Tiếp theo bài 1.
Chống oan sai: Khó như lên Trời!
1. Về Luật Hình sự và Luật Tố tụng Hình sự
Hai Luật này, một cái chuyên dùng chống các tội hình sự, còn cái thứ hai chính là để chống oan sai.
a– Luật hình sự (hay luật “nội dung”): Luật này ghi đầy đủ nội dung các tội khác nhau, từ nhỏ tới lớn, rõ ràng, cụ thể và chi tiết: Nếu phạm tội thế này, sẽ bị trừng trị thế kia… Quan tòa cứ theo đó mà thực thi.
– Đối tượng là mọi công dân nói chung, nếu phạm luật.
Hồ Duy Hải bị gán tội giết người, cướp của; đó là tội hình sự đúng nghĩa. Do vậy, bài này chưa bàn về ‘Sự minh bạch và lương thiện’ của Luật này ở VN, khi nó đưa ra những điều khoản để vu cho những người “trong tay không một tấc sắt” mắc những tội, như “lật đổ”, “chống nhà nước”… với mức án cực nặng. Đây sẽ là chủ đề của những bài khác. Còn Hồ Duy Hải có oan sai hay không, chỉ cần rà lại cách thức mà hệ tư pháp ở VN đã áp dụng Luật tố tụng với Hồ Duy Hải ra sao.
b- Còn Luật Tố tụng Hình sự (hay luật “hình thức”) quy định cách thức điều tra, cách thức lập hồ sơ vụ án và cách xét xử. Luật này cũng phải rõ ràng, cụ thể và chi tiết… để mọi vi phạm (dù nhỏ) đều bị cảnh báo, ngăn chặn, xử lý.
– Đối tượng bị luật này chế tài là những nhân viên ngành tư pháp nói riêng. Vi phạm của họ sẽ đưa đến mức án quá nhẹ (bỏ sót tội, ví dụ khi những người này xử nội bộ), hoặc quá nặng (gán thêm tội) – so với mức án đã quy định trong Luật. Dù mức án nhẹ hay nặng, đều là oan sai. Hoặc oan sai cho bị can, hoặc oan sai cho nạn nhân của bị can.
Cáo trạng Hoàng Công Lương ban đầu chỉ đề nghị án treo, nhưng ông BS này cứ kêu oan khắp nơi, đến khi ra tòa thì tự cãi, bị tòa coi là “chưa thành khẩn”, “chưa hối hận”. Do vậy, dẫu ông được 50 ngàn chữ ký ủng hộ, được cơ quan chủ quản bênh vực… vẫn bị kết án 30 tháng tù giam bằng một chứng cứ giả tạo. Xem bài: Tìm ra bằng chứng, Bộ Y tế khẳng định bản án BS Lương không có giá trị khoa học, đăng trên báo VietNamNet ngày 6/8/2019.
2. Chống oan sai chính là… nội bộ chống nhau
– Chống oan sai chính là chống vi phạm Luật hình thức, mà đối tượng vi phạm chỉ có thể thuộc ngành tư pháp. Cụ thể, đó là các đồng chí điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán – quan tòa. Họ đều là đảng viên CS. Khó khăn thấy rõ, vì hiện nay những người này thuộc cùng một tổ chức, ứng xử kiểu gia đình với nhau, chỉ quen hợp tác để truy tố và xét xử người ngoài ngành. Quả là khó, khi họ buộc phải “trong ngành xử lẫn nhau”.
– Hãy hình dung một thực tế ở nước ta: Họ rất quen nhau vì cùng cơ quan, cùng là hội viên của một đoàn thể (tổ công đoàn, tổ phụ nữ), cùng là đảng viên, sinh hoạt trong một chi bộ hoặc một đảng bộ, cùng kiểm điểm công tác, cùng bình bầu thi đua… Tất cả, cùng đặt dưới sự lãnh đạo chung của Ban Nội Chính. Khi vụ án xảy ra, họ phải họp hành với nhau, bàn cách phá án, hội ý về mức án (án bỏ túi), định ngày tổ chức phiên tòa… Nay, có một số người trong đám này vi phạm luật, phải đem nhau ra xử, liệu có dễ dàng?
– Cách hành xử với nhau như trong gia đình. Cấp dưới gọi cấp trên là “chú”, “bác” (xưng cháu), hoặc gọi là “anh, chị” (xưng em). Năm vị quan tòa đồng phục, ngồi ngang hàng ở vị trí cao, trông thật trang nghiêm. Đó là bên ngoài. Kỳ thực, bên trong là quan hệ thủ trưởng và nhân viên, hoặc chú bác và các cháu, hoặc anh chị và các em. Tư pháp của ta là như vậy.
– Sự tôn thờ. Mật độ đảng viên đặc sệt trong ngành tư pháp, tất cả chỉ thề trung với đảng, trung với chế độ; chưa bao giờ họ thề trung thành với công lý. Đủ thấy, dưới cái quốc huy, họ sẽ xử nghiêm khắc tối đa với người khác chính kiến, đấu tranh thuần bằng lý lẽ.
3. “Án bỏ túi”
Hiểu không sai, thì đó là bản án có mức hình phạt được định sẵn “từ trong bóng tối” trước khi phiên tòa diễn ra công khai dưới ánh sáng. Chỉ có điều, hiểu như vậy vẫn chưa đủ.
Án “bỏ túi” là từ ngữ được dư luận sáng tạo từ rất lâu, mặc dù nó bị cả hệ thống tư pháp kịch liệt bác bỏ, kể cả đe dọa người sử dụng nó. Bởi lẽ, nó lật tẩy sự đen tối, tính chất bất công và đàn áp của cả một nền tư pháp và vạch trần sự giả dối, kệch cỡm của các phiên tòa.
Khốn nỗi, án “bỏ túi” phản ánh đúng bản chất tư pháp XHCN, nên từ ngữ này có sức sống mãnh liệt, nhất là khi các vụ án oan liên tiếp xảy ra. Trên đã nói, đó là những vụ án gán cho những người “tay không tấc sắt” can cái tội giết người (như Hồ Duy Hải) hoặc cái tội “âm lưu lật đổ chính quyền” (như Phạm Chí Dũng). Và khi phúc thẩm thì hầu như 100% “y án sơ thẩm”… Đó chính là tác nhân khiến cho danh từ “án bỏ túi” sống mãi khi “Nhà Nước ta không tam quyền phân lập“.
– Xin mọi người hãy dành một phút để đọc bài của một ông công an giải nghĩa “án bỏ túi” chính xác và đầy đủ hơn cách hiểu chung chung của chúng ta. Bài đăng ở báo chính thống, do vậy phần giáo đầu ông phải viết rằng “Khoảng chục năm trước (tức 2003), câu ‘án bỏ túi’ với cánh phóng viên nội chính, có lẽ ai cũng biết. Gần đây, không thấy nhắc đến ‘án bỏ túi’ nữa… chứng tỏ rằng, ngành tư pháp nước nhà đang có những bước tiến mạnh mẽ (!).
Nếu không tìm hiểu ngọn nguồn, ta cứ tưởng án bỏ túi chẳng qua là mức án do mấy ông quan tòa hội ý từ trước khi xử. Té ra, các cụ bạc đầu mà vẫn ngây thơ. Ông tác giả Công An khẳng định rằng nó là sản phẩm chung của Bộ Tứ, gồm Điều Tra, Kiểm Sát, Thẩm Phán và Chính Quyền (tất cả dưới sự lãnh đạo của đảng). Nói khác, án bỏ túi có giá trị như một nghị quyết, được giao cho quan tòa phát ngôn. Mới thấy, chống oan sai khó biết dường nào.
– Nếu không thể loại bỏ được cái từ “án bỏ túi” thì đành… công nhận nó. Đến nay, nó nghiễm nhiên có mặt trong báo chí, trong các văn bản pháp luật. Vậy thì, người ta tìm cách gán cho nó một định nghĩa đẹp. Một trong những người được phân công việc này là đồng chí Đinh Văn Quế. Đọc luận điệu của đồng chí ‘nguyên chánh tòa hình sự này’ cũng thú vị ra phết. Đó là bài Nên hiểu đúng về “án bỏ túi”, đăng trên báo Pháp Luật TPHCM năm 2012.
4. Một “án bỏ túi” to tổ bố (2020)
Không kể vụ Nguyễn Thanh Chấn xảy ra khi luật tố tụng hình sự cũ, từ 2003, chưa được cải cách, thay thế. Đó là thứ luật rất lạc hậu, tàn bạo, rất dễ gây oan sai, vì mục đích số 1 là trừng trị. Nhưng tới vụ Hồ Duy Hải, cho đến khi có phiên tòa giám đốc thẩm (2020) thì luật mới đã có hiệu lực thi hành được vài năm. Mục tiêu số 1 của cải cách luật lần này là cố hòa nhập với nền tư pháp văn minh và tiến bộ của thế giới, trong đó giảm oan sai là nổi bật nhất.
Dư luận bán tín, bán nghi chờ đợi kết quả vụ giám đốc thẩm, mặc dù vụ này phải xử theo luật mới. Bởi vì, BS Hoàng Công Lương tuy cũng được xử theo luật mới (mọi người tràn trề hy vọng), cuối cùng vẫn vừa oan, vừa ức. Lần này, đích thân ông chánh án tòa tối cao chủ trì phiên tòa, lại còn đưa toàn thể bộ sậu vào cuộc (16 thẩm phán dưới quyền) nên nhiều người vẫn hồi hộp. Vậy mà, vẫn lòi tói ra một bản án “bỏ túi”, được thông qua với số phiếu tuyệt đối. Sự thách thức dư luận cả nước và thế giới đến thế này là hết cỡ.
Trích bài báo VnExpress: Phiên giám đốc thẩm: Hồ Duy Hải không oan, ghi lại nguyên văn 4 câu hỏi:
Cuối buổi làm việc sáng nay, Chánh án Nguyễn Hoà Bình đã lấy biểu quyết về bốn vấn đề.
– Thứ nhất, vụ án có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không thay đổi bản chất vụ án”.
– Thứ hai, bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”. Hội đồng Thẩm phán biểu quyết bác kháng nghị giám đốc thẩm.
– Thứ ba, Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực và Quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao có đúng pháp luật hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”.
– Thứ tư, về câu hỏi “chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị ? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị”.
Dư luận tin chắc, cả 4 câu hỏi “như sách” này phải được soạn thảo từ trước, dưới sự lãnh đạo của ông Chánh án là thành viên Ban Bí thư và cả 17 vị thẩm phán đều là đảng viên, đã “góp ý xây dựng” nên chúng trước khi xử. Tóm lại, đây chẳng qua là sự y án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
5. Khó ngay từ Luật
– Chuyện giả sử: Giả sử, có một hồ sơ vụ án bị cố ý làm sai lệch, nhưng vẫn cứ được Viện kiểm sát thông qua (dân gian gọi là “đồng lõa”?). Thứ hồ sơ chứa dao găm này sẽ được chánh án răm rắp xử theo, rất thạo. Ở nước ta, đây không phải là chuyện giả sử. Nạn nhân bằng xương bằng thịt, có nhân thân, có địa chỉ, và đang sống lương thiện: Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén, Hoàng Công Lương… bị xử bằng thứ hồ sơ này.
– Nhưng nếu luật tố tụng…
Nhưng nếu luật tố tụng có đủ mọi điều khoản cần thiết, để thật sự bảo vệ công lý, bị cáo vẫn còn cơ hội được xét xử công bằng. Trước tòa, bị cáo có thể đưa bằng chứng vô tội, có thể phản cung, có thể tố cáo bị tra tấn để bức cung v.v… Và còn vai trò của luật sư nữa chứ. Luật sư được tiếp cận hồ sơ, sẽ phát hiện ra những vi phạm. Ví dụ, luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều đã phát hiện một chứng cứ giả tạo trong vụ Hoàng Công Lương và công bố rộng rãi…
Khốn nỗi, trong tất cả các vụ án oan, tới mức tên nạn nhân được dùng để gọi tên vụ án, mọi bị cáo đều khóc lóc kêu oan khản cổ, đều phản cung quyết liệt khi mạng sống bị đe dọa, đều nghẹn ngào tố cáo bị bức cung, và đều được luật sư bênh vực bằng mọi lý lẽ. Quan tòa thừa biết rằng, vở kịch đương nhiên phải có những cảnh này. Nhưng việc của họ là thi hành nghị quyết. Và đều… tử hình!
– Vậy, lẽ ra… Lẽ ra, khi các bị cáo được giải oan, thoát chết, thì chánh án phải bị truy xét trách nhiệm, cùng với các điều tra viên, kiểm sát viên – là những vị đã tạo nên cái hồ sơ giết người kia. Thực tế, số lông chân họ vẫn y nguyên, trừ vài điều tra viên chịu án rất nhẹ. Tại sao vậy? Tại vì cái Luật tố tụng không có những điều khoản tương ứng để kết tội nhiều hành vi sai phạm cụ thể của kiểm sát viên và thẩm phán. Cộng thêm, họ tự cho mình cái quyền không cần tuân theo luật.
Một ví dụ khác: Vị đứng đầu VKS (trước đây) là ông Nguyễn Hòa Bình đã từng kiên quyết không kháng nghi bản án tử hình vụ Hồ Duy Hải. Đến nay, vụ này được xử giám đốc thẩm, nếu (lại “nếu”) trong Luật có các điều khoản phù hợp thì ông Nguyễn Hòa Bình (dù đang là chánh án Tòa Tối Cao) sẽ không được phép tham gia phiên tòa này, càng không được giữ cương vị chánh án tòa giám đốc thẩm. Luật (liếc) quái quỷ gì mà vẫn để Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế này?
– Ai thông qua nó? Ai thông qua cái luật nhiều khiếm khuyết này? Tất nhiên là Quốc hội, nhưng (khổ nỗi) trong quốc hội lại có rất nhiều đại biểu là công chức của ngành Tư Pháp. Ví dụ, ông Nguyễn Hòa Bình. Ông ta và những đại biểu cùng ngành dại gì thông qua những điều khoản có thể bắt tội chính họ? Là thành viên ngành Tư Pháp, họ đủ khôn ngoan để tìm cớ bắt giam, bỏ tù những người chính trực, công tâm và am hiểu luật – như TS Cù Huy Hà Vũ – khi ông xin ứng cử vào Quốc hội.
Xin nhắc lại: Chống oan sai ở nước ta rất khó, khó ngay từ Luật. Mà Luật liên quan tới thể chế.
6. Những oan sai vừa qua là do thể chế
– Nếu những cá nhân gây oan sai trong một thể chế lành mạnh và hướng thiện, tôn trọng con Người và Công Dân, sự oan sai sẽ sớm bị phát hiện và thanh toán, không có chuyện cả loạt án kéo dài 3 năm, 5 năm, hoặc tới chục năm mà chưa sáng tỏ. Vụ Hồ Duy Hải đã 12 năm.
– Nếu một xã hội để xảy ra nhiều vụ án, trong đó những người dân lành vô tội lại bị mức án cao nhất (chung thân, tử hình) – như vật thế mạng – thì chuyện đấu tranh là thiên nan, vạn nan. Nó phản ánh sự tha hóa của giới cầm cân nảy mực đã tới mức đáng kinh hãi. Không thể nói án oan là do những cá nhân cụ thể gây ra, bởi vì họ được thể chế đào tạo ra.
– Con đường giải oan khiến nạn nhân tốn vô vàn công sức, tiền của, trí não, tuổi thọ… mà sự thành công phải có cả yếu tố may mắn, cũng nói lên vai trò một thể chế hơn là sự lũng đoạn của cá nhân.
7. Hiện nay, chống oan sai quả là khó, nhưng vẫn chống được
Và phải chống bền bỉ, lâu dài. Và hy vọng ngày càng nhiều người góp phần, vì ai cũng có nguy cơ bị oan sai (Bài 1). Nhưng không thể chống đơn độc, lẻ tẻ, mà phải mời gọi nhiều người, gồm cả những người có thiện chí và ngay thẳng trong ngành Tư Pháp, trong Quốc hội, chính quyền của nước ta. Hãy tin rằng họ vẫn là đa số, nhưng lép vế.
Hàng đầu phải là giới trí thức, trong đó các luật sư phải là tiên phong, dân oan là nòng cốt, dư luận rộng rãi là tác nhân xoay chuyển tình hình.
Vũ khí ôn hòa khai thác từ những quy định tiến bộ trong luật mới; trong đó luật sư rất sốt ruột mong được thi hành và thi hành đến nơi, đến chốn; còn giới cầm đầu tư pháp thì chần chừ, chậm chạp, kể cả miễn cưỡng. Cứ quan sát phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, đủ rõ.
Theo luật mới, thẩm phán phải đúng là trọng tài (như trong bóng đá, chỉ dựa vào Luật): Vai trò là nghe hai bên tranh tụng để quyết định “thắng, thua” trên tinh thần “suy đoán vô tội”. Ấy thế mà trong phiên giám đốc thẩm vừa qua, đám thẩm phán cậy đông, cãi nhau tay đôi với phía khiếu nại, không còn ra cái thể thống gì.
Bài tiếp theo, hãy thử bàn sâu hơn về cái phiên giám đốc thẩm này, qua đó để thấy chiều hướng diễn biến vụ Hồ Duy Hải. Và cuối cùng thử suy đoán về kết quả vụ Lê Đình Kình. Có nên dùng tên gọi này thay cho “vụ Đồng Tâm”?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét