Việt Nam-chọn lựa sai và luôn lỡ tàu
Trong suốt một thời gian dài kể từ khi ra đời vào năm 1930, nắm chính quyền ở MB vào năm 1945 và độc quyền lãnh đạo trên toàn quốc từ tháng 4.1975, đảng cộng sản VN đã có rất nhiều sự chọn lựa, bước đi sai lầm. Chọn sai mô hình thể chế chính trị, chọn sai đường đi, chọn sai đồng minh, bạn bè. Sự sai lầm đó không chỉ dẫn đến cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn suốt 20 năm, cuộc chiến biên giới Việt-Trung, cuộc chiến biên giới Tây Nam…mà còn khiến VN trở thành một quốc gia thất bại về nhiều mặt như hiện tại.
Cũng đã rất nhiều lần, VN bỏ lỡ nhiều cơ hội để thay đổi, tất cả chỉ vì sự tham quyền cố vị, tầm nhìn hẹp hòi, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng, của chế độ lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, và cả sự thiếu tự tin của đảng và nhà nước cộng sản VN.
Năm nay cũng là năm kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ (1995-2020), nhưng bất chấp những nhận định đầy “tự hào, lạc quan” của báo chí nhà nước hay của một số quan chức VN, trong suốt quãng đường 25 năm ấy VN cũng chẳng đi được bao xa. Học theo Trung Cộng, VN cũng tìm cách lợi dụng cơ hội mở cửa với thế giới để làm ăn, tăng trưởng về kinh tế nhưng vẫn không muốn thay đổi một chút nào về thể chế chính trị.
Hậu quả của việc chỉ mở cửa về kinh tế mà không thay đổi mô hình thể chế chính trị đó đã khiến cho VN không thể cất cánh trở thành một quốc gia giàu mạnh, tự lực tự cường, bởi nạn tham nhũng nặng nề và những “khuyết tật” nghiêm trọng của một chế độ độc tài toàn trị không có cơ chế kiểm soát quyền lực, không có một nền pháp luật nghiêm minh là những sức cản rất lớn. Người dân không có một cuộc sống tự do, hạnh phúc, bình yên thực sự trong tâm hồn. Chế độ độc tài toàn trị ngu dân cỏn tiêu diệt lương tri, tính thiện, lẫn tài năng của con người. Đối ngoại, VN vẫn tiếp tục bị Trung Cộng o ép, bắt nạt vì không có ai là đồng minh.
Cho đến bây giờ có lẽ đảng và nhà nước cộng sản VN đã quá hiểu rõ nếu tiếp tục nhịn nhục, làm bạn với Trung Cộng thì chỉ có thiệt thòi, nguy hiểm, phải đối diện với nguy cơ mất độc lập chủ quyền, và trong tương lai, có nguy cơ bị xếp vào cùng một trục với phe Ác nếu thế giới chia phe.
Cho đến bây giờ có lẽ đảng và nhà nước cộng sản VN đã hiểu rằng Hoa Kỳ cũng không có nhu cầu can thiệp vào chuyện nội bộ, làm thay đổi thể chế chính trị của VN. Mà nếu có mất đảng, mất chế độ là do chính họ-nếu họ vẫn tiếp tục tạo ra những bất công ngang trái trong xã hội, tiếp tục đàn áp nhân dân đến một ngày người dân không chịu được, phải “tức nước vỡ bờ” mà thôi.
Con đường duy nhất đối với VN là phải thay đổi, bước đầu tiên là tìm cách thoát dần khỏi mối lệ thuộc kinh tế lẫn chính trị từ Trung Quốc, tăng cường hợp tác với các nước, tiến dần từng bước theo hướng dân chủ hóa để giải phóng đất nước khỏi mọi sự trì trệ, kìm hãm, giải phóng triệt để sức dân, đưa đất nước trở thành phồn thịnh, tự cường. Thời cơ thuận lợi từ bên ngoài đã có, còn lại, sự thay đổi chỉ có được từ cả hai phía: nhà nước và sức ép của nhân dân.
Nhiều nhà báo, nhà bình luận chính trị thế giới đã nhận xét rằng, nếu thế giới không cùng hợp tác ngăn chặn, kìm hãm Trung Cộng từ bây giờ, thì chỉ trong vòng 5-10 năm nữa thôi, sẽ là quá muộn.
Cũng như thế, với VN, nếu không thay đổi thì 5-10 năm nữa VN sẽ hoàn toàn không thể thoát khỏi Trung Cộng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét