Chính Mỹ đã tạo ra con quái vật của Frankenstein và giờ đây thế giới đang phải trả giá
hững ngày gần đây quan hệ Mỹ-Trung trở nên xấu hẳn đi, sự việc hai bên yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán của nhau tại Houston (ngày 24.7) và Thành Đô (ngày 27.7) là một trong những bước leo thang mới nhất. Không ít nhà bình luận chính trị trên các tờ báo quốc tế đã đặt ra câu hỏi liệu quan hệ giữa hai bên sẽ xuống thấp đến mức nào, hay liệu có khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới hay không.
Một điều rõ ràng hơn mà ai cũng công nhận đó là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc từ bây giờ trở đi sẽ thay đổi, như chính lời ông Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói thẳng trong bài diễn văn tại Bảo tàng Thư viện Quốc gia Richard Nixon, thành phố Yorba Linda, bang California ngày 23.7 vừa qua.
Nhiều nhà bình luận quốc tế cũng nhận xét, không phải ngẫu nhiên mà Mike Pompeo chọn Thư viện mang tên cố Tổng thống Richard Nixon để có bài phát biểu nói lên mối đe dọa của chế độ độc tài Trung Cộng đối với mọi mặt từ kinh tế, tự do, công nghệ… của Mỹ cũng như cho tương lai của các nền dân chủ tự do trên toàn thế giới.
Non nửa thế kỷ trước, Cố Tổng thống Richard Nixon là người đã thực hiện chiến lược mở cửa kinh tế đối với Trung Quốc với hy vọng rằng sự hội nhập với thế giới sẽ giúp cho chế độ độc tài toàn trị của Trung Cộng thay đổi, bởi vì “thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi” (“The world cannot be safe until China changes”, Richard M. Nixon, “Asia after Vietnam”).
Nhưng điều đó đã không xảy ra, ngược lại sau 50 năm nước Mỹ và thế giới cay đắng nhận ra Trung Cộng đã trục lợi từ sự mở cửa đó để làm giàu, ăn cắp việc làm, các phát minh, chất xám cùa Mỹ và các cường quốc phương Tây, đã đặt luật chơi cho các nước, tìm mọi cách xói mòn, phá hoại các nền dân chủ trên thế giới và giờ đây đã trở thành con quái vật của Frankenstein, như chính lo ngại của Cố Tổng thống Nixon. Chính vì vậy, chính sách của Mỹ, như Ngoại trưởng Mike Pompeo nói, phải thay đổi.
Không chỉ có Mỹ, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã nhận ra điều này. Đại dịch COVID-19, sự hung hăng của Bắc Kinh trên biển Đông, hồ sơ nhân quyền tồi tệ đối với người Duy Ngô Nhĩ, luật An ninh mạng Hong Kong, vụ đụng độ quân sự với Ấn độ tại biên giới hai nước v.v…Tất cả đã cho thấy gương mặt hung hăng, hiếu chiến, đầy tham vọng và tàn ác của chế độ độc tài Bắc Kinh.
Anh: Chính phủ Anh gần đây cũng đã có những động thái mạnh mẽ hơn với Trung Cộng, từ việc tuyên bố mở đường nhập tịch cho gần 3 triệu công dân Hong Kong, loại bỏ Huawei khỏi hệ thống phát triển mạng 5G vào năm 2027– chấm dứt 20 năm hợp tác, chính phủ Anh đang cân nhắc sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức cao cấp của chính quyền Hong Kong cũng như các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc đàn áp người Uighurs; các nhà hoạch định quân sự Anh cũng đang có kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, chiến hạm lớn nhất lịch sử hải quân Anh, đến đồn trú ở Thái Bình Dương…
Úc: Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 13.7, bác bỏ những đòi hỏi về chủ quyền hàng hải của Trung Cộng trên biển Đông, chính phủ Úc đã gửi công hàm chính thức đến Liên Hiệp Quốc vào ngày 23.7, bác bỏ hoàn toàn các tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải dựa trên UNCLOS 1982. So với tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không bác bỏ quyền đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc (và các quốc gia khác) tại quần đảo Trường Sa, công hàm của Úc còn rõ ràng, đầy đủ và đi xa hơn khi không chấp nhận tuyên bố chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa, trên các hòn đảo nhân tạo hay bất cứ đâu trên biển Đông.
Nhật Bản: Sách trắng Quốc Phòng thường niên của Nhật Bản công bố ngày 14.7, tố cáo Trung Cộng lợi dụng đại dịch đẩy mạnh các hoạt động đòi chủ quyền gần các đảo có tranh chấp ở biển Hoa Đông cũng như ở Biển Đông (Nhật và Trung Quốc có tranh chấp đối với quần đảo mà Nhật gọi là Sensaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), tố cáo Bắc Kinh “tuyên truyền” và “thông tin sai” về đại dịch COVID-19. Nhật cũng bày tỏ lo ngại rằng Bắc Kinh hiện chi tiêu cho quốc phòng gấp bốn lần Tokyo và Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài và nghiêm trọng hơn cả Triều Tiên.
Ấn độ: Sau cuộc đụng độ đẫm máu với Trung Quốc tại thung lũng Galwan ở phía tây dãy Himalaya vào ngày 15.6 khiến 20 người lính Ấn thiệt mạng và hàng chục người của hai bên bị thương, làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và tinh thần dân tộc đã dâng cao tại Ấn độ.
Canada: Mối quan hệ giữa Canada với Trung Cộng cũng xấu đi từ sau vụ Canada bắt giữ bà Mạnh Văn Chu, giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, theo yêu cầu của Mỹ vào năm 2018. Trung Quốc sau đó trả đũa bằng việc bắt giữ 2 công dân Canada với cáo buộc “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.
Gần đây Canada đã lên tiếng chỉ trích luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh vừa áp đặt ở Hong Kong, đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, đồng thời ngưng xuất khẩu các trang thiết bị quân sự nhạy cảm sang Hong Kong. Canada cũng xem xét mở rộng các diện nhập tịch cho người Hong Kong. Tất nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích Canada và đe dọa trả đũa kinh tế, những động thái này khiến cho mối quan hệ giữa hai nước càng căng thẳng.
Chưa kể các nước nhỏ yếu hơn Trung Cộng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ VN, Philippines, Đài Loan… đều bị Trung Quốc o ép, bắt nạt và luôn có thái độ cảnh giác đối với Trung Cộng.
Nói tóm lại, Trung Cộng giờ đây đang phải đối mặt với làn sóng nghi ngại hoặc thù địch ngấm ngầm từ nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Hậu quả này là do chính sách kinh tế trục lợi, chính sách ngoại giao hung hăng của Bắc Kinh.
Sự hung hăng này có lẽ do Bắc Kinh quá tự tin vào mình, và nhìn thấy một thời cơ khá thuận lợi khi Mỹ đang dần từ bỏ vai trò lãnh đạo trên thế giới, mối quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh lâu đời từ Âu sang Á bị xói mòn, khối EU cũng mạnh ai nấy lo, cộng thêm đại dịch COVID-19 khiến nước nào cũng lao đao, trong đó Mỹ là quốc gia bị nặng nhất. Nhưng khi Bắc Kinh hùng hổ hơn, thì cũng giúp cho nhiều nước tỉnh ra.
Tình hình hiện nay chưa đến nỗi như thời kỳ chiến tranh lạnh với hai phe tự do, dân chủ, tư bản chủ nghĩa do Hoa Kỳ đứng đầu chống lại phe độc tài, xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu. Nhưng nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục tham vọng của họ thì điều đó sẽ xảy ra, và lần này, như ngoại trưởng Mike Pompeo nói, thế giới phải thay đổi và buộc Trung Cộng thay đổi. If the free world doesn’t change – doesn’t change, communist China will surely change us. There can’t be a return to the past practices because they’re comfortable or because they’re convenient. (“Nếu thế giới tự do không thay đổi, Trung Quốc cộng sản chắc chắn sẽ thay đổi chúng ta. Chúng ta không thể quay lại cách thức hành động trong quá khứ chỉ vì nó thoải mái và thuận tiện”)
Không chỉ là mối đe dọa đối với mọi thể chế tự do, dân chủ và sự ổn định trên thế giới, Trung Cộng là một chế độ độc tài tàn ác. Lịch sử đảng cộng sản Trung Quốc là một lịch sử đẫm máu người dân Trung Hoa qua các phong trào Cải cách ruộng đất, Đại Nhảy Vọt, Cách mạng Văn hóa, thảm sát Thiên An Môn… cho đến những chính sách tiêu diệt văn hóa, bản sắc, tôn giáo, hành hạ, tra tấn, giết hại, “tẩy não” người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng xuyên suốt mấy chục năm qua, tra tấn, bức hại hàng chục ngàn hàng triệu học viên Pháp Luân Công v.v…So với chế độ phát xít Đức, chế độ độc tài cộng sản Trung Quốc còn tàn ác hơn gấp bội, vì nó tồn tại lâu hơn nhiều.
Trong tương lai nếu có một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra, thì đó chắc chắn phải là cuộc chiến của các nước tự do, dân chủ chống lại Trung Cộng.
Việt Nam sẽ đứng ở đâu trong hiện tại và cái tương lai ấy?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét