Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

3457 - Người Bắc nhiều lý luận, hotel không biết đề giá 1 giờ 60 k


Hình minh họa. Một người bán rau quả ở một chợ ở Hà Nội
Hình minh họa. Một người bán rau quả ở một chợ ở Hà Nội Reuters


Hôm qua tôi đọc được một bình luận trên mạng facebook thế này:

“Người Sài Gòn tư duy cụ thể hơn người Hà Nội. Hotel hay Nhà nghỉ ở Hà Nội chả biết đề giá 1h 60k, 2h 80k, qua đêm 180, 200, 250 k, tùy loại phòng. Người Hà Nội nhiều lý luận mà!”

Kèm theo tấm hình dưới đây:
Hình minh hoạ.
Hình minh hoạ. Photo: RFA
Nhận xét này theo tôi là rất khách quan, vì chí ít người nhìn thấy điều đó cũng là một người Bắc rất có lý luận: Phó giáo sư. Tiến sĩ GS.TS Mạc Văn Trang, 82 tuổi, từng có 30 năm công tác ở Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
Những người Bắc ít lý luận
Hôm trước, tôi đi tìm mua trái cây, ăn cho mát ruột những ngày ở khách sạn. Thường các cô gánh quang gánh hay đẩy xe đạp chở trái cây trên cái nong ràng xe đi qua rất thường xuyên trước khách sạn khu phố cổ. Nhưng hôm đó chờ hoài không thấy ai, tôi bèn thả bộ ra chợ Đồng Xuân cho được việc.
Không biết sao không có cảnh sát mà mấy bà mấy chị bán hàng rong đi rảo bước nhanh quá. Họ cũng không rao. Tôi thấy mấy gánh đào, lê đi qua ngã tư mà đi theo không kịp.
Chợ Đồng Xuân giữa mùa COVID không có mống khách tây nào, các bà bán hàng ngồi cách xa nhau trông không được tươi lắm. Tôi muốn mua đào. Bà bán đào kêu 60.000 đ/ký nhưng bán cho tôi 55.000 thôi. Tôi trả 30.000 đ.
-Ba mươi nghìn thì đưa đây tôi mua cho vài tấn nhá. Đào to ngon thế này chả đi đâu có ba mươi nghìn cả-bà bán hàng nói đặc giọng Thanh Hóa.
Tôi làm gì biết giá. Trả đại vậy thôi. Mà tôi không định mua đến vài tấn nên chào bà, đi qua hàng khác.



Cách đó chừng mười mét, một gánh đào khác to ngon không kém. Cũng kêu giá 60.000 đ. Rút kinh nghiệm gánh đào trước tôi đi thẳng mà bà không gọi lại, tôi trả 35.000 đ, rồi 40.000 đ. Cuối cùng tôi mua với giá 50.000 đ.
Đào mỏ quạ tươi, cắn vào phần thịt bên trong càng vào sâu càng rướm hồng, ngon cả mắt lẫn miệng. Nếu là người Nam, chắc chắn bà bán đào đầu tiên đã níu tôi lại nài trả giá thêm vài tiếng nữa “Cô ơi giá đó dưới vốn luôn á tui bán không có lời, hổng mua hổng sao nhưng mới mở hàng cô trả thêm mấy tiếng đi cô”. Hay bà bán đào thứ hai khi cân lên đúng một ký rưỡi thế nào cũng nói “Bỏ thêm hai trái tròn hai ký luôn nhe cô”, hoặc bỏ thêm cho tôi một trái nhỏ và nói “ Làm quen mai ra mua nữa cho chị nghen em”. Chắc chắn tôi đã trả thêm mấy tiếng rồi mua (biết đâu mua giá 55.000đ) và 2 ký tròn, và ngày mốt tôi sẽ ra mua nữa để bù lại phần thiệt thòi (thiệt ra là không thiệt) vì người ta đã tặng thêm trước cho mình.
Tiến sĩ Trang sai rồi, hai người Bắc bán đào này ít lý luận cơ mà vẫn chưa biết bán hàng.
Hộp patê, chai nước ngọt nói một là một
Một bữa khác, đi qua tiệm bán patê và bánh mì được quảng cáo có tiếng, tôi mua một hộp patê. Patê đóng hộp chắc khoảng gần nửa ký. Tôi hỏi xin cái muỗng nhựa. Người bán hàng thả thõng một câu: “Nhà cháu không có”. Rồi thôi.
Thế tôi ăn bằng gì? Đâu phải ai mua patê ở đây cũng là để mang về nhà ăn, có dao, có muỗng, có đĩa ăn, có tivi lúc 7h tối nói về kích cầu du lịch? Hay chủ quán là người tôn sùng chủ nghĩa gia đình, cương quyết loại trừ bọn ăn rong vô tổ chức, đến nỗi mua hộp patê ngoài đường mà cũng chẳng biết thủ sẵn muỗng trong túi áo.



Nếu bà bán hàng người Nam, hoặc nếu bà di chuyển cái tiệm này vào Nam, tôi đoan chắc bà sẽ tươi cười kèm theo cho khách không chỉ một bộ đồ ăn gồm muỗng và dao nhựa, mà còn thêm gói muối tiêu nhỏ để khách gia giảm, và bịch đồ chua ăn kèm cho đỡ ngán (có thể cho kèm một nhúm; muốn ăn nhiều hơn thì phải mua và thường thì khách mua).
Cái sự hiểu nhu cầu khách hàng như vầy hình như vẫn chủ yếu chỉ có ở phía Nam. Ở Bắc, chúng chỉ có trong các nhà hàng lớn, có chủ trẻ và hiện đại.
Trên bàn trong khách sạn của tôi vẫn còn một chai nước ngọt, ba ngày rồi không uống. Bữa hổm tôi đặt bữa về phòng ăn, kèm một chai nước ngọt. Nhận hộp thức ăn từ tay shipper bật cười luôn: đặt chai nước thì có đúng trơn chai nước. Hết.



Nếu ở miền Nam, chai nước ngọt sẽ luôn kèm theo cái ly nhựa đựng đầy đá sẵn và chiếc ống hút. Tôi không cổ vũ dụng cụ nhựa dùng một lần nhưng chu đáo với khách là cách kinh doanh của người miền Nam.
Muỗng nào ăn món gì
Một bữa, tôi ghé một quán nhỏ nhưng khá đẹp và sang, ăn chè bưởi. Người ta bưng ra: chén chè bưởi nấu bằng đậu xanh cà vỏ vàng ươm đựng trong chén vuông màu đen, một góc rưới nước cốt dừa trắng sữa rất thẩm mỹ và có tính toán. Nhưng cái muỗng ăn chè... nó to bằng nửa bàn tay tôi; nó là cái muỗng ăn xúp.
À nói về cái muỗng, quán sá Hà Nội thường xuyên ăn bằng cái muỗng xúp rất to và cán ngắn. Cháo, chè, cơm, các món có nước đều vậy. Phần lòng muỗng quá to khiến phải mở rộng miệng mới đưa được muỗng vào, coi bất tiện và không đẹp mắt, nhất là các cô gái thướt tha đi ăn với anh chàng. Còn phần cán ngắn khiến nó mau nóng tay. Miền Nam thì sẽ tuyệt đối chia làm ba loại: món mặn ăn bằng muỗng cán dài, lòng muỗng thuôn nhỏ dễ đưa vào miệng. Cà phê hay chè đá, sinh tố, trái cây dầm... các món lạnh ngọt ăn bằng muỗng cà phê cán dài, miệng nhỏ, có thể kèm một cây khuấy. Chè nóng ăn bằng muỗng nhỏ xíu, cán ngắn, chén chè cầm lọt lòng bàn tay. Thực khách ăn từng muỗng nhỏ, nhấm nháp từng hột đậu, và vì nó nhỏ nên thường ai cũng ăn ít nhất vài chén để nếm nhiều loại.
Chén chè bưởi ở cái quán rất đẹp trong khu phố cổ kia, tôi ăn mệt nghỉ. Hỏi sao bày chén to và múc nhiều vậy, cô nhân viên nói ở đây phải thế chị ơi. Múc chén nhỏ, ít như trong miền Nam, họ chê bán đắt.
Chắc không phải vậy, tôi nghĩ. Chén chè nhỏ thì giá nhỏ, ăn hai chén cộng lại cũng bằng bán một chén to đùng, mà vì to đùng nên ít ai dùng nó để tráng miệng sau bữa chính. Ít nhất cũng trong mấy tuần tôi thường xuyên ăn ở quán này thì không thấy ai cả. Còn tại buffet trong các khách sạn lớn, tuy vẫn ở Hà Nội nhưng người ta vẫn nhiệt tình ăn nhiều chén chè nhỏ nhỏ nhiều loại lắm.
Vậy có lẽ nó không phải thói quen, hay “văn hóa” của thực khách Hà Nội (hay miền Bắc), mà là thói quen của người làm dịch vụ ăn uống ở đây mất rồi.
Một thói quen khác khiến thực khách sợ, là tại các quán ăn nhỏ, nhân viên vẫn hay bưng thức ăn cho khách bằng một tay. Để cho chặt, họ xòe bàn tay ra, bốn ngón giữ dưới đáy tô, ngón tay cái thì bấm hẳn vào mặt trong của tô hay đĩa. Người Bắc lại hay múc thức ăn đầy ắp, nên rất thường xuyên ngón tay cái nhúng hẳn vô nước dùng trong tô.
Hình minh hoạ.
Hình minh hoạ. Photo: RFA


“Thế là chết chàng trai xứ lạ

Đâu chết người gái nhỏ bưng tô”
Kỷ nguyên COVID như vầy, tôi không ưng cái dịch vụ khuyến mãi ngón cái.
Trong khách sạn
Khách sạn tôi lưu trú nằm trong tâm khu phố cổ. Vị trí quá đẹp: chỉ vài trăm mét tới chợ đêm Đồng Xuân, khu phố tây Tạ Hiện, phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Nó hạng 3 sao, thiết kế, nội thất và đồ dùng trong phòng khá đẹp, trang nhã.
Nhưng tôi ở mãi đến gần 1 tuần không thấy dọn phòng. Bèn nhắc.
Người bạn đi cùng tươi cười nói câu gì đó hình như liên quan đến người nào đó. Từ hôm sau, ngày nào phòng tôi cũng được dọn, dù hầu hết thời gian tôi không có mặt trong phòng, ban đêm chỉ ngủ một mình “”riêng một góc giường”, ngoan đến nỗi cái góc chăn cài vô nệm đều không cần kéo lên.
Nhưng dọn nhiều đến như thế mà mặt lavabô bằng đá, các vòi nước vẫn nguyên dấu bắn nước, và cặn đã bám vàng ở các góc phòng tắm vẫn y nguyên. Chiếc ly thủy tinh để đựng nước đánh răng đã đục ngầu nhưng không được rửa.
Một hôm, tôi đề nghị người ta dọn lúc tôi đang có mặt trong phòng.
Lúc thay drap gối thì không có gì lớn. Quét phòng xong (không hút bụi) cô nhân viên tính đi ra. Tôi phải chỉ cái mặt lavabô và chiếc ly đựng nước đánh răng nhờ rửa. Cô bỏ cái ly trong đó tôi cắm bàn chải đánh răng và chiếc lược vô đại cái giỏ nhựa đựng mấy chai dung dịch tẩy rửa bồn và toilet. Nó đổ nghiêng, chạm vào các chai. Cô để nguyên.
Khi lau sàn toilet, đáng lẽ phải pha loãng dung dịch tẩy rửa rồi dùng khăn ướt chà thì cô đổ thẳng chai nước tẩy rửa ra không hề pha loãng rồi dùng chiếc khăn khô quẹt qua quẹt lại. Chiếc khăn bông lớn hút hết dung dịch tẩy rửa khi chưa kịp làm sạch, do vậy cô phải đổ-tôi ước là gấp bốn năm lần lượng dung dịch cần thiết, mà sàn toilet vẫn chưa đủ sạch.
Cùng cách đó, cô làm sạch mặt bồn rửa. Còn vòi nước, vách kính và vách tường phòng tắm đã bám bẩn đến nỗi nước chảy để lại từng vệt vẫn không hề được chạm tới. Tôi đoán là vì tôi không nhắc.
Tôi chưa từng trải nghiệm dịch vụ ở khách sạn như vậy. Mọi thứ trong phòng đều sẽ được làm sạch tinh tươm đến mức bóng lộn hàng ngày, khi bạn ở một khách sạn với tầm giá khoảng một triệu đồng/đêm ở bất cứ khách sạn nào phía Nam. Và cũng có thể ở các khách sạn khác phía Bắc nữa.
Và thường thì người quản lý sẽ hỏi khách có hài lòng với dịch vụ không, có cần điều gì nữa không, khi chúng tôi ở lâu đến vài tuần và còn rủ thêm bạn bè đến.



Nhưng cũng có thể vì cô phục vụ phòng nơi tôi lưu trú là một người đặc biệt.
Người bồi phòng bị giật nợ 6,5 tỷ
Cô kể cô vốn làm nghề “buôn tiền” (cho vay nặng lãi) ở một tỉnh gần Hà Nội. Nhưng vì tin bạn bè nên cô bị vỡ nợ, bị người ta giựt nợ đến 6,5 tỷ đồng. Nên hết tiền, phải đi làm nghề này.
“Nhiều đêm nằm không ngủ được. Nước mắt cứ chảy ra. Đã thế thằng chồng em nó còn nhiếc móc suốt. Bảo mày ngu đem tiền cho người ta ăn, đang sướng giờ phải đi hầu hạ người ta.
Lương thì thấp, mỗi 5 triệu, còn phải tự lo ăn. Phòng ở thì không có điều hòa đâu. Em chán lắm ý. Bên kia đang gọi em sang làm, lương 7 triệu rưởi, nhiều phòng hơn, không nghỉ thứ bảy chủ nhật. Em đang định sang đấy”-cô kể thêm.



Cơ mà hỡi ôi, đang mùa dịch, khách sạn chẳng có mấy khách, chả có mấy phòng cho cô dọn dẹp, không phải tốn tiền thuê nhà. Lương thế cao bằng kỹ sư mới ra trường rồi, lại không bị thất nghiệp, giảm thu nhập. Sang “bên kia” lương cao hơn gấp rưỡi, việc nhiều gấp đôi, nhưng cô không thấy điều ấy. Cô chỉ thấy chủ bên mình “rắn”, ki bo với nhân viên.
Không ít người Bắc mang nặng tâm lý làm nghề dịch vụ là hèn hạ, là phải đi hầu hạ người khác. Một anh bạn tôi người Bắc vào lập nghiệp Nam từ trẻ, lập vườn, xây nhà, mua vé đón cả gia đình người cháu trai ở Bắc vào coi sóc. Gạo chú mua, nhà chú xây, đồ dùng chú mua sẵn, lương chú trả. Vợ chồng ở riêng cái vườn đó, hoa lợi thu được cháu hưởng một phần. Đặc thù cây trồng mỗi ngày chỉ cần làm khoảng 3 tiếng. Thời gian tự do còn lại nếu siêng thì trồng rau, nuôi gà nuôi heo bán cũng đủ rủng rỉnh. Thế nhưng lương cháu vẫn lãnh đều mà việc bữa đực bữa cái. Hoa lợi của chú giảm đến ba bốn phần. Đã thế, ở được hai năm, cháu đòi chú mua vé cả nhà về lại quê, dù về thì thất nghiệp trắng tay. Lý do nói ra với chú là “buồn, nhớ quê”, nhưng nguyên nhân thực sự là vì bị người thân và bạn bè khích bác “tưởng vào Nam làm vương làm tướng gì, hóa ra đi làm thuê cho chú à?”
Do vậy, họ khó yên tâm với nghề nghiệp, vui vẻ thực hành tốt các yêu cầu của nghề và tách bạch được giữa độ “sang” “hèn” của công việc với giá trị bản thân.
Nhưng một khi đã ngộ, thì với tính cần kiệm và cách sống khéo léo của người miền Bắc, họ rất chóng giàu.
Thế còn quý vị, có trải nghiệm gì với dịch vụ miền Bắc, miền Nam, xin kể nghe chơi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét