Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

4019 - Về khả năng xung đột quân sự tại eo biển Đài Loan

Biên dịch: Phan Nguyên



Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ cái họ gọi là quyền “thống nhất” Đài Loan bằng vũ lực nếu các biện pháp hòa bình bị cản trở. Vì vậy, quân đội cả hai bên đều phải chuẩn bị cho chiến tranh, dù điều đó có vẻ xa vời. Số lượng các cuộc tập trận hải quân mà Trung Quốc tiến hành gần đây là đáng báo động – càng đáng ngại hơn vào thời điểm quan hệ Mỹ – Trung ngày càng xấu đi trên một số mặt, bao gồm cả chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Hiện trạng mong manh, trong đó Trung Quốc khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ nhưng hòn đảo này lại hoạt động như một quốc gia độc lập, đang bị rạn nứt. Như Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo lá cải của chính quyền Trung Quốc, đã nói: “Khả năng tái thống nhất hòa bình đang giảm mạnh”. Rất may điều đó không có nghĩa là chiến tranh sắp  xảy ra.

Vào ngày 28 tháng 8, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã tham dự lễ khai trương cơ sở bảo dưỡng máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Trong bài phát biểu của mình, bà nói rằng bà muốn “thế giới thấy ý chí mạnh mẽ của chúng ta trong việc bảo vệ đất nước”. Trung Quốc đã và đang tổ chức một loạt các cuộc tập trận dọc theo bờ biển của họ. Chỉ trong những ngày gần đây, các cuộc tập trận diễn ra tạiba vùng biển khác nhau bao gồm các cuộc tập trận “thực tế” ở eo biển Đài Loan, ở cả hai đầu phía bắc và nam của hòn đảo. Sự kiện này diễn ra sau những gì báo chí Trung Quốc mô tả là một cuộc diễn tập “lớn” ở eo biển hồi đầu tháng, được thiết kế vừa như một cuộc huấn luyện quân sự, vừa như “một sự răn đe rõ ràng và chưa có tiền lệ”. Rõ ràng mang cùng một thông điệp, vào ngày 10 tháng 8, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã vượt qua đường phân cách ở eo biển, biên giới trên không không chính thức giữa hai bên.

Các cuộc tập trận dường như nhằm nhắc nhở Đài Loan và Mỹ về mức độ nghiêm túc của Trung Quốc đốivới “sứ mệnh thiêng liêng” là đưa Đài Loan trở về chủ quyền Trung Quốc, đồng thời phô trương khả năng quân sự đang được cải thiện nhanh chóng của nước này. Vào ngày 26 tháng 8, Trung Quốc được cho là đã cho phóng các tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới, có biệt danh là “sát thủ tàu sân bay”. Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc phát hiện cuộc đột nhập của một máy bay do thám Mỹ vào một cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc, bên cạnh việc các tàu sân bay Mỹ đi vào các vùng biển này.

Thật khó để không coi việc phô trương sức mạnh quân sự này là một phần trong cách tiếp cận quyết đoán hơn của Trung Quốc đối với khu vực. Điều đó đã được thể hiện rõ ở Biển Đông, nơi nước này đang khôngngừng xây dựng sự hiện diện quân sự trên các vùng biển bị tranh chấp toàn bộ hoặc một phần bởi Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Các yêu sách biển của Trung Quốc ở đây đã bị bác bỏ bởi cả tòa trọng tài quốc tế vào năm 2016 lẫn Mỹ vào tháng trước. Trong khi đó, ở phía bắc, ngoài khơi bờ biển phía đông của Trung Quốc, Nhật Bản trong những tháng gần đây đã cáo buộc Trung Quốc thực hiện một chiến dịch “không ngừng” nhằm giành quyền kiểm soát quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Cách tiếp cận không nương tay của Trung Quốc đối với Hồng Kông cũng là một thông điệp cho Đài Loan. Việc áp đặt luật an ninh quốc gia có hiệu lực vào cuối tháng 6 đã chấm dứt quyền tự trị được hứa hẹn theo thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc hứa hẹn với Hồng Kông cho đến năm 2047. Thỏa thuận đó là phiên bản sửa đổi của một thỏa thuận được chào mời cho Đài Loan từ năm 1981. Trong một thời gian, có vẻ Trung Quốc hy vọng Hồng Kông sẽ đóng vai trò như một hình mẫu quảng cáo cho Đài Loan về những lợi ích của “thống nhất trong hòa bình”.

Ngày nay, Hồng Kông không còn là hình mẫu quảng cáo mà là một sự cảnh báo khắc nghiệt, một lý do để lo ngại Trung Quốc có thể kết luận rằng cách tiếp cận kiên nhẫn của họ đối với Đài Loan đã thất bại. Một điềuđáng lo ngại khác là việc Bắc Kinh nhận thức rằng Mỹ có thể đang thay đổi lập trường của mình, theo cách có thể khuyến khích Đài Loan tuyên bố độc lập về mặt pháp lý cũng như trên thực tế – một sự kiện mà Trung Quốc luôn cho là lý do khơi mào chiến tranh. Trung Quốc rất nhạy cảm với bất kỳ biểu hiện nào cho thấy Mỹ đang nâng cấp quan hệ với Đài Loan, chẳng hạn bằng cách tiến hành các liên hệ chính thức với chính phủ Đài Loan. Điều đó đặc biệt đúng dưới thời tổng thống Donald Trump, người đã khiến Bắc Kinh bất an bằng cách nhận cuộc gọi chúc mừng từ bà Thái sau khi đắc cử hồi năm 2016. Trong những tuần gần đây, một thành viên nội các của ông Trump là Alex Azar, Bộ trưởng Y tế, đã đến thăm Đài Loan và gặp bàThái (sự kiện dường như dẫn tới việc Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận lớn và việc Trung Quốc cho máy bay chiến đấu xâm nhập không phận Đài Loan).

Theo quan điểm của Trung Quốc, đáng lo ngại hơn nữa là một số chính trị gia và cựu quan chức Mỹ kêu gọi chính phủ đưa ra cam kết rõ ràng hơn để bảo vệ Đài Loan. Hiện tại, Mỹ chỉ bị ràng buộc bởi một đạo luật được thông qua vào năm 1979 cam kết “xem xét bất kỳ nỗ lực nào nhằm xác định tương lai của Đài Loan bằng các biện pháp bên cạnh các biện pháp hòa bình, bao gồm tẩy chay hoặc cấm vận, một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của khu vực Tây Thái Bình Dương, hoặc mối đe doạ nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ”. Sự mơ hồ này đã được gọi là “sự mơ hồ chiến lược”.

Elbridge Colby, một cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc và là một trong những tác giả của chiến lược quốc phòng của chính quyền Trump, nói với tờ New York Times trong tháng này rằng đã đến lúc chấm dứt “bất kỳ sự mơ hồ nào còn lại về cách chúng ta phản ứng với việc (Trung Quốc) sử dụng vũ lực”. Ted Yoho, nghị sĩ Đảng Cộng hòa đại diện Florida, đang thúc đẩy “Đạo luật ngăn chặn xâm lược Đài Loan” để cho phép Mỹ can thiệp quân sự.

Những người khác cho rằng 4 thập niên sau khi Mỹ chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc, sự mơ hồ chiến lược đã phát huy tác dụng. Nó đã mang lại sự đảm bảo cho Đài Loan rằng Mỹ sẽ không để Trung Quốc xâm lược hòn đảo này mà không bị trừng phạt, nhưng không mang lại sự tin tưởng đủ lớn khiến những người ủng hộ độc lập chính thức mạnh dạn mạo hiểm. Sự cân bằng mong manh đó dường như đang bị đe dọa.

Về phần mình, Trung Quốc trên thực tế có lẽ tin rằng nếu sự mơ hồ được xoá bỏ dưới thời Trump thì sẽ có lợi cho họ. Trong cuốn hồi ký xuất bản năm nay, John Bolton, một trong những cố vấn an ninh quốc gia đã bị loại bỏ của ông Trump, suy đoán rằng Đài Loan có thể là đồng minh tiếp theo của Mỹ bị Trump rời bỏ. Như một nhà bình luận của Thời báo Hoàn cầu đã nói trong tháng này: “Đài Loan đối với Mỹ chỉ là một quân cờ có thể giao dịch”. Sau tất cả, Trump luôn đặt “Nước Mỹ lên trên hết”. Các nhượng bộ thương mại dường như luôn quan trọng đối với Trump hơn so với các liên minh.

Trung Quốc vẫn có lý do để duy trì kiên nhẫn chiến lược, mặc dù đó là những lý do rất khác. Trung Quốccần phải nhận ra rằng bất kỳ hy vọng nào giành được sự ủng hộ của công chúng Đài Loan về thống nhất trong tương lai gần chỉ là ảo tưởng. Nhưng nhìn vào một nước Mỹ bị suy sụp bởi virus, tình trạng suy thoái kinh tế và một chiến dịch bầu cử tanh tưởi khó có thể chữa lành các vết thương chính trị, người ta có thể kết luận rằng khả năng Mỹ sẵn sàng đổ máu để bảo vệ tự do cho Đài Loan có khả năng đang giảm đi. Ngược lại, Trung Quốc không có bầu cử, đã đánh bại đại dịch và trở lại tăng trưởng kinh tế, đồng thời coi Đài Loan là một vấn đề vô giá, không thể thương lượng. Trong khi chờ đợi, việc mài gươm cũng đủ ngăn chặn khát vọng độc lập của Đài Loan.

Nguồn: “China’s war games raise fears for Taiwan’s security”, The Economist, 30/08/2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét