The Economist nhận định, luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt tại Hồng Kông là một trong những vụ tấn công quy mô nhất vào một xã hội dân chủ, kể từ sau Đệ nhị Thế chiến.
Sau thời gian dài phong tỏa, tuần báo L’Obs dành trọn kỳ này cho một « Nước Pháp vừa được tìm lại », giới thiệu những điểm đặc sắc của nhiều vùng miền. L’Express đăng ảnh tổng thống Emmanuel Macron, chạy tựa « Tám công trình để nâng dậy nước Pháp » sau cuộc bầu cử địa phương vừa qua, Le Point nói về « Những chú hề sinh thái và những chuyên gia » trước sự thắng thế của đảng Xanh. Hồ sơ của Courrier International tập trung cho chủ đề « Chống phân biệt chủng tộc ». Về châu Á, Hồng Kông là đề tài chính được nhiều tuần báo chú ý.
Luật an ninh, « quà sinh nhật » tẩm độc giết chết tự do của Hồng Kông
The Economist nhận định, chính quyền Trung Quốc gieo rắc sợ hãi tại Hồng Kông, phong trào biểu tình trong năm qua đã khiến đảng Cộng Sản Trung Quốc mất kiên nhẫn và tự mình hành động. Đây là một trong những vụ tấn công quy mô nhất vào một xã hội dân chủ, kể từ sau Đệ nhị Thế chiến.
Cú sốc đầu tiên diễn ra vào tháng Năm, khi Bắc Kinh loan báo ý định áp đặt luật an ninh quốc gia. Đạo luật được soạn thảo trong bí mật, ngay cả trưởng đặc khu Hồng Kông cũng không biết nội dung.Ngày 30/06 Quốc hội Trung Quốc thông qua, và dự luật 18 trang có hiệu lực ngay vào nửa đêm hôm đó, khắc nghiệt hơn cả những gì mà các nhà phân tích bi quan nhất có thể dự đoán.
Làm hư hại, vẽ bậy trong giao thông công cộng nay có thể bị coi là « khủng bố » ; xông vào Quốc hội hay ném trứng vào văn phòng liên lạc Trung Quốc là « nổi dậy ». Cổ vũ độc lập cho Hồng Kông như một số người biểu tình vẫn làm là « ly khai », kêu gọi các nước trừng phạt Trung Quốc là « thông đồng » - các tội danh này có khung hình phạt lên đến chung thân.
Một quan chức cao cấp Trung Quốc nói rằng đó là « món quà sinh nhật » cho Hồng Kông – một từ ngữ cay độc để chỉ cú đòn mạnh nhất giáng vào tự do của đặc khu, từ khi được Anh trao trả năm 1997.
Người biểu tình Hồng Kông : « Trời tru đất diệt » đảng Cộng Sản Trung Quốc
Bắc Kinh sẽ mở thêm một « Văn phòng duy trì an ninh quốc gia » - đây là lần đầu tiên an ninh Hoa lục sang bám rễ ở Hồng Kông, lập một « Ủy ban duy trì an ninh quốc gia » có sự hiện diện của « cố vấn » từ chính quyền trung ương. Đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể gởi mật vụ của họ sang Hồng Kông để áp đặt trật tự theo ý mình. Các thẩm phán do chính quyền bổ nhiệm có thể xử kín, không cần bổi thẩm đoàn.
Đáng lo nhất là đối với những trường hợp « phức tạp » hoặc « nghiêm trọng », an ninh Trung Quốc có thể xử lý và thậm chí đưa sang Hoa lục để xét xử. Phong trào phản kháng được dấy lên trong năm qua vì lo ngại việc dẫn độ, nay với luật mới các nhà đấu tranh có thể bị bắt đưa sang Hoa lục để đối mặt với tư pháp thô bạo của Trung Quốc.
Luật này ảnh hưởng đến một loạt quyền tự do, siết lại các trường trung đại học, tổ chức xã hội, truyền thông và internet. Đạo luật còn được áp dụng cho người ở nước ngoài – có thể bị bắt khi đến Hồng Kông. Các công ty ngoại quốc ở đặc khu có thể bị trừng trị nếu trợ giúp một nước trừng phạt Trung Quốc. Việc tập hợp hàng năm để tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn như vậy có phạm luật hay không ? Đảng sẽ quyết định.
Dù cảnh sát cấm biểu tình hôm 01/07 và có nguy cơ vi phạm luật mới, hàng ngàn người vẫn can đảm tập hợp lại. Những phụ nữ đứng tuổi phân phát các áp-phích có dòng chữ « Trời tru đất diệt đảng Cộng Sản ». Cảnh sát bắt giữ 370 người, có ít nhất 10 người bị cáo buộc vi phạm luật an ninh, trong đó có một người chỉ vì cầm lá cờ độc lập.
Bắc Kinh vẫn mong muốn Hồng Kông tiếp tục thịnh vượng, nhất là thị trường chứng khoán, nhưng tương lai của đặc khu rất u ám. Chính quyền địa phương thông báo đã chi 6,29 triệu đô la cho một công ty truyền thông để quảng bá cho Hồng Kông. Đó là Consulum, một công ty đã từng cố giúp Ả Rập Xê Út cải thiện hình ảnh độc tài của mình.
Bài học cho toàn thế giới : Không thể tin lời hứa của Bắc Kinh
The Economist cho rằng cộng đồng quốc tế có thể bị sốc, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên. Sự kiện xe tăng cán lên người biểu tình ở Thiên An Môn chứng tỏ đảng Cộng Sản tiêu diệt đối lập không hề thương tiếc, bất chấp tai tiếng đối với thế giới.
Trừng phạt của phương Tây sau biển máu 1989 không làm đảng thay đổi quan điểm. Và thời đó kinh tế Trung Quốc còn thua cả Tây Ban Nha, giờ đây đã thành đại cường kinh tế, ít có khả năng Bắc Kinh lắng nghe những chỉ trích.
Nhưng phương Tây cần phải đáp trả. Anh quốc có lý khi tạo điều kiện cho người Hồng Kông sang sinh sống. Mỹ rất đúng đắn khi ra luật trừng phạt quan chức Trung Quốc, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu hợp sức với các nền dân chủ khác để chống lại âm mưu chà đạp lên nhân quyền thế giới của Bắc Kinh.
Theo tuần báo Anh, nỗi đau của Hồng Kông là bài học cho thế giới : không thể tin vào lời hứa của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Cần phải cảnh giác cao độ trước sức mạnh đang lên của Bắc Kinh, đặc biệt là ảnh hưởng đối với Đài Loan. Trung Quốc đã chứng tỏ rằng phải sợ hãi đảng Cộng Sản thay vì ngưỡng mộ.
Quốc tế đã để yên cho Trung Quốc bóp nghẹt Hồng Kông
L’Express trong bài « Thế giới đã để cho Bắc Kinh bóp nghẹt tự do của Hồng Kông » dẫn lời kêu cứu của nhà hoạt động trẻ tuổi Hoàng Chi Phong : « Nếu tôi không thể nói lên tiếng nói của mình, tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ gia tăng nỗ lực cụ thể để bảo vệ chút ít tự do còn lại ở Hồng Kông ».
Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo hạn chế cấp visa cho những quan chức Trung Quốc tuy không nêu tên cụ thể, chấm dứt bán thiết bị quốc phòng cho Hồng Kông. Thủ tướng Boris Johnson đề nghị cho phép gần 3 triệu người Hồng Kông cư trú và làm việc tại Anh quốc. Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ « quan ngại sâu sắc », nhưng không dự kiến biện pháp trừng phạt nào, trong lúc châu Âu tìm kiếm một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc.
Tờ báo cho rằng, khi phản ứng một cách yếu ớt và mỗi người một kiểu, phương Tây đã phạm sai lầm. Đối mặt với Trung Quốc, chỉ có một mặt trận quốc tế đoàn kết và kiên quyết mới có thể hiệu quả. Nếu không, các nền dân chủ sẽ nhìn thấy các giá trị của mình thụt lùi, nhường chỗ cho quan điểm toàn trị. Và cũng chẳng được xâm nhập thị trường Trung Quốc nhiều hơn.
Hồng Kông đã bị Bắc Kinh « ăn tươi nuốt sống »
Nhà nghiên cứu Marc Julienne, Trung tâm Châu Á của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) khi trả lời phỏng vấn tuần san L’Obs cũng nhìn nhận Trung Quốc đã đi xa hơn hẳn mọi ước đoán.
Luật an ninh quốc gia không phải chỉ gặm nhấm quyền tự trị, mà Hồng Kông đã bị ăn tươi nuốt sống ! Ông ngạc nhiên với cách soạn thảo : không chút tế nhị mà vô cùng cứng rắn. Nhất là nó còn được áp dụng cho người ngoại quốc và ở bên ngoài Hồng Kông. Điều nghiêm trọng là một người nước ngoài bị điều tra, có thể bị bắt khi quá cảnh Hồng Kông.
Vì sao Trung Quốc lại tăng tốc như vậy ? Luật này là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh hoàn toàn không sợ bị trả đũa, cũng như không sợ hình ảnh Trung Quốc xấu đi trên trường quốc tế. Vấn đề là phải theo dõi xem áp dụng luật đến mức nào, các cơ quan mới thành lập hoạt động ra sao.
Kịch bản tệ hại nhất là trong hai tháng tới, chế độ Bắc Kinh quyết định cấm các đảng, các hiệp hội dân chủ, thậm chí có thể bắt giam tất cả những ai đăng thông tin ủng hộ dân chủ lên mạng xã hội. Luật an ninh dành cho Hồng Kông còn là dấu hiệu răn đe đối với Đài Loan, một nền dân chủ khác, luôn là trung tâm tham vọng của Trung Quốc.
Tàu đánh cá Trung Quốc càn quét biển châu Phi
Trên lãnh vực môi trường, Courrier International tố cáo « Các tàu đánh cá kiêm nhà máy chế biến của Trung Quốc khai thác cạn kiệt vùng biển châu Phi ».
Tuần báo dịch bài viết của báo Anh The Spectator cho biết, đội tàu đánh cá ngoài khơi xa của Trung Quốc đông đảo hơn chúng ta nghĩ, thậm chí gấp bốn lần số lượng mà Bắc Kinh ước tính. Có khoảng 17.000 chiếc tàu có thể đánh cá bên ngoài vùng biển Trung Quốc. Hầu hết sử dụng phương pháp càn quét, hủy hoại sinh vật biển từ đông nam Thái Bình Dương cho đến tây nam Đại Tây Dương, nhất là tại Ghana.
Hầu như tất cả các tàu đánh cá ở Ghana đều của Trung Quốc, trong khi có trên 2 triệu người dân Ghana sống nhờ nghề cá. Theo báo cáo của Overseas Development Institute, thu nhập của ngư dân Ghana đã bị giảm mất 40%. Chín quốc gia duyên hải châu Phi có cùng số phận : 78% tàu đánh cá nước ngoài hành nghề trên vùng biển của họ đến từ Trung Quốc, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, và thu nhập từ các tàu cá nước ngoài mà 9 nước này được hưởng chưa đầy 4%.
Việt Nam : Nở rộ ATM gạo giúp người nghèo thời dịch bệnh
Liên quan đến Việt Nam, The Economist ghi nhận « Trong lúc dịch Covid-19 làm phương hại đến kinh tế Việt Nam, hoạt động từ thiện của tư nhân nở rộ ».
Tác giả tỏ ra rất ấn tượng trước những « ATM gạo » mọc lên tại nhiều thành phố, nơi người nghèo có thể đến nhận gạo trong thời dịch bệnh. Cuối tháng Năm, một tập đoàn địa ốc là CEN Group đã lập ra những cây ATM loại này ở Hà Nội, và khi 5 tấn gạo đầu tiên vừa hết, chương trình vẫn được tiếp tục nhờ đóng góp của dân chúng. Ông Phạm Thanh Hưng, phó chủ tịch tập đoàn cho biết chính quyền địa phương cũng trợ giúp bằng cách nhanh chóng cấp phép, cử người hỗ trợ, giữ trật tự. Báo chí đưa tin rộng rãi, nên có thể nghĩ rằng các quan chức cao cấp ủng hộ hoạt động này.
Nhưng sáng kiến « ATM gạo » là từ doanh nhân Hoàng Tuấn Anh ở Saigon. Anh nảy ra ý tưởng này sau khi nghe tin về một công nhân tự sát vì mất việc. Nay thì đã có một số công ty sản xuất và cung ứng cho vài chục điểm phân phát gạo từ thiện ở nhiều thành phố, mỗi người có thể nhận được 1,5 đến 2 kg gạo, đủ cho một gia đình nhỏ trong ba ngày. Một số máy phục vụ đến 2.000 người/ngày.
Việt Nam đã đẩy lùi được Covid-19 một cách ngoạn mục, không có ai bị chết vì con virus từ Vũ Hán. Tuy nhiên đại dịch đã khiến nền kinh tế chững lại, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tăng trưởng năm nay chỉ còn 2,7% thay vì 7%, và theo chính phủ thì đã có 5 triệu người bị thất nghiệp hoặc giảm thu nhập.
Một chương trình trợ giúp 62 tỉ đồng (2,6 tỉ đô la) đã được thông qua, nhưng bị than phiền là chậm áp dụng, và chưa rõ những người lao động nhập cư – chiếm đa số trong những người đến nhận gạo từ thiện – có được hưởng hay không. Đó có thể là nguyên nhân khiến chính quyền ủng hộ tư nhân làm từ thiện, điều mà trên lý thuyết thiên đường vô sản không cần đến. Tuy hiếm có các mạnh thường quân tầm cỡ, nhưng Danielle Labbé, đại học Montréal cho rằng Việt Nam là một đất nước mà các ý tưởng tốt đẹp được nhanh chóng nhân lên.
Black Live Matter, nhưng công lý nào cho người Tây Tạng ?
Cũng trên lãnh vực xã hội, Courrier International cho biết lẽ ra đã chọn một chủ đề nhẹ nhàng hơn cho mùa hè, nhưng trước tầm cỡ của phong trào chống phân biệt chủng tộc từ vụ George Floyd ở Mỹ, tuần báo kỳ này quay lại với hiện tượng đã trở thành quốc tế, và có ảnh hưởng mạnh tại Pháp.
Financial Times cho rằng tuy vậy cũng không nên quên đi những bất bình đẳng và bạo lực tại các nước khác. Dele Olojede, nhà báo người Nigeria từng đoạt giải thưởng Pulitzer, tuy chỉ trích sự kiện bi thảm trên, nhưng cho rằng hình ảnh Hoa Kỳ vẫn quyến rũ trong tâm thức mọi người. Nếu vụ George Floyd gây tai tiếng lớn như vậy, là do nước Mỹ luôn là người bảo vệ các giá trị căn bản, được thế giới mong đợi. « Khi Tập Cận Bình nhốt một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo, chẳng có làn sóng phản kháng nào nổi lên trên thế giới, đơn giản là vì không ai mong đợi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền ».
Nghệ sĩ ly khai Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) tị nạn tại Đức ủng hộ công lý cho người da đen, nhưng theo ông : « Một con người đã bị sát hại một cách thô bạo, đúng vậy, nhưng ngày hôm đó cũng như bao nhiêu ngày khác, có những người tị nạn đã chết trên biển mà không được ai cứu vớt. Phương Tây ít quan tâm đến nỗi đau của người châu Á. Trên 150 người Tây Tạng – một trong những sắc dân bị đàn áp dã man nhất trên thế giới, đã tự thiêu để phản đối chế độ Trung Quốc, nhưng có ai nổi dậy vì họ không ? ».
Ngải Vị Vị cho rằng không nên tách biệt thành những khối đấu tranh cho nữ quyền, cho người Mỹ gốc Phi…với những yêu sách khác biệt ; mà nên tương trợ lẫn nhau. Khi các quyền của một nhóm bị chà đạp, thì tất cả đều cảm thấy liên quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét