Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

3467 - Báo cáo chính trị đầy khẩu hiệu không biết đâu mà lần!


“Báo cáo chán lắm, cứ ‘nâng cao, đẩy mạnh, tăng cường’, chả biết thế nào mà lần. Không đưa số liệu cụ thể vào thì không thấy rõ được thành quả. Báo cáo chính trị không chỉ để bên trên, mà mọi cán bộ, đảng viên, người dân thành phố đọc”
Đó là chia sẻ của ông Vương Đình Huệ, bí thư Thành ủy Hà Nội, tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tổ chức hôm 24 tháng 7 năm 2020.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 27 tháng 7 năm 2020, nói:
“Tôi rất đồng tình và nhận thấy nhận xét của Bí thư Thành ủy Hà Nội rất chính xác. Vấn đề này cũng đã nhiều lần được góp ý. Từ trước đến nay, thường các báo cáo chính trị hay báo cáo nói chung, thường lấy những từ như ‘đẩy mạnh’... mang tính chất hô hào, ‘cương quyết’ chống cái này cái kia, hoặc ‘ra sức’ phấn đấu... Toàn là những từ mang tính chất như hô khẩu hiệu, cho nên nó không đọng lại cho người nghe những suy nghĩ, động não để tìm giải pháp, để đưa nghị quyết hay nội dung báo cáo đó vào cuộc sống.”
Tuy nhiên, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 27 tháng 7 năm 2020, liên quan chia sẻ của ông Huệ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, cho rằng đây là một cảnh báo:
“Thật sự là ông Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói là trong báo cáo chính trị của cái đảng bộ của ông ấy, tức là Hà Nội, cho Đại hội tới nếu mà không có các chỉ tiêu cụ thể, bằng số hoặc định lượng phải đạt được, các mục tiêu gì trong khoảng thời gian nhất định... mà toàn những câu sáo rỗng như thế, thì nó không có ý nghĩa. Thực sự đấy là một cảnh báo, hay chỉ trích, để người soạn thảo báo cáo chính trị phải cụ thể hơn.”
Bí thư Thành ủy Hà Nội đưa ra tuyên bố vừa nêu cũng có thể là một cảnh báo như lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A, vì theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tổ chức Đại hội Đảng bộ thành phố vào cuối tháng 10 tới. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ báo cáo Bộ Chính trị về công tác tổ chức đại hội, bao gồm phương án nhân sự trong tháng 9 và các văn kiện. Và thông thường tại Việt Nam, cứ sắp tới Đại hội thì lại có rất nhiều kiểu tuyên truyền.
Tuy nhiên, tuyên truyền muốn vào lòng dân thì đầu tiên phải là thật, người dân phải thấy làm thật và có tác dụng thật. Còn hiện nay nếu nhìn theo khía cạnh này thì có quá nhiều hạn chế, ngay cả trong hàng ngũ đảng viên, nhiều người còn cho rằng ‘nói một đằng làm một nẻo’. Nhìn vô những vụ án chấn động gầu đây, thì cũng đủ biết người ta ‘nói một đằng làm một nẻo’ như thế nào..
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ lâu năm, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 27 tháng 7 năm 2020:
“Ổng Huệ phản ứng như vậy là tốt, nhưng vấn đề không phải ngôn ngữ, mà sau cái chuyện phản ứng như thế, thì ta cần những cách ăn nói cụ thể hơn, để người dân tin tưởng hơn... biết rằng có thể thay đổi như thế nào, có thể định lượng được... Thì cái đó ông Huệ không làm được, thấy như ông Huệ thì ai cũng thấy, người dân cũng đã mỉa mai chuyện đấy rồi. Nhưng vấn đề là thay đổi ra làm sao? Tôi không thấy ông Huệ có gì khác với những người trước.”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, ông không tin là sẽ có thay đổi nhiều sau chia sẻ của ông Huệ, phản ứng đó của ông Huệ theo ông cũng là dễ hiểu. Ông bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên thấy phản ứng như thế ở cấp cao như ông Vương Đình Huệ, nhưng thay đổi theo tuyên bố của ông Huệ là cực khó. Muốn thay đổi, cần tuyên bố như vậy ở một cấp cao hơn ông Vương Đình Huệ.
Việc tuyên truyền để lấy lòng tin của người dân chỉ được củng cố khi người dân thấy việc làm thực sự như thế nào... Còn biện pháp tuyên truyền, cũng có thể có hiệu quả vào lúc nào đó, nhưng mãi người dân thấy sự tuyên truyền ấy không phù hợp với thực tế, thì càng ngày lòng tin của người dân vào sự tuyên truyền ấy càng ít đi.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 27 tháng 7 năm 2020, liên quan chia sẻ của ông Vương Đình Huệ, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng nhận định:
“Thấy thì thấy có một chút tiến bộ, nhưng hy vọng thì không có. Tại vì cách viết những bản báo cáo với những lời sáo rỗng, với những câu ba hoa như thế thì nó đã nhiều năm lắm rồi, và đã bị những nhà phản biện vạch ra nhiều lắm rồi. Riêng theo tôi phân tích, những bản báo cáo như vậy chứa đựng nhiều điều rơm rác quá... đọc lên từng câu từng chữ nghe hay... nhưng đọc cả đoạn thì thấy vô nghĩa, và đọc cả báo cáo thì thấy dài dòng, luộm thuộm. Việc đó nó rõ ràng, bất kỳ ai có trình độ, có suy nghĩ đều thấy, nhưng các ông Bộ chính trị không thấy, hoặc thấy mà không dám nói.
Bây giờ ông Vương Đình Huệ chỉ ra điều đấy thì chứng tỏ ông có trí tuệ chứ không kém cỏi lắm, và có mạnh dạng nói ra. Nhưng nói ra như thế rồi cũng chẳng có tích sự gì cả, tại vì có cả một ban văn kiện, mà ban đấy do ông Nguyễn Phú Trọng cầm đầu. Ông Huệ nói như thế, thì đúng ra trong họp chính trị ổng phải có ý kiến trước, chứ văn kiện đã viết ra, và ông Huệ nói như thế thì chỉ chứng tỏ, ông Huệ có chút trình độ và dũng cảm nói ra. Chứ không hy vọng có thể thay đổi các văn kiện...”
Với mong muốn, về khía cạnh ngôn từ qua chia sẻ của ông Vương Đình Huệ, có thể là sự tiến bộ nào đó? Thì Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, ông không nghĩ ông Huệ có một ý tưởng gì mới, hoặc có một bước đột phá gì đấy trong đảng bộ của thành phố Hà Nội của ông ấy, chứ chưa nói đến sự thay đổi trong toàn bộ đảng cộng sản Việt Nam, mà ông ấy cũng là một ủy viên Bộ chính trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét