Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bị đưa vào danh sách 37 nguyên thủ quốc gia trên thế giới bị RSF coi là "những kẻ săn mồi tự do báo chí."
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) lại một lần nữa đưa Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào danh sách những kẻ thù của tự do báo chí, trong đó gồm có hàng chục nguyên thủ quốc gia mà tổ chức này cho là đã đàn áp thô bạo nền báo chí tự do trên toàn thế giới.
RSF, có trụ sở ở thủ đô Paris của Pháp, mới công bố một danh sách được gọi là “những kẻ săn mồi tự do báo chí” gồm 37 lãnh đạo của các chính phủ bị tổ chức này đánh giá là đã áp dụng các phương thức khác nhau trong việc kiểm duyệt và đàn áp tự do báo chí, với các “con mồi” là những nhà báo và truyền thông.
Tổng bí thư Trọng nằm trong số 20 nguyên thủ quốc gia được đưa vào danh sách của RSF thêm một lần nữa, trong đó còn gồm có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong số 17 nguyên thủ quốc gia lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách này có Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed ben Salman, người bị Mỹ cáo buộc phê chuẩn vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018, và Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam, người mà RSF cho là “con rối” của Chủ tịch Tập trong việc thực hiện các chính sách chống lại tự do báo chí, trong đó có việc đóng cửa tờ báo độc lập của Hong Kong Apple Daily hôm 24/6 và bỏ tù người sáng lập và tỷ phú Jimmy Lai từng giành giải Tự do Báo chí Đặc biệt của RSF năm 2020.
Ông Trọng, người gần đây được bầu chọn giữ chức tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp chưa có tiền lệ tại Việt Nam, cũng có tên trong danh sách lần trước của RSF đưa ra cách đây 5 năm, trong đó có 35 nhân vật gồm các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo tôn giáo, các tổ chức tội phạm… chuyên kiểm duyệt, tra tấn, bỏ tù hoặc giết hại những người làm báo.
Nhận định về người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam khi công bố danh sách này hôm 5/7, RSF nói rằng “ông Trọng đã thiết lập một hệ thống đàn áp không ngừng để đối phó với một xã hội dân sự đang ngày càng tìm kiếm thông tin đáng tin cậy, đặc biệt là trên Internet, một cách mạnh mẽ.” Tổ chức thường lên tiếng về các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam còn cho rằng ông Trọng – người, theo Quân đội Nhân dân cho biết, từng có 29 năm làm báo chuyên nghiệp trước khi trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản – dùng đến các điều khoản trong Bộ luật Hình sự, được coi là “sự trừng phạt những người dám lạm dụng quyền tự do dân chủ” để truy tố các blogger và các nhà báo độc lập.
Việt Nam, dù có những cải cách lớn về kinh tế, vẫn bị cộng đồng quốc tế thường xuyên lên án về việc không dung thứ cho những tiếng nói bất đồng chỉ trích Đảng Cộng sản. Luật An ninh mạng và Lực lượng 47 được xem là những công cụ giúp nhà cầm quyền ở Việt Nam siết chặt việc kiểm duyệt trên mạng.
Theo RSF, các mục tiêu hàng đầu của các cuộc tấn công của Lực lượng 47 theo “lệnh của ông Trọng” là những blogger và những người bất đồng chính kiến trên mạng. Những người này đã đăng tải các bài viết trực tuyến rộng rãi từ đầu những năm 2010 và bị bắt giữ hàng loạt với các bản án tù dài hạn kể từ năm 2016, khi ông Trọng trúng cử nhiệm kỳ thứ 2 làm tổng bí thư Đảng. Hơn 30 người trong số họ hiện đang bị giam trong tù trong “những điều kiện kinh khủng,” theo thống kê của RSF.
Các nhà báo độc lập cũng bị bắt giữ nhiều trong những năm gần đây. Phạm Đoan Trang, người được trao giải Báo chí Tự do của RSF năm 2019, nằm trong số những nhà báo bị bắt giữ vào năm ngoái. Trong nửa đầu năm nay, chính quyền Việt Nam cũng bắt giam và đưa ra xét xử nhiều nhà báo độc lập, trong đó có nhóm Báo sạch và các thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Việt Nam chưa lên tiếng trước việc ông Trọng một lần nữa bị đưa vào danh sách “kẻ thù của tự do báo chí” của RSF nhưng Bộ Ngoại giao ở Hà Nội vào tháng trước khẳng định rằng tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam vẫn được thể hiện đa dạng về loại hình và nội dung của báo chí Việt Nam.
Việt Nam bị xếp hạng thứ 175/180 về Chỉ số Tự do Báo chí do RSF công bố hồi cuối tháng 4. Tổ chức này hồi tháng 12 năm ngoái cũng xếp Việt Nam trong số 5 quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất.
Trong số các nguyên thủ quốc gia của châu Á bị đưa vào danh sách “đen” của RSF lần này, còn gồm có Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-Ocha, và Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
RSF lần đầu tiên đưa ra danh sách này vào năm 2001 và 7 trong số 37 nguyên thủ quốc gia trong danh sách năm nay luôn có tên trong tất cả những lần RSF công bố. Tổ chức này cho biết 4 trong số những lãnh đạo được gọi là “kẻ săn mồi” đối với tự do báo chí trong suốt 20 năm qua gồm có Tổng thống Putin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Syria Basha al-Assad và Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei.
Theo Tổng thư ký RSF, Chrisophe Deloire, danh sách 37 nguyên thủ quốc gia được xem là những kẻ thù của tự do báo chí có thể “chưa đầy đủ”. Ông kêu gọi rằng những “kẻ săn mồi này phải trả giá cao nhất có thể cho việc đàn áp” của họ “để những cách làm của họ không trở thành ‘bình thường mới’.”
https://www.voatiengviet.com/a/tbt-nguyen-phu-trong-vao-danh-sach-ke-thu-tu-do-bao-chi-cua-rsf/5955052.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét