Bài 1: Nếu lâm nạn, liệu cách ứng phó nào tối ưu?
Tôi là ai?
Tôi là công dân Việt Nam, sống lương thiện, không “tiền án, tiền sự”, khi còn nhỏ đã vô số lần hô “muôn năm”, “tiến lên”, lớn lên nhiều lần đi bầu Quốc hội… Loại người như tôi chiếm 70 hoặc 80% số dân. Nay tôi có nguyện vọng được mọi người tư vấn để biết cách ứng phó tối ưu trước vô số trường hợp liên quan tới pháp luật, mà tôi cứ tự ý “vận vào mình”. Những tình cảnh này đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ ở xã hội ta, kể cả xảy ra với chính chúng ta. Câu hỏi là, nếu gặp phải thì nên ứng phó ra sao cho tốt đẹp nhất.
– Đối tượng để hỏi: Đó là những vị cũng là công dân VN (như tôi), cũng đang sống trong nước (như tôi), cũng chưa “tiền án, tiền sự”, cũng lương thiện (như tôi), cũng có trình độ, thu nhập, cuộc sống ngày thường như đa số dân Việt… Tóm lại, đây là 70 hoặc 80% dân số nước ta, gồm cả Hồ Duy Hải và Lê Đình Kình, khi họ chưa gặp tai họa trên trời rơi xuống.
– Hy vọng: Trước khi viết bài này, tất nhiên tôi đã trao đổi và hỏi han nhiều bạn bè quanh mình, đủ lứa tuổi, đủ thành phần… Kết quả là, họ chỉ có thể đưa ra những biện pháp chung chung, vô bổ, rất khó tin rằng sẽ mang lại hiệu quả nào đó. Đa số trả lời là “xin chịu”, mặc dù họ đã suy nghĩ đủ cách.
Do vậy, tôi đành thử hỏi cả… triệu người, liệu có hy vọng gì hơn?
– Mục tiêu: Tìm được cách xử lý tối ưu khi chính mình rơi vào các trường hợp được nêu làm ví dụ. Tức là an toàn nhất cho bản thân, ít tốn kém nhất về trí não, công sức, thời gian, tiền bạc và tuổi thọ… mà vẫn có được công bằng, công lý, lại không bị “tiền mất, tật mang, liên lụy cho gia đình“…
Vì sao tôi lo lắng vô cớ?
Đó là do tôi cứ “vận vào mình”. Ví dụ, do bị hiểu lầm mà mình phải làm việc với các đồng chí công an; hoặc do mình có lòng tốt cho bạn bè mượn nhà, nay bỗng lo mất, mà bạn chưa muốn trả lại. Kể cả trường hợp xấu nhất, ví dụ rơi vào hoàn cảnh ông Hồ Duy Hải nay đã 33 tuổi (“tạm giam” 12 năm), ông Nguyễn Thanh Chấn…
Trường hợp 1: Cho mượn đất, không thể đòi lại
Tôi hay đọc báo Dân Trí. Hôm 14-7-2020, thấy trường hợp cụ Trần Văn Khương có mảnh đất cho mượn, nay có nguy cơ… mất đứt; tôi liền gõ hai từ ‘mất đất’, để hỏi Google, nhanh như chớp, nó tuôn ra tới 115 triệu kết quả. Kinh quá. Chả lẽ tình trạng mất đất của dân ta phổ biến đến vậy?
Cụ thể, chuyện như sau: 36 năm trước, vào năm 1984, ông Trần Văn Khương (lúc đó chưa đủ 60 tuổi để gọi là cụ như hiện nay) cho một bà “cán bộ Thanh tra” (có chồng là cán bộ huyện) mượn đất làm nhà, đến nay đòi nhiều lần vẫn không trả. Đã vậy, cụ Khương – sau nhiều lần xét xử vẫn trắng tay – lại còn bị ghép vào tội “chiếm đất”. Nghĩa là “tiền mất, tật mang” như đã dự đoán ở trên.
– Trao đổi trong đám bạn bè, không ai không thốt ra được ý nào, vì… khi đọc xong bài báo, ai cũng nghẹn họng. Chỉ có một chị (rất mau nước mắt) nói rằng: Chúng nó là đảng viên, lại là cán bộ thanh tra, dân làm sao đòi nổi đất của chính mình? Và chị đưa thêm một trường hợp mới: Đòi đất cho thuê, bị “xử”… mất luôn. Cả nhóm bảo chị: Sức mấy mà chúng ta đưa ra đủ các ví dụ về “mất đất”? Nhưng làm thế nào để đòi lại đất thì chẳng ai nghĩ ra, vì chính người mất đất đã làm đủ cách, suốt mấy chục năm nay rồi.
Quý vị nào định có ý kiến, xin cứ đọc toàn bài, rồi hãy phát biểu. E rằng sẽ “nghẹn họng” không nói nên lời – như chúng tôi.
Trường hợp 2: Tình cờ biết trên đời này có đồng chí trung tá Nguyễn Việt Cường
– Nhân tiện, đọc tiếp số báo Dân Trí nói trên, ngày 14-7-2020, tôi hân hạnh biết về một đồng chí điều tra viên, đeo lon trung tá, cực giỏi nghiệp vụ.
– Đồng chí ghi biên bản hỏi cung, sau khi đương sự ký tên, ra về, đồng chí bổ sung thêm vài ý do chính đồng chí nghĩ ra, gán cho đương sự. Thế là, một phụ nữ vô tội biến thành có tội. Các từ “oan sai”, “án oan” hiện ra trong đầu.
– Báo Dân Trí gọi hành vi của vị trung tá công an là “bịa” nội dung biên bản hỏi cung, quả là cách gọi rất chính xác, nhưng từ ngữ pháp luật gọi đây là hành động làm “sai lệch hồ sơ” vụ án. Đi kèm nó sẽ là “oan sai”, “án oan”.
Lại phải hỏi Google. Với từ khóa (key word) ‘sai lệch hồ sơ’, nó cho 6,1 triệu kết quả. Với 2 chữ ‘oan sai’, nó đưa ra 14 triệu kết quả. Còn hai chữ ‘án oan’, nó tuôn 41 triệu kết quả. Hóa ra, án “trên trời” có thể rơi trúng đầu bất cứ ai.
Hầu như 100% các vụ án oan đều do cơ quan điều tra cố ý làm sai lệch hồ sơ, rồi hồ sơ được Viện KS chấp nhận (đồng lõa), và cuối cùng là chánh án cứ khăng khăng dựa vào hồ sơ mà xử. Nói thế liệu đúng được bao nhiêu phần trăm?
Nếu bản thân ta, gia đình ta, bạn bè ta rơi vào trường hợp này, làm sao chúng ta biết “bản cung” đã bị viết thêm những dòng chữ chết người? Chúng ta sẽ trông cậy vào đâu và sẽ làm gì để (như đã nói ở trên) an toàn nhất cho bản thân, ít tốn kém nhất về trí não, công sức, thời gian, tiền bạc và tuổi thọ… mà vẫn có được công bằng, công lý, lại không bị “tiền mất, tật mang“…
Trường hợp 3: Tạm giam rất lâu vẫn không xử, cũng không thả ra…
– Bà bán bún ốc gần nhà tôi sang hỏi: Cụ Từ ơi! Bị tạm giam thì bao lâu mới được ra? Hỏi lại bà vài câu, thì ra, con bà đánh lộn, sứt đầu, mẻ tai, bị tạm giam cả lũ. Bà bảo: Nộp tiền (bảo lãnh?), được tại ngoại. Nhưng bà bún ốc lại không đủ tiền.
– Tôi gõ “tạm giam” (có ngoặc kép và không có ngoặc kép) Google cho ra (tương ứng) 6,2 triệu và 70 triệu kết quả. (Giật mình: Trời đất ơi! Nước ta đang tiến lên CNXH mà “tạm giam” nhiều đến vậy thì còn ai để mà hô “muôn năm”, “tiến lên” nữa?). Liệu có nước nào đạt kỷ lục tạm giam này không?
– Đến đây, tôi có thể trả lời bà hàng xóm (nguyên văn):
Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Còn gia hạn tạm giam: a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng; b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng; c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng; d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
– Tò mò, tìm hiểu thêm vài phút, tôi bất ngờ thấy có một trường hợp “tạm giam” tới 2 năm lận. Mà đó lại là tin rất mới, ngày 9-7-2020, lại do đài VOA đưa ra thì khó có thể sai. Nếu sai, chính phủ ta kiện thì Mỹ mất mặt. Người bị tạm giam là Lê Anh Hùng, công dân nước ta, chưa bị tòa kết án về bất cứ tội gì.
Tìm hiểu tiếp, coi thử cái ông Lê Anh Hùng này bị bắt giam ngày nào. Tìm được ngay: BBC đưa tin, ngày 5 tháng 7 năm 2018 như sau: Lê Anh Hùng bị bắt tạm giam 3 tháng. Cuối cùng RFA đưa tin người này mắc bệnh tâm thần và bị đánh.
Tóm lại, khi mới bị bắt, Lê Anh Hùng chính thức bị tạm giam 3 tháng. Sau đó, bị gia hạn tạm giam (rất nhiều lần) là do điều tra chưa xong (?), hay là do mắc bệnh tâm thần trong quá trình điều tra? Toàn là tin từ “đài địch”, chẳng biết đúng hay sai, mà tại sao “đài ta” không thèm cải chính…
– Câu hỏi: Nếu chúng ta, người nhà, bạn bè… rơi vào tình cảnh này thì làm thế nào để có cách xử lý tối ưu. Tức là (như đã nói ở trên) an toàn nhất cho bản thân, ít tốn kém nhất về trí não, công sức, thời gian, tiền bạc và tuổi thọ… mà vẫn có được công bằng, công lý, lại không bị “tiền mất, tật mang“ liên lụy cho gia đình“, ví dụ, phải thăm nuôi…
– Bạn bè bàn tán rôm rả, có người đưa ra cả “quyền im lặng”. Người khác vặc lại ngay: Nó đánh mình sao lại im lặng? Phải kêu lên, gào lên, hét lên chớ! Người thứ ba vặn lại: Đã cô độc giữa các đồng chí CA, kêu gào đến tai ai? Người nữa nói thêm: Chúng ta đang yên lành, bỗng bị chẩn đoán “bệnh tâm thần”, làm thế nào để trở về làm người yên lành?
– Xin hỏi triệu vị đang là công dân nước VNXHCN: Chúng ta có thể làm gì?
Trường hợp 4: Ngày 8-5-2020 báo Dân Việt đăng lại cả loạt bài cũ
Có nguyên do. Đó là dịp vụ Hồ Duy Hải được xử giám đốc thẩm.
– Nhân dư luận xã hội đang ồn ào về vụ Hồ Duy Hải (2020), báo Dân Việt đăng lại loạt 5 bài về trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn chịu án tù chung thân, thụ án tới 10 năm mới được giải oan. Thế thì, Hồ Duy Hải bị tạm giam 12 năm có kém gì?
– Các biện pháp nghiệp vụ: Trong giai đoạn điều tra, các đồng chí công an (điều tra viên) chỉ cần 10 ngày là ông Chấn phải nhận tội, sau đó còn tiếp tục nhận tội tới 50 lần. Nghiệp vụ công an khiến một người trưởng thành, lao động chính của gia đình (như ông Chấn) cảm thấy “thà chết còn hơn sống”.
Ông Chấn nhiều lần phải tự viết ra những “bản nhận tội”, viết theo lời đọc, viết cho tới khi các đồng chí công an vừa ý mới thôi. Lại còn phải tự đọc to, đọc lưu loát để ghi âm. Sau đó, các đồng chí công an đem về tận xã cho bà Chiến (vợ ông Chấn) xem một trang bản nhận tội và nghe “một đoạn” bản ghi âm. Rồi hỏi: Đây có phải là chữ viết và giọng nói của chồng chị không? Muốn cứu chồng, chị phải đến ngay nhà nạn nhân, cúi lạy, xin tha, xin bồi thường.
Kinh chưa? Đây là cách đóng cái chốt cuối cùng vào dư luận: Chính vợ nó cũng nhận tội, lạy van… Phúc 70 đời để lại: Bà Chiến kiên quyết không làm theo.
Nói tóm lại, ngay từ khâu điều tra, các đồng chí công an “kinh nghiệm đầy mình” đã tạo một kịch bản rất hoàn hảo và bắt ông Chấn tập dượt để đóng thuần thục vai chính, kể cả việc ông phải diễn đi, diễn lại cách thức cầm dao giết người, cho tới khi… thành thạo.
– Xin hỏi: Nếu chúng ta lâm vào hoàn cảnh này thì ứng phó cách nào là tối ưu. Như trên đã nêu: Tức là an toàn nhất cho bản thân, ít tốn kém nhất về công sức, thời gian, tiền của và tuổi thọ… Thấy được sự công bằng, công lý, mà không “tiền mất, tật mang”, liên lụy gia đình…
Nếu quý vị không muốn tư vấn giúp tôi thì… thôi. Còn nếu muốn, xin đọc lại các bài cũ của Dân Việt để biết đầy đủ các biện pháp phá án điêu luyện của các đồng chí điều tra viên. Được vậy, nội dung tư vấn sẽ thêm thiết thực.
– Có người cho rằng, một khi đã cô đơn giữa đông đảo các đồng chí CA, có lẽ ông Chấn chỉ còn cách… nói. Nhưng nếu chỉ nói “tôi oan” thì có nói ngàn, vạn lần cũng vô ích. Phải nói những câu khác. Ví dụ:
– Thưa các đ/c CA, nước ta là nước XHCN được ĐCS lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và sáng suốt. Xin các đ/c đảng viên chớ để một công dân nước XNCN bị oan.
– Thưa các đ/c, CA là đảng viên tin cậy nhất của ĐCSVN, một đảng không có lợi ích nào khác, ngoài lợi ích của đất nước, của nhân dân. Xin các đ/c đừng làm oan cho một người dân nước XHCN yêu đảng hết lòng, như tôi đây…
Nói như trên liệu có được giải oan?
Vài lời cuối
Các trường hợp nêu trên chỉ là nhân đọc được thì đưa ra làm ví dụ. Tức là không điển hình. Chính do vậy, những gì “rút ra” mới trở thành rất điển hình và đặc trưng cho nền tư pháp nước nhà. Cách vận hành của nó khiến dân lành không còn cách nào đối phó, chỉ để cố giữ cái danh “lương thiện”.
Do vậy, có thể dựa vào cách vận hành phổ biến này để dự đoán diễn biến và kết quả tất yếu của những vụ án hình sự lớn đang diễn ra và sắp diễn ra. Những vụ án, trong đó tên nạn nhân trở thành tên vụ án: Vụ Hồ Duy Hải và vụ Lê Đình Kình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét