Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

2116 - Xung đột Trung – Ấn tại Galwan: Hiểm hoạ từ chủ nghĩa dân tộc



Từ năm 1949, quan hệ Trung – Ấn đã luôn chông gai, trắc trở. Trong những năm 1950, hai nước cùng nhau theo đuổi chính sách ngoại giao không liên kết. Mối quan hệ này trở nên xấu đi với chiến tranh Trung – Ấn vào tháng 10/1962. Mặc dù quan hệ song phương đã được cải thiện với các cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước vào năm 2018 và 2019, tranh chấp lãnh thổ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn vẫn chưa được giải quyết.
Vào ngày 16/06/2020, ẩu đả đẩm máu đã nổ ra giữa lực lượng quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại cao nguyên Galwan, Ladakh, trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Nơi đây cao 4.300 mét so với mặt nước biển với tuyết phủ trắng xoá các dãy núi.  Khu vực này nằm ngay cạnh Aksai Chin và sát tỉnh Tân Cương của Trung Quốc.
New Delhi cho rằng có 20 lính Ấn Độ, bao gồm một sỹ quan cấp cao, đã bị giết. Cả hai phía đều đã bổ sung sung khí tài lên khu vực trên. Tại nơi xảy ra cuộc ẩu đả, không có đường biên giới chung nào được thừa nhận giữa hai nước mà chỉ có một Đường kiểm soát thực tế (LAC) mong manh ngăn cách lực lượng quân đội Trung Quốc và Ấn Độ.
Động cơ của Trung Quốc
Trung Quốc có ba động cơ đằng sau vụ xung đột. Thứ nhất, Aksai Chin và Tân Cương có vị trí chiến lược quan trọng đối với Bắc Kinh. Aksai Chin là tuyến đường bộ để Trung Quốc tiếp cận phía Nam dãy Hy Mã Lạp Sơn để tiến xuống Ấn Độ Dương. Trung Quốc thử hạt nhân và tên lửa tầm xa tại vùng Lop Nur ở Tân Cương, khu vực giàu có về dầu mỏ và khí đốt.
Thứ hai, Bắc Kinh bị kích động bởi việc Ấn Độ nâng cấp quân sự và nêu lại tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Aksai Chin. Khu vực này New Delhi đã bị mất trong chiến tranh Trung – Ấn vào tháng 10/1962. Từ đó, hoà bình mong manh chỉ được duy trì ngắn ngủi với liên tiếp các vụ đụng độ quân sự giữa hai bên.
Trung Quốc và Ấn Độ có chung một đường biên giới trên bộ dài và có nhiều tranh cãi. Ngày 18 tháng 6 năm 2020, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah tuyên bố sẽ giành lại Aksai Chin (bằng vũ lực), một lần nữa đã chọc giận Trung Quốc. Thông qua việc nắm giữ các chốt kiểm soát quan trọng tại Aksai Chin, như Điểm tuần tra số 14, Trung Quốc có thể giành lợi thế quân sự đáng kể là từ trên cao nhìn xuống các điểm chốt quân của Ấn Độ.
Đồng thời, Trung Quốc và Pakistan liên tục nâng cấp tuyến cao tốc chiến lược Karakoram, điều đã làm Ấn Độ cảm thấy bất an. Ngày nay, một Trung Quốc hùng mạnh hơn đã thực thi chính sách đối ngoại quyết đoán, bỏ qua lời dạy “giấu mình, chờ thời” của Đặng Tiểu Bình.
Ấn Độ Dương là một vùng chiến lược
Thứ ba, Bắc Kinh xem Ấn Độ Dương là một vùng chiến lược. Mỹ đã muốn nuôi dưỡng Ấn Độ trong chiến lược chống Trung Quốc. Còn Trung Quốc có một đồng minh mạnh mà Trung Quốc đã luôn ủng hộ từ những năm 1970 là Pakistan.
Trong suốt 30 năm qua, Bắc Kinh đã mở rộng đáng kể sự can dự và hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương. Các nhà chiến lược của Mỹ và Ấn Độ đều đã lên tiếng thể hiện sự lo ngại về hoạt động bành trướng của Trung Quốc.
New Delhi xem kế hoạch Ấn Độ Dương của Bắc Kinh là chống Ấn Độ. Trung Quốc xem Hải quân Pakistan là đối tác hữu ích trong việc phân tán các nguồn lực của Ấn Độ tại Biển Ả-rập ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương. Trung Quốc cũng đã thắt chặt quan hệ với Sri Lanka, Nepal, Bhutan, Maldives và Myanmar.
Học thuyết “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc hướng tới sự cân bằng quyền lực ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương. Đây là một cách để Bắc Kinh giảm sự thống trị của Ấn Độ ở Nam Á.
Động cơ của Ấn Độ
Ấn Độ cũng có ba động cơ. Thứ nhất, New Delhi xem Ấn Độ Dương là sân sau của mình. Ấn Độ xem sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc ở đây là một thách thức lớn về mặt chiến lược. Nhưng Bắc Kinh không xem Ấn Độ Dương là vùng độc quyền của riêng Ấn Độ. Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với cao nguyên Galwan, nơi mà cả hai nước đã nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là đường sá, cầu cống và nhiều đường băng máy bay.
Thứ hai, Ấn Độ khá phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại và đầu tư. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ. Đầu tư của Trung Quốc ở Ấn Độ lên đến 23 tỉ USD (2019), cao hơn mức đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước châu Á khác, như Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhiều công ty Ấn Độ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung các mặt hàng thiết yếu.
Ấn Độ có mức thâm hụt thương mại rất lớn là 56,8 tỉ USD (2019), mức thâm hụt song phương cao nhất của nước này. Có 54 công ty Ấn Độ đang hoạt động ở Trung Quốc, bao gồm các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, y tế, và dịch vụ ngân hàng.
Thứ ba, Ấn Độ muốn huỷ hoại mối quan hệ khăng khít về kinh tế và quân sự của Trung Quốc với Pakistan – kỳ phùng địch thủ của Ấn Độ trong khu vực.
Hậu quả từ căng thẳng Ấn – Trung
Có rất nhiều hậu quả từ sự đối đầu Trung – Ấn. Thứ nhất, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đông dân nhất trên thế giới (lần lượt là 1,4 và 1,3 tỉ dân). Hai nước đều là siêu cường mới nổi về công nghệ, và đang cùng nhau thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu.
Hai là, hai nước đều sở hữu hạt nhân. Một cuộc chiến Trung – Ấn có thể tạo ra xung chấn địa chính trị trên toàn cầu. Chính sách ngoại giao thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi sẽ chấm dứt trong một tương lai gần.
Thứ ba, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có giới lãnh đạo chính trị và quân sự mang nặng chủ nghĩa dân tộc. Tập Chủ tịch đang phải đối mặt với các thách thức đối nội ngày càng gia tăng: Cách ứng phó với Covid-19 bị chỉ trích mạnh mẽ từ trong nước; nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, thất nghiệp gia tăng và đe doạ đến các hoạt động thiết yếu khu vực tư nhân. Tập phải chứng tỏ với trong nước rằng mình mạnh mẽ về chính sách đối ngoại. Điều này sẽ gia tăng tính chính danh về mặt chính trị cho Tập.
Về mặt quân sự, Trung Quốc mạnh hơn Ấn Độ. Trung Quốc chi cho quốc phòng nhiều hơn, 266 tỉ USD trong năm 2019. Ấn Độ chỉ chi 70 tỉ USD. Một cuộc chiến Trung – Ấn tiếp theo sẽ là thảm hoạ cho cả hai.
Trong 10 năm qua, xung đột Trung – Ấn ngày càng trở nên căng thẳng, nhưng tình hình chung vẫn tương đối ổn định. Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã giao thiệp nhiều hơn. Thương mại song phương tăng 67 lần từ năm 1998 đến năm 2012. Hàng ngàn sinh viên Ấn Độ đang theo học tại các trường đại học Trung Quốc. Hai nước cũng đã tổ chức tập trận chung.
Mối hiểm hoạ từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có chính sách đối ngoại mang chủ nghĩa dân tộc để đẩy mạnh các lợi ích địa chính trị của mỗi nước. Theo học thuyết “chuỗi ngọc trai”, Trung Quốc hiện đã xây dựng được mối quan hệ vững chắc với các nước Sri Lanka, Nepal, Bhutan, Maldives và  Myanmar. Điều này không có gì là bất ngờ.
Từ góc nhìn của Bắc Kinh, Ấn Độ Dương đóng vai trò cốt tử bởi nó kết nối khu vực Trung Đông nhiều dầu mỏ với khu vực châu Á kinh tế sôi động. Điều này sẽ góp phần giải quyết “thế lưỡng nan Malacca” của Bắc Kinh, nơi mà nguồn cung dầu mỏ của Trung Quốc đi ngang qua và Bắc Kinh xem đây là yết hầu của mình.
Bắc Kinh đang cố gắng chống lại chính sách bao vây thù địch của Washington. Mặc khác, TQ sẽ không có lợi ích nếu làm xấu đi mối quan hệ với Ấn Độ. Điều này sẽ chỉ làm cho Ấn Độ xích lại gần với Mỹ và các đối tác của Mỹ, như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu.
Sự kiện cao nguyên Galwan cho thấy hiểm hoạ từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan của cả hai phía, nhưng truyền thông Trung Quốc đã cẩn trọng đề nghị nối lại đối thoại Trung – Ấn vì một mối quan hệ nồng ấm và hai bên cùng có lợi./.
KB Teo trước đây là một ngoại giao của Singapore.
Nguồn: KB Teo, “China-India Galwan Conflict: The Perils of Nationalism”, RSIS Commentary, 02/07/2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét