Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

3486 - Biển Đông: Mỹ làm gì sau tuyên bố lập trường?



Các hàng không mẫu hạm USS Nimitz (trái, trước), USS Ronald Reagan (trái, giữa) và USS Theodore Roosevelt (trái, phía sau) cùng các tàu khu trục của Nam Hàn trong cuộc tập trận Hải Quân chung trên Biển Đông hôm 12 Tháng Mười Một, 2017. (Hình minh họa: South Korean Defense Ministry via Getty Images)

Với tuyên bố lập trường của chính phủ Hoa Kỳ ngày 13 Tháng Bảy do Ngoại Trưởng Mike Pompeo công bố, bác bỏ hoàn toàn các yêu sách chủ quyền biển của Trung Quốc trên Biển Đông, coi chúng là “hoàn toàn bất hợp pháp” thì tình hình Biển Đông sẽ diễn biến như thế nào và tiếp theo Mỹ sẽ làm gì để thực thi tuyên bố đó?
Trước tiên có thể thấy rằng, lập trường của Hoa Kỳ về Biển Đông không phải là một bước chuyển mới mà chỉ là công khai hóa quan điểm từ trước tới nay của các chính phủ Mỹ là không công nhận chủ quyền biển của Trung Quốc được Bắc Kinh vẽ ra thành “đường lưỡi bò chín đoạn” bao trùm 90% diện tích Biển Đông.
Hoa Kỳ vẫn giữ lập trường “không đứng về bên nào” trong các vụ tranh chấp lãnh thổ trong vùng biển này, nhưng tán thành và bảo vệ phán quyết mà Tòa Trọng Tài Quốc Tế (Permanent Court of Arbitration, PCA) ban hành ngày 14 Tháng Bảy, 2016, theo đó cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông là không có căn bản pháp lý. Nói cách khác, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp; tuyên bố lập trường của Hoa Kỳ khẳng định lại phán quyết này; thực ra là nhắc lại một tuyên bố ủng hộ PCA mà Hoa Kỳ đã đưa ra ngay sau khi tòa PCA tuyên án năm 2016.
Điểm mới là lần này, đi kèm với tuyên bố, Hoa Kỳ đã bắt đầu có các hành động cụ thể để gửi tới Bắc Kinh một tín hiệu rằng Washington không chỉ nói mà sẽ ra tay khi cần thiết. Hành động đầu tiên và rõ ràng nhất là Hoa Kỳ đã điều động hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm tới tập trận trên Biển Đông, lần đầu tiên trong sáu năm qua. Cũng lần đầu tiên, Hải Quân Hoa Kỳ điều động tàu đổ bộ tấn công USS America và hai khu trục hạm vào vùng biển Malaysia khi Trung Quốc đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 08 tới vùng biển này, quấy rối hoạt động của tàu thăm dò West Capella của Malaysia. Ngoài ra, quân đội Mỹ đang gia tăng đáng kể tần suất các phi vụ trinh sát trên Biển Đông, thậm chí phi cơ trinh sát của Mỹ còn bay rất gần không phận tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, làm Bắc Kinh phải hết sức chú ý.
Một diễn biến mới nữa là bên cạnh hỏa lực Hải Quân hùng hậu của chính mình, Hoa Kỳ đang vận động các đồng minh tham gia tập trận và tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Úc là nước đầu tiên đã cử năm tàu khu trục tới vùng biển phía Nam Philippines tham gia tập trận với nhóm tác chiến USS Ronald Reagan của Mỹ dù trên đường đi ngang quần đảo Trường Sa nhóm chiến hạm Úc đã bị chiến hạm của Trung Quốc ngăn chặn và quấy nhiễu.
Nhật Bản cũng cử chiến hạm tham gia cùng hải quân Mỹ và Úc – và đáng chú ý là trước tần suất xâm nhập ngày càng tăng của tàu bè Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku phía Nam Nhật Bản, lực lượng phòng vệ Nhật đang gấp rút chuyển quân, bố trí lại quân đội. Trước đây Nhật Bản bố trí phần lớn binh lực và vũ khí trên đảo Hokkaido phía Bắc để đề phòng quân đội Bắc Hàn và Nga (nước có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở quần đảo Kurils) thì nay Nhật chuyển trọng tâm xuống phía Nam, tập trung ở khu vực Okinawa và các quần đảo phụ cận để canh chừng Trung Quốc và sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất ngờ trên Biển Đông – sự tồn vong của nền kinh tế Nhật Bản hoàn toàn dựa vào hải lộ huyết mạch này.
Chính phủ Úc mới đây cũng gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là bất hợp pháp, cho dù Bắc Kinh tung ra những lời đe dọa mạnh mẽ nhắm vào xuất cảng hàng hóa của Úc. Nhật Bản không ra mặt đối đầu với Trung Quốc nhưng đã lên tiếng ủng hộ tuyên bố của Hoa Kỳ về Biển Đông. Các quốc gia này, nói cho cùng, cũng chỉ muốn Bắc Kinh hành xử theo luật pháp quốc tế, làm một “cổ đông có trách nhiệm” của cộng đồng thế giới thay vì sử dụng thủ đoạn “sức mạnh là lẽ phải” như từ trước tới nay.
Có thể nói, những tín hiệu mà Hoa Kỳ và đồng minh phát đi khá mạnh mẽ và rõ ràng nhưng dường như Trung Quốc vẫn bất chấp. Mãi đến sáng Thứ Ba, 28 Tháng Bảy, Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) vẫn khăng khăng rằng: “Chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông không thay đổi.”
Trung Quốc dựa vào điều gì để có thái độ bất chấp dư luận như vậy. Nguồn gốc sâu xa có thể là do Chủ Tịch Tận Cận Bình và bộ sậu lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, đã đến lúc Trung Quốc đủ sức mạnh về quân sự và kinh tế để có thể theo đuổi chiến lược bành trướng mà phương Tây không thể cản được. Việc Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, xé bỏ thỏa thuận với Anh Quốc năm 1984, chấm dứt quy chế “một quốc gia, hai chế độ” bất chấp sự phản đối thống nhất của cộng đồng thế giới, là một ví dụ rõ nét về thái độ coi thường của Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Công cuộc canh tân Hải Quân, Không Quân, việc bồi đắp các đảo nhân tạo ở Trường Sa và quân sự hóa các quần đảo ở Biển Đông làm cho Bắc Kinh tin rằng, cán cân sức mạnh trên Biển Đông đã thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc, nhất là vào lúc Hoa Kỳ – đối thủ duy nhất có thể đè bẹp Trung Quốc – đang vướng bận với đại dịch COVID-19 cùng những vấn đề đối nội ngay trước kỳ bầu cử tổng thống.
Trung Quốc cũng tin rằng, Bắc Kinh có thể lôi kéo được các nước nhỏ về phe mình. Ngay sau tuyên bố của Ngoại Trưởng Pompeo, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện thoại cho Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi điện cho Phó Thủ Tướng Việt Nam Phạm Bình Minh để thuyết phục “Biển Đông là ngôi nhà chung của Trung Quốc và ASEAN.”
Vậy thì Trung Quốc muốn gì? Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc trước sau như một chỉ muốn biến vùng biển này thành “ao nhà” của mình, thành một bộ phận của “đế quốc hàng hải” như lời của Ngoại Trưởng Pompeo. Để đạt được mục đích đó, để hóa giải sự phản đối của các nước nhỏ, Trung Quốc đề ra nguyên tắc “đàm phán song phương” giữa Bắc Kinh và quốc gia liên quan không có sự tham gia của các nước ngoài khu vực Biển Đông như Hoa Kỳ hay Úc, bởi vì Bắc Kinh tin rằng, trong những cuộc họp kín, mặt đối mặt, Trung Quốc với quy mô kinh tế và quân sự khổng lồ, có thể đe dọa, chèn ép hoặc mua chuộc để buộc các đối thủ phải nhân nhượng. Hoa Kỳ từ lâu đã nhận ra thủ đoạn này của Trung Quốc và năm 2010, ngoại trưởng Mỹ khi ấy là bà Hillary Clinton đã tuyên bố thẳng với Ngoại Trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì rằng Hoa Kỳ là “một quốc gia Thái Bình Dương” và có quyền can dự vào mọi vấn đề của đại dương này, ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
Trở ngại của Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông hiện nay không phải là sức mạnh của quân đội Trung Quốc mà là vướng mắc trong việc xây dựng một liên minh các quốc gia liên quan để đối phó với quân đội đó. Úc, Nhật Bản, Anh Quốc và Ấn Độ đã sẵn sàng cùng Hoa Kỳ thực hiện bảo vệ tự do hàng hải, nhưng các đối tác quan trọng nhất là 10 nước ASEAN vẫn còn “đu dây,” chưa muốn đứng cùng chiến tuyến với các quốc gia tự do. Điều đó cũng dễ hiểu vì Trung Quốc tuy tham lam tàn bạo nhưng “nước xa không cứu được lửa gần” trong trường hợp hữu sự.
Bản thân ASEAN lại là một tổ chức lỏng lẻo, khó tìm được tiếng nói chung vì mỗi nước theo đuổi những lợi ích quốc gia riêng, một số nước như Lào, Cambodia, thậm chí cả Thái Lan không có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông, lại còn bị Bắc Kinh lũng đoạn nên không đứng cùng phía với các nước Biển Đông như Việt Nam, Philippines hay Malaysia. Nhưng tình hình biến động nhanh chóng, buộc ASEAN phải tỏ thái độ, và tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 tại Hà Nội tháng trước, khẳng định lấy Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) làm căn bản pháp lý để giải quyết các vụ tranh chấp trên Biển Đông đã là một bước tiến, dù còn rất khiêm tốn.
Về phần Hoa Kỳ, sau khi đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, thực hiện một số động tác gieo hy vọng cho các nước nhỏ trong khu vực, thiết nghĩ Washington cần công bố một chiến lược nhất quán và rõ ràng trong việc chống lại các hành động xâm lấn và hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước tiên, để xây dựng một trật tự dựa theo luật lệ trên Biển Đông, Thượng Viện Hoa Kỳ cần xem xét phê chuẩn UNCLOS để Hoa Kỳ trở thành một thành viên của Công Ước này, có tiếng nói bảo vệ UNCLOS và trừng phạt những kẻ “ngoài vòng pháp luật” như Trung Quốc. Thứ đến, Hoa Kỳ cần cam kết rõ ràng với các nước nhỏ rằng, sự hiện diện và hoạt động của quân đội Mỹ tại Biển Đông là bền bỉ, lâu dài và có thể tin cậy được; tránh tình trạng vẫn diễn ra từ trước đến nay là để mặc các nước nhỏ chật vật ứng phó với đội quân hùng hậu của Bắc Kinh luôn thường trực trong vùng biển của họ.
Những biến cố gần đây trên Biển Đông và tuyên bố dứt khoát của Hoa Kỳ đang góp phần làm giới cầm quyền Việt Nam phải tính lại. Đã có những tín hiệu yếu ớt cho thấy Hà Nội đang âm thầm chuẩn bị cho việc khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế vì “con giun xéo mãi cũng oằn.” Bao giờ thì đảng Cộng Sản Việt Nam trút bỏ được cái vòng kim cô ý thức hệ mà Bắc Kinh đặt trên đầu để ứng xử với Trung Quốc như một quốc gia độc lập trong cộng đồng các quốc gia dân chủ tự do thì mới có thể hy vọng giữ được vùng biển mà tổ tiên để lại. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét