đó tập trung vào việc cai trị bằng gieo rắc nỗi sợ hãi, hoặc là phục tùng hoặc là bị trừng phạt.

Sau Cách mạng Tháng 10 Nga năm 1917, chế độ đảng chuyên chế được xác lập khi ‘phái Bolshevik (đa số) và Melshevik (thiểu số), đã bị xoá bỏ bởi bạo lực, “Bạch vệ” và “Hồng Quân’ cũng không còn tồn tại, nhưng xã hội vẫn bị chia làm hai phe: ủng hộ đảng là ‘thế lực cách mạng’ và phía bên kia là ‘thế lực thù địch’, người dân bị phân chia thành giai cấp ‘bóc lột’ và ‘bị bóc lột’… Trong thời chiến hoặc tình huống cấp bách có rất nhiều vụ “khủng bố đỏ” diễn ra. Lịch sử còn ghi lại rằng dưới thời Xô Viết trước đây, I. Stalin, có nghĩa "Mạnh như thép" trong tiếng Nga, lãnh tụ cộng sản sau V. Lenin, từng sử dụng Beria, có biệt danh ‘Đao phủ đỏ’, cựu Bộ trưởng nội vụ dưới quyền, như một công cụ khủng bố bất kỳ sự chống đối và bất đồng chính kiến nào. Các nhân vật chính trị, trí thức, nghệ sĩ… sau khi bị bắt giữ thì tên tuổi của họ cũng bị xóa sạch khỏi các văn bản, tranh ảnh, như là chưa hề tồn tại…

Hiện nay mô hình cai trị này vẫn tồn tại, mặc dù “bản chất nguyên thuỷ” của nó đã thay đổi ít nhiều theo thời cuộc, nhưng công tác cán bộ vẫn là nội bộ của Đảng. Đây là vấn đề được cho là “nhạy cảm” đối với chế độ. Sau mỗi giai đoạn khủng hoảng Đảng lại phát động “chỉnh đốn”, trong đó những kẻ “tự diễn biến, tự chuyển hoá”, “vi phạm kỷ luật đảng” đến mức “tổn hại uy tín của Đảng”, sẽ bị trừng phạt và, thậm chí, bị loại khỏi bộ máy cai trị. “Đức trị” với việc nêu gương đạo đức và lối sống của cán bộ lãnh đạo có thể làm “mềm hoá Đảng trị” cũng được đề cập, nhưng tiêu chuẩn trung thành với đảng và lãnh tụ luôn là ưu tiên.

Công tác cán bộ là nội bộ, khép kín đã và đang sản sinh ra cơ chế thiếu công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của quan chức, đặc biệt, trước nhân dân. Cơ chế “Đảng cử, dân bầu” ngày càng tỏ ra không đáp ứng trước thực tế chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường.

Thuyết âm mưu có thể cho phép nắm lại quyền lực khi nó đã bị giảm sút hoặc có nguy cơ tuột khỏi tầm kiểm soát trong một bối cảnh thế giới phức tạp và thể chế chính trị bất ổn bằng cách thực hiện “một vụ đình đám” trong thời điểm “nhạy cảm” như một “âm mưu”. Bởi vậy, trong công tác cán bộ mỗi khi có vụ án liên quan đến những quan chức đương nhiệm “cỡ bự”, như vụ “bắt tạm giam” cựu Chủ tịch Thành phố Hà Nội, Uỷ viên BCH TƯ khoá 12, luôn tạo ra những điều kiện để các thuyết âm mưu phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét