Hồi-ký BÌNH-NGUYÊN LỘC
Tôi đang bóp trán để nhớ một tích xưa chuyện cũ hầu viết bài cho mục báo nầy thì một người mặc áo dài bằng xuyến Bắc đến trao cho tôi một bì thơ, không đề tên ai và không niêm phong.
Tôi mở thơ ra xem thì ra đó là thiệp mời cúng Kỳ-Yên của đình làng Nhơn-Hòa.
Các bạn có biết làng Nhơn-Hòa ở đâu không? Đó là một vùng chạy dài từ Cầu Ông Lãnh đến Cầu Kho, và cái đình ấy đã bị biến thành rạp hát từ trên 50 năm rồi, rạp Cầu Muối. Làng đã mất-tích, vậy mà ban cúng cầu-an, cứ còn tồn-tại thì đủ biết cái đình đã ăn sâu vào tâm-não của dân ta đến như thế nào và chắc-chắn việc thờ thành-hoàng là tôn-giáo đặc-biệt Việt-Nam, nên ta mới bám níu vào lễ cúng Kỳ-Yên đến như thế.
Theo tài-liệu của Trương-Vĩnh-Ký thì cuộc đất mà nay là thành-phố Sàigòn nguyên ngày xưa là 40 làng bao quanh thành Phan-Yên tức thành Gia-Định, tương-đối rất nhỏ, nằm lối nhà thương Đồn Đất ngày nay.
Đó là bốn chục làng ngoại-ô phụ-cận của kinh-đô của trấn Nam-Kỳ mới thành-hình. Trong 40 làng ấy có hai làng rất danh-tiếng là làng Chợ Quán của Trương-Vĩnh-Ký và làng Nhơn-Hòa quê-hương của Tôn-Thọ-Tường. Trong quyển „Sàigòn năm xưa“ cụ Vương-Hồng-Sển có kể rõ các đình làng xưa còn lại, nhưng đã quên mất cái đình Nhơn-Hòa rất danh-tiếng nầy, danh-tiếng vì đó là đình làng của Tôn-Thọ-Tường, và danh-tiếng vì tánh-cách kỳ-lạ của rạp Cầu Muối (xin xem bài „Hát hai xuất“).
Đình làng của Trương-Vĩnh-Ký nay cũng còn, mà còn đến hai cái (làng nầy có 3 ấp, 3 đình) mà một là đình Tân-Kiểng, cũng đã biến thành rạp hát cá kèo từ lâu rồi.
Cầm tấm thiệp mời, tôi bâng-khuâng rất lâu mà nghĩ đến những người già-cả, họ bám níu vào một làng cổ bị thành-phố bao bọc và nuốt mất đi. Năm ba năm nữa các cụ trong ban tổ-chức ngày nay qui-tiên rồi thì không còn dấu-vết cỏn-con nào của cái làng của Tôn-Thọ-Tường nữa cả.
Cách đây 10 năm, xem lại tài-liệu cổ tôi đã đi tìm dấu nền nhà của Tôn-Thọ-Tường tại dốc Cầu Ông Lãnh. Nơi đó, lúc bấy giờ là một tiệm buôn đồ gốm Lái-Thiêu, cũng có vẻ cổ-kính lắm, nhưng di-tích Tôn-Thọ-Tường vẫn không thấy đâu.
Rồi ông Đô-trưởng dưới thời ông Diệm đuổi hiệu buôn ấy cho rộng chơn cầu thì sự mất-mát lại còn to lớn hơn. Sau ngày 1 tháng 11 năm 1963, thiên-hạ lại tràn tới chiếm nơi đó và ngày nay, chỗ ấy bẩn và hổn-loạn không thể tưởng-tượng được.
Sau khi ra đầu Tây, Tôn-Thọ-Tường đã than:
Lặng-lẽ chuông quen cơn bóng xế
Tò-te kèn lạ mặt trời chiều
Những tay rượu-thánh thơ-thần cũ
Trông cảnh bao nhiêu tiếc bấy nhiêu!
Họ Tôn tiếc bao nhiêu thì ta cũng ngậm-ngùi bấy nhiêu, mà ngậm-ngùi nhứt là khi tôi hình-dung ra các cụ trong ban tổ-chức Kỳ-Yên đình Nhơn-Hòa.
Tôi đang sống giữa làng Nhơn-Hòa, họ không biết tôi, nên không đề địa-chỉ, nhưng họ cứ mời, mời từng nhà một, cầu may có gặp bạn tri-kỷ hay là không. Thương quá!
Thưa các cụ, tôi là tri-kỷ của các cụ đây, nhưng tôi không đi dự đám cúng Kỳ-Yên là vì tôi đã đi một lần, đã thấy một con chuột cống thật bự chạy tự-do trong đình rồi chui vào lỗ của thùng đàn của một cây ghi-ta của ban nhạc đình. Tôi kinh-sợ quá nên không dự nữa.
Nhưng tôi nằm nhà mà cứ là tri-kỷ của các cụ hơn bất-kỳ ai, bởi vì tôi đã biết một thành-phố Sàigòn mấy mươi năm từ trước, đã hơi-hơi nhớ thành-phố ấy, nên rất cảm-thông với các cụ là những người đã nhớ một Sàigòn xưa hơn, đã nhớ một làng Nhơn-Hòa chứa-chấp ngôi nhà của Tôn-Thọ-Tường, khít vách một ngôi nhà khác danh-tiếng hơn nhiều: đó là dinh của đại-sứ Việt-Nam Nguyễn-Thành-Ý, người đại-diện cho triều-đình ta bên cạnh kẻ xâm-lăng, thuở mà Huế còn chủ-quyền, chỉ mới mất Sàigòn thôi.
www.binhnguyenloc.de/pages/TruyenNgan/ThoiThe/BotXaBong/T...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét