Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

3488 - Ý tưởng về quản lý và giải quyết nước


Các bài viết vừa qua về nước, về sông Mekong, đã trình bày những thử thách lớn sau đây: 1) Tình trạng Đồng bằng Sông Cửu Long đang bị nhiễm mặn có nguy cơ không thể cứu vãn mà chủ yếu là do các đập, và giữ nước, ở thượng nguồn; 2) Nạn sụt đất do khai thác nước ngầm ở dung tích cực lớn đã làm những địa điểm thấp có nguy cơ chìm dưới nước vào cuối thế kỷ này; 3) Nước mặn hiện nay có thể đi sâu vào sông đến 40km những khi hạn hán cùng với sự thay đổi khí hậu và hâm nóng địa cầu sẽ là thường trực, làm trầm trọng thêm vấn đề; 4) Thêm với chủ trương của Trung Quốc muốn vũ khí hóa nước và chính sách ngoại giao với các quốc gia ở hạ nguồn Mekong bằng việc xây dựng nhiều đập nước cực lớn và yểm trợ các quốc gia khác cùng làm, sau đó lại ngăn chặn phù sa chảy xuống hạ nguồn, và thi hành biện pháp giữ nước ở thượng nguồn vào mùa hạ và xả nước vào mùa mưa [1].
Tất cả các thử thách này không độc lập với nhau. Nó phụ thuộc và tương tác nhau, làm cho thử thách, đối với Việt Nam, vốn đã khó khăn, nay càng thêm khó khăn hơn.
Lãnh đạo quốc gia lẽ ra phải biết và làm những gì tốt nhất cho quốc gia mình. Đó là điều mong đợi tối thiểu và căn bản từ mọi người dân đối với chính quyền của mình. Vai trò của họ là gì, ngoài điều này? Lãnh đạo quốc gia phải biết cân nhắc và quyết đoán để chọn lấy những giải pháp khó khăn, thay vì dễ dàng, hầu để có thể mang lại kết quả lâu dài vững bền, hơn là chấp vá ngắn hạn.
Nhưng thực tế thường thì phũ phàng. Những gì tốt nhất cho quốc gia không nhất thiết tốt nhất cho giới cầm quyền. Ở nhiều nơi, không riêng gì Việt Nam. Cách quản lý và giải quyết sông Mekong trên 25 năm qua của Ủy hội Sông Mekong (MRC) cho thấy sự vô hiệu quả và bất lực của nó. Nhưng nó xẩy ra được bởi vì tất cả các thể chế chính trị tại đây đều độc tài hoặc không dân chủ.
Theo bản đánh giá mới nhất của tổ chức Freedom House, về quyền chính trị và tự do dân sự, thì trong 6 nước liên quan đến sông Mekong, ngoại trừ Thái có chỉ số 32/100, một phần tự do, thì 5 nước còn lại đều không tự do. Trung Quốc, tệ nhất, chỉ được 10 trên 100 điểm; Lào chỉ có 14/100; Việt Nam 20/100; Campuchia 25/100; Miến Điện 30/100 [2]. Ba nước được toàn điểm 100/100 đều từ Bắc Âu, bao gồm Phần Lan, Na Uy và Thuỵ Điển.
Vậy thì người Việt trong và ngoài nước có thể mong đợi gì từ chính quyền Việt Nam, và mỗi chúng ta có thể làm được gì trước hiểm họa to lớn ảnh hưởng lên đời sống của một phần năm dân số hiện nay cũng như một hệ sinh thái vô cùng quan trọng cho bao thế hệ tới?
Hơn bốn mươi lăm năm qua cũng đủ để người dân Việt Nam, nếu tìm hiểu thông tin đa chiều, thì rõ ràng thấy rằng bất cứ sự mong đợi nào từ phía chính quyền rốt cuộc cũng chỉ là sự thất vọng não nề. Người dân chỉ là thứ yếu trong các mục tiêu ưu tiên của họ. Ba mục tiêu hàng đầu của giới cầm quyền Việt Nam bấy lâu này, đi từ dưới lên trên, là phát triển kinh tế, ổn định xã hội, và duy trì quyền lực. Nếu nhìn kỹ hành động của chế độ, thì an ninh quốc gia chưa hẳn đã nằm trên ba ưu tiên này. Duy trì quyền lực bằng mọi giá, kể cả việc hy sinh phát triển kinh tế, để ổn định chính trị; kể cả việc mang tiếng nhu nhược với Trung Quốc, hèn với giặc ác với dân; kể cả việc mua quan bán chức và thông đồng với ngoại bang. Bộ ngoại giao Việt Nam cũng chỉ có tiếng nói giới hạn nào đó trong chính quyền hay quốc hội, và chỉ phục vụ các mục tiêu hàng đầu của đảng, chứ không phải lợi ích của đa số người dân.
Chúng ta còn mong đợi vào các tổ chức như MRC chăng? Như đã trình bày trong các bài qua, nó sẽ chẳng mang lại kết quả tích cực nào. Lancang-Mekong Cooperation (LMC) framework thì chỉ muốn vô hiệu hóa hay đẩy MRC sang bên lề. Sáng kiến Hạ lưu Mekong (LMI) có thêm Miến Điện, và nhất là Hoa Kỳ, tham gia tích cực với bốn nước thành viên của MRC [3]. Hoa Kỳ đang nỗ lực ủng hộ năm quốc gia này có những chính sách thích hợp hiệu quả để cùng quản lý sông Mekong ở hạ nguồn. Ngoại trưởng Mike Pompeo và các viên chức hàng đầu của Hoa Kỳ về ngoại giao đã mạnh mẽ lên tiếng phê bình các chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông và sông Mekong [4]. Vào đầu tháng Bảy vừa qua, Hoa Kỳ đã công bố sẽ mở rộng sự tham gia vào chiến lược chung của các quốc gia hạ nguồn hầu nâng tầm mục tiêu của LMI, tăng cường sức mạnh chung của nhóm. Có Hoa Kỳ đàng sau thì Trung Quốc không dễ gì bắt nạt được. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam và bốn quốc gia còn lại. Nhưng họ có muốn và có thể cam kết cùng nhau giải quyết các vấn đề tồn đọng quá lâu của sông Mekong, nhất là sự ảnh hưởng quá lớn và tai hại của Trung Quốc bấy lâu nay, thì thời gian mới trả lời được.
Điều đáng nói là sự mong đợi từ mọi tổ chức hay chính quyền, kể cả các chính quyền dân chủ, là điều không nên. Mong đợi không có gì sai, nhưng nó thụ động và thường vô hiệu, nhất là khi đối tác ù lì và vô trách nhiệm. Muốn thay đổi, người dân phải liên tục chủ động để bảo vệ quyền hạn và lợi ích của mình. Trong thể chế dân chủ, các tổ chức xã hội dân sự cũng như các cá nhân trong toàn xã hội luôn tìm cách vận động chính giới và chính quyền về mọi vấn đề liên quan đến đời sống của họ. Giáo dục, môi trường, kinh tế, thương mại cho đến thể thao, văn hóa, nghệ thuật, du lịch v.v… Mỗi cấp chính quyền, từ địa phương, tiểu bang đến liên bang, đều có sự tham gia tích cực của người dân, qua các diễn đàn khác nhau, để bày tỏ tiếng nói. Nhất là qua các phương tiện truyền thông tự do. Mỗi dân biểu hay thượng nghị sĩ đều phải thể hiện sự quan tâm của người họ đại diện, và nêu lên những quan tâm chính đáng này trong các diễn đàn quốc hội khác nhau. Tóm lại, người dân ở những nước dân chủ luôn chủ động tranh đấu cho quyền lợi của mình chứ không chờ ai cả, và họ có khả năng tự giải quyết vấn đề, và rất sáng tạo.
Trong bốn mươi lăm năm qua, chỉ có một đảng tại Việt Nam được cho phép hoạt động, trong đó tư pháp hành pháp lập pháp đều thuộc về đảng. Truyền thông hay các tổ chức xã hội dân sự lẽ ra độc lập, như thanh niên, sinh viên, công đoàn v.v… nhưng đều do đảng nắm toàn phần hoặc bán phần. Qua thời gian, mọi suy nghĩ độc lập hay tư duy phản biện khó mà hiện hữu hay phát triển. Nếu để người dân Việt Nam có tự do chọn lựa, đại đa số chắc sẽ không chọn chế độ này. Nhưng với tình trạng hiện nay, tất cả đều bất lực vì mỗi cá nhân trong đó cảm thấy nhỏ nhoi trước những vấn đề vô cùng to tát. Kết quả thì chỉ có một thiểu số rất nhỏ dấn thân hoạt động mong tạo sự thay đổi. Phần lớn hoặc không tham gia, hay chỉ biết chửi bới hoặc than trách. Chửi không thay đổi được gì, ngoại trừ làm cho người nói, và những người đồng điệu nghe, bớt cơn giận. Than thở hay than trách rồi trở thành thói quen, nhưng lại tiêu cực và nguy hiểm. Than xong rồi quên. Tưởng vấn đề được giải quyết nhưng không phải. Khi nhớ hay gặp lại tình huống tương tự thì than tiếp. Chửi và than, tới một lúc nào đó, dồn nén và bùng nổ trở thành bạo lực. Điều này cũng chẳng giải quyết được gì.
Trong các kỹ năng cần thiết nhất để giải quyết các vấn đề sông Mekong nói riêng, bao nhiêu vấn nạn khác tại Việt Nam hôm nay nói chung (nhất là nền giáo dục ảnh hưởng đến bao thế hệ hôm nay và mai sau mà tương lai của họ cho đến tương lai của đất nước phụ thuộc vào đó), thì tôi cho rằng ba kỹ năng quan trọng nhất sau đây có thể giúp được cho đất nước trên đường dài. Đó là suy nghĩ phê phán/triệt để (critical thinking), quản lý quan hệ (relationship management) và giải quyết vấn đề (problem solving).
Suy nghĩ phê phán là để phân biệt thật hay giả, trong thời đại thông tin tràn ngập và đầy tin giả. Nó giúp mọi người nhìn ra được cái gốc thay vì chỉ cái ngọn của vấn đề. Giải quyết vấn đề là kỹ năng phải có của người lãnh đạo và mọi công chức của quốc gia. Đây là kỹ năng cao nhất và cần thiết nhất cho các vấn đề của đất nước [5]. Nhưng tất cả hai kỹ năng quan trọng này sẽ không giải quyết được gì hết nếu con người không thể làm việc với nhau; nếu không biết quản lý quan hệ.
Các tổ chức và cá nhân Việt Nam trong và ngoài nước đều gặp phải vấn đề này, nên rốt cuộc suốt 45 năm qua, thay vì phát triển thì lại đổ vỡ, phần lớn chỉ vì vấn đề con người. Không hiểu tâm lý, không biết quản lý quan hệ, không biết kiềm chế hay quản lý cảm xúc của mình và người khác, nên bất đồng trở thành bất hòa, chuyện nhỏ thành chuyện lớn v.v…
Không thể chủ động thay đổi được gì khi chưa thể ngồi lại làm việc với nhau. Cái “Tôi” ai cũng lớn thì cái “Chung” để ở đâu?
Đối với vấn đề sông Mekong, 20 triệu người đang bị ảnh hưởng nặng nề, có nguy cơ tàn phá hệ sinh thái của họ hoàn toàn trong các thập niên tới.
Đây là một thử thách vô cùng to lớn cho toàn đất nước Việt Nam. Nhưng cũng là cơ hội để nhiều cá nhân và tổ chức chứng minh tài lãnh đạo và viễn kiến cho các vấn đề ở tầm quốc gia. Đây là cơ hội để các tổ chức đấu tranh chứng minh họ có khả năng thay thế đảng cầm quyền hiện nay, không phải bằng hận thù hay tranh dành quyền lực, mà vì tương lai và vận mệnh của quốc gia. Đây là cơ hội để giúp cho một phần năm dân số Việt Nam nuôi hy vọng rằng tương lai họ cũng có người quan tâm, và vẫn có những người tài đức có giải pháp thật sự cho họ, chứ không hoàn toàn bế tắc hết hy vọng.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Phú Khải, “Trung Quốc xiết cổ bằng nước”, VOA Tiếng Việt, 14 July 2020; Phạm Phú Khải, “Nhìn từ Úc: Những vấn đề an ninh quốc gia”, VOA Tiếng Việt, 17 July 2020; Phạm Phú Khải, “Nước bẩn lấy gì rửa?”, VOA Tiếng Việt, 20 July 2020; Phạm Phú Khải, “Nước, nắng và quyền lực”, VOA Tiếng Việt, 27 July 2020.
2. “Countries and Territories”, Freedom House; accessed on 25 July 2020. Trang Freedom House cho biết “Freedom House rates people’s access to political rights and civil liberties in 210 countries and territories through its annual Freedom in the World report. Individual freedoms—ranging from the right to vote to freedom of expression and equality before the law—can be affected by state or nonstate actors.”
3. “Lower Mekong Initiative FAQ's”, US Department of State; accessed on 25 July 2020.
5. Trong bài nói chuyện của Thủ tướng Úc Scott Morrison với các lãnh đạo công chức hàng đầu của Úc năm ngoái, và 150 ngàn viên chức chính phủ Úc, ông nhấn mạnh rằng trong thời đại mà mọi vấn đề đều phức tạp, giải quyết vấn đề là kỹ năng phải được đề cao để làm tiêu chuẩn của người lãnh đạo. Xin đọc bài Rod Glover and Beth Noveck, “To restore trust in government, we need to reinvent how the public service works”, The Conversation, 13 August 2019; Michell Gratton, “Grattan on Friday: Morrison can learn a lot from the public servants, but will he listen?”, The Conversation, 8 August 2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét