Quang cảnh Tọa đàm "Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam", ngày 29/7/2020.
Nên tách “kinh tế thị trường” và “định hướng xã hội chủ nghĩa”
Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề "Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam", diễn ra vào sáng ngày 29/7, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng với Ban Kinh tế Trung ương (MASEI) và Viện Fraser của Canada đồng tổ chức.
Tại buổi tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nêu lên ý kiến rằng Việt Nam vẫn đang trên con đường chuyển đổi sang kinh tế thị trường trong 3 thập niên qua và ông mong muốn quá trình chuyển đổi được kết thúc trong nhiệm kỳ này.
Theo ghi nhận của chuyên gia kinh tế-tiến sĩ Nguyễn Đình Cung thì Kinh tế thị trường của Việt Nam, bao gồm cả vai trò Nhà nước lẫn vai trò thị trường đều rất kém. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh rằng "Quá nhiều Nhà nước cũng dở, quá nhiều thị trường cũng không hay, phải cân bằng được" và ông cho rằng nên tách hai yếu tố “kinh tế thị trường” và “định hướng xã hội chủ nghĩa”, vì nếu kết hợp thì rất khó để chuyển đổi.
Kết luận của chuyên gia kinh tế-tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, được báo giới dẫn lời nguyên văn rằng “Nền kinh tế thị trường không giải quyết được tất cả vấn đề, nhưng nếu không có kinh tế thị trường thì chúng ta thất bại!”.
Ý kiến của giới chuyên gia
Vào tối cùng ngày 29/7, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lên tiếng với RFA về quan điểm của tiến sĩ Nguyễn Đình Cung:
“Đó là một ý kiến cần nên nghiên cứu vì từ trước đến giờ tôi chưa từng hiểu ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ là cái gì và cũng chưa có ai thật sự lý giải cho tôi ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ gắn kết với ‘kinh tế thị trường’ là cái gì. Cho nên vấn đề về ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ là một đề tài cần được nghiên cứu rõ ràng hơn. Chứ đến bây giờ kết hai cái đó lại với nhau thì chả biết được ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội’ là đi đâu và tôi thấy mù mờ lắm.”
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, từng thừa nhận với RFA rằng cũng chưa từng có ai mô tả được rõ nét thế nào là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Đăng Doanh đánh giá Việt Nam ngày càng chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
“Đúng là Việt Nam đã có cải cách và chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Hiện nay, khoảng 90 nước đã công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường nhưng hai đối tác quan trọng nhất là Mỹ và Liên minh Châu Âu vẫn chưa công nhận. Và hai đối tác đó cũng chưa công nhận Trung Quốc có kinh tế thị trường. Vì vậy, ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Đình Cung là muốn kết thúc sớm để có đầy đủ các yếu tố của kinh tế thị trường. Ví dụ như vấn đề của Việt Nam về thị trường bất động sản và thị trường đất đai bị bóp méo, giá của Nhà nước quy định thấp hơn giá thị trường rất nhiều và rất nhiều trường hợp xác định nhà đầu tư mà không có đấu thầu công khai…Thế thì cuộc tọa đàm đó rất hữu ích. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung thì muốn thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách. Còn tôi thì đề nghị vừa cải cách chuyển sang kinh tế thị trường và vừa cải cách thể chế để ít can thiệp vào kinh tế thị trường một cách không cần thiết.”
Đồng quan điểm với hai tiến sĩ Nguyễn Đình Cung và Lê Đăng Doanh, nhiều chuyên gia kinh tế, tại buổi tọa đàm khẳng định kinh tế thị trường hiện đại là nền kinh tế trong đó nhà nước và thị trường thực hiện hợp lý vai trò và chức năng của mình, kết hợp và bổ sung cho nhau hướng đến một thị trường hoàn hảo. Kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ có một số yếu tố đặc trưng chủ yếu theo các chuẩn mực được quốc tế thừa nhận như sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh, cạnh tranh công bằng và có trật tự…Trong đó, trọng tâm là việc thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Bên cạnh đó, cần giải pháp giúp thị trường hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lưu ý rằng giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam cần phải giải thích rõ chủ trương phát triển “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội” là ý muốn phát triển theo chiều hướng nào. Đồng thời, vai trò quản lý của Nhà nước Việt Nam cũng phải thận trọng trong con đường phát triển kinh tế thị trường mà không có “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đề cập đến tình trạng sức nặng của kinh tế khối doanh nghiệp nhà nước làm cho vấn đề vận hành kinh tế thị trường của Việt Nam không được ổn.
Kể từ khi Chính phủ Hà Nội thực hiện chính sách “Đổi mới” hồi giữa thập niên 80 trong thế kỷ XX, nền kinh tế của Việt Nam được đánh giá là có sự phát triển theo kinh tế thị trường, nhưng kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Song song với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, một số chuyên gia kinh tế cho rằng bởi do chủ trương “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà dẫn đến việc cổ phần hóa không đạt hiệu quả cao vì có sự tư lợi của nhóm lợi ích thân hữu. Hay cũng có nhận xét của giới quan sát tình hình Việt Nam cho rằng vì chủ trương “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà 12 dự án quan trọng nghìn tỷ của quốc gia bị thua lỗ vẫn không phân định được trách nhiệm thuộc về ai, cũng như vẫn chưa có giải pháp nào để giải quyết cho việc đền bù thua lỗ. Hoặc thậm chí, Nhà nước Việt Nam mãi loay hoay không thể điều tiết được giá thịt heo tăng cao trong suốt mấy tháng liền, mặc cho Thủ tướng liên tục yêu cầu các cơ quan bộ, ngành liên quan phải điều chỉnh giá.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhắc lại rằng:
“Nhà nước không có nhiệm vụ làm kinh tế mà Nhà nước tạo điều kiện cho nhân dân môi trường thoáng để làm kinh tế. Trừ những lĩnh vực nào mà nhân dân chưa làm được thì lúc đó tạm thời Nhà nước đảm nhận. Vì vậy chiều hướng là mỗi ngày phải tổ chức như thế nào để cho nền kinh tế thị trường phát triển và đồng thời cũng mỗi ngày làm sao thu hẹp lại lĩnh vực hoạt động của kinh tế quốc doanh. Đấy là chiều hướng của nền kinh tế thị trường cần hướng tới.”
Còn tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, tại buổi tọa đàm, cho rằng Nhà nước Việt Nam hiện nay là Nhà nước sở hữu và kiểm soát nên thị trường không thể vận hành được. Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhận định là Nhà nước Việt Nam phải thay đổi tư duy, bởi vì những cải cách và chuyển đổi trong 30 năm chỉ là giải quyết cái ngọn của vấn đề.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A từng khẳng định với RFA rằng Nhà nước Việt Nam vẫn kiên định với “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì đó là lực cản của nền kinh tế Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét