Kể từ khi Boulevard Charner (đại lộ Nguyễn Huệ) hình thành đến nay đã được hơn 130 tuổi. Qua bao thời gian vật đổi sao dời, hình ảnh xưa của các ngôi nhà, tiệm buôn, công sở dọc hai bên phố gần như không còn nữa. Tuy vậy, khi xem lại các hình ảnh xưa cũ của con đường rộng nhất Sài Gòn thời bấy giờ, khiến ta không ngăn được cảm xúc dâng trào và ký ức xưa bỗng hiện về làm ta lâng lâng nỗi nhớ.
Muốn tìm hiểu nhà cửa, cơ sở trên con đường nào đó cách nay trăm năm ra sao, dễ nhất là tìm xem các niên giám hoặc các quảng cáo ngày xưa từng đăng trên sách báo. Chẳng hạn, trên báo Phụ Nữ Tân Văn vào năm 1929 có đăng quảng cáo với tiêu đề: Vui thú trong gia đình. Cái vui thú trong-bóng nhứt, bền-bỉ nhứt, là cái vui thú trong gia-đình. Trong các sự giải-trí, giúp vui trong gia-đình thì không có vật gì bằng: Máy hát PATHÉ và dĩa hát PATHÉ. Máy hát đủ thứ, dĩa hát vô-tuyến điện bán tại: PATHÉ-ORIENT 10 Boulevard Charner – Saigon. Hoặc trên báo Lục Tỉnh Tân Văn năm 1916 có quảng cáo: Máy quạt dầu hôi hiệu Jost … Viết thơ mà hỏi sách có vẽ kiểu và giá cả tại Hãng Berthet, Charrière và Công ty ở đường Kinh Lấp, môn bài số 68 Sài Gòn.
Hai mẩu quảng cáo trên cho ta thấy địa chỉ của tiệm buôn máy hát và quạt máy đều ở bên số chẵn. Từ địa chỉ số chẵn này ta rút ra kết luận là các tiệm này ở bên phải đại lộ Charner và đường Kinh Lấp nếu tính từ đầu đường.
Vậy làm thế nào để biết đầu đường hay cuối đường, bên phải hay bên trái? Theo quy định đặt số nhà trên một con đường là như vầy: Số nhỏ khởi đầu là đầu đường, số chẵn bên phải số lẻ bên trái. Thế đường Kinh Lấp ở đâu trên đất Sài Gòn này? Ðường Kinh Lấp cũng là đại lộ Charner. Ở đây, ta cũng nhận biết thêm ngoài tên đường được đặt theo tiếng Pháp trên văn bản còn có tiếng Việt nữa theo cách gọi của dân chúng. Vì sao có chuyện này, như vậy chẳng hoá ra làm khó dễ cho người Pháp hoặc người từ nơi khác đến Sài Gòn hay người bưu tá làm công việc giao phát thư.
Ðường Kinh Lấp chẳng qua do người Việt mình bài Tây (được hiểu là bất hợp tác với Pháp) không dùng tiếng Pháp, dùng tiếng Việt theo cách gọi “thấy mặt đặt tên” bởi nguyên thuỷ con đường boulevard Charner là thuỷ lộ có từ thời Nguyễn Ánh cho xây dựng để ghe thuyền vận chuyển hàng hoá vào thành Gia Ðịnh. Ðến khi Pháp chiếm Sài Gòn, cho lấp đất hai bên làm hai con đường dành cho xe kiểng, thu hẹp thuỷ lộ nhỏ lại và đến năm 1880 bắt đầu cho lấp toàn bộ để mở rộng mạng lưới giao thông đường bộ, đến cuối năm 1887 thì hoàn thành. Vì vậy khi nói đến đường Kinh Lấp, người Sài Gòn, thậm chí người Pháp, họ cũng biết đó là boulevard Charner.
Từ thuở có con đường thuỷ lộ, đối diện bến sông Sài Gòn đã có chợ Bến Thành (bến sông dẫn vào thành). Ðến năm 1860, chính quyền thuộc địa ở Sài Gòn cho dời chợ Bến Thành vào phía trong trên đường (Rue Charner) phía bên trái, gọi là chợ Charner cạnh đường Vannier (Ngô Ðức Kế sau này) mà ngày nay đúng tại vị trí Kho Bạc nhà nước tại số 45. Ðến năm 1914, sau khi chợ Bến Thành mới được khánh thành, thì ngôi chợ Charner mới dẹp bỏ, thay thế tòa nhà Kho Bạc do Pháp xây.
Sau khi lấp đường thuỷ lộ ở giữa trên đại lộ Charner, rồi cho gia cố bằng đá dăm dùng xe hủ lô kéo bằng sức người để nén chặt cho mặt đường chắc chắn. Ðến năm 1890, người Pháp thiết lập một đường xe điện chạy vòng từ đường Somme (Hàm Nghi) ra đại lộ Charner để liên kết với trạm xe bến Sài Gòn ngay phía trước toà nhà của ông Wangtai (Vương Thái – một nhà tư sản người Hoa đến Sài Gòn từ cuối thập niên 1850, buôn bán xuất cảng nhiều ngành hàng) mà chính quyền đã mua lại vào năm 1882. Ðây là một ngôi nhà lớn có 3 mặt tiền, phía trước nhìn ra Bến Sài Gòn, hai bên giáp đại lộ Charner và đại lộ Somme. Kiến trúc sư A. Foulhoux được giao nghiên cứu và sửa chữa ngôi nhà này, gia cố lại thành văn phòng thuế vụ. Ðịa chỉ nhà số 1 boulevard Charner hay còn gọi Hotel des Douanes, tức Văn phòng thuế vụ.
Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Ðức Hiệp dựa trên niên giám Ðông Dương các năm 1905, 1906, 1908 và 1933. “Ðầu đường Charner về phía bên phải là số 2 Charner, trụ sở của công ty Dumarest et fils d’Indochine. Công ty có văn phòng ở Saigon và Nam Vang. Vào đầu thế kỷ 20, giám đốc công ty ở Saigon là ông Auguste Rimaud, ông cũng là một hội viên trong hội đồng quản trị trường trung học Pháp-Hoa (Lycée franco-chinois, trường Bác Ái), cũng là phó chủ tịch và sau này là chủ tịch Hội đồng Quản hạt. Công ty Dumarest et fils d’Indochine chuyên về nhập cảng các hàng như bông vải, chén đĩa, nước hoa, xe đạp, bảo hiểm”.
Ðọc thêm một số truy cứu của tác giả Nguyễn Ðức Hiệp thấy càng thú vị khi biết thêm nhiều chi tiết. “Số 8 Charner là cơ sở của công ty Speidel et Cie, của thương gia người Ðức, ông Speidel, buôn bán các hàng kim loại. Năm 1914, khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, ông Speidel và các kiều dân Ðức bị trục xuất khỏi Ðông Dương. Số 12 là trụ sở của công ty Cie de Commerce et de Navigation d’Extrême-Orient (1910) và công ty Alliatini et Cie mà sau này (1933) là trụ sở của công ty dầu hỏa Mỹ, công ty The Texas Company (China) Ltd và kế bên (số 14) là văn phòng của ông bà luật sư Marquié, ông bà luật sư Thiollier và công ty Société Bordelaise Indochinoise (SBI). Sau này (1933) số 14 đường Charner là trụ sở công ty quảng cáo Société de Publicité et d’Affichage de Cochinchine. Từ số 16 đến 30 là các cửa tiệm của người Hoa và Việt”.
Bước thêm vài chục bước nữa là số 42 (hiện nay là nhà sách Nguyễn Huệ) nơi tôi thường ghé ra đây mua sách trong những năm đi học. Phía trên là khu chung cư xây từ trước năm 1975. Ngay góc đường Charner và rue d’Ormay (thời VNCH là Nguyễn Văn Thinh, nay là Mạc Thị Bưởi) ở số 52-56 là trụ sở của báo Journal l‘Indochine française, và số 52-54 Café de Provence do bà Genon làm chủ, cạnh bên số 56-64 Hôtel de la Paix và Café de la Paix và các tiệm ăn, tiệm vải của người Việt và người Ấn dọc theo đến đường Bonard (Lê Lợi). Băng qua đường là đến khu nhà hàng khách sạn Grand Hotel des Nations hai tầng do ông André Pancrazi người Pháp sống ở đảo Corse làm chủ, nơi đây cũng là văn phòng của Hội phim ảnh Société Indochine Films & Cinémas. Ðến đầu thập niên 1950, ông Pancrazi bán lại cho công ty Lien Seng xây lại thành 6 tầng làm khu mua sắm, nhà hàng và khách sạn hiện đại hơn, hoạt động cho đến năm 1975.
Bây giờ ta băng qua đường, ghé đến vài công trình lớn bên phía đối diện, bỏ qua những dãy nhà mái ngói hai tầng làm nơi buôn bán, mà hầu hết là của người Hoa, ngoại trừ ngôi nhà số 49 mà theo sưu khảo của nhà văn Sơn Nam là Chiêu Nam lầu “tiệm tiên lầu để mà chiêu đãi người An Nam” với tầng trên làm tiệm ăn và tầng trên nữa là phòng ngủ do Nguyễn An Khương (thân phụ của ông Nguyễn An Ninh) chủ trương. Ði tiếp nữa, qua đường Huỳnh Thúc Kháng thì bắt gặp một toà nhà kiến trúc Pháp, dưới mái hiên có khắc hàng chữ Justice de Paix (Toà hoà giải).
Ngôi toà này có từ năm 1885 tại số 115. Sau khi đại lộ Charner hoàn thành, phía trước Toà hoà giải, dùng làm nơi tập hợp dân chúng (nay là công trường Ðồng hồ), chính quyền Pháp thỉnh thoảng xử trảm bêu đầu phạm nhân chính trị hay tù nhân mang tội giết người cướp của tại đây. Sau năm 1975, Toà hoà giải vẫn còn nhưng không còn chức năng làm nơi phán xử. Sau đó bị giải toả, xây cao ốc thương mại và văn phòng 22 tầng.
Ði tới phía trước qua mấy căn nhà là đến khách sạn Kim Ðô cạnh bên thương xá GMC mà tôi đã viết trong bài Thương xá Tax. Qua đường Bonard là đến khu garage sửa chữa và buôn bán xe hơi mang tên Citroen Bainer được xây dựng hồi năm 1925. Ðến đầu năm 1960, ông bà Ưng Thi hùn vốn cùng những người khác mua lại garage này, đầu tư xây dựng thành thương xá Rex, bao gồm khách sạn, phòng nhảy, thư viện và rạp chiếu bóng.
TN
(Fort Worth)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét