Một đất nước mà công an nhiều vô kể, nhà tù và tòa án cũng nhiều vô kể, án oan có mặt ở mọi ngóc ngách xã hội. Trong hình, tòa án ở Bình Thuận hôm 23 Tháng Bảy, 2018, kết án tù 10 người vì tham gia biểu tình phản đối dự luật Đặc Khu Kinh Tế hồi Tháng Sáu, 2017. (Hình minh họa: AFP via Getty Images)
Trong thời gian qua, thế giới đang nóng lên, đang trở nên hỗn loạn và bất an bởi nhiều yếu tố, trong đó, COVID-19 và vấn đề chống phân biệt chủng tộc, hay nói khác đi là cuộc nổi dậy của người da đen ở Hoa Kỳ và những biến đổi khí hậu, nguy cơ nhân họa ở Trung Quốc đã đẩy thế giới đến chỗ biến động một cách bất thường.
Và, lúc này, tại Việt Nam vẫn mọi thứ đâu vào đó, COVID-19 vẫn không làm lay chuyển đời sống người dân như các quốc gia khác, một số vấn đề chính trị bị thít chặt hơn nhằm tránh tình trạng hỗn loạn… Thế nhưng, dường như mọi thứ vẫn không có gì bảo đảm rằng Việt Nam bình yên, Việt Nam không bất an! Vì sao? Vì nhân tâm, vấn đề cuối cùng và tiên yếu của một quốc gia nằm ở nhân tâm, bởi nhân tâm là điểm hội tụ, là câu trả lời của mọi vấn đề. Nhưng vấn đề nhân tâm tại Việt Nam hiện nay ra sao?
Có thể nói rằng đất nước này không may mắn khi vấn đề nhân tâm bị mắc kẹt, bị chênh lệch và thậm chí so le giữa các thế hệ. Đương nhiên là có quá nhiều luồng nhân tâm đối lập, mâu thuẫn nhưng có ba luồng chính đã dẫn đến tình trạng hiện nay: Luồng hậu quân chủ tập quyền; luồng trí thức trẻ; và luồng Cộng Sản. Giữa ba luồng thế hệ này chưa bao giờ có tiếng nói chung và cũng chưa bao giờ tìm được một mặt bằng nhân tâm cho quốc gia.
Ở luồng thứ nhất, tức luồng hậu quân chủ tập quyền, mà người ta còn nhầm tưởng là luồng hậu phong kiến, bởi Việt Nam chưa bao giờ đạt được trình độ chính trị phong kiến, cũng chưa bao giờ có được nền chính trị phong kiến. Mọi thứ tạo ra bởi các vua chúa đều chỉ dừng ở mức quân chủ tập quyền, quyền lực tập trung vào một người, một nhóm người và quyền lợi cũng xoay quanh nhóm người đó. Những trí thức, người có công với chế độ được thâu nộp làm quan lại triều đình, được cấp đất nhưng chưa bao giờ có được sự phong tước hiệu, ban cho điền thổ một cách độc lập như các nhà nước phong kiến (nghĩa gốc của nó là phong tước và kiến địa).
Vì, giới quan lại Việt Nam trong thời quân chủ tập quyền, họ không có quyền lực độc lập trên tài sản, không có danh dự hệ tộc và cũng chưa từng bước vào đời sống quý tộc theo đúng bản chất của nó nên họ không có tinh thần và hành xử quý tộc, kể cả vua chúa cũng không có được đời sống và phong thái quí tộc. Vua dễ đầu hàng trước giặc lớn, quan dễ xu nịnh vua và dễ làm kẻ phản bội, bán nước. Cả vua và quan không lấy quốc gia, dân tộc làm mục tiêu phấn đấu mà dựa vào sự cung phụng “thiên tử” và khi thiên tử mất quyền, họ có thể dựa dẫm vào một thế lực khác, kể cả thế lực ngoại bang.
Trong trường hợp này, các trí thức thức thời, các chí sĩ sẽ bị loại ngay từ trứng nước và mọi hoạt động của họ khó mà tìm được sự đồng cảm từ các đồng môn, đồng liêu! Về phía người dân, có thể nói đại đa số người dân lao động, nông dân thời này bị mắc kẹt trong hệ quy chiếu quân chủ tập quyền và thuộc địa, họ tin vào bề trên, tức các quan lại và nhà vua, tin vào lộc của bề trên cho dù rất nhỏ. Họ cũng là một loại nô lệ của quân chủ tập quyền.
Và khi bước vào thời đại Cộng Sản, dường như thành phần hậu quân chủ tập quyền lại rất nhanh thích ứng. Họ chờ đợi vào các khoản tài trợ dù rất nhỏ từ nhà nước, từ đảng Cộng Sản, họ cũng là những người sẵn sàng tham gia đấu tố người thân khi đảng Cộng Sản yêu cầu nhằm mục đích cầu vinh, cầu tài. Điều này dẫn đến tình trạng đối lập, mâu thuẫn về mặt tư tưởng hết sức lớn giữa thế hệ hậu quân chủ tập quyền, quen với nếp sống bao cấp xã hội chủ nghĩa với thế hệ trí thức trẻ.
Các trí thức trẻ muốn bứt thoát ra khỏi thứ vòng kim cô của đảng Cộng Sản, một mặt họ lại phải luồn sâu, trèo cao vào hệ thống đảng để đảm bảo không bị chầu rìa xã hội, mặt khác họ tự giải quyết mâu thuẫn nội tại bằng cách im lặng ăn tiền. Ngoại trừ một nhóm trí thức khá ít ỏi chọn cách thế tự do, không vướng bận quyền lực nhà nước, họ sinh hoạt và trong đó có cả tham gia đấu tranh để tìm hướng đi cho dân tộc. Tuy nhiên, lực cản lớn nhất của họ chính là thế hệ trước họ, một thế hệ đã mệt mỏi, già cỗi, trông chờ vào lộc trời và lộc nhà nước. Đây là chỗ mà thế hệ trẻ khó chấp nhận nhưng lại phải chung sống để chờ thời gian xoa dịu mọi thứ. Nhưng có vẻ như càng chờ đợi thì mâu thuẫn lại càng phát triển.
Nhưng, đáng sợ hơn cả chính là thế hệ Cộng Sản và hậu Cộng Sản. Nếu như các cựu đảng viên Cộng Sản đã lùi sau bức màn lịch sử để hưởng thụ thì thế hệ sau họ không chỉ dừng ở mức thế vị, tiếp nối quyền lực của thế hệ trước mà họ vừa một mặt mở rộng địa bàn quyền lực, mặt khác tạo ra các lớp chân rết bóc lột các thành phần còn lại của dân tộc để vừa tạo nền “đế chế” quyền lực và tài chính, mặt khác nhằm dằn mặt những nhóm thái tử đảng đối phương. Và cuộc giằng co này mang đến một bầu không khí hết sức lộn xộn, bất an.
Từ việc thao túng đất đai, tạo ra những đường dây cò đất, cò dự án trong hệ thống nhà nước cho đến tạo ra một hệ thống chân rết đồ sộ trong giới xã hội đen… Và cả việc họ ẩn danh, làm đầu lĩnh các đường dây buôn bán ma túy, mua chuộc giới an ninh, công an và sử dụng dân xã hội đen như một thứ tay chân đắc lực (dụng chữ “như” bởi khi cần thiết thì dân xã hội đen trở thành con thịt của họ sớm nhất có thể!)…
Hầu hết các nhóm lợi ích, hay nói khác đi là nhóm thuộc thế hệ hậu Cộng Sản là thế lực chi phối mọi thứ trong xã hội hiện nay, mức độ chi phối của họ phát triển nhanh đến độ họ không thể quản lý, cũng có lúc họ trở thành nạn nhân của đàn em xã hội đen của chính họ. Không thiếu các vụ thanh toán, giết nhau bởi ăn chia không sòng phẳng và đám xã hội đen bên dưới trở cờ, quay sang phục vụ cho đàn anh thế lực đỏ mới có sức ảnh hưởng mạnh hơn.
Và với không khí hiện tại, nếu nhìn từ bên ngoài thì Việt Nam rất bình an, tránh được dịch COVID-19 và chính trị ổn định. Nhưng trên thực tế, việc thít chặt, bắt bớ các nhóm hoạt động dân chủ, gây sức ép với các tôn giáo và luôn tuyên bố đảng được lòng nhân dân đã cho thấy rằng sự bất an đã lan rộng trong kiến trúc thượng tầng của chính trị Việt Nam lúc này. Hiện tại, vấn đề liên minh Cộng Sản của đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đang đứng ở thế trên cát dưới bùn, chẳng biết dựa vào đàn anh nào, không chừng, đàn anh lại là kẻ chơi mình trước để thôn tính cả dân tộc.
Ngược lại, nếu dựa vào phương Tây thì đàn anh Trung Quốc lại càng có cơ hội để gây hấn. Trong khi đó, khả năng kháng cự của Việt Nam trước Trung Quốc là gần như không có, bởi hầu hết những thành phần đặc quyền đặc lợi đều là đám hèn nhát, sẵn sàng bán đứng bề trên để theo “thiên triều Trung Cộng.” Và đây là bài toán hóc búa nhất cho Việt Nam giả sử như ông Nguyễn Phú Trọng là một người ái quốc, chịu miệng tiếng do hiểu lầm lâu nay và ông muốn xây dựng Việt Nam thành một quốc gia lành mạnh, phát triển và có dân chủ trong tương lai. Bởi trở lực lớn nhất của Nguyễn Phú Trọng hiện nay không phải là chuyện bầu bán mà chuyện lợi ích nhóm và khả năng sống sót của ông sau Đại Hội 13. Mọi chuyện rất khó lường!
Và đáng sợ hơn là trong lúc tình hình thế giới, khu vực đều nóng như cái chảo lửa, Trung Quốc muốn nuốt trọn Biển Đông trong khi nội bộ của họ cũng lắm vấn đề (điều này càng thúc giục đảng Cộng Sản Trung Quốc mạnh tay, quyết tâm hơn trong việc độc chiếm Biển Đông nhằm đánh lạc hướng tâm lý nhân dân) thì tại Việt Nam, giả sử có biến, mọi chuyện sẽ xấu đi một cách khủng khiếp. Bởi ở đây không phải là cuộc đối đầu của các thế lực trong một đất nước có dân chủ, tôn trọng luật chơi dân chủ mà là cuộc đối đầu của một thế lực không có luật chơi đang có nguy cơ thương vong trước một cộng đồng cũng không có luật chơi, mọi thứ đều tự phát và không ngoại trừ các thành phần hôi của đang núp bóng dân chủ hoặc núp bóng một loại danh nghĩa văn minh, tiến bộ đào đó.
Mọi thứ trở nên rối ren, bởi ở một quốc gia cấm người dân sử dụng súng nhưng lại có rất nhiều súng trong dân, buôn ma túy bị xếp vào tội tử hình nhưng nó được mệnh danh là thủ phủ ma túy của khu vực. Một đất nước mà đảng cầm quyền luôn đưa ra các mục tiêu, chủ trương làm trong sạch hệ thống/bộ máy nhà nước nhưng lại khó có bộ máy hay hệ thống nhà nước nào tham nhũng, đục khoét, thối tha hơn nó. Một bộ máy cầm quyền luôn miệng nói về dân chủ nhưng lại bóp nghẹt dân chủ bất kỳ thời khắc nào.
Một đất nước mà công an nhiều vô kể, nhà tù và tòa án cũng nhiều vô kể, nhưng tội phạm cũng nhiều không đếm xuể và án oan có mặt ở mọi ngóc ngách xã hội. Một đất nước mà các ông nghị gật luôn làm chủ diễn đàn Quốc Hội… Một đất nước mà nhân tâm nát bét như vậy, liệu có ai đủ dũng cảm để không bất an?!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét