Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

7051 - "Mô hình kinh tế Trung Quốc" công cụ tranh giành ảnh hưởng với phương Tây

Thanh Hà 
Bãi xe của Nhà máy lắp ráp xe hơi Trường Thành (Great Wall Motors), Bảo Định (Bading), tỉnh Hà Bắc (Hebei), phía bắc Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 19/02/2017.
 AP - Andy Wong

Theo các chuyên gia Pháp, về đối nội, thành tích kinh tế sau đại dịch Covid-19 là lá chủ bài vững chắc để Bắc Kinh thuyết phục công luận vệ sự « sáng suốt » của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Về đối ngoại, chính quyền của ông Tập Cận Bình coi đây là cơ hội bằng vàng để chứng minh với thế giới về hiệu quả của mô hình « xã hội chủ nghĩa với nét đặc thù Trung Hoa ».

Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa

Vào dịp Bắc Kinh kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản, xin điểm lại một vài cột mốc quan trọng đưa Trung Quốc từ một « nước nghèo » lên đến vị trí nền kinh tế thứ hai toàn cầu, là một đối tác quan trọng của thế giới trong các lĩnh vực từ tài chính đến công nghiệp hàng không, không gian, công nghệ kỹ thuật số...  

Nhưng trước hết, có thể định nghĩa thế nào « mô hình kinh tế Trung Quốc » ?

Năm 1976 khi Mao Trạch Đông qua đời, Trung Quốc là một nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa, là một nước nghèo và lạc hậu. Khi Mao Trạch Đông đọc bản tuyên ngôn nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày 01/10/1949 tại quảng Trường Thiên An Môn, Trung Quốc với 20 % dân số trên thế giới chỉ làm chủ 3 % tổng sản phẩm toàn cầu.

Chính vì muốn đuổi kịp Âu Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc và kể cả một số quốc gia Đông Nam Á chung quanh mà Bắc Kinh dưới thời ông Đặng Tiểu Bình từ 1978 đã hướng tới mô hình « kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa », với điểm khởi đầu là một loạt bốn chương trình hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học kỹ thuật.

Nhưng bên cạnh đó có thêm hai điểm then chốt khác : một là củng cố vai trò của Đảng để đưa đất nước trở thành một cường quốc của thế giới, khuyến khích tư nhân làm giầu, hai là nguyên tắc « cải cách và mở cửa » : mở cửa cho tư nhân tham gia vào các hoạt động kinh tế, mở cửa với thế giới bên ngoài để du nhập những kiến thức mới, những phát minh mới, để thu hút vốn của thế giới tư bản.

Trên đài France Inter của Pháp, nhà kinh tế Thomas Piketty, giảng dậy tại Trường Kinh Tế Paris, giám đốc nghiên cứu Trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội Pháp, ghi nhân sự chuyển đổi từ một nền kinh tế bao cấp sang một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã buộc Bắc Kinh đã phải vượt qua một mâu thuẫn lớn về mặt ý thức hệ : « Chính quyền Bắc Kinh thích tự nhận là một mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa với những nét đặc thù Trung Quốc. Điều này trớ trêu ở chỗ từ khi Trung Quốc tiến hành cải tổ dưới thời Đặng Tiểu Bình thì Bắc Kinh đã đẩy mạnh chính sách tư hữu hóa cho đến tận những năm 2007-2008. Chỉ đến khi đó Bắc Kinh mới dừng lại và giờ đây gần như là hai lĩnh vực kinh tế tư nhân kinh tế quốc doanh đã có chỗ đứng ngang nhau. 50 % các doanh nghiệp trực tiếp được đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước – mà Nhà nước tức là đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nửa còn lại là trong tay tư nhân. Riêng ngành địa ốc là một ngoại lệ vì ở đây, có đến 90 % thuộc về tư nhân, chỉ có 10 % do chính phủ kiểm soát. Nếu như chúng ta nhìn một cách tổng quát hơn nữa thì có thể nói 30 % toàn bộ các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc thuộc về Nhà nước. Trong điều kiện đó thì Nhà nước có khả năng can thiệp rất lớn.

Điểm thứ nhì, Nhà nước Trung Quốc là một chế độ chuyên chế, là một cỗ máy áp bức. Đừng quên rằng 2021 cũng là năm đánh dấu tròn hai thập niên Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Hai mươi năm trước, phương Tây đã tưởng rằng hội nhập kinh tế sẽ giúp Bắc Kinh thay đổi tầm nhìn, có nghĩa là cởi mở hơn, từng bước cải thiện đời sống xã hội, rồi chính trị tại quốc gia này. Giờ đây chúng ta thấy tính toán đó hoàn toàn sai. Do vậy đã đến lúc mà phương Tây, phải có thái độ. Chúng ta nói nhiều đến tình hình ở Tân Cương, đến nạn cưỡng bức lao động, đến tình cảnh Hồng Kông đang bị bóp ngạt. Vậy mà các nền dân chủ vẫn giao thương với Trung Quốc, vẫn nhắm mắt ký với Bắc Kinh hết hợp đồng đầu tư này đến dự án đầu tư khác, kể cả thỏa thuận đầu tư toàn diện cuối năm ngoái… »  

Ảnh hưởng kinh tế của Con Rồng Châu Á

Sau 14 năm đàm phán, tháng 12/2001 Trung Quốc trở thành thành viên thứ 143 của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Đây là đỉnh điểm của chính sách mở cửa kinh tế từ năm 1978. Cũng chính từ thời điểm này kinh tế của Trung Quốc thực sự « tung cánh bay xa » : Phần lớn các hàng rào quan thuế được xóa bỏ giúp hàng hóa, doanh nghiệp Trung Quốc dễ dàng thâm nhập các thị trường « bên ngoài ».  

Trung Quốc cũng đã hội nhập với thế giới vào thời điểm phong trào toàn cầu hóa đang tỏa sáng. Bước kế tiếp, là trong nhiều thập niên, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc hàng năm dao động trên dưới 10 %. Ngày nay GDP của Trung Quốc chiếm 18 % trọng lượng toàn cầu.

Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới, và cũng là nguồn tiêu thụ nguyên và nhiên liệu quan trọng nhất toàn cầu, là đầu tầu kinh tế của thế giới.

Hơn ba mươi năm trước, ngoại trừ Thượng Hải, ít ai biết đến những hải cảng khác như Thanh Đảo hay Thiên Tân. Giờ đây hàng chục cảng của Trung Quốc đã qua mặt luôn cả những Rotterdam hay cảng New York.

Tiền đầy túi các tập đoàn Trung Quốc từ Alibaba đến các đại công ty dầu khí đều ồ ạt đầu tư khắp năm châu … Trong chiều ngược lại thì những tập đoàn sáng giá nhất của ngành công nghệ mới của Âu, Mỹ cũng đã bị Trung Quốc làm mê hoặc. Hãng xe hơi điện Tesla của tỷ phú Elon Musk chẳng hạn đã chen chân cho bằng được vào thị trường Trung Quốc. Còn đối với các tập đoàn xe hơi của Nhật hay Âu Mỹ, thị trường Trung Quốc mới là « the place to be ».

Thịnh vượng kinh tế và bộ máy kiểm duyệt tinh vi 

Trong diễn văn mừng 100 năm tuổi đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm 01/07/2021 chủ tịch Tập Cận Bình đã không quên nhắc tới thành tích đưa hơn 800 triệu dân ra khỏi cảnh bần cùng, đẩy tỷ lệ nghèo khó từ 88 % mới chỉ năm 1981 xuống còn 2 % vào năm 2013 và giờ đây, trên quê hương của Mao Trạch Đông không còn một ai « trong cảnh bần cùng tuyệt đối » theo như ghi nhận của ông Tập và chủ tịch Trung Quốc cho rằng « chỉ có Đảng mới đạt được kỳ công này ».

Tuy nhiên nếu so sánh về mức thu nhập đầu người thì dù đã vươn lên thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới, nhưng theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới, Trung Quốc vẫn xếp hàng thứ 78 trên toàn cầu.

Cây bút xã luận của báo kinh tế Les Echos Dominique Seux cũng trên France Inter nêu lên một yếu tố thú vị : phép lạ kinh tế đã cho phép Bắc Kinh làm chủ luôn cả những công nghệ mới và dùng những công nghệ đó để gia tăng bộ máy kiểm duyệt : « Mô hình kinh tế Trung Quốc ngày nay vừa mang màu sắc cộng sản, vừa được đặt trong tay đảng Cộng Sản nước này và cần chú ý đến yếu tố thứ ba, đó là công nghệ kỹ thuật số. Đây là công cụ cho phép Bắc Kinh kiểm soát mọi hoạt động trong xã hội dân sự, trong các sinh hoạt kinh tế, trong đời sống cá nhân. Chưa bao giờ một nền kinh tế lại có phương tiện kiểm soát tinh vi đến như vậy và đây là điều hết sức đáng lo ngại.

Hơn nữa Trung Quốc không tìm cách thay đổi mô hình của Âu, Mỹ. Mục tiêu mà Bắc Kinh theo đuổi là thuyết phục phần còn lại của thế giới –tức là từ châu Mỹ Latinh đến châu Phi hay châu Á rằng, mô hình kinh tế dân chủ của phương Tây không là giải pháp duy nhất. Trung Quốc có một hướng đi riêng và đó là một giải pháp hiệu quả cho phép đem lại thịnh vượng cho muôn dân. Trung Quốc quảng bá cho một mô hình kinh tế không có tự do, một mô hình được đặt trong tay của một chế độ độc đảng. Phương Tây lầm tưởng rằng với một nền kinh tế mở cửa, đời sống của người dân khá giả hơn thì đi kèm theo đó là những đòi hỏi về tự do lớn hơn và Bắc Kinh sẽ bắt buộc chế độ phải dân chủ hơn một chút. Nhưng sự thực là từ hơn 40 năm qua Trung Quốc không hề thay đổi trên điểm này ». 

« Tư bản » không nhất thiết cần « Tự do » ?

Trong cuốn sách vừa ra mắt độc giả Pháp tháng 4/2021 mang tưa đề « Le National Capitalisme Autoritaire : Une Menace pour la démocratie » (NXB Bleu Autour) nối về mối đe dọa đối với các nền dân chủ khi mà « tư bản » và « tự do » không nhất thiết phải là những khái niệm như mặt Trăng, mặt Trời, hai tác giả Pierre Yves Hénin và Ahmet Insel nhận định : Khi bức tường Berlin sụp đổ, cộng đồng quốc tế đã tưởng chừng mô hình tư bản tự do phương Tây, vốn được xem là thích hợp nhất với các nền dân chủ, là con đường duy nhất mở mang kinh tế. Thế nhưng, kinh nghiệm của Trung Quốc dường như đang chứng minh điều ngược lại : Một chế độ chuyên chế, một chế độ độc tài cũng có thể đem lại thịnh vượng cho muôn dân. Bằng chứng gần đây nhất là sau đại dịch Covid-19 kinh tế Trung Quốc đã phục hồi, tại các nền dân chủ phương Tây thì chưa.

Nhiều năm trước Đặng Tiểu Bình, tại một quốc gia tí hon là Singapore Lý Quang Diệu đã thử nghiệm mô hình đó với phương châm « thu hẹp những đòi hỏi về tự do để đổi lấy bát cơm ». Đó có thể là giấc mơ mà đảng Cộng Sản Trung Quốc đang ấp ủ.

Có điều hai tác giả cuốn sách nói trên, Pierre Yves Hénin và Ahmet Insel thận trọng nhắc với độc giả rằng mô hình kinh tế thị trường với nét đặc thù của Trung Quốc cũng có thể là một bức tường bằng đất sét bởi vì « tương tự như các nền dân chủ tự do », tường thành kinh tế của Trung Quốc cũng có thể sẽ bị những bất bình đẳng trong xã hội làm lung lay.

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20210706-m%C3%B4-h%C3%ACnh-kinh-t%E1%BA%BF-trung-qu%E1%BB%91c-tranh-gi%C3%A0nh-%E1%BA%A3nh-h%C6%B0%E1%BB%9Fng-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét