Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

6996 - Xem Xét Về Nền Kinh Tế Trung Quốc

Lý Thái Hùng

Daniel H. Rose bắt đầu bằng việc đánh giá Trung Quốc không những cứng đầu đi theo lối riêng, mà trong thực tế đã nhiều lần cố gắng cải cách dưới thời Tập Cận Bình, nhưng hầu như lần nào cũng bị phá vỡ và phải quay lại với những cách làm cũ – vốn không thành công. Cả số lượng và chất lượng tăng trưởng của Trung Quốc (nhìn qua những bất thường của thời kỳ đại dịch) đều xấu đi.

Và trừ khi sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc quay trở lại con đường tự do hóa kinh tế, tương lai của Trung Quốc sẽ rất khác so với bức tranh màu hồng mà Bắc Kinh đã vẽ ra.

Khi họ Tập lên cầm quyền ở Hoa Lục vào cuối năm 2012, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã chậm lại ở mức một con số và lợi tức đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng đang giảm xuống. Sau khi củng cố quyền lực vào trong tay với Ủy Ban Thường Trực Bộ Chính Trị từ 9 giảm xuống thành 7 người, họ Tập đích thân chỉ huy toàn bộ các nhóm liên quan đến soạn thảo chính sách. Liên quan đến nhóm cải cách kinh tế, Tập Cận Bình chọn Lưu Hạc (Liu He) làm người phụ tá và nhóm đã đề nghị họ Tập phải có những hành động cải cách táo bạo nếu không sẽ phải đối mặt với bẫy nợ nội bộ của chính mình.

Bắt đầu vào mùa xuân năm 2013, các nhà hoạch định chính sách đã đặt mục tiêu “giải phẩu” hệ thống tài chính vốn đang căng thẳng với các khoản nợ quá lớn đầy rủi ro. Các ngân hàng thì cho vay thế chấp tài sản ngắn hạn với lãi suất cao, nhưng lại sử dụng số tiền thu được đầu tư vào các tài sản dài hạn nhưng cũng nhiều rủi ro hơn. Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc ra biện pháp cắt đứt khả năng tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn của họ. Động thái này đã tạo ra hậu quả: Các ngân hàng đột ngột ngừng cho vay ngay, khiến lãi suất vay ngắn hạn tăng từ 2% – 3% vọt lên 20% – 30% và thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh hơn 10% khi các nhà giao dịch cố gắng tiếp cận tiền mặt thông qua bất kỳ tài sản thanh khoản nào có sẵn. Từ năm 2013 đến năm 2016, vay qua thị trường tiền tệ ngắn hạn đã tăng lên gấp bội, và bùng nổ cái gọi là cho vay trong bóng tối, với việc các ngân hàng Trung Quốc cung cấp tiền cho các tổ chức bên thứ ba, từ đó tìm kiếm lợi nhuận cao hơn bằng cách thông qua các kênh không được kiểm soát.

Cuộc khủng hoảng thị trường liên ngân hàng này chỉ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy những tác hại của nỗ lực cải cách táo bạo, sau đó là thoái lui khi những nỗ lực đó gây ra bất ổn và biến động. Sự kiện này tái diễn vào năm 2014, khi Bắc Kinh thực hiện các bước để giúp công ty Trung Quốc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Từ vốn đầu khoảng 73 tỷ USD (2013) đã tăng lên 216 tỷ USA (2016). Sự bùng nổ đầu tư ra nước ngoài đã mang lại cho Trung Quốc quyền tự hào với tư cách là một công ty toàn cầu – ví dụ như việc mua lại Anbang Insurance của Waldorf Astoria và tài trợ cho liên doanh Carnival Cruise Lines của China Investment Corporation. Nhưng khi các tài sản nước ngoài này chất đống, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc – được tích lũy trong nhiều năm nhờ thặng dư thương mại, đã giảm gần một phần tư (từ gần 4 ngàn tỷ USD xuống dưới 3 ngàn tỷ USD) khi các nhà đầu tư Trung Quốc tìm kiếm Mỹ Kim để đầu tư ra nước ngoài. Nhưng chỉ hai năm sau, 2016, Tập Cận Bình lo lắng về dòng tiền chảy ra quá nhanh nên đã quyết định ngưng hỗ trợ, và áp dụng lại các biện pháp kiểm soát vốn. Đầu tư ra nước ngoài đã bị đình trệ kể từ đó.

Họ Tập cũng cố gắng mở cửa thị trường chứng khoán để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các ngân hàng nhà nước. Mức nợ của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước là một nỗi lo thường trực, và viễn cảnh sử dụng danh sách thị trường chứng khoán để xóa nợ là không thể cưỡng lại. Vào năm 2013, Bắc Kinh đã đơn giản hóa các yêu cầu đối với những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và trong vòng một năm, 48 đợt IPO đã được hoàn thành và 28 đợt khác đã được các cơ quan quản lý xóa. Các quan chức cũng dỡ bỏ các hạn chế đối với ký quỹ giao dịch và chỉ thị cho các tờ báo viết một loạt bài khuyến khích người dân mua cổ phiếu. Nhưng những sôi động về cổ phiếu kéo dài chẳng bao lâu, đến tháng Sáu, 2015 thị trường chứng khoán đã mất một phần ba giá trị. Ngày nay, bất chấp sự mở rộng đáng kể của nền kinh tế nói chung, thị trường vẫn thấp hơn 25% so với mức cao nhất năm 2015.

Ngân hàng là một lĩnh vực khác mà ông Tập hy vọng sẽ đạt được những bước tiến. Vào tháng Mười, 2015, ngân hàng Trung Quốc đã công bố một cột mốc được mong đợi từ lâu: Tự do hóa hoàn toàn lãi suất tiền gửi ngân hàng và các khoản cho vay. Các tỷ giá này trước đây do ngân hàng trung ương quy định với sự hướng dẫn của chính phủ trung ương thường thấp hơn so với điều kiện thị trường. Hệ thống đó đã ngăn cản các ngân hàng cạnh tranh với nhau giữa người gửi tiền và người đi vay. Người gửi tiền lẽ ra phải nhận được lãi suất tiết kiệm cao hơn và người đi vay đáng lẽ phải trả lãi suất cho vay cao hơn. Điều đó có tác dụng khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước vào những ngành vốn đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng dư thừa hiệu suất và giảm sức tiêu dùng của các hộ gia đình.

Để giải quyết những vấn đề này, ngân hàng trung ương cho phép các ngân hàng cạnh tranh bằng cách cung cấp cho người gửi tiền lãi suất cao hơn 50% so với lãi suất chuẩn chính thức; mức trần trước đó chỉ là 10%. Ngay sau đó, mức trần lãi suất huy động đã được loại bỏ hoàn toàn. Nhưng, trên thực tế, các quan chức ngân hàng lo ngại rằng các ngân hàng nhỏ sẽ tạo ra sự bất ổn nếu họ cạnh tranh dựa trên các lực lượng thị trường, và vì vậy họ duy trì một số quy tắc không chính thức rằng lãi suất huy động không được cao hơn 50% so với lãi suất chuẩn. Sự kiện này cho thấy là lãi suất trên danh nghĩa đã được tự do hóa, nhưng thực chất vẫn bị kiểm soát và các ngân hàng vẫn bị hạn chế trong cách họ có thể cạnh tranh để giành được khách hàng.

Một mục tiêu khác trong chiến lược tự do hóa tài chính của họ Tập là bảo đảm việc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) công nhận đồng nhân dân tệ như đồng tiền dự trữ xứng đáng được đưa vào rổ tiền tệ mà IMF căn cứ vào quyền rút vốn đặc biệt (SDRs), một đơn vị tài khoản mà các ngân hàng trung ương sử dụng để thực hiện các giao dịch. Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc hy vọng rằng nếu đồng nhân dân tệ được quy chế này, sẽ khuyến khích các ngân hàng trung ương khác mua tài sản bằng đồng nhân dân tệ, làm cho thị trường của Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, rắc rối là các loại tiền tệ trong rổ SDR được cho là có thể sử dụng tự do trong các giao dịch quốc tế và được giao dịch thường xuyên. Nhưng chính các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc khiến cho việc đáp ứng các tiêu chí đó trở nên khó khăn.

Mô hình khôi phục quyền kiểm soát trung ương sau những nỗ lực tự do hóa thất bại có thể đạt đến đỉnh điểm trong cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ tài chính. Dưới danh nghĩa chống độc quyền, họ Tập đã chỉ đạo cuộc tấn công vào hai công ty công nghệ khổng lồ: Alibaba và Tencent, nhất là ngăn chặn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group, một công ty con của Alibaba. Bắc Kinh giải thích những hành động này là để bảo vệ người tiêu dùng, điều này có vẻ hợp lý trong một thế giới mà nhiều quốc gia khác đang tìm cách kiềm chế những gã công nghệ khổng lồ công nghệ; nhưng đối với Bắc Kinh, các động thái này đánh dấu sự kết thúc của một quá trình mở cửa tài chính quan trọng. Bởi vì sau vụ kiểm soát này tuy có giảm thiểu rủi ro tài chính, nhưng nó cũng làm đảo ngược lợi ích của cải cách, vì nhiều người tiêu dùng có thu nhập thấp hiện có ít lựa chọn hơn trong việc tiếp cận tín dụng.

Rốt cuộc là từ năm 2013 cho đến nay, những nỗ lực cải cách kinh tế vĩ mô của họ Tập có thể nói là đều tạo ra những cuộc khủng hoảng nhỏ với đe dọa trở thành một cuộc khủng hoảng lớn hơn, khiến Bắc Kinh quay lại với những gì họ biết rõ nhất – chỉ huy và kiểm soát. Tất nhiên, đường lối chính thức là không có thất bại nào và Trung Quốc đang tiến về phía trước một cách chắc chắn với chương trình nghị sự “cải cách và mở cửa” theo dấu ấn của Đặng Tiểu Bình. Trong một bài phát biểu vào tháng Mười Hai, 2020, Tập Cận Bình tự hào là đã đưa ra 2.485 kế hoạch cải cách, đạt được các mục tiêu của đảng theo đúng tiến độ. Tháng sau, tờ báo chính thức People’s Daily cũng đồng tình khi nói rằng 336 mục tiêu cải cách ưu tiên cao đã “hoàn thành về cơ bản” và ca ngợi “những bước đột phá đáng kể trong việc cải cách sâu rộng toàn diện.”

Nhưng câu chuyện thực tế không phải là thành công cải cách của Trung Quốc cũng như sự chần chừ trong cải cách của họ. Họ Tập đã cố gắng nhưng phần lớn không thành công trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự Đặng Tiểu Bình đưa ra vào năm 1978 mà những người tiền nhiệm của ông Tập đều cố gắng duy trì. Kể từ khi họ Tập lên nắm quyền, tổng nợ đã tăng từ 225% GDP lên ít nhất 276%. Trong năm 2012, phải mất sáu nhân dân tệ tín dụng mới để tạo ra một nhân dân tệ tăng trưởng; vào năm 2020, nó mất gần mười. Tăng trưởng GDP đã chậm lại từ khoảng 9,6% trong những năm trước ông Tập xuống dưới 6% trong những tháng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tăng trưởng tiền lương và tăng thu nhập hộ gia đình cũng chậm lại. Và trong khi tăng trưởng năng suất – khả năng tăng trưởng mà không cần sử dụng thêm lao động hoặc tài nguyên – chiếm tới một nửa khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế vào năm 1990 thì nay ước tính chỉ đóng góp khoảng một phần trăm vào mức tăng trưởng 6% của Trung Quốc. Những dữ liệu này đang báo hiệu sự mất năng động của nền kinh tế Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là họ Tập đã không chống lại cải cách, nhưng tại sao lại thất bại?

Nếu các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các chính phủ khác tin rằng ông Tập đã từ chối cải cách nhưng Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt, thì họ sẽ tán thành và đầu tư vào mô hình của Bắc Kinh. Nhưng nếu họ hiểu rằng họ Tập trên thực tế đã cố gắng tự do hóa nhưng cuối cùng phải rút lui để quay về nền kinh tế chỉ huy và kiểm soát với năng suất thấp, thì họ sẽ tính toán và rời khỏi thị trường Hoa Lục.

Chắc chắn Tập Cận Bình đã nhìn thấy: Nếu không cải cách thì Trung Quốc sẽ đi vào ngõ cụt. Câu hỏi đặt ra là khi nào nó sẽ đến và liệu Bắc Kinh có thực hiện những bước đi táo bạo mà mọi quốc gia đã thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình đã buộc phải thực hiện hay không. Trung Quốc hiện không còn ở vào thời điểm hấp dẫn như thập niên 1980.

Thứ nhất, trong những năm gần đây, chỉ tính riêng lãi vay (không tính đến nợ gốc) đã tăng gấp đôi giá trị tăng trưởng GDP hàng năm: Tình trạng này đang gây ra sự thất bại của các ngân hàng, tái cơ cấu và các vụ vỡ nợ lớn của các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra thảm họa Đại Nhảy Vọt dưới thời Mao, dân số lao động đang thu hẹp lại, dẫn đến lực lượng lao động ít hơn và ít người mua bất động sản so với mức cung quá thừa mứa hiện nay.

Thứ ba, so với thời gian 1978 – 2015, Hoa Kỳ và các cường quốc khác đã không còn chính sách “can dự” với Trung Quốc trên con đường hợp tác toàn cầu. Theo nhiều cách, những luồng gió mà Trung Quốc thừa hưởng được từ sự nhiệt tình của toàn cầu về sự trỗi dậy của họ trước đây thì nay đã trở thành những luồng gió ngược.

Nếu Bắc Kinh không thể lôi kéo các công ty tư nhân gia tăng đầu tư và không thuyết phục được các nền kinh tế lớn tiếp tục gắn bó với Trung Quốc, thì triển vọng kinh tế của Trung Quốc rõ ràng là u ám và bị đẩy ra phía sau. Tại một số thời điểm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối đầu với sự đánh đổi: Hiệu quả kinh tế bền vững và sự độc tôn trong quyền lực chính trị không đi đôi với nhau. Trong suốt lịch sử, các nhà lãnh đạo đã phải đối mặt với vấn đề hóc búa này ở Trung Quốc và các nơi khác đã cố gắng che giấu năng suất lao động giảm để câu giờ và tiếp tục tìm cách duy trì sự tồn tại. Thực sự, một số thống kê gần đây đã không được công bố ở Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ chỉ ra kỷ lục của mình về chủ nghĩa ngoại lệ, nhưng nếu họ tìm ra cách để duy trì sự ổn định, kiểm soát nhà nước và sự năng động kinh tế cùng một lúc, thì đây sẽ là quốc gia đầu tiên trong lịch sử làm được như vậy. Nhưng dựa trên thành tích cải cách hỗn độn trong những năm vừa qua dưới thời họ Tập cầm quyền, sự hoài nghi dường như là chính đáng.

Nếu Trung Quốc gặp phải số phận của các quốc gia có thu nhập trung bình khác không cải cách được cách thức của họ để thoát khỏi tình trạng giảm năng suất, bức tranh sẽ trở nên u ám. Giá tài sản bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể, gây ra sự bất ổn chính trị khi mọi người thấy của cải bốc hơi. Với sự tự tin chùn bước và quá dựa vào những hứa hẹn của chính phủ sẽ đảm bảo ổn định, đầu tư mới sẽ giảm, tạo việc làm sẽ chậm lại, cơ sở thuế và doanh thu sẽ thu hẹp. Tất cả những điều này đã bắt đầu xảy ra, Bắc Kinh buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn hơn nhiều trong tương lai.

Điều đó có nghĩa là một thời kỳ thắt lưng buộc bụng đau đớn đối với Trung Quốc sẽ đến và làm ảnh hưởng đến cả những đối tác của nước này ở nước ngoài – những người đã tin tưởng vào Trung Quốc như một người mua quặng sắt, một nhà cung cấp hỗ trợ phát triển, và một nhà đầu tư trực tiếp vào các công ty khởi nghiệp và nhiều doanh nghiệp khác. Điều này sẽ gây ra một hậu quả địa chính trị to lớn, vì sẽ dẫn đến sự điều chỉnh sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Bắc Kinh có thể trở nên hiếu chiến để tìm kiếm các giải pháp che dấu sự khó khăn bên trong. Nhưng ngược lại, biết đâu Bắc Kinh có thể quay trở lại trọng tâm phát triển trong nước như những năm trước theo đúng lời khuyên “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình và hạn chế sự tập trung của đảng.

Các kinh tế gia không có khả năng dự đoán về những chọn lựa chiến lược của những nhà lãnh đạo chính trị, nhưng lịch sử đã chứng minh rằng mọi quốc gia thành công để có thu nhập cao đều đã trải qua những cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng. Những người chấp nhận sự cần thiết của điều chỉnh và loại bỏ ảo tưởng về hiệu quả mà không cần cải cách sẽ có tính cạnh tranh cao hơn. Trung Quốc có một di sản đáng ca ngợi là chấp nhận cải cách và điều chỉnh, điều này đã tạo nên sự trỗi dậy mạnh mẽ. Cải cách không phải là một chương trình nghị sự của phương Tây thúc đẩy Trung Quốc mà chính là từ nỗ lực của Trung Quốc. Sau một thập kỷ cải cách không thành công, Bắc Kinh dường như đang tìm kiếm một con đường dễ dàng hơn. Nhưng họ Tập cần khám phá rằng cải cách là con đường khó nhất, ngoại trừ tất cả những con đường khác.

(China’s Economic Reckoning) – tác giả Daniel H. Rose – thành viên sáng lập Tổ Hợp Rhodium, có 26 năm kinh nghiệm về phân tích kinh tế Trung Quốc và quan hệ kinh tế Trung – Mỹ.

https://viettan.org/trung-quoc-co-the-tiep-tuc-da-troi-day-hay-khong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét