Trong thời gian gần đây, dư luận và cộng đồng mạng liên tục được nghe, được xem những phát ngôn của các lãnh đạo, từ lãnh đạo đảng, lãnh đạo nhà nước, chính phủ, tới các bộ ngành, địa phương. Những phát ngôn của lãnh đạo đều tạo ra sự giận dữ, bức xúc hoặc thành trò cười cho người dân. Điển hình, gần đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một câu như sau: “ Trước đây, sau năm 1975 một thời gian dài, người ta nói, “nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết”. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác thì “ nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam”.
Ngoài ông Thủ tướng thì còn rất nhiều các lãnh đạo khác cũng có những câu phát ngôn ngô nghê, chứng tỏ sự thiếu hiểu biết thực tế cuộc sống, thậm chí thiếu những kiến thức chuyên môn thuộc lĩnh vực những người đó đang làm nhiệm vụ lãnh đạo. Không thể kể hết được những câu phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam mà khi nhắc tới, không ai không tức giận hoặc bật cười.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao những lãnh đạo ở Việt Nam lại có những phát ngôn như vậy, tức là sự thiếu hiểu biết, thiếu thực tế đến mức ngô nghê. Câu trả lời đầu tiên, chung nhất đó là hệ thống chính trị ở Việt Nam là một hệ thống thống trị, áp đặt, không hề xuất phát từ thực tế cuộc sống, từ nhu cầu thực sự của người dân. Những người lãnh đạo không biết, không nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân mà chỉ biết được những thông tin từ chính hệ thống cai trị của mình. Nếu hệ thống chính trị được thiết kế và vận hành dựa trên nguyện vọng, nhu cầu của người dân, nếu lãnh đạo được người dân thực sự bầu ra, họ sẽ biết sẽ nắm được thực tế và tâm tư nguyện vọng của nhân dân, và họ sẽ không bao giờ có những phát ngôn kỳ quặc như từ trên trời rơi xuống như vậy được. Như vậy, hệ thống thống trị vận hành đưa ra những thông tin của nó, khác với thực tế cuộc sống mà người dân đang thực sự nếm trải và chịu đựng. Chính vì vậy, các phát ngôn của lãnh đạo thường không ăn nhập gì với thực tế cuộc sống của người dân, dẫn tới sự phẫn nộ và hài hước của người dân khi nghe lãnh đạo phát biểu.
Thứ hai, những lãnh đạo hiện nay không hề quan tâm tới những thực tế diễn biến trong các ngành nghề, lĩnh vực mà họ đang quản lý, lãnh đạo. Chính vì không quan tâm nên họ không hề tìm hiểu, không hề muốn biết sự thực những nội dung, diễn biến, đối tượng mình đang quản lý lãnh đạo. Lý do là, sự thăng tiến, việc nắm giữ quyền lực, quyền lãnh đạo của họ không hề phụ thuộc hoặc liên quan tới hiệu quả công việc, thước đo rõ ràng chuẩn mực trong các ngành nghề, lĩnh vực đó. Sự thăng tiến, nắm giữ quyền lực của họ phụ thuộc vào những tiêu chí khác, và họ chỉ tập trung vào những tiêu chí để có thể thăng tiến và nắm giữ quyền lực cho mình mà thôi. Đó là việc quan hệ, việc kiếm tiền để mua và nuôi các mối quan hệ, xây dựng ekip, vây cánh để vượt qua các kỳ bỏ phiếu, việc đấu đá để loại bỏ đối thủ…
Thứ ba, việc sử dụng, luân chuyển cán bộ không đặt trọng tâm vào vấn đề chuyên môn mà chỉ quan tâm yêu cầu chính trị và phe cánh dẫn tới việc các lãnh đạo không có chuyên môn cũng là lý do quan trọng lãnh đạo không hiểu biết, thiếu thực tế trong ngành nghề, lĩnh vực họ quản lý, lãnh đạo. Việc cán bộ không có chuyên môn lãnh đạo các ngành nghề, lĩnh vực phổ biến ở tất cả các ngành, các cấp và các địa phương. Chỉ cần có các mối quan hệ, chỉ cần đủ tiền mua các chức danh, chỉ cần tốt nghiệp chính trị cao cấp là ai cũng có thể lãnh đạo bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào.
Có nhiều người đặt vấn đề, tại sao với những người thiếu kiến thức, ngu dốt như vậy lại làm lãnh đạo, lại thống trị nhân dân Việt Nam không hề thiếu người tài giỏi? Câu trả lời là hệ thống toàn trị mà đảng cộng sản đã áp đặt từ năm 1945 ở miền Bắc và 1975 trên phạm vi cả nước. Nếu chưa hiểu được về hệ thống toàn trị thì không bao giờ chúng ta lý giải nổi câu hỏi vừa nêu ra. Hệ thống toàn trị đã tạo ra một bộ máy khổng lồ, nghiền nát tất cả những sự phản kháng của người dân, phát hiện và vô hiệu hóa các liên hệ, kết hợp của người dân. Toàn bộ hệ thống này chỉ có mục đích duy nhất là duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng, khai thác tài nguyên đất nước và bóc lột nhân dân để tồn tại. Phương pháp để áp đặt sự thống trị là khủng bố, bạo lực và dối trá. Giai đoạn duy trì sự thống trị sau này, khủng bố và bạo lực giảm bớt thì thủ đoạn và dối trá được dùng như cẩm nang đối phó với nhân dân. Với phương thức duy trì sự thống trị của đảng như vậy, những người có năng lực, đạo đức đều không thể tồn tại trong môi trường cộng sản. Thay vào đó là những kẻ tham lam, ngu dốt nhưng lại nhiều thủ đoạn và tàn ác. Đó chính là căn nguyên dẫn tới việc những lãnh đạo không đủ tâm, đủ tầm vận hành trong một bộ máy thống trị người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét