Hồi bé, học cấp 1 trường làng, đám trẻ con chúng tôi đọc trong sách tập đọc hoặc được nghe người nhớn kể về những chiến sĩ cách mạng rải truyền đơn kêu gọi dân chúng chống Pháp chống Nhật, đánh đổ phong kiến. Chỉ nghe và biết vậy thôi chứ chả biết mặt mũi tờ truyền đơn nó thế nào. Làng Trà Phương quê tôi có ông Sơn ông Hoạt đi hoạt động cách mạng, rải truyền đơn, Pháp bắt được đánh cho gần chết. Hai ông bị giam, đều trốn ra, tiếp tục hoạt động, rải truyền đơn, khi hòa bình làm bí thư, chủ tịch xã. Ông Sơn còn là người “đầu têu” khoán hộ từ năm 1967 ở vùng duyên hải, cùng thời với ông Kim Ngọc trên tỉnh Vĩnh Phúc, sau nhập với Phú Thọ thành Vĩnh Phú, sau lại tách ra thành Vĩnh Phúc, rất loằng ngoằng. Thời đổi mới, ông Kim Ngọc được giải oan, phong anh hùng. Còn ông Sơn bị khai trừ đảng, cách hết chức vụ bởi tội đi ngược con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Số phận con người, mỗi người mỗi khác, chả biết thế nào mà lần.
Tới năm 1964, máy bay Mỹ đánh ra miền Bắc, vài năm sau thì đám chúng tôi tận mắt thấy truyền đơn, thậm chí còn cầm trên tay, nhặt đem về đọc. Không phải của cách mạng rải, mà do máy bay Mỹ thả. Cứ tưởng nó chỉ ném bom, ai dè cũng biết chơi món truyền đơn.
Thường vào tầm chập tối, máy bay ầm ì mò vào vùng ven biển, những huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Từ làng tôi theo đường chim bay tới biển chưa đầy chục cây số, có khi chỉ vài cây. Chúng quẩn quanh ngoài đó, bắn pháo sáng, thả đèn dù sáng rực trời. Đứa nào nhặt được chiếc dù thì hết sẩy. Không lao sâu vào đất liền, không bỏ bom, không bắn tên lửa, chúng chỉ thả truyền đơn. Sáng hôm sau, đường làng, cánh đồng, sông kênh ao hồ, chỗ nào cũng chi chít truyền đơn. Đủ màu sắc, in rất đẹp, có cả hình ảnh sắc nét như trên họa báo. Thì cũng quanh đi quẩn lại là ca ngợi Việt Nam cộng hòa, tố cáo Bắc Việt xâm lược miền Nam, kêu gọi đừng đi lính (bộ đội), có cả cảnh chết chóc trên chiến trường. Mấy thứ truyền đơn ấy, cán bộ nhắc nhở dân chúng đừng đọc, cứ kệ mẹ nó, vài ngày mưa gió nắng nôi rồi cũng hỏng cũng rách, còn nếu chịu khó nhặt thì gom về sân ủy ban đốt.
Nhưng có thứ truyền đơn rất tai hại, là những đồng tiền giống y như tiền thật, không thể phân biệt nổi. Tiền truyền đơn phổ biến nhất là loại 10 đồng màu đỏ, tờ tiền mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ, dân gian gọi “cụ mượt” bởi tờ tiền này duy nhất có in hình bác Hồ. Có cả tiền 5 đồng màu nâu, 2 đồng màu xanh lá cây, thậm chí cả tiền 1 đồng màu hồng, tiền 5 hào màu nâu. Cứ ngoài bắc tiêu thứ tiền nào thì truyền đơn tiền có thứ ấy. Nên nhớ rằng lương tháng của nhân viên nhà nước chỉ 36 đồng, tốt nghiệp trung cấp được 48 đồng, tốt nghiệp đại học (kỹ sư, bác sĩ) được 64 đồng, vé xe lửa đi từ Hải Phòng lên Hà Nội 8 hào, bát phở có thịt lợn 5 hào, phở không người lái 2 hào, hộp thuốc đánh răng Ngọc Lan 6 hào… Sáng sớm, mò ra đồng, nhặt được vài tờ tiền là có thể… đổi đời. Đám trẻ con chúng tôi, hôm nào thấy bọn máy bay thả đèn dù, y như rằng sáng hôm sau dậy thật sớm đi… kiếm tiền. Nhiều bữa, chúng không thả tiền, chỉ có những truyền đơn kêu gọi, nhưng có hôm tiền phủ khắp cánh đồng. Chính quyền khá lo ngại sự này nên cảnh báo ráo riết, nhắc trên loa đài, riết róng trong các cuộc họp đội sản xuất hoặc hợp tác xã, rằng ai nhặt được tiền giả phải đem nộp ngay, ai cố tình tiêu tiền giả bị phát hiện sẽ phải đi tù.
Thật thà mà nói, dân ta hồi ấy quá tốt, kể cả trẻ con cũng vậy, hầu như không mấy ai dám tiêu tiền giả dù biết khó bị phát hiện (công nghệ nhận biết tiền giả thời đó rất thô sơ, chủ yếu bằng mắt và cảm tính). Hồi tôi học lớp 7 (cuối cấp 2) năm 1968 có nghe xôn xao vụ bắt được một ông bên Tiên Lãng hoặc Vĩnh Bảo gì đó, đem tiền “cụ mượt” mua mấy lần trót lọt, được trả lại (thối lại) tinh tiền thật. Quen mui bén mùi ăn mãi, nhưng đi đêm lắm có ngày gặp ma, lần cuối lại đem “cụ” ra mua đồ, bị nhân viên cửa hàng bách hóa tổng hợp nghi nghi, giữ lại kêu công an tới kiểm tra. Làm ruộng thì lấy đâu ra tiền 10 đồng mới cứng thế. Đành phải khai, bị tòa án xét xử, nhận án tù, nghe nói nặng lắm. Từ bấy, ai cũng khiếp. Mấy đứa thành phố sơ tán ở làng tôi bảo lão ấy ngu, đáng nhẽ phải vò cho tờ tiền nhăn nheo hoặc làm nó cũ đi. Nhưng nó ra vẻ thông thạo thế thôi, chứ có thách kẹo cũng không dám. Những năm ấy, đi tù đồng nghĩa với toi đời. Ăn cắp gà còn đi tù, huống hồ tiêu tiền giả.
Đến những năm thập niên 60 về sau, khi quyền lực nắm trong tay rồi thì chính quyền không dùng truyền đơn nữa mà thay vào đó bằng khẩu hiệu. Khắp các bức tường, thậm chí trên vách đá, bạt cả sườn núi, trên đỉnh tòa nhà, chỗ nào cũng có những câu mà truyền đơn xưa kia phải chuyển tải, phải cõng, như: Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Tất cả vì miền Nam ruột thịt, Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng, Mỗi người làm việc bằng hai, Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ, Không có gì quý hơn độc lập tự do… Khẩu hiệu đã ăn vào máu cả tầng lớp lãnh đạo lẫn dân chúng. Truyền đơn và khẩu hiệu, với sự hỗ trợ của cờ đỏ, của hình ảnh áp phích, đã trở thành đặc trưng nổi bật, không thể thiếu của chính quyền công nông.
Sau 1975, bẵng đi một thời gian, truyền đơn bị thất sủng, không mấy ai nhắc đến, dùng đến nữa. Cứ tưởng nó chết hẳn, nhất là khi internet phủ tới từng ngõ ngách, tới mọi gia đình, mọi cá nhân. Bây giờ, muốn biết thứ gì, cứ lên mạng, đủ món sơn hào hải vị lẫn độc hại, cần gì truyền đơn. Vậy mà không phải vậy. Vẫn có những anh cho vay nặng lãi, móc hút hầm cầu, dạy kèm, bán nhà bán đất, trung gian vay vốn, v.v.. phát huy sức mạnh của truyền đơn. Không thèm rải, không phải lén lút, cứ chờ ở ngã ba ngã tư, khi đèn đỏ, dúi vào tay người chạy xe mấy tờ truyền đơn, không nhận thì trừng mắt một cái buộc phải nhận, rồi vứt đi cũng được. Có những anh, đem truyền đơn dán chằng chịt lên cột điện, bờ tường, tạo việc làm cho đội thanh niên xung kích lâu lâu đi cạo.
Và đôi khi có vài vụ án chống thế lực thù địch, tang chứng vật chứng tưởng là thứ gì ghê gớm lắm, hóa ra vài tờ giấy nhăng nhít mà nhà chức việc gọi là tờ rơi. Trời ạ, trên mạng đầy ra kia kìa, tờ rơi mà làm được trò gì, ngoài tác dụng buộc tội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét