Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

7071 - “Rốt cuộc, chúng tôi cảm thấy mình bị phản bội”

WESTMINSTER, California – Sau một thời chiến tranh dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, cuối cùng người Mỹ tuyên bố rút quân. Binh lính lên máy bay phản lực và rời đi. Tòa Bạch ốc cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các đồng minh địa phương, nhưng ở trong nước nỗi ham thích chiến tranh đã cạn, và chẳng bao lâu nữa nguồn tài trợ cũng sẽ giảm.

Ông Nguyễn Văn Úc, một cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nói: “Chúng tôi muốn chiến đấu, nhưng không có tiếp liệu, không có nhiên liệu, không có hỏa tiễn. Và người Mỹ đã không giúp đỡ như họ đã hứa”. Ông nhớ lại cú trượt dài đến thất bại. “Tôi nghĩ, cuối cùng chúng tôi cảm thấy bị phản bội.”
Ông nhớ lại sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa năm 1975. Nhưng ông Nguyễn, khi ấy là trung tá chỉ huy một phi đội máy bay trực thăng trong Không lực Việt Nam Cộng Hòa, đã nhìn thấy sự tương đồng với cuộc xung đột ở Afghanistan ngày nay.

Giống như hàng chục ngàn cựu chiến binh Nam Việt Nam khác, ông Nguyễn đã đào thoát khi đất nước sụp đổ. Hiện ông sống ở Quận Cam, California, sau khi định cư ở Westminster, nơi gần một nửa cư dân là người Việt. Tại khu phố Saigon Nhỏ, lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa vẫn tung bay trên các cửa hàng và nhà dân, và mỗi năm thành phố đều chính thức kỷ niệm ngày thất bại của nền cộng hòa mà họ gọi là “Tháng Tư Đen”.

Trong một trung tâm mua sắm, các cựu chiến binh và con cái của họ đã cùng xây dựng một bảo tàng nhỏ – những tủ kiếng chứa đầy huy chương và ảnh chụp của một quốc gia không còn tồn tại. Ở đó, mới đây một số người đàn ông, giờ tóc đã bạc vì tuổi tác, gặp nhau để so sánh kinh nghiệm của họ với tin tức từ Afghanistan.

Tất cả đều nói rằng họ nhìn thấy những điểm tương đồng rõ rệt giữa Việt Nam 46 năm trước và Afghanistan ngày nay: một cuộc rút quân nhanh chóng, kẻ thù bất chấp các thỏa thuận hòa bình và quân đội do Mỹ tạo dựng đột ngột bị bỏ lại với rất ít sự hỗ trợ. Họ lắc đầu thất vọng và cảnh báo rằng một vụ sụp đổ tương tự đang hình thành.

Trong cả hai cuộc xung đột, gánh nặng chiến đấu đều dồn lên vai các lực lượng địa phương. Ước tính có khoảng 250.000 quân Nam Việt Nam chết trong chiến tranh. Ở Afghanistan, con số dao động gần 70.000 người.
Có thể yên tâm rằng, việc Taliban đánh bại chính phủ Afghanistan không hẳn là điều chắc chắn. Và sự sụp đổ nhanh chóng của Sài Gòn, với hình ảnh phi cơ trực thăng Mỹ cấp tốc đưa những đám đông tuyệt vọng rời khỏi nóc nhà Đại sứ quán Hoa Kỳ, có thể sẽ không bao giờ diễn ra ở thủ đô Kabul của Afghanistan. Tổng thống Biden đã gặp tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani, tại Tòa Bạch ốc vào tháng Sáu và cam kết cung cấp $3,3 tỷ viện trợ an ninh. Ông Biden nói rằng, “Chúng tôi sẽ gắn bó với bạn và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để bạn có những công cụ bạn cần”.

Ông Nguyễn, đội chiếc mũ lưỡi trai từ đơn vị quân đội cũ của mình, nói những lời đó nghe giống hệt những lời hứa mà đất nước của ông đã nhận được.

Ông nói: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ điều đó có thể xảy ra với mình, chưa bao giờ trong đầu chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ mất nước… Nhưng rồi điều đó đã xảy ra và không có cách nào để đảo ngược cả.”

Khi cuộc chiến tranh Việt Nam bắt đầu ông Nguyễn là một sinh viên sĩ quan mới ra khỏi học viện quân sự của đất nước. Người Mỹ đưa ông đến Texas, nơi quân đội Mỹ đào tạo rất nhiều sĩ quan Việt Nam trở thành phi công. Trong nhiều năm, ông đã lái phi cơ trực thăng do Mỹ cung cấp cùng với các cố vấn quân sự Mỹ.

Năm 1973, như một phần của thỏa thuận hòa bình mà Hoa Kỳ ký kết với các lực lượng cộng sản Bắc Việt, Tổng thống Richard Nixon tuyên bố rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Việt Nam. Cũng giống như ở Afghanistan, thỏa thuận hòa bình gạt chính quyền địa phương sang một bên và cho phép các lực lượng của đối phương giữ nguyên vị trí. Cũng giống như ở Afghanistan, Nixon thề sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên Quốc Hội Mỹ không có cùng tâm trạng. Năm 1974, Quốc Hội Mỹ chỉ phê duyệt chưa đến một phần ba con số $1,6 tỷ mà Bộ Quốc phòng yêu cầu viện trợ cho miền Nam Việt Nam.

Vào thời điểm lực lượng cộng sản tiến vào Sài Gòn, ông Nguyễn đã tháo tung các bộ phận của một số máy bay trực thăng, chỉ giữ một số ít bay được và có đạn dược cho một sứ mệnh ngắn. Cuối cùng, ông lái một chiếc trực thăng, mang theo càng nhiều người càng tốt, và bay đến nơi an toàn ở Thái Lan.

“Tôi không muốn ra đi, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Chính phủ của chúng tôi và bạn bè của chúng tôi đã bỏ rơi chúng tôi. Đó là chương tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi”, ông nói và nhìn xuống bàn tay mình.

Ông Lý Khải Bình là một trung sĩ tác xạ trong Thủy Quân Lục Chiến của miền Nam Việt Nam, đã nhiều năm chiến đấu bên cạnh người Mỹ. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay của người Afghanistan, ông nhớ lại hoàn cảnh của chính mình. Tại Việt Nam, các cố vấn Mỹ đã dạy chiến thuật của người Mỹ, sử dụng thiết bị của Mỹ, bao gồm cả hỗ trợ đường không rất tốn kém để yểm trợ cho các chiến binh chiến đấu trên mặt đất.
Ông Lý nói: “Họ dạy chúng tôi chiến đấu như những người giàu có, mặc dù chúng tôi đang sống như những người nghèo. Và sau khi họ rời đi, chúng tôi phải tiết kiệm đạn dược. Chúng tôi không thể chiến đấu theo cách mà họ đã dạy chúng tôi ”.

Vào ngày cuối cùng của cuộc chiến, ông Lý đang ở một căn cứ Mỹ bỏ hoang thì nghe đài phát thanh thông báo đầu hàng. “Chúng tôi đã khóc, chúng tôi đã nguyền rủa, thật khó để diễn tả sự tổn thương”, ông nói. Ông Lý quyết định tiếp tục chiến đấu; ông tham gia một lực lượng du kích ở nông thôn. Cuối cùng ông bị bắt và bị đưa vào một trại tập trung do chính quyền cộng sản mới điều hành. Sau một năm lao động khổ sai, ông vượt ngục và chạy sang Hoa Kỳ.

Ông ghét cái ý tưởng từ bỏ một đồng minh khác nhưng cũng lo rằng cam kết tiếp tục cuộc chiến có thể là chuyện điên rồ. Ông tự hỏi liệu chính phủ do người Mỹ xây dựng tại Afghanistan có bao giờ thống nhất được cái văn hóa bộ lạc của đất nước này trong hòa bình hay không.

Ông nói: “Bây giờ tôi là một công dân Mỹ. Tôi hiểu chúng ta phải bảo vệ lợi ích của đất nước mình. Chúng ta đã tham chiến quá lâu. Tuy nhiên, chúng ta cần phải giữ lời hứa. Điều đó đã không được thực hiện ở Việt Nam ”. Ông Lý thở dài: “Tôi không biết liệu nó có thể được thực hiện bây giờ hay không.”

Ở Kabul tuần này, đường phố có vẻ bình thường nhưng số phận của đất nước là chủ đề thảo luận ở mọi ngóc ngách. Và các dòng người tại văn phòng cấp sổ thông hành của thành phố đã đông hơn rất nhiều. Afghanistan cũng đã bắt đầu chứng kiến ​​việc cắt giảm ngân sách giống như đã xảy ra ở Việt Nam.

Lực lượng an ninh Afghanistan đã cảm nhận được sự vắng mặt của người Mỹ. Sự yểm trợ của không quân Mỹ ngày càng giảm, các binh sĩ trên bộ mất đi lợi thế chiến thuật lớn nhất và tinh thần của họ đang suy sụp: hàng trăm binh sĩ Afghanistan đã đầu hàng Taliban trong những ngày gần đây.

Ông Richard L. Armitage – người từng phục vụ ba đợt công cán cùng với lực lượng biệt kích Việt Nam, và sau đó là thứ trưởng bộ ngoại giao khi cuộc chiến Afghanistan nổ ra – cho rằng có những sự khác biệt quan trọng giữa Nam Việt Nam và Afghanistan. Theo ông, Bắc Việt có xe tăng, pháo binh, không quân và đường tiếp tế tinh vi, còn Taliban chỉ có các bệ phóng rốc két và một đội xe bán tải.

Nhưng ông Armitage – người có mặt tại thời điểm Sài Gòn thất thủ và dẫn đầu một chiến dịch đưa hơn 30.000 người đi tị nạn – nói rằng cũng có những điểm tương đồng quan trọng. Ông nói: “Trong cả hai trường hợp, bạn có một chính phủ tham nhũng và kém hiệu quả. Và câu hỏi đặt ra là liệu quân đội sẵn sàng chiến đấu vì chính phủ đó, hay chỉ trút bỏ quân phục của họ và biến mất.”
Ông cảnh báo Kabul có thể sụp đổ nhanh chóng, và vẫn chưa có kế hoạch khả thi nào để di tản tất cả những người Afghanistan đã cộng tác với Hoa Kỳ.

Đối với một thế hệ lính Mỹ, việc chứng kiến ​​sự ổn định mà họ đã giành được một cách khó khăn nay bị tan biến là một nỗi đau đớn cùng cực. Đối với anh Hugh Phạm – con của một người tị nạn từ miền Nam Việt Nam và từ năm 2012 được phân công làm việc chặt chẽ với người Afghanistan với tư cách một sĩ quan tình báo – dư âm của lịch sử còn đau đớn hơn nhiều.

Anh giật mình nhận ra những điểm tương đồng giữa người thân của anh và người Afghanistan khi anh ăn dưa hấu với những người lính Afghanistan; họ đã ăn dưa với muối, giống như những người chú người bác Việt Nam của anh vậy. Anh Phạm, hiện là đại úy trong Lực lượng Quân Dự bị và đang sống ở Đức – nói: “Tôi thấy chúng tôi giống nhau. Ngay lúc đó tôi tự đặt ra nhiệm vụ cố gắng minh oan cho quá khứ của gia đình mình – không để mọi thứ đổ vỡ một lần nữa. “

Thay vì vậy, anh lại chứng kiến một mô thức tương tự, chỉ khác là bây giờ vai trò bị đảo ngược. Anh là một phần trong nỗ lực của người Mỹ mong muốn các lực lượng địa phương làm được nhiều hơn với ít hỗ trợ hơn, và bằng cách nào đó thiết lập hòa bình ở một nơi mà Hoa Kỳ không bao giờ có thể làm được.

Cuối cùng, anh Phạm sẵn sàng cứu những người anh có thể cứu được và anh giúp có được thị thực cho một thông dịch viên mà anh đã cùng làm việc. “Tôi ước ao sao chúng tôi có thể làm được nhiều hơn nữa. Tôi ước chúng tôi đã có thể tìm ra cách thức đúng đắn nhất là gì,” anh nói.

(The New York Times)

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/rot-cuoc-chung-toi-cam-thay-minh-bi-phan-boi/?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét