Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

3489 - Thành Cộng Hoà


Trong bài viết Nhà thương Grall xưa nhất Sài Gòn, tôi có nhắc đến lối kiến trúc quân sự được xây dựng theo thiết kế của Trung tá J. Varaigne, Giám đốc ban thiết kế của Trung đoàn Thủy quân Lục chiến và phụ tá của ông, Đại úy AA Du Pommier.  Và cũng chính vị kiến trúc sư này cùng phụ tá vẽ ra thiết kế một công trình quân sự phòng vệ thành phố Sài Gòn khi đồ án quy hoạch Sài Gòn được khai triển từ năm 1870. Binh đoàn Bộ binh số 11 Caserne infanterie coloniale trấn thủ. Sau năm 1954, thành này được đổi tên Thành Cộng Hoà.
Thành Cộng Hoà bị phe đảo chính chiếm giữ năm 1963 (Nguồn: Manhhaiflicks)
Khi tôi đang tìm tài liệu về khu quân sự này thì nhận được điện thoại của ông Hùng Trần sống ở Round Rock, TX. Ban đầu tôi còn ngờ ngợ vì số phôn lạ, nghe ra mới biết ông là một độc giả của báo Trẻ và do một người quen của tôi cung cấp thông tin nên ông thử gọi nói chuyện. Câu chuyện qua phôn càng sôi nổi hơn khi ông nhớ lại thuở còn là một thanh niên mang cấp bậc Chuẩn uý được thuyên chuyển về Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống phủ tại Thành Cộng Hoà hồi năm 1962.
Câu chuyện diễn ra đầy ấn tượng và xúc động trong giọng điệu của ông đến đoạn Thành Cộng Hoà bị phe đảo chánh tấn công. Tiếng súng lớn súng nhỏ bắn rào rào, cổng thành thì bị đạn pháo thiết xa dập rớt. Ông làm công việc hành chánh văn thư, chưa lần nào sử dụng vũ khí ngoài chiến trường nhưng bấy giờ ông phải dùng súng để tự bảo vệ mình, bắn trả những người lính từng là bạn bè học trong trường quân sự với mình chỉ mới mấy năm trước. Thật đau lòng khi phải nồi da xáo thịt lẫn nhau! Cuộc đảo chánh thành công, Ðại tá Nguyễn Văn Thiệu đưa một Trung đội vào tiếp quản Thành Cộng Hoà.
Câu chuyện của ông khá gay cấn khi bàn về lý tưởng và chính trị. Cuối cùng ông nói ngắn gọn: “Tôi là người lính, mệnh lệnh bảo vệ Thành, tấn công phe phản loạn là trên hết”. Sau cuộc chính biến, Lữ đoàn Liên binh phòng vệ bị giải thể, ông không bị bắt xét xử mà được cho giải ngũ. Ông xin làm công chức hành chánh tại Quận 3 cho đến khi về hưu, rồi sang Mỹ do đứa con trai di tản hồi năm 1975 bảo lãnh. Ông nói: “Khi đọc những bài viết về Sài Gòn trước đây, ký ức lòng tôi như sống lại một thời trai trẻ, nhất là những gì dính líu đến đời mình”.
Thành Martin des Pallières mới được xây dựng, mặt tiền ngó ra đường Norodom (Thống Nhất) (Ảnh: Tài liệu)
Ông tiếp tục câu chuyện, không phải là những chuyện chính biến nữa. Quên nó đi, nhớ về những ngày tháng êm đềm thì tâm hồn thanh thản hơn đối với những người tuổi đời gần đất xa trời như chúng tôi. Vui với những câu chuyện Sài Gòn bình yên, với những góc phố thân thuộc, với những sinh hoạt náo nhiệt giữa Sài Gòn. Người già sống với quá khứ là vậy. Những góc đường thân thuộc nhất đối với ông vào thuở tươi đẹp trên con đường binh nghiệp ngắn ngủi, là mấy con đường quanh Thành Cộng Hoà: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Ðình Chiểu, Mạc Ðĩnh Chi, Hồng Thập Tự ngày nào.
Nghe ông nhắc, làm tôi nhớ khu vực này trong một tài liệu của Bộ Giáo dục, là hồi cuối năm 1963 được Hội đồng Quân nhân Cách mạng cho thành lập một khu đại học (bao gồm đại học Văn khoa và Dược khoa, rồi sau đó có thêm Ðại học Nông Lâm Súc và Ðài Truyền hình cũng như nối thông con đường Ðinh Tiên Hoàng và Cường Ðể nên không còn nhận ra đó là một thành trì ngày xưa). Những khối nhà của các trường đại học này nguyên thuỷ là các trại lính từ thời Pháp xây Thành Martin des Pallières, một vài cơ sở mới được xây thêm sau này vào năm 1964.
Thật ra trước khi người Pháp tiến hành xây dựng Thành Martin de Pallières thì nơi đây đã là một phần của Thành Gia Ðịnh. Trong lúc xây dựng Nhà thương Grall, người ta phát hiện ra những nền móng bằng đá của tường Thành Gia Ðịnh. Tính ra chu vi Thành rất lớn, có trung tâm Thành là khu vực Nhà thờ Ðức Bà. Sau khi chiếm Thành Gia Ðịnh, thấy Thành quá to rộng, khó phòng thủ nên Ðô đốc De Genouilly đã cho phá Thành bằng mìn, lửa cháy ngút trời, cháy cả năm vẫn còn âm ỉ.
Thành Infanterie coloniale được đổi tên từ thành Martin des Pallières vào năm 1890 (Ảnh: Tài liệu)
Người Pháp tiến hành ngay quy hoạch thành phố Sài Gòn theo dự án đề trình hồi năm 1867. Trên đề án không có cơ sở quân sự nào. Tuy vậy, đến năm 1870, Pháp cho xây dựng nhanh một doanh trại to lớn mang tên là Thành Martin des Pallières như nói ở trên do còn quá nhiều cuộc tập kích của các nhóm chống Pháp. Gạch đá, sắt thép từ Thành Gia Ðịnh được thu gom lại để xây dựng Thành mới kéo dài trong ba năm mới xong. Trung đoàn dã chiến Nam Kỳ được bố trí tại đây.
Nói đến đây, tôi đưa một tài liệu ra nói chuyện với ông Hùng để tìm hiểu xem tại sao lại có người gọi Thành Martin des Pallières là Thành Ông Dèm. Tài liệu ghi: “Năm 1890, Trung đoàn dã chiến Nam Kỳ được tổ chức lại, phân thành các Trung đoàn bộ binh hải quân (régiments d’infanterie de marine) số 9, 10 và 11. Căn cứ này được chuyển thuộc quyền sử dụng của Trung đoàn bộ binh hải quân thứ 11 (11ème régiment d’infanterie de marine – 11ème RIM). Ðến năm 1900, Trung đoàn được đổi tên thành Trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 11 (11ème régiment d’infanterie coloniale – 11ème RIC). Người bình dân bấy giờ thường gọi căn cứ của Trung đoàn này là Trại Ông-dèm hoặc Thành Ông-dèm, đọc trại từ onzième trong tiếng Pháp nghĩa là thứ 11”.
Ông Hùng cho biết: “Ðúng là vào thuở ông làm việc tại Thành Cộng Hoà, vẫn còn nghe một số ít người bình dân lớn tuổi ngoài quán nhậu, gọi là Thành Ông Dèm. Còn việc giải thích theo tài liệu tôi đưa ra, ông hoàn toàn đồng ý. “Hồi xưa người bình dân mình, nói tiếng Tây theo kiểu phát âm tiếng Việt ấy mà”.
Toà nhà của Trung đoàn 11. (Ảnh: Tài liệu)
Tôi khơi ra điều này, chẳng qua muốn tìm hiểu xem Thành Ông Dèm được người bình dân mình gọi như thế từ khi nào? Trước kia giới bình dân hay người biết tiếng Pháp hoặc anh lính trong thành đều gọi là Thành Martin ngắn gọn hay tên chính thức là Infanterie coloniale treo trên cổng thành vào năm 1900 sau khi Thành Martin des Pallières được đổi tên theo cơ cấu mới của Trung đoàn 11.
Câu chuyện tôi tìm hiểu thêm là như thế này. Hồi năm 1945 khi quân đội Nhật vào Ðông Dương, người Nhật bắt giam quân nhân trong Thành cùng các quan chức Pháp ở các nơi khác. Khi quân Anh tiến vào Sài Gòn giải giáp quân Nhật thì tù binh Pháp thuộc Trung đoàn 11 cùng với quân Anh nội công ngoại kích tái chiếm Sài Gòn. Công trạng này được xem là công lớn của Trung đoàn Bộ binh số 11 (onzième). Nên khi quân Anh rời khỏi Ðông Dương, Pháp trở lại thì người đời vẫn ca tụng lính của trại Ông Dèm. Tuy vậy đến năm 1954, người Pháp đành từ bỏ quyền lực, tại miền Nam quân đội Pháp bàn giao các phương tiện và cơ sở vật chất cho chính quyền Quốc gia Việt Nam. Tổng thống Ngô Ðình Diệm giữ nguyên hiện trạng của trại Ông Dèm đổi tên thành Thành Cộng Hoà.
Thành gồm ba khối nhà chính, hai khối nằm ngay mặt tiền đường Thống Nhất (Lê Duẩn) ngày nay vẫn còn, một khối khác nằm trong trường Ðại học Văn khoa (nay là ÐH Khoa học Xã hội & Nhân văn) và một khu nhà ăn nằm sau cùng. Tuy nhiên, sau khi thành lập khu đại học năm 1963 theo đề án của Bộ Quốc gia Giáo Dục, công trình cất thêm vài cơ sở mới. Khu nhà ăn được xây dựng lại thành Ðài Truyền Hình hoạt động đến ngày nay.
Thành Cộng Hoà không còn nữa nhưng trong lịch sử Thành đã chứng kiến bao cảnh  tang thương từ lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viện cho đến các cuộc đảo chánh liên tiếp từ năm 1960 đến 1963 của các phe quân nhân. Thời cuộc thay đổi, nhưng tôi biết hình ảnh Thành Cộng Hoà luôn nhảy nhót trong tim của anh Chuẩn uý Trần Văn Hùng ngày xưa, nay đã thành ông già hơn tám mươi tuổi.
TN
(Fort Worth, TX)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét